Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

MỘT SỐ YÊU CẦU TRONG ĐẤU TRANH TRỰC DIỆN PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HỒ CHÍ MINH
                                                                          Thiên Thanh
Hiện nay, các lực lượng phản động trong và ngoài nước vẫn đang điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam nhằm đưa Việt Nam đi theo con đường khác,  không phải là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam đã và đang tiến hành là “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, để đi đến xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chúng ta đều biết: Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã trở thành giá trị văn hóa có tính bền vững của cả dân tộc Việt Nam. Giá trị đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trong với Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự phát triển của đất nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. “Hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là đánh vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tức là làm mất đi giá trị văn hóa và làm cho Việt Nam đi theo con đường khác. Chính vì vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có hàng loạt những bài, những sách viết xuyên tạc một cách trắng trợn, vô căn cứ về Hồ Chí Minh.
Các công trình khoa học nghiên cứu chân thực về Hồ Chí Minh đã được công bố cả ở trong nước và ngoài nước trong những năm qua, tự nó đã là những mũi tiến công sắc bén vào những luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở những công trình, tác phẩm đó thôi là chưa đủ. Trong cuộc đấu tranh này rất cần có cả những bài viết, những tác phẩm đấu tranh trực diện để chống lại những luận điệu sai trái, phản động đang tấn công vào Hồ Chí Minh.
Có người cho rằng, những luận điệu xuyên tạc với cái dã tâm xấu xa ấy, những giọng điệu cực đoan, chửi rủa theo kiểu “hàng tôm hàng cá” ấy không đáng để chúng ta viết bài chống lại; cách tốt nhất là hãy cứ “lờ” đi, chỉ cần có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh, đúng đắn về Hồ Chí Minh là đủ, v.v. Vấn đề không đơn giản như vậy. Trong tình hình hiện nay, chúng ta rất cần thiết phải có những bài bút chiến trực diện để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để đấu tranh phản bác lại những luận điểm xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh hơn nữa việc công bố những bài viết phản bác trực diện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Song, muốn những bài biết kiểu này có hiệu lực thực sự, cần nắm vững một số yêu cầu sau đây:
Một là, cần nghiên cứu nắm vững đối tượng phản bác.
Thời gian qua, đã có nhiều bài viết của các học giả, các nhà khoa học đấu tranh trực diện với những quan điểm xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có không ít tác giả chưa thực sự chú ý đến đối tượng mà mình phản bác. Những kẻ xuyên tạc Hồ Chí Minh, thường có cái tâm xấu với ý đồ đen tối. Đó thường là những kẻ phản động. Những người này hoàn toàn có quan điểm, lập trường khác chúng ta, hoàn toàn không đứng trên quan điểm của Đảng. Do vậy, khi đấu tranh với những loại người này bên cạnh việc chỉ rõ những luận điệu chúng đưa ra là sai trái, bịa đặt, thì cần phải làm cho độc giả thấy rõ: chúng là ai? chúng làm cho ai? mục đích mà chúng đang làm là gì? Muốn như vậy cần phải nắm vững đối tượng phản bác.
Hai là, sử dụng những ngôn từ văn hóa để đối lại lời lẽ chửi rủa của những kẻ xuyên tạc.
Những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh của những người không có tâm lành thường là rất cực đoan, bôi đen, chửi rủa kiểu “hàng tôm hàng cá”. Song, để chống lại những luận điệu đó một cách có hiệu quả cao, những chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận này cần phải có tâm, có tầm, phải vượt lên trên đối tượng phản bác cả về trí tuệ và cách ứng xử văn hóa. Sự phê bình nào cũng cần cái chất văn hóa, có như thế sự phê bình, phê phán mới ở tầm trí tuệ, mới có tác dụng, và qua đó cũng có thể hy vọng làm cho đối tượng được phê bình, phê phán tâm phục, khẩu phục.
Những bài phê phán, phản bác sắc bén bao giờ cũng đi kèm với lối lập luận, lối hành văn trong sáng, hấp dẫn, đầy tính nhân văn, hướng thiện. Qua đó để hướng cho người đọc vào cái đẹp, cái chân thực của tình và lý. Điều này khác một trời một vực với kiểu lý lẽ thiếu sắc bén, nhưng lại được viết theo kiểu đao to búa lớn, chửi cho bõ tức, chửi rủa thô tục, “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”. Điều này đòi hỏi, những bài luận chiến này càng phải được đặt trên cái nền của văn hóa. Có như thế, những lời lẽ của người viết mới có sức sống lâu bền. Cái bền và cái lan tỏa của văn hóa chính là ở đó.
Ba là, những bài viết cần kịp thời, có lý lẽ khoa học.
Những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh thường rải rác cả thời gian và không gian, cho nên cần theo dõi chặt chẽ để có những bài viết phản bác kịp thời. Muốn vậy, chúng ta phải có bộ phận chuyên trách theo dõi để phối hợp hoạt động nhịp nhàng, chú ý cung cấp tài liệu kịp thời cho người viết. Kịp thời, đúng thời cơ là một nhân tố bảo đảm sự thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng nói chung, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay. Với công nghệ này, cần tận dụng các phương tiện một cách phong phú, hiệu quả. Chưa bao giờ mặt trận tư tưởng được mở rộng với nhiều phương tiện, hình thức như giai đoạn hiện nay. Đó là các phương tiện nghe nhìn, là truyền miệng, là báo viết, điện tử, báo hình, là phương tiện lưu truyền không chỉ là trên giấy, v.v. Người chiến sĩ trên mặt trận này hiện nay chưa bao giờ có được những lợi thế hành nghề như thế. Nhưng, lợi thế đó cũng nằm ở phía bên kia, khi chúng được chu cấp nguồn kinh phí lớn, phương tiện với công nghệ hiện đại để làm việc này. Do vậy, yêu cầu đặt ra với chúng ta là phải có sự đầu tư thêm để nâng cấp các phương tiện, mặc dù phương tiện không phải là số 1, càng không phải là duy nhất, nhưng chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng.
Bốn là, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xung kích đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh.
Thực tế cho thấy, có một số bài viết, bài nói phê phán lại các luận điệu xuyên tạc của một số người về Hồ Chí Minh không có sức thuyết phục, chất lượng đấu tranh còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do những bài viết đó ít có chất liệu khoa học, lý lẽ không xác đáng. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: người viết phải có trình độ chuyên sâu, với phương pháp tốt. Một bài viết phản bác phải là sự kết tinh của trí tuệ, trách nhiệm, tình cảm của tác giả. Một bài bút chiến dù có dùng bút pháp phù hợp đến đâu nhưng nội dung nhạt nhòa thì không thể có sức thuyết phục, không thể làm cho độc giả tâm phục, khẩu phục được.
Do đó, lực lượng xung kích đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh phải là những người am hiểu tường tận về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh. Điều này đặt ra yêu cầu lực lượng này phải được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản để có sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc về Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi một chiến sĩ xung kích trên mặt trận này phải luôn hiểu rõ tính chất nguy hại của những luận điệu xuyên tạc, sai trái đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, từ đó mà nêu cao ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ này. Lực lượng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng phải coi việc thường xuyên đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ chính trị của bản thân và của cơ quan, đơn vị, là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên./.


1 nhận xét:

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...