Về luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh
là chủ nghĩa dân tộc”
Thiên Thanh
Thời gian qua, các thế lực thù
địch, những phần tử phản động, bất mãn chính trị trong nước và ở nước ngoài đã sử dụng các cơ quan phát thanh, báo chí, xuất bản và những phương tiện
truyền thông khác, như: internet, mạng xã hội, blog cá nhân,…để tuyên truyền,
xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với tần suất ngày càng tăng, tính chất ngày càng
nguy hại.
Bằng lối suy diễn chủ quan,
các lực lượng thù địch đã đưa ra nhiều luận điểm sai trái nhằm xuyên tạc, bóp
méo tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người được
cả thế giới tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.
Một trong những luận điệu xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh là chúng quy chụp cho
rằng: thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là “chủ nghĩa dân tộc”.
Đây là một cách diễn đạt thiếu chính xác,
không đầy đủ và hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Cách diễn đạt này dù
vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai
cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở
Việt Nam. Cách diễn đạt đó đã tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến
nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là
để phủ nhận tư tưởng của Người.
Mấy điều phân tích
ở trên cho thấy, những người đưa ra quan điểm này đang cố gắng cắt rời, đối lập tư tưởng
Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực chất của vấn đề này không có gì
khác là sự xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm cô lập và làm suy yếu
tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa
bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Tính chất nguy hiểm của thủ đoạn này còn biểu hiện ở
chỗ: nó dễ gây nên sự hoang mang, dao động trong một bộ phận nhân dân ta về nền
tảng tư tưởng của Đảng và con đường độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang thực hiện. Các thế lực thù địch cũng nhận thức
được, nếu không xuyên tạc, xóa bỏ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì không thể
thủ tiêu được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, không thể
xóa bỏ được CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, sự công kích, xuyên tạc, bóp méo, hạ bệ tư
tưởng Hồ Chí Minh và hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần tư
tưởng của nhân dân ta, chắc chắn sẽ còn tiếp tục gia tăng và còn có những chiêu
thức mới.
Luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là
chủ nghĩa dân tộc” thể hiện một ý
đồ chính trị rõ ràng, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác -
Lênin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thực chất là cổ
suý cho quan điểm muốn nước ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục
tiêu chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta đều biết, tư tưởng Hồ Chí Minh về
giải phóng dân tộc gắn bó thống nhất với tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã
hội. Người cho rằng, trong thời đại ngày nay, con đường phát triển tất yếu của
cách mạng giải phóng dân tộc do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo
sẽ là tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: cách mạng giải
phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành
được thắng lợi hoàn toàn. Bởi: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc
tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1]. Và theo Người, chủ
nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được ăn no, mặc ấm, sung
sướng, tự do; về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động
làm chủ, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng,
ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm là không hưởng. Đó cũng là
ước nguyện cháy bỏng của Người trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng: “Tôi chỉ có
một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc
lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng
được học hành”[2].
Hiện nay, đất nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tác động
tiêu cực đến đời sống xã hội, nó kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực
dụng phát triển, coi tiền là tất cả mà coi thường đạo lý, coi nhẹ lý tưởng,
tình đồng chí, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc,
làm gia tăng phân hóa giàu nghèo, theo đó là lối sống hưởng thụ ích
kỷ, không có tình nghĩa. Trong bối cảnh đó, nếu cán bộ, đảng viên không có bản
lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì rất dễ dao
động về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, dễ sa
ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá
nhân. Điều này đã được Hồ Chí Minh dự báo ngay từ năm 1927 (khi
Đảng còn chưa ra đời), trong cuốn Đường cách mệnh, Người đã căn dặn “phải ít
lòng tham muốn về vật chất” và “phải giữ chủ nghĩa cho vững”.
Vì vậy, đấu tranh chống quan điểm sai trái, bảo vệ tư tưởng
Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành một nhiệm vụ tất yếu chúng ta cần làm và
nhất định phải làm thật tốt. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng
quan điểm sai trái để có những đối sách phù hợp. Yêu cầu chung nhất của việc
đấu tranh chống quan điểm sai trái chính là làm tốt công tác tư tưởng trong
Đảng và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục hướng tới sự thống
nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội.
Chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí
Minh. Đây là vấn đề được Đảng ta đặt ra từ lâu và đã đạt những kết quả quan
trọng, mang tính đột phá, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được tổ
chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với các thời
kỳ hoạt động của Người trong phong trào cách mạng Việt Nam và quốc tế. Vì vậy,
trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tuân thủ nguyên tắc lịch
sử - cụ thể, là xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ lịch sử cơ bản trong
một hoàn cảnh cụ thể và sự phát triển các quan điểm của Người. Đồng thời, chú
trọng hơn nữa công tác sưu tầm, xử lý những thông tin, tư liệu, tài liệu liên
quan đến Người ở cả trong và ngoài nước. Mặt khác, phải tăng cường giao lưu,
hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với những người nước ngoài,
nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Sự trao đổi học thuật là một trong những biện pháp quan trọng để tăng
cường sự hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc sưu tầm,
xử lý những tài liệu có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Người. Cùng với
đó, chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho
toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là đối với thế hệ trẻ về thân thế, sự
nghiệp và các giá trị của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, để cùng với chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ
nam cho hành động cách mạng của mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Trong giáo
dục, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải dựa trên cơ sở thật sự
khoa học; tránh hiện tượng “thần thánh hóa” con người bình dị và vĩ đại Hồ Chí
Minh.
Quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng
lập, giáo dục và rèn luyện; là đội quân cách mạng được nhân dân hết mực yêu quý, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn
hiện nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang càng phải vững vàng về chính trị,
tư tưởng, nắm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân
dân. Muốn vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi
mặt, trước hết là về tư tưởng, bản lĩnh chính trị; nhận diện rõ cái tốt và cái
xấu, những giá trị chân - thiện - mỹ; đồng thời, kiên quyết đấu tranh không
khoan nhượng, làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp và tư
tưởng Hồ Chí Minh./.
Bài viết phân tích rất xác đáng.
Trả lờiXóa