Những năm gần đây lợi dụng các sự kiện lớn của đất nước, các thế lực phản động, thù địch và các phần tử cơ hội chính trị lại gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những trọng tâm chống phá, xuyên tạc là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận chế độ một đảng lãnh đạo trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Họ cho rằng, một đảng là không dân chủ; là nguồn cơn sinh ra quốc nạn tham nhũng, do đó, chỉ có đa nguyên, đa đảng mới đem lại dân chủ, tự do, sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững?; Rằng xây dựng chế độ dân chủ được hậu thuẫn bởi nền tảng đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng là điều kiện cần để Việt Nam đi tới văn minh, cường thịnh, dân chủ, phát triển?
Chủ thể của những luận điệu đó là các tổ chức, cá nhân ở trong, ngoài nước dưới danh nghĩa là các “công dân”, “nhà báo”, “nhà văn”, “nhà dân chủ”, “nhà trí thức”, “học giả”, “nhà nghiên cứu”, “người yêu nước”, “nhà hoạt động xã hội”, “chuyên gia độc lập”… Mục đích của họ là nhằm gây hoang mang, dao động về tư tưởng, làm mất niềm tin, tình cảm, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong nhân dân và trong Đảng; chia rẽ Đảng và nhân dân, làm rối loạn xã hội, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; xóa bỏ thành quả cách mạng, cản trở con đường ổn định, phát triển của dân tộc Việt Nam; lái nền dân chủ của Việt Nam theo quỹ đạo dân chủ tư sản… Những luận điệu đó được ngụy trang, đăng tải, phát tán bằng nhiều phương tiện, thủ đoạn tinh vi, nhất là thông qua mạng xã hội dưới hình thức “chia sẻ thông tin”, “cung cấp thông tin”, tham gia “phản biện”, “kiến nghị”, “tư vấn”, “góp ý”, “gợi ý”, “khuyến nghị”.
Những luận điệu nêu trên về thực chất là phiếm diện, lệch lạc, sai trái, phản khoa học, không đúng thực tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ, truyền thông mạng xã hội phát triển như hiện nay, những luận điệu đó có thể gây ra tác hại khôn lường đối với cá nhân và xã hội; gây ra những tác động tiêu cực vô cùng phức tạp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nó làm cho không ít người, nhất là thanh niên, trí thức kể cả cán bộ, đảng viên ngộ nhận, mất phương hướng, không phân biệt đúng - sai, phải – trái, dẫn đến yêu sai, ghét nhầm, mất niềm tin vào cuộc sống của bản thân và tiền đồ của quốc gia, dân tộc. Trên thực tế, một số người kể cả trí thức, văn nghệ sĩ và một số cán bộ, đảng viên từng ít nhiều có thành tích cống hiến cũng đã bị lung lạc, dao động, ngả nghiêng, thậm chí dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bội lại sự nghiệp của Đảng và nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét