Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng tại Liên hợp quốc (Bài 1)

Tham dự hàng nghìn cuộc họp các cấp, thực hiện khoảng 500 bài phát biểu thay mặt quốc gia và cả ASEAN, tham gia vào quá trình xây dựng hàng trăm văn kiện của Hội đồng Bảo an (HĐBA)... là khối lượng công việc khổng lồ mà Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã hoàn thành trong nửa chặng đầu Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Đầu năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc cần xử lý rất nhiều. Theo đó, Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ (gọi tắt là Phái đoàn) đã tham dự hàng nghìn cuộc họp ở các cấp, từ các cuộc họp cấp cao đến cấp chuyên gia; thực hiện khoảng 500 bài phát biểu thay mặt quốc gia và cả ASEAN, trên rất nhiều lĩnh vực từ hòa bình, an ninh đến các vấn đề phát triển, xã hội, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền... và tham gia vào quá trình xây dựng hàng trăm văn kiện ở cả HĐBA và Đại hội đồng LHQ. Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng LHQ, đề xuất của Việt Nam xây dựng và thông qua Nghị quyết về Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh (27-12) đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Đây là một hành động cụ thể triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, qua đó góp phần thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Hoạt động của HĐBA phản ánh bối cảnh toàn cầu nhiều biến động với các xung đột, căng thẳng và khủng hoảng lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm qua, HĐBA cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất ngờ, ít có tiền lệ. Điển hình là tình hình ở Syria, một “điểm nóng” luôn gây nhiều tranh cãi và chiếm tới 1/7 thời lượng họp ở HĐBA, có nhiều phiếu phủ quyết nhất. Syria cũng chiếm kỷ lục về số lần bỏ phiếu và số dự thảo nghị quyết được đưa ra ở HĐBA để thông qua một vấn đề... Hay vấn đề Nagorno-Karabakh (giữa Armenia và Azerbaijan) quay trở lại chương trình nghị sự của HĐBA sau hơn 20 năm. Những vấn đề “nóng” và gấp rút như vậy đòi hỏi phải xử lý tình huống rất nhanh. Do đó, sự phối hợp giữa "tiền tuyến" và "hậu phương" phải hết sức chặt chẽ để ra được các quyết định đúng, kịp thời. Rất nhiều thời điểm đầu cầu Hà Nội và New York duy trì liên lạc liên tục trong 24 giờ, nghĩa là khi New York làm việc thì Hà Nội thức trắng đêm và ngược lại.

Đối với hoạt động của Phái đoàn, trong năm qua, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA một cách bài bản, có hệ thống. Việt Nam đã lựa chọn đúng, trúng chủ đề ưu tiên là tôn trọng Hiến chương LHQ, giúp đạt con số kỷ lục các nước quan tâm và phát biểu tại một phiên thảo luận mở của HĐBA. Đây là lần đầu tiên HĐBA ra một tuyên bố riêng về Hiến chương dưới hình thức Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA (loại văn kiện phải nhận được sự đồng thuận của cả 15 thành viên mới được thông qua).

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phái đoàn vẫn thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi giữa các phái đoàn các nước thành viên ASEAN, đưa ra nhiều sáng kiến linh hoạt để tổ chức thành công các hoạt động trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tại New York, trong đó bảo đảm tổ chức đầy đủ các hoạt động chính thức như thông lệ. Bên cạnh đó, Phái đoàn đã thực hiện nhiều phát biểu thay mặt ASEAN tại Đại hội đồng LHQ và các ủy ban trực thuộc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại New York, LHQ nói chung và Phái đoàn nói riêng nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Các cuộc họp tiếp tục được diễn ra theo hình thức trực tuyến, với cường độ còn dày đặc hơn trước trong một số lĩnh vực; các phương thức làm việc linh hoạt, sáng tạo được áp dụng như bỏ phiếu bằng văn bản thay cho bỏ phiếu trực tiếp, thương lượng văn bản trực tuyến hay thậm chí chiêu đãi trực tuyến. Như những người lính ở tiền tuyến, cán bộ, nhân viên Phái đoàn nhanh chóng làm quen với tình hình mới, một mặt áp dụng các biện pháp bảo vệ tối đa, mặt khác hết sức bình thản đối mặt với “các cơn bão trong bão” và cho đến nay, có thể nói đã duy trì được “trạng thái bình thường mới”. Cùng với đó, Phái đoàn còn chú trọng đến công tác bảo hộ công dân, phối hợp tổ chức cho gần 1.000 công dân Việt Nam ở khu vực New York và phụ cận tham gia các chuyến bay về nước.

Ngày 23-11-2020, Đại hội đồng LHQ khóa 75 đã thông qua Nghị quyết về hợp tác LHQ-ASEAN, trong đó tái khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN và quan hệ đối tác hợp tác ngày càng phát triển giữa ASEAN và LHQ. Đặc biệt, việc thông qua nghị quyết này đã lập được 3 kỷ lục: Thời gian tham vấn ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ nhiều nhất. (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...