Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018


KHÔNG THỂ PHÊ PHÁN, PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC
MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Vũ Lực
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thế nhưng, đã có một số ý kiến phê phán, phủ nhận, xuyên tạc mục tiêu này. Thật phi lý!
Từ khi mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cho đến nay, những quan điểm phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với CNXH xuất hiện ngày càng nhiều. Nhìn chung, các quan điểm đều phủ nhận con đường đi lên của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng hết lời ca ngợi Goócbachốp, công khai đi theo con đường TBCN: “Không nên cứ tôn thờ CNXH một cách lý thuyết suông mà không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường TBCN. Tự giác thì sẽ đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích chậm chạp hơn, đau đớn hơn”. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho mô hình “xã hội dân chủ” và tư tưởng dân chủ tư sản; thực hiện âm mưu xóa bỏ chuyên chính vô sản, xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, phủ nhận đấu tranh giai cấp, gây mơ hồ về địch, ta; đề cao chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân tư sản. Đưa ra quan điểm về con đường “dân tộc” đi lên xây dựng xã hội văn minh do trí thức, sinh viên thanh niên làm nòng cốt; nhằm tác động vào giới trẻ để khuyến khích họ đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” và đẩy mạnh chiến tranh tâm lý tác động vào xã hội những khuynh hướng mơ hồ, lệch lạc để lừa bịp quần chúng nhân dân
Có quan điểm cho rằng, thế giới đương đại là thế giới đi theo con đường TBCN nên Việt Nam không thể giữ định hướng XHCN, họ đòi xét lại lịch sử, cho rằng Đảng ta đưa đất nước tiến lên CNXH là vội vàng. Một số người còn cho rằng, không thể đi theo con đường XHCN, vì đi theo con đường đó là đưa dân tộc vào chỗ chết, họ “khuyên” nên chọn con đường TBCN, quay lại con đường phát triển TBCN,… Tuy nhiển, điều đó là không thể, bởi những cơ sở sau:
Trước hết, dân tộc Việt Nam không thể giành được độc lập nếu không có đường lối cách mạng vô sản. 
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta (năm 1858) đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân chính là do không có đường lối cách mạng đúng theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng, phù hợp với tiến trình lịch sử.
Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc, là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, ĐLDT gắn liền với CNXH thì cách mạng nước ta mới thành công. Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn đó bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành ĐLDT, giải phóng đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay. Vì vậy, cần khẳng định, ĐLDT gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của lịch sử, của toàn dân tộc Việt Nam, là sự phù hợp quy luật của tiến trình lịch sử nước ta.
Hai là, giành được ĐLDT mà không gắn với CNXH thì chẳng những không giữ được ĐLDT mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. 
Trong thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, thì việc đấu tranh lật đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành ĐLDT là mục tiêu trước mắt của mọi quốc gia, dân tộc bị áp bức, của các dân tộc thuộc địa. Song, việc xác định mục tiêu lâu dài, con đường phát triển tiếp theo của mỗi nước, mỗi dân tộc lại tùy thuộc vào quan điểm, lập trường của giai cấp cầm quyền. Một số nước sau khi kiên trì đấu tranh giành được ĐLDT quyết định đưa đất nước tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, tính chất của thời đại mới đã tạo ra khả năng hiện thực cho những dân tộc đang còn lạc hậu tiến thẳng lên CNXH. Những khả năng hiện thực này xuất phát từ nhận thức về thời đại, từ cơ sở khoa học trong quan niệm cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề ĐLDT. ĐLDT là mục tiêu, là tiền đề để đi lên CNXH, CNXH là phương hướng phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Chỉ có cách mạng XHCN mới giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi áp bức bóc lột, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội. “ĐLDT là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho ĐLDT”. CNXH bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. CNXH tạo ra sự trao đổi, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Do phát triển đất nước theo định hướng XHCN, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ), 5/8 mục tiêu đã về đích trước năm 2015, được LHQ nhìn nhận là hình mẫu quốc tế trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) trên toàn quốc từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Chính phủ luôn dành nguồn lực lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005 - 2012, Nhà nước đã dành 864.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm dành 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm (giai đoạn 2005 - 2012) giảm từ 2,3% đến 2,5%3. Bởi thế, Chương trình phát triển LHQ đã ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bất bình đẳng, tệ nạn xã hội,… vẫn còn là do đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nên những tồn dư của xã hội cũ không thể mất trong một sớm một chiều.
Phát triển theo mô hình TBCN là phát triển đất nước theo hình thái kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng tư hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất. Trong xã hội TBCN, tư liệu sản xuất thuộc về giai cấp tư sản, còn nhân dân lao động là những người làm thuê, bị bóc lột sức lao động. Hậu quả là một bộ phận nhỏ của xã hội trở nên giàu có dựa trên sức lao động và sự nghèo khổ của đa số người dân trong xã hội. “Xã hội 1%, của 1%” là vì thế. Đó cũng là căn nguyên của phong trào chiếm lấy phố Uôn ở Mỹ thời gian qua.
Ba là, ĐLDT mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ không được hưởng một nền dân chủ thực sự và một xã hội ổn định. 
Dân chủ tư sản phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản và giai cấp này nắm mọi quyền hành trong tay chi phối toàn xã hội. Đó là một nền dân chủ cho số ít, chuyên chính cho số đông và là căn nguyên mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tư bản không được hưởng một nền dân chủ thực sự. Trái lại, dân chủ XHCN, với tư cách là chế độ nhà nước được sáng tạo bởi nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cho nên, luôn đảm bảo mọi quyền lực đều thuộc về tay nhân dân. Nhà nước XHCN là thiết chế chủ yếu thực thi dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của mình. Điều đó cho thấy, dân chủ XHCN vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.
Xã hội TBCN gắn liền với chế độ đa đảng chính trị. Nước ta không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan. Không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải cứ có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền tự quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước, của dân tộc. Dân chủ XHCN thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, bảo đảm cho nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ.
Trên thế giới có nhiều nước theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng về bản chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản và lực lượng ấy thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp mình. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau, mà thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực, điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Thực tế cho thấy, ở những nước mà đa đảng đi kèm với đa nguyên chính trị là những nước có nền chính trị kém ổn định, thường diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế, mất ổn định chính trị, thậm chí lâm vào cảnh hỗn loạn xã hội như đã từng xảy ra ở một số nước hiện nay và nhân dân là người phải gánh chịu hậu quả. Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội.
Bốn là, ĐLDT mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội bị xuống cấp. 
Thực tiễn hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay cho thấy, những tác động tiêu cực của lối sống và văn hóa có nguồn gốc từ xã hội TBCN đến đời sống xã hội nước ta đang hằng ngày, hằng giờ làm phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nếu không ngăn chặn kịp thời. Đặc trưng của sự “xâm lăng văn hóa” là cùng với sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ “văn hóa tư sản” vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là sự thâm nhập của lối sống thực dụng trong xã hội. Những tác động đó đã góp phần trực tiếp hủy hoại nhiều tổ chức và con người. Nó làm xuất hiện và phát triển những căn bệnh khó có liều thuốc chữa hữu hiệu; mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào những giá trị tinh thần, chính trị, đạo đức và truyền thống thương yêu, đùm bọc của dân tộc ta. Sự giúp đỡ lẫn nhau bị hạ xuống hạng thứ yếu trong hệ thống giá trị; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, địa vị của đồng tiền lên ngôi.
Vì vậy, để giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, hội nhập mà không hòa tan chỉ có kiên định với sự lựa chọn con đường tiến lên CNXH, cùng với xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa và lối sống ngoại lai, tạo những điều kiện để tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh của thời đại, làm phong phú thêm cốt cách, lối sống và bản sắc văn hóa cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Năm là, giành ĐLDT mà đưa đất nước theo con đường TBCN là đi ngược lại ước mơ, nguyện vọng, ý chí và phủ nhận sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. 
Đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành ĐLDT, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước là ước mơ, là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta bao đời nay. Vì vậy, sau khi giành được ĐLDT, không có lý do gì để “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân mà lịch sử đã vượt qua. Đảng ta không thể đưa đất nước đi theo con đường TBCN, không thể đưa giai cấp bóc lột quay trở lại địa vị thống trị, đưa dân ta trở lại con đường lầm than, cơ cực, tiếp tục chịu thân phận ngựa trâu. Vì vậy, không thể tự tước đoạt, tự hủy hoại thành quả cách mạng với bao sự hy sinh xương máu của hàng triệu người dân Việt Nam mới có được. Giành được ĐLDT, tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN đối với nước ta là sự lựa chọn hợp quy luật phát triển của nhân loại, đồng thời cũng phù hợp với đặc điểm của dân tộc ta, nguyện vọng, ý chí của nhân dân ta.
Sáu là, kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và BVTQ. 
Ngày nay, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập thì dân tộc và CNXH là một. Chỉ có xã hội XHCN mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”4. Thực hiện mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH trong điều kiện mới, quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị XHCN, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và BVTQ. ĐLDT gắn liền với CNXH tạo cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để chúng ta vận dụng sáng tạo các bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện. Theo đó, kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH mới có thể phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh nhằm giữ vững độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đó là chăm lo xây dựng  “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”5. Do vậy, cho dù thế giới ngày nay và trong những năm tới có thể có nhiều đổi thay, nhưng ĐLDT gắn liền với CNXH mãi mãi là mục tiêu, con đường duy nhất đúng, là tất yếu lịch sử của dân tộc ta trên con đường xây dựng và BVTQ.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12,  Nxb CTQG, H. 2011.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016.
3 - Nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo, Báo Nhân Dân, ra ngày 08-6-2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...