Cách mạng Tháng Mười
Nga là cuộc cách mạng vĩ đại, có tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội rộng lớn,
sâu sắc nhất trong đời sống nhân loại hơn 100 năm qua. Vậy mà, có một số người
lại không ngừng tung ra các chiêu trò hòng phủ nhận lịch sử và giá trị của cuộc
Cách mạng này. Đó là luận điệu lố bịch, cần kiên quyết phê phán, bác bỏ.
Họ cho rằng: “Cách mạng Tháng Mười Nga là một
sai lầm của lịch sử”(!). Để tăng tính thuyết phục cho luận điệu này, các luận
cứ được họ tung ra là: Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính
chất Nga thuần túy”; “một cuộc bạo động phản dân chủ”; một “cuộc đảo chính”
nhằm “tiếm quyền” lãnh đạo của giai cấp tư sản và việc thiết lập Nhà nước công
- nông Xô viết là “đi chệch” quy luật phát triển chung của xã hội loài người;
Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là “quái thai của lịch sử”, là một sự “đẻ non”,
v.v. Vậy sự thật là như thế nào?
Trước hết, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là
kết quả hợp quy luật của sự phát triển tư tưởng và thực tiễn đấu tranh trong
suốt quá trình lịch sử của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. “Sai lầm
của lịch sử” mà họ gán cho Cách mạng Tháng Mười là ngay từ đầu, nó đã không
đúng với lý luận của Mác - Ăngghen, thể hiện qua nhận thức của V.I. Lênin và
Đảng Bônsêvích, nên nó là “quái thai” của tiến trình lịch sử nước Nga và thế
giới. Cả lý luận và thực tiễn đều bác bỏ luận điệu này.
Về mặt lý luận, bất cứ một cuộc cách mạng nào muốn nổ ra
thành công đều phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và
nhân tố chủ quan; giữa tình thế và thời cơ cách mạng. Trong quá trình nghiên
cứu sự vận động, phát triển của xã hội tư bản ở giai đoạn tự do cạnh tranh, C.
Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, cách mạng vô sản “sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất
cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở: Anh, Mỹ, Pháp và Đức”1. Khi
chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lênin đã phân
tích bản chất của chủ nghĩa đế quốc, phát hiện quy luật phát triển không đều
của chủ nghĩa tư bản và dự báo: “chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước hết là
trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản
chủ nghĩa”2. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Cánh mạng Tháng Mười Nga nổ
ra trong điều kiện khác với điều kiện C. Mác đã dự báo, nhưng lại nổ ra ở nơi
mà giai cấp công nhân và Đảng Bônsêvích Nga đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng và là
nơi tình thế cách mạng đã chín muồi. Điều này không phải sai với lý luận chủ
nghĩa Mác, mà chỉ là sự phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới.
Về mặt thực tiễn, Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn tiến đúng
với quá trình vận động tự nhiên của lịch sử. Song, tình thế và thời
cơ để cách mạng nổ ra và giành thắng lợi là vô cùng ngắn ngủi, chỉ
trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng Mười năm 1917. Đây là thời điểm vô cùng quan
trọng và nhạy cảm về phương diện chính trị pháp lý. Bởi, sau Cách mạng dân chủ
tư sản Tháng Hai 1917, nước Nga xuất hiện hai chính quyền song song tồn tại:
Chính phủ lâm thời tư sản và Xô viết các đại biểu công nhân, binh sĩ, đứng đầu
là Xô viết Petrograd. Ngày 24 tháng Mười, Chính phủ lâm thời tư sản tuyên bố sẽ
áp dụng mọi biện pháp để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa ở Petrograd. Trước tình hình
cực kỳ khẩn trương và nghiêm trọng đó, V.I. Lênin chủ trương phải tiến hành
khởi nghĩa ngay trong đêm ngày 24 tháng Mười, lật đổ Chính phủ lâm thời tư sản,
bảo vệ các Xô viết đại diện. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã chứng minh sự vận
dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác về cách mạng vô sản của V.I. Lênin
và Đảng Bônsêvích Nga vào thực tiễn nước Nga lúc đó; về nghệ thuật chớp thời cơ
tài tình của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích Nga.
Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra trang sử mới
đối với nước Nga và mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trên bình
diện giai cấp, Cách mạng Tháng Mười Nga thuộc phạm trù cách mạng vô sản,
được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Thắng lợi của cuộc Cách
mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi của hệ tư tưởng giai cấp công nhân trong phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với thắng lợi này, Nhà nước Xô viết - Nhà
nước công nông đầu tiên trên thế giới được lập ra; đưa nhân dân Nga từ thân
phận nô lệ thành người làm chủ; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga - kỷ
nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nó còn mở ra
thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế
giới, cổ vũ các cuộc cách mạng trên thế giới đi vào con đường cách mạng vô sản.
Giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm
của thời đại, “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới.
Trên bình diện dân tộc, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra và tạo động
lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi
toàn thế giới; giải phóng các dân tộc phụ thuộc đế quốc Nga, biến nước Nga Sa
hoàng từ chỗ là “nhà tù của các dân tộc” trở thành một liên bang mà ở đó các
dân tộc đều bình đẳng, hợp tác và cùng tiến bộ. Cách mạng Tháng Mười Nga không
chỉ là động lực cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, tự do cho
dân tộc mình, mà còn thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ cũng
như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tiếp theo tinh thần của Cách mạng
Tháng Mười Nga, nhiều dân tộc trên thế giới đã vùng lên giải phóng khỏi chế độ
quân chủ, phát xít, thực dân, đế quốc, phá vỡ từng mảng lớn và tiến tới làm sụp
đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân, đế quốc thiết lập; xây
dựng chế độ xã hội mới do người lao động làm chủ. Với Cánh mạng Tháng Mười Nga,
lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quyền tự quyết của các dân tộc được thực
hiện.
Trên bình diện quốc tế, Cách mạng Tháng Mười Nga đã vượt ra ngoài
biên giới nước Nga, làm “rung chuyển thế giới”. V.I. Lênin khẳng định: “Tấm
gương Nga chỉ ra cho tất cả các nước thấy một cái gì hoàn toàn căn bản về tương
lai tất yếu và gần đây của họ”3, “một số đặc điểm cơ bản của cuộc
cách mạng của ta không phải ở ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt - dân tộc, ý
nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế,... nó có tính tất yếu lịch sử
là sẽ tái diễn trong phạm vi quốc tế”4. Thắng lợi của Cách mạng
Tháng Mười Nga cùng với sự lớn mạnh của Liên Xô, đã phá vỡ thế độc tôn của chủ
nghĩa tư bản, làm cho nó không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới. Đặc
biệt, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được
hình thành, đã làm thay đổi căn bản cục diện thế giới, mở ra thời kỳ đấu tranh
với những mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ
nghĩa xã hội. Một trật tự thế giới “hai cực” được hình thành với một bên là hệ
thống các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu đã tạo thế cân bằng giữa
các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới với các thế lực đế quốc; chấm
dứt thời kỳ “làm mưa làm gió” của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc khác.
Rõ ràng, Cách mạng Tháng Mười Nga không phải
là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ “sự
cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng” của một cá nhân nào đó như các thế
lực thù địch thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh
hưởng và tầm vóc vĩ đại của cuộc Cách mạng này. Đúng như Chủ tịch Thượng viện
Nga, Sergei Mironov, viết trên tờ Nước Nga, ngày 31/10/2007, rằng: khi đánh giá
Cách mạng Tháng Mười Nga, nếu “bỏ định ngữ “vĩ đại” là không đúng, vì Cách mạng
Tháng Mười Nga, xét theo cả về quy mô và tầm ảnh hưởng đối với các tiến trình
trên thế giới, là một cuộc cách mạng vĩ đại”.
Thứ ba, ngày nay, mặc dù thế giới có nhiều biến
động, đổi thay, nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn giữ nguyên giá trị
“vạch thời đại”, vẫn là niềm cổ vũ cho những người có lương tri với khát vọng
về một thế giới tươi đẹp. Trong thế kỷ XX, lịch sử loài người đã trải qua hai
sự kiện chấn động tại nước Nga, có liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa xã hội:
(1). Cách mạng Tháng Mười Nga; (2). Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô tan
rã. Chúng ta vui mừng trước sự kiện thứ nhất bao nhiêu, thì lại càng đau buồn
cho sự kiện thứ hai bấy nhiêu.
Năm 2005, trong Thông điệp Liên bang, Tổng
thống Nga V. Putin khẳng định: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm
trọng nhất của thế kỷ XX. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”. Lợi
dụng “tai họa” và “bi kịch” này, các thế lực thù địch lại tấu lên điệp khúc phủ
nhận “Bài ca Tháng Mười” với những tuyên bố về sự “kết thúc lịch sử” của chủ
nghĩa Mác - Lênin, “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội hiện thực; phủ nhận nội
dung và tính chất của thời đại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; cổ xúy
cho chế độ tư bản là sự phát triển “tận cùng của lịch sử”, v.v. Song, sức sống
của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị, sức sống đó vẫn
tiếp tục được khẳng định qua sự nghiệp đổi mới, cải cách và phát triển ở các
nước như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba; qua sự phục hồi và hoạt động của
phong trào cộng sản quốc tế. Tiêu biểu cho phong trào này là phong trào cách tả
ở Mỹ La tinh - khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ, đã tuyên bố quyết tâm
“vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội ở
thế kỷ XXI”.
Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử,
nó cung cấp những giá trị to lớn định hướng cho quá trình hiện thực hóa lý
tưởng cộng sản trên thế giới. Theo đó, “Tất cả các dân tộc đều đi đến chủ nghĩa
xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ
nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc
điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”5.
Hiện nay: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng
sẽ có bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất
định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”6. Những luận cứ khoa học này góp
phần bác bỏ những luận điệu sai lầm về tính “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản và
phủ nhận Cách mạng Tháng Mười Nga.
_________________
1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn
tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 472.
2 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 26,
Nxb CTQG, H. 2006, tr. 447.
3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 41,
Nxb CTQG, H. 2005, tr. 04.
4 - Sđd, tr. 03.
5 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 30, Nxb CTQG,
H. 2006, tr. 160.
6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.
http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/cach-mang-thang-muoi-nga-la-mot-sai-lam-cua-lich-su-luan-dieu-lo-bich/16246.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét