QĐND - Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV (bế mạc vào cuối tuần qua) đã thông
qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đây là một trong
những thành công lớn của kỳ họp lần này, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo cử
tri. Thế nhưng một số ít người có thể vì không hiểu hoặc cố tình không hiểu đã
xuyên tạc quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận…
“Góp
ý, phê bình về quy trình xây dựng luật” nhưng lại không hiểu luật
Ngày 18-6 vừa qua,
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) với 92,96% đại biểu
Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành. Đây là một trong những dự án
luật được đông đảo cử tri quan tâm. Dự án luật này cũng được một số đối tượng
chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta “soi xét” khá kỹ. Những người này từng
có những bản “góp ý phê bình về quy trình xây dựng luật ở Việt Nam” đăng tải
trên mạng xã hội và một số cơ quan báo chí nước ngoài, trong đó phê bình trực
tiếp quy trình xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL.
Có lẽ họ không nhớ vào
ngày 22-5-2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật BHVBQPPL. Tại
cuộc họp này, về cơ bản, các vị ĐBQH đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp
thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời đóng góp thêm ý kiến
về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để
chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về thời
gian cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản tới Mặt trận Tổ
quốc (MTTQ) Việt Nam và phạm vi, chủ thể, thời hạn thực hiện phản
biện xã hội của MTTQ Việt Nam để bảo đảm tính khả thi. UBTVQH đã báo cáo:
Việc phản biện xã hội đối với dự thảo Luật BHVBQPPL đang được thực hiện theo quy
định của Luật MTTQ Việt Nam. Dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hoạt
động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quy
trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 6. Các vấn đề về
thời gian gửi văn bản, phạm vi, chủ thể, thời hạn phản biện xã hội thuộc trình
tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội, hiện đang được quy định tại Nghị quyết
liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Do đó, UBTVQH xin tiếp
thu ý kiến của các ĐBQH để chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa
đổi, bổ sung, quy định rõ trong Nghị quyết liên tịch số 403.
Cũng có ý kiến đề nghị
Hội đồng Dân tộc (HDDT), các ủy ban của Quốc hội chỉ nên có ý kiến mà không nên
quy định trách nhiệm thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và tham gia thẩm
tra dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực phụ trách, UBTVQH cho rằng, theo quy định của
Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, HĐDT, ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm
tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm bảo đảm tất cả nội dung liên
quan của dự án luật đều được xem xét để báo cáo Quốc hội, UBTVQH. Tương tự như
vậy, trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, ngoài trách nhiệm chung của Ủy
ban Pháp luật thì rất cần ý kiến thẩm tra chuyên môn sâu của HĐDT, các ủy ban
khác của Quốc hội với vai trò là cơ quan phụ trách lĩnh vực. Đây cũng là sự đổi
mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác
lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XIV nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và đã
đạt được những kết quả tích cực. Việc quy định như vậy cũng là nhằm đề cao, làm
rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành
luật như yêu cầu của Ban Bí thư tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19-4-2017.
Như vậy UBTVQH đã tiếp
thu tối đa ý kiến đóng góp của các ĐBQH theo hướng mở rộng dân chủ, phát huy
trí tuệ tập thể của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và toàn dân trong xây
dựng các dự án luật, điều này trái với ý kiến của một số người cho
rằng Quốc hội áp đặt ý chí của một số ít người trong xây dựng luật.
Điều đáng phê phán là có người “góp ý, phê bình về quy trình xây dựng
luật ở Việt Nam” nhưng lại không hiểu quy trình xây dựng luật ở Việt Nam.
Thành
quả xây dựng pháp luật ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận
Lập hiến và lập pháp
là một trong những hoạt động quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc
hội Việt Nam. Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến
pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Ngoài Hiến pháp năm 1946
quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả 4
bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định Quốc hội là
cơ quan lập hiến và lập pháp. Qua mỗi bản Hiến pháp, cơ chế thực hiện chức năng
lập pháp của Quốc hội được kế thừa, phát triển và ngày càng được làm
rõ hơn. Hiến pháp năm 2013 (hiện hành) đã khẳng định, Quốc
hội là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật;
thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Trên thực tế, quy định này của Hiến pháp
được thực hiện khá chặt chẽ, cụ thể theo trình tự như sau: Hàng năm, trên cơ sở
đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh,
UBTVQH lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, UBTVQH phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám
sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này.
HĐDT, các ủy ban của Quốc hội, bên cạnh việc thẩm tra các dự án luật, pháp
lệnh, còn dành nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự
án luật trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của nhân dân, của các cơ
quan, tổ chức hữu quan. Để phục vụ cho công tác này, HĐDT, các ủy ban
của Quốc hội đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng dự án
luật. UBTVQH với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội,
thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh. Giữa hai kỳ họp, các
đoàn ĐBQH đã tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các
đối tượng có liên quan. Ý kiến của ĐBQH là cơ sở quan trọng mang tính quyết
định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của
dự án luật. Theo trình tự này, Quốc hội đã nắm trọn quyền lập
pháp, vì thế ý kiến một số người cho rằng Quốc hội chỉ là
cơ quan thông qua luật là không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Thực tế cho
thấy, nếu so sánh giữa dự án luật trình Quốc hội với các dự án luật
đã được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện
và Quốc hội thông qua thì chất lượng được nâng cao đáng kể, phù hợp
với điều kiện thực tiễn, nhất là về các chính sách, cả về mặt nội dung cũng như
hình thức văn bản. Quy trình xây dựng luật của Việt Nam cũng phù hợp với thông
lệ quốc tế. Theo quy trình này, pháp luật đã ban hành giúp chúng ta
đã thu được nhiều thành quả mà các thế lực thù địch dù có cố tình xuyên tạc
nhưng cũng không thể phủ nhận.
Tại Kỳ họp thứ chín
mới đây, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về
6 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét,
thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín đã bám sát chủ trương, đường lối
của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp, góp phần bảo đảm tính thống nhất,
đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường; tổ chức bộ máy; quan hệ lao động; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự,
an toàn xã hội, tăng cường công tác nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế
mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội
nhập quốc tế.
Tiếp
tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam
Có thể nói hệ thống
pháp luật Việt Nam kể từ thời điểm đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã phát
triển không ngừng và còn phải tiếp tục hoàn thiện. Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật BHVBQPPL mà Quốc hội vừa thông qua sẽ tạo cơ sở pháp
lý cho việc tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Theo
đó, cơ quan trình dự án luật được quyền bảo vệ quan điểm của mình trong toàn bộ
quá trình soạn thảo và trình thông qua dự án luật. Còn cơ quan thẩm tra, dù đó
là các ủy ban của Quốc hội hay UBTVQH thì phải làm đúng chức
năng của cơ quan thẩm tra, giúp Quốc hội xem xét, thậm chí có thể đề
nghị Quốc hội không thông qua một dự án luật là điều hoàn toàn có thể
xảy ra nhưng không nên làm thay và tước đi quyền của cơ quan soạn thảo dự án
luật.
Luật BHVBQPPL năm 1996
được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002 đã quy định hồ sơ dự án luật
trình Quốc hội phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết. Luật
BHVBQPPL năm 2008 đã bỏ quy định này. Tuy nhiên, năm 2013, qua giám sát tối cao
việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Quốc hội thấy rằng tình
trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng gia tăng,
dẫn đến luật chậm được triển khai thực hiện. Do đó, Quốc hội đã ban hành Nghị
quyết số 67/2013/QH13 yêu cầu trong hồ sơ dự án luật phải trình kèm theo dự
thảo văn bản quy định chi tiết. Quy định này tiếp tục được thể hiện trong Luật
BHVBQPPL sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH
đã đề nghị cơ quan trình, cơ quan soạn thảo thời gian tới cần quan tâm hơn nữa
việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết nhằm bảo đảm chất lượng văn
bản, tránh hình thức, lãng phí.
Để xử lý tình trạng
còn xảy ra một số mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định giữa các luật do ngay từ
giai đoạn tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo văn bản mới, các cơ quan liên
quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xử lý
kịp thời các nội dung có quy định khác nhau trong các văn bản luật ban hành
trước, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào Luật sửa đổi bổ sung Luật BHVBQPPL quy
định hồ sơ dự án luật gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có
báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự
thảo; đồng thời bổ sung vào Khoản 2, Điều 12 quy định “trường hợp văn bản quy
phạm pháp luật đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục
được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó”.
Nhà nước ta là Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà
nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng
Hiến pháp và pháp luật. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc sự cần thiết
xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, toàn diện, là cơ sở xây dựng
bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Pháp luật của Việt Nam đã có những quy
định rất cụ thể bảo đảm cho mọi công dân được tiếp cận thông tin đa dạng, nhiều
chiều, công khai, chủ động tham gia góp ý kiến trong các giai đoạn của quy
trình xây dựng pháp luật; đồng thời, các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm
quyền xây dựng pháp luật phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi ý kiến của
người dân công khai minh bạch; trường hợp tiếp thu ý kiến thì cụ thể ý kiến về
nội dung gì, nếu không tiếp thu thì phải giải trình rõ tại sao không tiếp thu.
Qua đó, một mặt bảo đảm quyền dân chủ của người dân trong xây dựng pháp luật,
mặt khác, những ý kiến góp ý từ người dân, từ cộng đồng sẽ giúp các cơ quan nhà
nước, cá nhân có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đáp ứng
yêu cầu từ thực tiễn, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Không thể
xuyên tạc thành quả và quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét