Ngày 15-8-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố
Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo của 199 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong
đó, có Việt Nam. Mặc dù có một số tiến bộ trong đánh giá tình hình tôn giáo ở
Việt Nam, nhưng bản Báo cáo vẫn còn nhiều nội dung thể hiện sự nhìn nhận phiến
diện, thiếu khách quan, thiện chí.
Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm
2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ có 29 trang nói về tình hình tôn giáo ở Việt Nam,
trong đó ghi nhận Việt Nam đã có những cải thiện về tự do tôn giáo: Hiến pháp
Việt Nam quy định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng theo đức tin là quyền mà
người dân được hưởng; Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo
vào ngày 18 tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, nhằm
đảm bảo thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên thực tế.
Tuy nhiên, trong Báo cáo còn có nội dung không đúng sự thật, khi cho rằng, Việt
Nam tiếp tục kiểm soát, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự
chấp thuận của Nhà nước, với những điều luật mơ hồ cho Nhà nước rộng quyền hơn
trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc
gia, duy trì đoàn kết dân tộc. Nhiều tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Thiên Chúa
giáo, Cao Đài,... đến các nhóm Tin lành ở vùng sâu, vùng xa đang là đối tượng
bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán. Những người truyền đạo là người dân tộc
ở Tây Bắc hoặc ở Tây Nguyên, miền Trung bị đe dọa, buộc phải chối bỏ đức tin;
các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các nhóm tôn giáo được công
nhận tiếp tục bị hạn chế, dù ít nghiêm trọng hơn năm trước.
Sở dĩ, Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ
vẫn tiếp tục đánh giá sai lệch tình hình tôn giáo ở Việt Nam là do họ bị chi
phối bởi định kiến và sự khác biệt về quan điểm lịch sử, văn hóa đối với các sự
việc liên quan tới tôn giáo ở Việt Nam. Để xây dựng Báo cáo này, Bộ Ngoại giao
Mỹ đã lấy thông tin bị xuyên tạc, bóp méo do một số tổ chức NGO, tổ chức phản
động lưu vong, cá nhân bất mãn, chống đối trong nước cung cấp. Cũng như các
lĩnh vực xã hội khác, sự khác biệt về mô hình nói chung, quan niệm về tín
ngưỡng, tôn giáo nói riêng giữa các quốc gia là điều bình thường. Điều không
bình thường là ở chỗ Chính phủ Mỹ đã không nhận thức như vậy, hơn thế còn tự
cho mình quyền áp đặt mô hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho các quốc gia khác,
trong đó có Việt Nam.
Tôn trọng và bảo đảm
các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là quan điểm nhất quán, xuyên
suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Đại hội XII của Đảng
đã khẳng định: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt
theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo
quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất
nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi
lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc
hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với quy định của pháp luật”1.
Quan điểm của Đảng đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật Việt
Nam, như: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm
2017), Luật Tố tụng Hình sự,… và được bảo đảm, tôn trọng thực hiện trên thực
tế. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng
trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo”. Hiến pháp Việt Nam chỉ nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo
hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, không đưa ra giới hạn
nào về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này tương thích với các văn bản
quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chẳng hạn như Công ước quốc tế về các
quyền dân sự chính trị (năm 1966) đã nêu: Mọi người có quyền “tự do tư tưởng,
tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự
công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ
bản của người khác”.
Thực tiễn sinh động và những thành tựu trong hoạt
động tôn giáo những năm qua là minh chứng thuyết phục nhất về bảo đảm quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, tính đến năm 2017, cả
nước có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận
và cho phép hoạt động với hơn 25 triệu tín đồ (chiếm gần 30% dân số cả nước),
53 nghìn chức sắc, hơn 133 nghìn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo
đã có hệ thống đào tạo quy mô trong cả nước, trong đó Phật giáo có 04 học viện,
01 trường cao đẳng và nhiều trường trung cấp Phật học, gần 17 nghìn cơ sở thờ
tự; Công giáo có 01 học viện, hàng chục trường đào tạo và hơn 7 nghìn cơ sở thờ
tự; Cao Đài có 01 học viện, hơn 1.200 thánh thất, thánh tịnh; Tin lành có 01
trường Thánh kinh thần học, hơn 500 cơ sở thờ tự và trường đào tạo tín đồ. Hầu
hết các tổ chức tôn giáo đã có báo, tạp chí, bản tin riêng. Nhà nước đã cho
phép xuất bản kinh sách bằng các tiếng dân tộc, như: xuất bản Kinh thánh bằng
tiếng Ba-na, Ê-đê, Gia-rai; in Kinh Phật bằng tiếng Khơ-me, v.v. Hoạt động hợp
tác quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo được chú trọng, đẩy mạnh. Thời gian qua,
Chính phủ đã tạo điều kiện cho các tôn giáo được mở rộng quan hệ quốc tế; cho
phép nhiều đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam và nhiều
đoàn chức sắc tôn giáo trong nước đi thăm, làm việc, học tập ở nước ngoài. Việt
Nam cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện tôn giáo lớn, như: Đại lễ Phật đản
Liên hợp quốc (Vesak) năm 2008 và 2014; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần
thứ XI (năm 2009), Đại lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam (năm 2011), Diễn đàn
Thượng đỉnh Phật giáo ASEAN (năm 2016), v.v. Đại diện các tổ chức tôn giáo Việt
Nam đã được tham gia đối thoại, giao lưu trên các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn
hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Việc đăng
ký điểm nhóm Tin lành đã được Chính phủ hết sức quan tâm, tạo điều kiện phê
duyệt. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có khoảng 500 ngàn tín đồ
thuộc 31 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành, với hơn 400 ngàn người đang sinh hoạt
tại 240 chi hội và 1.300 điểm nhóm đã đăng ký với chính quyền địa phương. Khu
vực Tây Bắc hiện có gần 200 ngàn tín đồ, chủ yếu là người Mông sinh hoạt ở hơn
1.300 điểm nhóm. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Tin
lành được sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc tập trung theo điểm nhóm. Đến
nay, đã có trên 500 điểm nhóm đăng ký sinh hoạt thuộc 6 tổ chức, hệ phái. Từ
năm 2013 đến nay, liên tục có các điểm nhóm mới được Nhà nước cấp đăng ký sinh
hoạt tôn giáo. Với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước,
những năm qua, tín đồ, chức sắc các tôn giáo đã yên tâm, tin tưởng vào đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu
nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào “ích
nước, lợi dân”, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh
xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Tại Việt Nam, quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thực sự được tôn trọng, bảo đảm thực
hiện ngày càng tốt hơn. Đó là một thực tế rõ như ban ngày, không ai có thể phủ
nhận được. Điều này, được cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều chính khách Mỹ
đã chứng kiến và ghi nhận. Ông C.Searcy, Phó Chủ tịch Quỹ tưởng niệm Cựu chiến
binh Mỹ, đã nói: “Được chứng kiến trực tiếp và bằng kinh nghiệm bản thân mình,
tôi cho rằng Việt Nam không chỉ có tự do tôn giáo mà các hoạt động tôn giáo ở
Việt Nam ngày càng phát triển”; A.Sauvageot, cựu Đại tá CIA đã tham gia chiến
tranh ở Việt Nam, là trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan cho rằng: “Với
tư cách là người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam đã lâu, tôi hoàn toàn
không đồng ý với bản báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo.
Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%, tự do
không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Thí dụ cá nhân tôi, hoàn toàn không
theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc tại Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang
tiếng xấu vì điều đó”. Trong cuộc làm việc với Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính
phủ Việt Nam tại Mỹ năm 2016, B.Roberts, Mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành
Northwood (Mỹ), cho hay: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy
rằng, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn
giáo của mình, tôi nghĩ dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của các bạn là một
bước tích cực và đúng hướng”. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử là thành viên
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu cao; đồng
thời, bảo vệ thành công các Phiên rà soát Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu
kỳ II đã khẳng định mạnh mẽ nhất đối với nỗ lực, thành tựu của Việt Nam nhằm
thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, hoàn thành tốt vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Cần phải nhấn mạnh
rằng, cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, sinh hoạt tôn giáo ở Việt
Nam đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, “sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính
chúa, yêu nước”, đồng hành cùng dân tộc; nghiêm cấm và xử lý nghiêm bất kỳ ai
lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đi ngược
lại quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Các tôn giáo ở Việt Nam
muốn phát triển được đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước, không tôn giáo nào
được phép đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế và cũng giống như ở các quốc gia khác,
hành vi vi phạm pháp luật của công dân, dù theo đạo hay không theo đạo cũng đều
phải bị xử lý theo luật định. Điển hình như ở nước Đức, Điều 9, Hiến pháp nước
này đã quy định: Hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị
cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật
hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Vì lẽ đó,
chính quyền Đức đã phá bỏ 16 nhà thờ ở Garzweiler (Grevenbroich) để khai thác
than non dù Giám mục cho rằng việc khai thác than ảnh hưởng sinh thái và xã
hội, nhưng Tòa án Hiến pháp Liên bang đã phán quyết rằng, việc khai thác là
quan trọng hơn vì lợi ích của xã hội. Và ngay tại nước Mỹ, nơi tự cho rằng luôn
đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì cũng là nơi bị lên án vi phạm quyền này.
Hội đồng Giám mục Mỹ đã nhiều lần tố giác đạo luật tại một số bang ở Mỹ đe dọa
hoặc kỳ thị các tín đồ Ki-tô, đặc biệt là Công giáo. Điển hình như, luật buộc
các tổ chức Công giáo phải trả bảo hiểm ngừa thai cho các nhân viên; tháng
02-2012, chính quyền Mỹ đã bắt giữ 7 thành viên của nhóm Hutaree tự xưng là
“Chiến binh Thiên Chúa giáo”, có trụ sở tại Michigan vì bị cáo buộc âm mưu tiến
hành cuộc chiến chống lại chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, những người này nói rằng,
họ chỉ sử dụng quyền Hiến pháp trong việc tự do phát biểu, hội họp và mang theo
vũ khí cá nhân. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ E.Holder nhấn mạnh cuộc vây bắt nhóm
Hutaree là một cú đánh mạnh vào một tổ chức nguy hiểm toan tính chống nước Mỹ.
Rõ ràng, khi tự nhận là luôn đảm bảo tự do tôn giáo thì ở nước Mỹ cũng phân
biệt rạch ròi giữa hoạt động tôn giáo hợp pháp với hoạt động lợi dụng tôn giáo
chống chính quyền. Đặc biệt, sau sự kiện khủng bố xảy ra ở Mỹ ngày 11-9-2001,
hiện tượng “bài Hồi giáo” có xu hướng gia tăng tại nước này. Ngày 13-8-2016 tại
New York, giáo sĩ M.Akonjee và trợ lý bị bắn chết sau khi rời nhà thờ Hồi giáo.
Chính Richard Rorty, triết gia Mỹ nổi tiếng thế giới, đã nói: “Nếu chủ nghĩa
phát xít đến Hoa Kỳ, nó sẽ liên kết với sự cố chấp tôn giáo. Tôi thú nhận rằng
nếu phải đánh cược nước nào tới đây sẽ bị phát xít hóa, chắc tôi chọn Hoa Kỳ”.
Để cộng đồng quốc tế
đánh giá khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn
hoan nghênh các cá nhân và cộng đồng quốc tế, trong đó có các quan chức Chính
phủ Mỹ tới thăm, làm việc tại Việt Nam. Việc phản ánh đúng đắn thực tế đảm bảo
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát
triển lành mạnh, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân hai nước; chính
sách ngoại giao của Hoa Kỳ - Việt Nam và tinh thần Văn kiện “Tầm nhìn chung”
được ký kết giữa hai nhà nước vào tháng 7-2015./.
__________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 165.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét