Ngày 14-02-2019, vụ tấn công của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (có trụ
sở tại Pa-ki-xtan) vào khu vực Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát đã châm ngòi cho
một loạt hành động trả đũa quân sự lẫn nhau giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt
nhân. Dư luận quốc tế lo ngại rằng, căng thẳng trên nếu không được giải quyết
kịp thời có thể làm bùng nổ “lò lửa” Nam Á vốn đã âm ỉ từ lâu.
Lịch sử quan hệ thù địch giữa hai nước
Xét một cách toàn diện, những mâu thuẫn dai dẳng, có lúc căng thẳng đến
đỉnh điểm xảy ra giao tranh giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan có nguồn gốc sâu xa từ
trong lịch sử. Dưới thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ được chia làm hơn
500 vương quốc do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực
thật do người Anh nắm giữ. Tháng 8-1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho
vùng Nam Á theo Kế hoạch Mun-bát-ten (Mountbatten), chia khu vực này thành 02
quốc gia độc lập là Ấn Độ (với người Hin-đu chiếm đa số) và Pa-ki-xtan (với đa
số là người Hồi giáo).
Sau quyết định chia tách, 90 triệu người dân của các tiểu quốc đứng
trước sự lựa chọn gia nhập một trong hai quốc gia mới. Trong quá trình di
chuyển về lãnh thổ quốc gia lựa chọn, các tôn giáo đã tàn sát lẫn nhau, làm
hàng trăm nghìn người dân bị giết hại, đẩy mâu thuẫn hận thù tôn giáo, sắc tộc
giữa hai nước lên cao. Không lâu sau đó, tháng 10-1947, cuộc tranh chấp khu vực
Ca-sơ-mia bằng quân sự lần đầu tiên xảy ra giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Do cuộc
chiến kéo dài không có hồi kết, ngày 01-01-1949, một thỏa thuận ngừng bắn do
Liên hợp quốc làm trung gian được ký với quyết định dành 65% lãnh thổ Ca-sơ-mia
cho Ấn Độ kiểm soát và phần còn lại thuộc về Pa-ki-xtan. Đường ranh giới ngừng
bắn (LOC) được thiết lập và từ đó đến nay vẫn được coi như biên giới giữa Ấn Độ
và Pa-ki-xtan tại Ca-sơ-mia.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đa số người Hồi giáo ở khu vực Ca-sơ-mia
thuộc phần kiểm soát của Ấn Độ không muốn nằm dưới quyền cai trị của người
Hin-đu, cùng với việc nhiều tín đồ Hồi giáo ở đây bị phân biệt đối xử khi di cư
tới những khu vực khác của Ấn Độ, khiến mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ngày càng
lên đỉnh điểm. Với lý do đòi lại công bằng cho những người Hồi giáo anh em ở
bên kia biên giới, nhiều nhóm vũ trang được thành lập tại phần lãnh thổ
Pa-ki-xtan để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào người Hin-đu, nhưng kết
quả không những không đạt được, mà còn làm cho mối quan hệ giữa hai tôn giáo,
hai quốc gia ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Không dừng ở đó, năm 1965,
Ca-sơ-mia tiếp tục là khu vực tranh chấp lần thứ hai giữa Pa-ki-xtan và Ấn Độ,
trực tiếp là giữa hai tôn giáo nhưng kết cục cũng không cải thiện được tình
hình. Và rồi, cuộc xung đột lần thứ ba tiếp tục diễn ra vào năm 1971, khi Ấn Độ
trợ giúp phong trào ly khai đòi độc lập ở Đông Pa-ki-xtan với kết quả là nước
Băng-la-đét được thành lập. Và mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Trước tình hình đó, để khẳng định sức mạnh quân sự răn đe đối thủ, cả
hai nước bước vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và trong cuộc xung đột nghiêm
trọng gần đây nhất (tháng 5-1999), tại vùng Ca-gin, hai nước đã đe dọa và có ý
định sử dụng vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân là do biệt kích Pa-ki-xtan đã xâm
nhập vào vùng lãnh thổ Ca-sơ-mia thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, nhằm tái
chiếm một thung lũng mà Pa-ki-xtan cho rằng là của mình. Về mặt địa lý, Ca-gin
là vùng đất nằm sát đường ranh giới giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan do Liên hợp quốc
lập ra tại khu vực Ca-sơ-mia. Khu vực này được bao quanh bởi những dãy núi cao
có giá trị lớn về mặt quân sự, nhất là việc triển khai các phương án cơ động
lực lượng yểm trợ, tiếp tế quân lương qua tuyến đường nối với Ska-du - một thị
trấn của Pa-ki-xtan, cách Ca-gin khoảng 170km về phía Tây Bắc. Nếu chiếm được
Ca-gin, Pa-ki-xtan sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Ca-sơ-mia. Ban đầu,
I-xla-ma-bát phủ nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và cho rằng đó là kế hoạch
của một nhóm phiến quân độc lập. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do Liên hợp quốc
tiến hành đều khẳng định: quân đội Chính phủ Pa-ki-xtan là lực lượng thực hiện
kế hoạch chiếm đóng Ca-gin. Thậm chí, Mỹ còn chỉ rõ rằng, hầu hết 700 quân xâm
nhập qua đường ranh giới Ca-sơ-mia là thuộc Quân đoàn 10 của Pa-ki-xtan. Với
quyết tâm không thể để mất khu vực địa hình có giá trị chiến lược này, ngày
06-6-1999, Ấn Độ dồn tổng lực tấn công quân sự với chiến dịch mang tên Vi-jay.
Sau hơn một tháng giao tranh dữ dội, con số thương vong của cả hai phía đã lên
tới gần 2 nghìn người; cuộc tranh chấp Ca-gin đã đẩy hai nước tới sát bờ vực
chiến tranh hạt nhân, nguy hiểm hơn cả thời điểm năm 1962, khi Liên Xô và Mỹ đe
dọa sử dụng tên lửa hạt nhân xung quanh việc giải quyết vấn đề Cu-ba. Đứng
trước tình hình này, nhiều quốc gia trên thế giới không thể ngồi im. Cuối tháng
6-1999, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn và các cố vấn an ninh quốc gia đã có cuộc
họp khẩn cấp để kịp thời tháo ngòi nổ chiến tranh. Với những dữ liệu điều tra
có được về việc Pa-ki-xtan đang chuẩn bị triển khai lực lượng hạt nhân, trong
thư gửi Thủ tướng Na-oa Sa-ríp, Tổng thống Bin Clin-tơn đặt điều kiện tiên
quyết là I-xla-ma-bát phải rút quân, nếu không Oa-sinh-tơn sẽ giữ lại 100 triệu
USD mà nước này vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Sau nhiều cuộc trao đổi gay gắt,
cuối cùng Mỹ cũng đã tạo được sức ép với nhà lãnh đạo Pa-ki-xtan trong chuyến
thăm Oa-sinh-tơn vào đầu tháng 7-1999. Ngày 11-7-1999, Pa-ki-xtan buộc phải rút
quân khỏi Ca-gin, kết thúc một trong những cuộc chiến được coi là đẫm máu nhất
giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân tại Nam Á.
Có thể nói, Ca-sơ-mia là tâm điểm tranh chấp giữa hai nước và trên thực
tế, sau trận chiến Ca-gin năm 1999, Ấn Độ và Pa-ki-xtan đã có những nỗ lực đàm
phán nhằm xây dựng một mối quan hệ hữu hảo hơn. Điều đó được thể hiện rõ nét
vào năm 2015, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Ấn Độ
Na-ren-đra Mô-đi đã mời người đồng cấp Pa-ki-xtan Na-oa Sa-ríp tham dự lễ nhậm
chức của mình. Tiếp theo đó, Niu Đê-li đã khởi động một tiến trình hòa giải với
quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, kế hoạch của hai bên chưa kịp triển khai thì
ngày 02-01-2016, căn cứ không quân Pa-than-kot của Ấn Độ lại bị nhóm khủng bố
Jaish-e-Mohammad tấn công. Hy vọng hòa bình vừa nhen lên đã lại vụt tắt.
Nguy cơ thổi bùng lò lửa Nam Á
Vụ tấn công khủng bố ngày 14-02-2019 nhằm vào Ấn Độ thêm một lần nữa
thổi bùng những mâu thuẫn giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có thể
biến Nam Á thành một “lò lửa” khó kiểm soát. Cáo buộc I-xla-ma-bát đứng đằng
sau vụ đánh bom, Niu Đê-li đã thực hiện hàng loạt hành động đáp trả, như: xóa
bỏ ưu đãi tối huệ quốc đối với Pa-ki-xtan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đập ở
thượng nguồn sông Ấn làm giảm nguồn nước chảy vào Pa-ki-xtan, đưa chiến đấu cơ
không kích các cơ sở của Jaish-e-Mohammad trên đất Pa-ki-xtan. Đây là lần đầu
tiên trong lịch sử, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện không kích
vào một quốc gia khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Pa-ki-xtan lập tức
bắn hạ 02 máy bay Ấn Độ, điều động thêm 05 đơn vị tên lửa đất đối không LY-80
(HQ-16) và ra-đa cảnh giới đường không IBIS-150 cùng nhiều máy bay không người
lái tới sát đường biên giới nhằm răn đe đối thủ.
Xét về tương quan sức mạnh quân sự, Pa-ki-xtan hiện duy trì lực lượng
quân đội đông đảo với 560.000 binh sĩ, nhưng vẫn kém hơn nhiều so với con số
1,2 triệu quân của Ấn Độ. Trong trường hợp khẩn cấp, Niu Đê-li vẫn còn lực
lượng dự bị và tổng động viên đông đảo gấp nhiều lần I-xla-ma-bát. Ấn Độ hiện
có khoảng 3.500 xe tăng, trong đó có các xe tăng hiện đại nhất của Nga là T-90;
trong khi đó, Pa-ki-xtan chỉ sở hữu khoảng 2.500 xe, chủ yếu do Trung Quốc sản
xuất. Về không quân, Pa-ki-xtan hiện có 425 máy bay chiến đấu các loại do Pháp,
Mỹ, Trung Quốc sản xuất; Ấn Độ sở hữu 800 máy bay nhưng đa số có từ thời Liên
Xô, như: MIG-21 và MIG-27, sức mạnh chủ lực của không quân Ấn Độ nằm ở 200
chiếc Su-30 với đầy đủ trang thiết bị, vũ khí tối tân. Về hải quân, Ấn Độ sở
hữu nhiều tàu chiến cỡ lớn hơn Pa-ki-xtan. Điểm đáng lưu ý là, dù yếu thế hơn
nhiều so với Ấn Độ về sức mạnh quân sự, nhưng Pa-ki-xtan vẫn nắm trong tay “vũ
khí tối thượng” có sức mạnh tương xứng, đó chính là vũ khí hạt nhân. Theo thống
kê, Pa-ki-xtan sở hữu khoảng từ 140 - 150 đầu đạn hạt nhân, hơn một chút so với
Ấn Độ (khoảng 130 - 140). Theo nhận định của các nhà phân tích, ngưỡng giới hạn
cho một cuộc chiến tranh hạt nhân bùng nổ giữa hai quốc gia này hiện đang ở mức
“báo động đỏ”. Học thuyết hạt nhân của Pa-ki-xtan chỉ thị rõ mục tiêu tấn công
hạt nhân duy nhất là Ấn Độ. Nguy hiểm hơn, Pa-ki-xtan cũng có quan điểm sẵn
sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhằm đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí
thông thường trên quy mô lớn của Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã phát triển học
thuyết “khởi phát nhanh” để sẵn sàng trả đũa ngay sau một cuộc tấn công bất
thường của Pa-ki-xtan, với việc huy động nửa triệu binh sĩ trong 72 giờ và tấn
công bằng xe bọc thép, nhanh chóng chiếm các mục tiêu giới hạn dưới ngưỡng hạt
nhân của I-xla-ma-bát.
Hiện tại, nhiều cường quốc, nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga đang nỗ lực
ngăn chặn việc bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Nam Á. Những tín hiệu
phát đi gần đây của Ấn Độ và Pa-ki-xtan cho thấy, cấp độ thù địch đã vượt xa các
đụng độ ở biên giới. Hay nói cách khác, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân
sự Ấn Độ - Pa-ki-xtan trên quy mô lớn là rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra
rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan không chỉ giết
chết hàng triệu người ở Nam Á, mà còn gieo rắc thảm họa lên ngành nông nghiệp
toàn cầu bởi một lượng rất lớn khói, tro bụi bay vào bầu khí quyển và có thể
dẫn tới cái chết của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới.
Theo các nhà phân tích quốc tế, cả Ấn Độ và Pa-ki-xtan đều đang ở trên
“con dốc trơn” và nếu họ không ngừng ngay các cuộc không kích cũng như nã pháo
vào nhau, rất có thể hai nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân này sẽ không
còn đường lui. Hiện nay, cánh cửa để hạ nhiệt căng thẳng dù hẹp nhưng cơ hội
cho một thỏa hiệp vẫn còn, nếu mỗi bên chịu dẹp bớt những toan tính, lợi ích
riêng để cùng ngồi lại vì sự ổn định chung. Bởi, tiếp tục quân sự hóa cuộc xung
đột chỉ làm suy yếu khả năng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. Nếu ban
lãnh đạo mỗi nước không thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, tranh chấp và bạo lực
sẽ tiếp tục khiến vòng xoáy xung đột gia tăng lên những cấp độ mới.
Dư luận kỳ vọng, thời gian tới, với sự giúp đỡ của các cường quốc và tổ
chức quốc tế, hai nước sẽ giải quyết cuộc xung đột thông qua các biện pháp
ngoại giao và đối thoại vì mục đích hòa bình, ổn định không của chỉ riêng hai
nước, mà cả của khu vực và thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét