TRANG SỬ VẺ VANG CỦA HAI DÂN TỘC
Sáng 4-1, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
(MTTQ) Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND TP Hà Nội phối
hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây
Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng
(7-1-1979/7-1-2019).
Lễ kỷ niệm như những thước phim tái hiện chặng đường lịch sử
vẻ vang, kề vai sát cánh của quân và dân hai nước Việt Nam-Campuchia. Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dự lễ kỷ niệm.
Tham dự lễ kỷ niệm, về phía Việt Nam còn có các đồng chí: Lê
Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ
tướng Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực
Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí
thư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng;
đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương, TP Hà Nội và các
tỉnh giáp biên giới với Campuchia; các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ
Việt Nam anh hùng; đại diện các cựu chuyên gia, cựu Quân tình nguyện Việt Nam
tại Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; đại diện thanh niên, sinh viên
Việt Nam.
Về phía Campuchia và quốc tế có: Ngài Tep Ngorn, Ủy viên
thường trực Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó
chủ tịch Thượng viện Campuchia, đoàn Chủ tịch danh dự Hội đồng quốc gia Mặt
trận Đoàn kết và Phát triển Tổ quốc Campuchia; các thành viên đoàn đại biểu cấp
cao Campuchia; Đại sứ, cán bộ Đại sứ quán, lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam;
các vị đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước Đông Nam Á, đại diện Liên hợp quốc
tại Việt Nam.
Sự đánh đổi bằng xương máu
Thiên nhiên nhân hậu đã cho dòng sông Mê Công chảy qua hai
nước, tưới mát cho những cánh đồng lúa bát ngát dọc đôi bờ, mang cá tôm nuôi
dưỡng con người, làm nên cuộc sống trù phú của nhân dân Việt Nam và Campuchia.
Dòng sông ấy cũng là nhân chứng của mối tình hữu nghị đoàn kết keo sơn giữa
nhân dân hai nước.
Ngược dòng lịch sử gần nửa thế kỷ trước, Campuchia, với
những ngôi đền Angkor hiền hòa, đền Bayon 4 mặt chỉ hướng về một vầng ánh sáng
hòa bình, là đất nước của những người con gái, con trai mình cuốn sarong tần
tảo, hiền lành. Thế nhưng, một ngày, bóng đen bỗng ập xuống với cơn hủy diệt
thế kỷ bạo tàn khắc vào lịch sử Biển Hồ một trang thấm đẫm đau thương. Làng xóm
điêu đứng, số phận non sông chìm trong lưỡi hái Angkar tử thần. Những giọt thốt
nốt bỗng mang vị mặn của nước mắt, ngọn gió Biển Hồ cũng đượm mùi tanh của máu.
Lời ru Apsara của những bà mẹ Campuchia nghe buồn như những tiếng nấc nghẹn.
Tiếng kêu than thấu đến tận cao xanh. Việt Nam và Campuchia sông núi liền kề,
một tiếng chim kêu cả hai vùng biên cương cùng nghe thấy. Vì vậy, nỗi đau này
lan tỏa sang cả hai. Sự hủy diệt không chỉ dừng lại ở riêng một bờ cõi khi cái
ác bao giờ cũng vươn vòi, phun nọc độc ra khắp mọi nơi. Cả hai dân tộc đều bị
phá phách đến tận cùng.
Lời hát của ca khúc “Người lính tình nguyện và Điệu múa
Apsara” đã đưa khán giả trở về những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước: “Em dịu
dàng trong điệu múa Apsara/Anh là người lính tình nguyện... Anh từng đi vượt
rừng sâu/Qua bao mùa giông bão/Cùng những người lính Campuchia anh dũng…”. Đó
là thời điểm đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu
nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ
quốc thiêng liêng của mình, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không
quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến
hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm
họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7-1-1979 của cách mạng Campuchia.
Chiến thắng ngày 7-1-1979 là sự đánh đổi xương máu, nước mắt
và những năm tháng tuổi xuân của không ít đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội
nhân dân Việt Nam và Quân đội Campuchia. Với Đại tá Nguyễn Dĩnh, Chủ tịch Hội
Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, cựu Quân tình nguyện Cơ quan Chính trị Bộ tư lệnh
719, cho dù năm tháng đã qua đi nhưng trong tâm trí ông vẫn luôn in đậm những
ký ức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ
quốc tế ở Campuchia đầy khó khăn, gian khổ, về tinh thần đoàn kết quốc tế, sự
thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, cũng như
sự chăm sóc, đùm bọc, chở che của nhân dân Campuchia đối với những người lính tình
nguyện Việt Nam.
Trong dòng hồi ức của ông, khi tiến quân vào Campuchia, bộ
đội tình nguyện Việt Nam được nhân dân khắp các vùng miền của đất nước Angkor
hân hoan chào đón. Những ngày đầu sau giải phóng, bộ đội tình nguyện, chuyên
gia Việt Nam luôn sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp họ khôi phục sản xuất,
ổn định cuộc sống. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã về nước lấy hạt giống
cùng nông dân Campuchia gieo trồng. Bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam
đã cùng nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ em Campuchia mồ côi sau nạn diệt chủng, giúp
bạn xây dựng trường học, bệnh viện, củng cố chính quyền nhân dân. “Xóa bỏ chế
độ diệt chủng Pol Pot-nguồn gốc của họa diệt chủng đối với nhân dân Campuchia,
nguồn gốc gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, là kết quả của liên minh đoàn kết
chiến đấu xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc
tế trong sáng của hai đảng, hai nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước
Việt Nam-Campuchia. Truyền thống đoàn kết đó đã được thử thách, tôi luyện trong
chiến đấu, với biết bao hy sinh xương máu của những người con ưu tú của cả hai
dân tộc, bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của mỗi nước và lưu giữ đời
đời cho các thế hệ mai sau. Thay mặt cho những đồng đội còn mang thương tật bên
mình và những người được trở về lành lặn, được hưởng nền hòa bình và thịnh
vượng của đất nước, xin được tưởng nhớ anh linh những đồng đội-những người lính
tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trên chiến trường Campuchia, những người trai
trẻ để lại sau lưng mẹ già và làng quê vừa yên bình sau hai cuộc chiến, lên
đường bảo vệ Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol
Pot”, Đại tá Nguyễn Dĩnh phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương mà nó để lại vẫn chưa
lành. Nỗi đau mất người thân của biết bao gia đình vẫn còn đó. Hàng vạn liệt sĩ
đã hy sinh xương máu, trong đó vẫn còn không ít trường hợp chưa tìm được hài
cốt; rất nhiều thương binh, bệnh binh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do
thương tật; nỗi oan khuất của hàng nghìn người dân Việt Nam vô tội bị bọn diệt
chủng sát hại không gì bù đắp được. Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc (An
Giang) là nơi luôn nhắc nhở chúng ta về những đau thương, mất mát lớn lao cũng
như những tội ác tột cùng của chế độ diệt chủng.
Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ
niệm, Phó bí thư Tỉnh đoàn An Giang Võ Thị Thủy Tiên không giấu được xúc động,
nghẹn ngào. Với lòng biết ơn vô hạn, Thủy Tiên bày tỏ sự trân trọng, khắc sâu
những hy sinh to lớn, lòng quả cảm, ý chí kiên cường của thế hệ cha anh
đã không tiếc máu xương vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ
của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Thủy Tiên khẳng định, thế hệ trẻ hôm
nay xác định rõ trách nhiệm của mình, sống có lý tưởng, hoài bão để tiếp nối
truyền thống vẻ vang đó. “Tuổi trẻ chúng cháu xin hứa sẽ đem sức mạnh, bản lĩnh
và tâm hồn Việt vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy
sinh, công lao to lớn của các thế hệ đi trước. Đồng thời, với vai trò, sứ mệnh
của mình, tuổi trẻ Việt Nam sẽ tăng cường kết nối, tổ chức các hoạt động giao
lưu, hợp tác với các tổ chức thanh niên và tuổi trẻ Campuchia, góp phần vào
việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống,
hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng đi
vào chiều sâu và mãi mãi bền vững”,Thủy Tiên bày tỏ.
Cùng chung cảm xúc giống như Võ Thị Thủy Tiên, Ngoun Meng
Heang, Trưởng đoàn lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu
sắc về sự giúp đỡ to lớn, kịp thời và hiệu quả của Quân tình nguyện Việt Nam
giúp lật đổ chế độ diệt chủng, đem lại chiến thắng vẻ vang cho nhân dân
Campuchia. Với Ngoun Meng Heang, ngày 7-1 hằng năm nhắc nhở thế hệ trẻ về tình
hữu nghị anh em lâu đời của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia-những người
bạn tốt, anh em tốt, láng giềng tốt, luôn hy sinh mọi mặt, giúp nhau trong mọi
hoàn cảnh. “Tất cả chúng tôi quyết tâm gìn giữ tinh thần chiến thắng ngày 7-1
sống mãi trong lòng mọi sinh viên Campuchia và các thế hệ sau này. Với tư cách
là những người kế tục, chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định
và tiến bộ ở Campuchia, tiếp tục giữ gìn tình hữu nghị tốt đẹp, truyền thống
Campuchia-Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, Ngoun Meng Heang khẳng
định.
40 năm đã trôi qua nhưng nghĩa tình Việt Nam-Campuchia vẫn
lắng đọng lại trong hương đất, hương trời. Nghĩa tình ấy được xây nên từ máu và
nước mắt để dệt nên khúc hát thái hòa hôm nay. 40 năm ấy thấm bao nhiêu tình.
Chiến thắng ngày 7-1-1979 vì lẽ đó sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng.
HOÀNG VŨ
http://www.qdnd.vn/40nam-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam/tin-tuc/trang-su-ve-vang-cua-hai-dan-toc-559761
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét