Đất
nước ta đã đi qua những chặng đường dài đầy khổ ải để hàn gắn vết thương chiến
tranh và phát triển từng ngày, như lúa đã chín trên cánh đồng từng nhiều dông
bão. Vậy mà đây đó, vẫn có những người bị kẻ xấu kích động biểu tình, gây rối,
phá hoại, thậm chí cả những hoạt động mang dáng dấp bạo loạn để châm ngòi chiến
tranh. Nhìn lại những vụ việc gần đây, chúng ta có thể rút ra nhiều điều đáng
suy ngẫm…
Những phiên tòa và bài học cảnh tỉnh
Cách đây hơn một tuần, Tòa
án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh vừa mở phiên xét xử 4 bị cáo liên quan tới
cái gọi là “Quốc nội quật khởi”. Bản cáo trạng cho biết, do có tư tưởng
bất mãn, chống Nhà nước Việt Nam nên từ đầu năm 2017, Nguyen Michael
Phuong Minh (Việt kiều Mỹ), Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi, Lê Quốc Phong
cùng một số đối tượng đã cấu kết cùng nhau thành lập, tham gia tổ chức “Quốc
nội quật khởi” để tổ chức tuyên truyền, lập kế hoạch mua vũ khí và lôi kéo
người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền tại TP Hồ Chí Minh và Hà
Nội, gây bạo loạn tiến tới nhằm lật đổ chính quyền nhà nước Việt Nam.
Ít ai biết rằng khi phiên
tòa đang diễn ra thì ở bên kia bán cầu, Voice-tổ chức phản động thường xuyên
kích động biểu tình đi đến lật đổ ở Việt Nam theo mô hình cách mạng màu rình
rang tổ chức những cuộc gặp gỡ, hội thảo gồm nhiều nhân vật chống phá đất nước
để bàn bạc những kế sách chuyển “lửa dân chủ về quê nhà”. Một hội nghị do chúng
tổ chức tại Australia đã có sự góp mặt của Will Nguyen, kẻ năm ngoái từng bị
TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và cho hưởng khoan hồng, nhưng khi trở về Mỹ
lại tiếp tục "ngựa quen đường cũ", lên tiếng tiếp tục “đấu tranh vì
tự do cho Việt Nam”. Trước đó, mùa hè 2018, Will Nguyen khi đang là sinh
viên ở Singapore, không lo học hành lại cấu kết với những kẻ chống phá Việt Nam
lên mạng hô hào kêu gọi về Việt Nam biểu tình làm “cách mạng mùa hè”. Sau đó
Will đã nhập cảnh vào Việt Nam, phát tiền cho các đối tượng biểu tình và có
nhiều hành vi ngông cuồng, chống người thi hành công vụ, làm ách tắc giao
thông...
Thủ đoạn mà Will Nguyen
cùng những kẻ xấu thực hiện rất giống với phương thức mà chúng đã kích động các
đối tượng trong vụ án “Quốc nội quật khởi”. Không còn là sự ngây thơ, vô
tình, các đối tượng đã lập kế hoạch DTJ 01 (biểu tình kết hợp với kẹt xe)
dự định lôi kéo hàng trăm người tham gia biểu tình, mua sắm vũ khí để chống trả
lại cơ quan chức năng, chuẩn bị lương thực và nơi lẩn trốn để sử dụng trong
thời gian dài…
Âm mưu “cách mạng mùa hè”
Sau các vụ biểu tình, gây
rối chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam vào mùa hè năm ngoái, TAND các địa phương
đã đưa hàng chục đối tượng ra xét xử trong các vụ án liên quan đến xâm
phạm an ninh quốc gia, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, kích động,
tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Mức án cao nhất là 20 năm tù,
thấp nhất cho hưởng án treo.
Dư luận nhân dân đồng tình
cho rằng, việc truy tố các bị cáo trên là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng
pháp luật và không thể dung thứ những kẻ muốn “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong số gần 20 bị cáo bị đưa ra xét xử tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Ninh
Thuận, có 13 người được xác định là thành viên của những tổ chức phản động lưu
vong ở nước ngoài, như: “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và Việt Tân.
Không chỉ chống phá trên không gian mạng, những đối tượng này còn chiêu mộ
người tham gia tổ chức, đồng thời trực tiếp nhúng tay vào các vụ khủng bố như
vụ dùng bom xăng tấn công trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí
Minh vào ngày 20-6-2018, dưới sự giật dây của tổ chức phản động lưu vong
“Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân đứng đầu. Tổ chức này
thường xuyên tuyên truyền, kích động biểu tình, phá hoại nhân dịp các ngày lễ,
tết của đất nước và trước đó cũng từng gây ra vụ đốt kho xe vi phạm giao thông
số 1 của Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn
Nhất, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh...
Tại Nghệ An, TAND tỉnh Nghệ
An từng xét xử vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với Lê
Đình Lượng và tuyên phạt với mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Theo
cáo trạng, thông qua mạng xã hội, Lượng dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức
Việt Tân. Lượng cũng nhiều lần nhận tiền chuyển từ nước ngoài về để hoạt động
chống phá đất nước. Lượng thừa nhận đã tài trợ hoạt động của đối tượng Nguyễn
Văn Hóa, tẩy chay cuộc bầu cử, xuất cảnh sang Lào, phát loa truyền thanh tại
nhà để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, tổ chức hát các bài hát có
nội dung phản động, 4 lần tổ chức tuần hành, biểu tình với danh nghĩa phản đối
Formosa ở xã Hợp Thành gây ách tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 7B…
Xâu chuỗi những hoạt động
chống phá đất nước hai năm gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra, âm mưu kích động
người dân tụ tập, biểu tình, tạo ra các điểm nóng rồi có thể thổi phồng thành
xung đột, bạo loạn, có sử dụng vũ khí, tạo ra bạo lực là thủ đoạn thường thấy
của các thế lực thù địch. Đây cũng là cách đã được sử dụng trong các cuộc cách
mạng màu, cách mạng đường phố theo mô hình "Mùa xuân Ả Rập". Ý đồ đó
được thể hiện rất rõ khi tròn một năm xảy ra các vụ việc biểu tình có bóng dáng
bạo loạn ở Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch gần đây công khai
tuyên bố cái gọi là “kỷ niệm một năm cách mạng mùa hè”, lấy ngày 10-6-2018 là
một cột mốc đánh dấu phong trào dân chủ. Nhân sự kiện biểu tình quy mô lớn ở
Hồng Công (Trung Quốc) vừa qua, chúng tiếp tục hô hào kêu gọi các cuộc tổng
biểu tình ở Việt Nam, áp dụng mô hình “cách mạng dù” ở Hồng Công cho Việt Nam
để nuôi dưỡng các đợt biểu tình “cách mạng mùa hè” trở thành thường xuyên,
từ “tổng biểu tình” sẽ tạo ra cái gọi là “cách mạng tháng Tám lần thứ
hai”.
Đừng rắc lông ngỗng trên con đường phát triển của đất nước
Không một quốc gia nào có
thể dung túng, không xử lý đối với các đối tượng khủng bố, phá hoại môi trường
hòa bình, ổn định chung như vậy. Không thể gọi những thành phần như vậy là
những nhà “hoạt động dân chủ” hay “bất đồng chính kiến”, lại càng không thể gọi
những kẻ bị pháp luật xử lý là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay “tù
nhân tôn giáo”. Bất kể họ là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, đều bình đẳng
trước pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh khi phá hoại an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội và nguy hiểm hơn là tiến hành và tiếp tay cho hoạt động
khủng bố của các tổ chức khủng bố. Như Việt Tân đã bị Bộ Công an Việt Nam công
bố là tổ chức khủng bố thì không chỉ pháp luật Việt Nam mà pháp luật Hoa Kỳ
cũng như nhiều nước trên thế giới đều kiên quyết lên án và chung tay chống
khủng bố. Sẽ không thể có chuyện "đánh bùn sang ao" để dung túng cho
những việc làm sai trái cả về đạo lý, pháp lý của Việt Nam và luật pháp quốc tế
như vậy.
Sau những phiên tòa xét xử
các đối tượng vi phạm pháp luật, nhiều người đã ăn năn, hối cải. Nhưng còn
không ít người bị lôi kéo, kích động, được khoan hồng chưa bị truy tố có suy
nghĩ về những hành vi vô hình trung tiếp tay cho sự phá hoại đất nước của mình?
Sự cố môi trường biển miền
Trung diễn ra đã lâu nhưng vẫn còn không ít người lợi dụng sự kiện này để xuyên
tạc, kích động, thậm chí sử dụng cả những tin giả, tin xấu làm phương hại đến
an ninh kinh tế và chính trị của đất nước. Mấy năm trước, nhiều người dân ở các
đô thị lớn đi biểu tình dù chưa hiểu cặn kẽ sự cố, có khi chỉ vì nhìn thấy
những bức ảnh cá chết hàng loạt là ảnh cá chết ở Mỹ từ năm 2011 được những kẻ
xấu “chế biến” thành ảnh cá chết ở ven biển miền Trung. Việc này báo chí đã lên
tiếng vạch trần thế mà sang tận cuối năm 2018, một nhóm du học sinh tại Mỹ bao
gồm cả người đang công tác ở một viện khoa học lớn tại Việt Nam lại làm một báo
cáo khoa học dự hội nghị quốc tế cũng sử dụng những bức hình cá chết fake news
(tin giả) này. Sự việc mới đây đã được một chuyên gia kinh tế môi trường lên
tiếng phê phán vì sự giả dối này ảnh hưởng nhiều mặt đến lợi ích quốc gia thế
nhưng nhóm nghiên cứu nọ có người vẫn bao biện cho hành vi sai trái của họ và
cho đây là việc làm không vấn đề gì.
Trở lại với những kẻ kích
động "cách mạng màu", "cách mạng mùa hè", những lời hô hào
kêu gọi bạo động, để xây dựng một thể chế mới theo mô hình dân chủ phương Tây,
theo lối đi của "Mùa xuân Ả Rập", chúng ta rút ra những gì tai nghe
mắt thấy tại Việt Nam?
Trong vụ án “Quốc nội quật
khởi”, trừ đối tượng Nguyen Michael Phuong Minh ngoài 50 tuổi, các bị cáo
còn lại đều là sinh viên, thanh niên tương lai đang rộng mở song đã bị lôi kéo
vào những việc làm phá hoại đất nước, như: Huỳnh Đức Thanh Bình mới 23 tuổi, là
sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh; Trần Long Phi (Đồng
Nai) mới 21 tuổi. Vậy mà chỉ vì dại dột, bị lôi kéo, cả hai phải lĩnh mức án
lần lượt là 10 năm tù và 8 năm tù.
Họ đánh mất cả tương lai và
tuổi trẻ trong khi những kẻ "ném đá giấu tay" thì có thể đang ở đâu
đó hân hoan vì đã tạo ra được những “điểm nóng”. Trong khi những kẻ cầm
đầu vẫn ở trong bóng tối thì hàng trăm người dân quá khích đã phải nhận những
bản án nghiêm khắc. Cuộc sống bình yên của hàng trăm gia đình bỗng chốc bị đảo
lộn, rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi người thân vướng vào vòng lao lý. Bình
Thuận-Ninh Thuận, những nơi gắn với các địa danh du lịch nổi tiếng bỗng chốc
ghi “dấu ấn” không đẹp vì những cuộc xuống đường bạo loạn. Kinh tế, du lịch các
tỉnh ven biển miền Trung từng bị những hậu quả nặng nề do tin giả, tin xấu gây
hoang mang dư luận. Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi bóng ma Việt Tân vẫn len lỏi
đâu đó trong các vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, gây ra nhiều vụ việc phức tạp thời
gian qua.
Nhìn lại các vụ biểu tình,
đập phá và những phiên tòa, chúng ta có thể liên hệ tới sự kiện năm nay đã đánh
dấu 10 năm khởi phát cái gọi là "Mùa xuân Ả
Rập". Tờ Jerusalem Post nhận xét, các thế lực phương Tây đã
sử dụng truyền thông để kích động làn sóng biểu tình, nổi dậy lật đổ chính
quyền đương nhiệm nhằm tạo dựng chính quyền mới. Những cuộc nổi dậy mà ban đầu
phương Tây ca ngợi là "vì tự do và dân chủ" cuối cùng có kết cục trái
ngược hoàn toàn: Thêm hỗn loạn, đất nước tan rã và sự nổi dậy của các nhóm Hồi
giáo cực đoan. Nhiều nhà lãnh đạo mà phương Tây gọi là những "nhà độc
tài" đã bị lật đổ, để rồi nhiều nhóm quyền lực mới còn độc tài và cực đoan
hơn nổi lên, sẵn sàng chém giết lẫn nhau để giành quyền lực.
Khi viết những dòng này,
chúng tôi chợt nhớ đến bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, một bộ phim
từng làm rung động hàng triệu trái tim cả Việt Nam và thế giới về nỗi đau chiến
tranh. Duyên-người vợ bộ đội trong phiên chợ âm phủ gặp lại chồng đã hỏi:
“Anh có điều gì muốn dặn dò em không?”. Người chồng-người lính đã hy
sinh trả lời: “Anh chỉ muốn những người còn sống được hạnh phúc. Chỉ những
người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm hết phần việc của mình
rồi”. Bộ phim cũng có những câu thơ rất hay: "Bao giờ cho đến tháng
Mười/ Lúa chín trên cánh đồng dông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong
đợi/ Những mất mát, hy sinh, chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên
đầu...".
Trời thu của hòa bình, độc
lập vẫn đang xanh mãi ở trên đầu. Nhưng chỉ những người đang sống mới có thể
làm nên hạnh phúc của mình hay không bằng những nhận thức và hành động đúng
đắn. Hãy biết trân trọng cái giá của hòa bình, độc lập để không mắc mưu kẻ xấu,
để không vô tình hay cố ý phá hoại những mùa lúa đang chín trên cánh đồng quê
hương Việt Nam từng chịu rất nhiều dông bão chiến tranh.
NHỊ MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét