Những năm gần đây, hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và mạnh mẽ, các quan
điểm, xu hướng mới du nhập vào nước ta là tất yếu, không thể tránh khỏi và quá
trình này cũng là “thời cơ” để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh âm mưu
“diễn biến hòa bình”. Trong lĩnh vực báo chí, chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự
do báo chí” trở thành “vũ khí” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi
dụng chống phá ta trên mặt trận tư tưởng. Chính vì vậy, bảo đảm tự do ngôn
luận, tự do báo chí là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, là cơ sở vững chắc để
tránh “bẫy tự do báo chí” của các thế lực thù địch trong thời kỳ đẩy mạnh hội
nhập quốc tế của nước ta.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền
tải các quan điểm, là công cụ của tự do biểu đạt. Trong thời kỳ hiện nay, tự do
ngôn luận, tự do báo chí có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của từng cá
nhân và cộng đồng; được coi là một phần biểu hiện quyền bình đẳng, dân chủ và
có tác động thúc đẩy phát triển.
Vào thế kỷ XVII, triết học cơ bản về chủ nghĩa
tự do có bước phát triển, con người hướng tới tự do cá nhân một cách mạnh mẽ,
tự do cá nhân đã trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi người và của nhiều nhà
nước. Tư tưởng tự do trở thành một trào lưu trong nhiều xã hội dân chủ, trong
đó tư tưởng tự do báo chí, tự do tôn giáo trở thành các mục tiêu hàng đầu. Một
thế kỷ sau, khoảng cuối thế kỷ XVIII, quyền tự do (trong đó có tự do ngôn luận,
tự do báo chí) đã được coi là một trong các quyền cơ bản của con người, được
quy định trong hiến pháp của nhiều quốc gia.
Theo nghĩa thông thường, tự do báo chí được hiểu
là thoát ly mọi sự hạn chế, mọi sự cấm đoán đối với báo chí, là một phần quan
trọng của quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, ở các thể chế xã hội khác
nhau, trong các giai đoạn lịch sử khác nhau thì tự do báo chí cũng được giải
thích, được quan niệm, được thể chế hóa, được bảo vệ và thực hiện theo các cách
khác nhau. Mức độ tự do được quy định bởi lập trường xã hội, bởi mục tiêu mà
con người đặt ra cho mình trong từng giai đoạn.
Đến thế kỷ XX, nhiều tuyên ngôn của các tổ chức
lớn như Liên hợp quốc, hiến pháp của nhiều quốc gia, như Mỹ, Anh, Pháp đã quy
định rõ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trong bản “Tuyên ngôn
về Nhân quyềnvà Dân quyền Pháp năm 1789” - tự
do báo chí được trình bày như là một trong những quyền cơ bản: “Bất kỳ công dân
nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm
nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật” (Điều 11). Công
ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị năm 1966 tại khoản 2, Điều 19 cũng quy định: “Mọi người
có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền
đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền
bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ
phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Khoản 3, Điều
19 cũng quy định “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm
theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu
một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong
pháp luật và là cần thiết để: a- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người
khác. b- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức
của xã hội”. Khoản 1, Điều 19, Công ước nêu: “Mọi người đều có
quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Khoản 2, Điều 22 nêu:
“Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy
định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an
toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng
hay các quyền và tự do của người khác”. Ở
Anh, tất cả các bài phát biểu miệng hay đăng báo với mục đích làm mất
tín nhiệm hoặc kích động chống lại chủ quyền, Chính phủ, Hiến pháp, bất cứ viện
nào hoặc hệ thống tòa án, kích động sự bất bình hay sự công phẫn giữa các công
dân của Nữ hoàng, sự hận thù giữa các giai cấp của các công dân đó đều bị coi
là vi phạm pháp luật. Ở Mỹ, quốc gia luôn tự cho là thực hiện đầy đủ nhất khẩu
hiệu tự do báo chí, cũng quy định khi báo chí vu khống, có lời lẽ thô bỉ, có
khuynh hướng gây nguy hại cho thể chế dân tộc và quốc gia sẽ bị tòa án tối cao
truy tố.
Như vậy, tự do báo chí ở Mỹ cũng như ở các quốc
gia khác đều được quy định nhằm mục đích ngăn chặn việc lạm dụng tự do báo chí
xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác, chống chính quyền, lật đổ chính
quyền... và được bảo đảm bằng các quy định pháp luật.
Ở Việt Nam, nhất là từ sau khi cả nước bước vào
công cuộc đổi mới, những điều kiện pháp lý bảo đảm cho tự do báo chí đã từng
bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện. Năm 1989, Quốc hội thông qua Luật
Báo chí. Mười năm sau, năm 1999, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Báo chí năm 1989. Đây là bước hoàn thiện Luật Báo chí cho phù
hợp với những yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới. Năm 2016, Luật Báo chí
sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực thi hành từ
ngày 1-1-2017. Hiến pháp năm 2013 có riêng một chương (Chương II) quy định về
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó Điều 25 nêu
rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình”; đồng thời cũng nêu: “Việc thực hiện các quyền này do
pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định tại Chương II về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí
của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà
nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền
tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”;
đồng thời cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật
và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự
do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp của tổ chức và công dân”. Đặc biệt khoản 3, Điều 13 quy định: “Báo chí
không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Rõ ràng, ở Việt Nam, mọi công dân đều có quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật như ở các quốc gia
khác.
Tránh “bẫy tự do báo chí” trong thời kỳ đẩy mạnh
hội nhập quốc tế
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng, các mối quan hệ song phương, đa phương đã tạo nên sự giao thoa khá mạnh
mẽ về mọi mặt trong đời sống xã hội và các mối quan hệ xã hội. Do đó, đối với
bất kỳ quốc gia nào bước vào hội nhập quốc tế cũng đều phải giải quyết hài hòa
mối quan hệ giữa đẩy mạnh hội nhập quốc tế với giữ gìn bản sắc dân tộc nói
chung và giữ gìn các giá trị truyền thống, các quan điểm truyền thống đối với
từng lĩnh vực, từng vấn đề nói riêng. Trong lĩnh vực báo chí, Nhà nước ta luôn
bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận trên cơ sở thông tin trên báo chí phải
chính xác, trung thực; phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, vì mục
tiêu phát triển; phải phù hợp với lịch sử văn hóa, phong tục, tập quán, truyền
thống dân tộc; phải phù hợp thông lệ quốc tế, các cam kết mà Việt Nam ký kết,
tham gia; phải trong khuôn khổ pháp luật.
Quan điểm bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí
là định hướng, nền tảng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật quản lý nhà nước
về báo chí. Ngược lại, hoạt động quản lý nhà nước về báo chí nhằm bảo đảm để tự
do ngôn luận, tự do báo chí không bị lợi dụng, không rơi vào “bẫy tự do báo
chí” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; không để lợi dụng tự do ngôn
luận, tự do báo chí xâm phạm, xúc phạm các cá nhân, tập thể; bảo đảm cho tự do
ngôn luận, tự do báo chí được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với
các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.
Giăng chiếc “bẫy tự do báo chí”, các thế lực thù
địch rêu rao chúng ta không cho phép báo chí tư nhân là không có tự do ngôn
luận, tự do báo chí. Chúng lợi dụng các vụ, việc một số nhà báo có hành
vi vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo bị xử lý để cho rằng tự do ngôn
luận, tự do báo chí ở Việt Nam bị hạn chế… Để đối phó với thực tế này và trong
bối cảnh thông tin đa chiều, đặc biệt là khi người đọc không phải tìm kiếm mà
thông tin được chủ động đưa đến cho người đọc (thậm chí người đọc phải tiếp
nhận thông tin một cách bị động - bị gửi vào facebook, zalo, viber…) thì việc
cung cấp những nguồn tin chính xác, kịp thời cho báo chí chính là cách thức
nhanh nhất, hiệu quả nhất để định hướng và quản lý thông tin. Thời gian qua,
Đảng, Nhà nước đã áp dụng phương pháp quản lý vừa thuyết phục, nhắc nhở, vừa
cưỡng chế bằng các chế tài, công cụ pháp luật. Thuyết phục, nhắc
nhở là thông qua tổ chức định hướng thông tin thường xuyên, đặc biệt
khi có các sự kiện lớn, các sự việc nhạy cảm. Cưỡng chế là ban
hành và thông qua các quy định pháp luật để bảo đảm mọi công dân
đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cũng như bất
kỳ quốc gia nào chúng ta cũng đặt ra yêu cầu vừa phát triển quan hệ, nhanh
chóng hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm chủ quyền, độc lập dân tộc, bình đẳng, các
bên cùng có lợi. Mục tiêu của báo chí cách mạng Việt Nam là vừa phục vụ nhu cầu
thông tin của người dân, vừa là vũ khí chống lại các thế lực thù địch trên mặt
trận tư tưởng. Do vậy, nếu không xây dựng được một nền báo chí đủ mạnh thì sẽ
không đáp trả được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trong quá trình
hội nhập quốc tế, để đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, trước
hết, ngay các nhà báo, các cơ quan báo chí Việt Nam phải xác định được rõ thế
nào là tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật, các cơ quan quản lý báo chí
phải định hướng và xác định rõ những “tinh hoa” cần tiếp thu và những gì là
chiêu bài lợi dụng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị để không rơi vào
“bẫy tự do báo chí”.
Trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề này,
xét từ góc độ quản lý nhà nước, cần đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp
sau:
Một là, xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn
chỉnh, đồng bộ trong lĩnh vực báo chí. Hiện chúng ta đã có hệ thống pháp luật
tương đối cơ bản, từ Hiến pháp đến Luật Báo chí đều đã có những quy định cụ thể
về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật từ
nghị định đến thông tư hướng dẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt với
các hoạt động báo chí liên quan đến nước ngoài, cần có các điều khoản cụ thể,
phù hợp với tình hình trong nước và các quy định quốc tế. Chất lượng, hiệu quả
quản lý xã hội của nhà nước pháp quyền phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện của hệ
thống pháp luật. Vì vậy, yêu cầu về một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực báo chí là hết sức cần thiết.
Hai là, xây dựng được một chuẩn mực đạo đức nghề
báo chung, khuyến khích từng cơ quan báo chí chủ động xây dựng các quy định,
chuẩn mực phù hợp trên cơ sở chuẩn mực đạo đức nghề báo chung, đồng thời làm
tốt việc giám sát thực hiện các quy định này, phối hợp với các cơ quan hữu quan
nghiêm khắc, kịp thời xử lý các nhà báo, cơ quan báo chí có vi phạm.
Ba là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực thi
nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ hội nhập
quốc tế: có trình độ chuyên môn, có kỹ năng quản lý khoa học, hiệu quả, có khả
năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ và có tư tưởng chính trị vững vàng...
Bốn là, đổi mới tư duy quản lý, phương thức quản lý,
rà soát các nội dung quản lý phù hợp với tình hình thực tế. Xác định rõ các
nguyên tắc làm việc thông qua các quy định, quy chế và bảo đảm thực hiện nghiêm
túc; bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan
quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí ở cả Trung
ương và địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm
trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí cần chủ động phối hợp
bằng nhiều hình thức với các cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí trong thực
hiện quản lý nhà nước về báo chí; ở địa phương, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương, các sở thông tin và truyền thông phát huy vai trò chủ
động trong quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân
cấp của Chính phủ nhằm bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Năm là, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý
nghiêm minh, kịp thời các vi phạm. Thanh tra, kiểm tra là
nhiệm vụ quan trọng, là một công cụ quản lý không thể thiếu của cơ quan quản lý
nhà nước đối với hoạt động báo chí. Hoạt động này tốt, hiệu quả quản lý nhà
nước được nâng cao, ngược lại, hoạt động này chưa tốt thì hiệu quả quản lý nhà
nước cũng bị hạn chế... Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện vừa
thường xuyên, vừa đột xuất, và đồng bộ trên mọi mặt, cả tài chính kinh tế, công
tác tổ chức, nhân sự, đặc biệt là thông tin trên báo chí.
Sáu là, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học
hỏi các kinh nghiệm quản lý hoạt động báo chí của các nước. Việc áp dụng một số
phương pháp vào thực tế quản lý báo chí ở Việt Nam đã cho thấy hiệu quả.
Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý báo chí sẽ bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng, giúp báo chí hoàn
thành nhiệm vụ chính trị, không bị động trước sự tấn công của các thế lực thù
địch, cơ hội chính trị trên mặt trận tư tưởng, tránh được “bẫy tự do báo chí”,
đồng thời bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí và thúc đẩy sự nghiệp báo chí
cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
PGS, TS. Trương Quốc Chính(*),TS. Nguyễn Thị Mai
Anh (**)
(*) Học viện Hành chính quốc gia, (**) Tạp chí
Cộng sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét