Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - NÉT ĐẶC SẮC TRONG VĂN HÓA CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM



Vai trò, vị trí cầm quyền của Đảng thể hiện quyền hạn, trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Đảng trước nhân dân, trước dân tộc. Vì thế, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề thiết kế và xây dựng Đảng cầm quyền, một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, sáng suốt, gắn bó mật thiết và hành động vì lợi ích của nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền - Đảng cách mạng, Đảng vì dân, vì nước 
Mùa Thu tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam - “một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”, trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khác xa so với thời kỳ còn hoạt động bí mật, bất hợp pháp để lãnh đạo toàn dân tộc xóa bỏ ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản thực hiện sứ mệnh lãnh đạo xây dựng chế độ mới, con người mới, nền văn hóa mới không có mục đích nào khác ngoài mang lại nền độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng to lớn, phức tạp, đầy khó khăn gian khổ nhưng vẻ vang ấy, Đảng cầm quyền vừa là hạt nhân lãnh đạo các tổ chức của hệ thống chính trị, vừa là thành viên trong hệ thống chính trị. 
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(1). Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những điều tâm huyết về vai trò cầm quyền của Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2), đồng thời Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. 
Thực tiễn vai trò cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam đã khẳng định “Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước”(3). Trong các tiêu chí để xác định một đảng chân chính cách mạng, việc đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả, năng lực, tính chính danh của Đảng cầm quyền. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(4). Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân” và chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân. Chỉ khi thấu hiểu và hành động vì con người, cho sự phát triển toàn diện của con người như vậy trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo, Đảng cầm quyền mới “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”(5). 
Muốn đạt được mục đích nhân bản đó, muốn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp của Đảng, vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách giữ cho được định hướng hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho bộ máy Đảng và Nhà nước thật sự trong sạch. Nếu hoạt động lãnh đạo của Đảng thông qua Nhà nước kém hiệu quả, bộ máy quan liêu, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, bị thoái hóa, biến chất thì Đảng cầm quyền, Nhà nước mà nhân dân đã tin tưởng giao phó quyền lực chính trị ắt sẽ không giành được sự ủng hộ, niềm tin nơi dân chúng. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, theo đúng tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(6). Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và qua đó đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân đồng thời phát huy được vai trò, sức mạnh vô cùng tận của nhân dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng vĩ đại và theo Hồ Chí Minh là “một sự nghiệp gian nan cực khổ”. Lãnh đạo sự nghiệp to lớn và vẻ vang đó, Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, sức chiến đấu để đảm đương vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 
Muốn vậy, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng phải thể hiện rất rõ bản chất, tầm nhìn, trí tuệ và phương thức định hướng, chỉ đạo chiến lược phát triển đất nước, bằng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, chủ trương, quan điểm và quyết sách chính trị từ Trung ương đến địa phương. Bản thân Đảng phải luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(7).
Đảng cầm quyền trong thể chế chính trị “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”
Chế độ chính trị được Hồ Chí Minh đề cập và phấn đấu xây dựng là chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở đó, “Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra”, “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”. Trong đó “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nhân dân là chiếc áo giáp thần kỳ che chở, bảo vệ Đảng, Nhà nước; nhân dân đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để nuôi dưỡng, bảo vệ chế độ. Không có nhân dân thì chế độ chính trị không có cơ sở để ra đời và tồn tại. 
Thể chế dân chủ cộng hòa đã làm thay đổi tận gốc quan hệ quyền lực chính trị và thực hiện quyền lực, nhân dân được đặt ở vị trí cao nhất, trung tâm, nhà nước không còn là công cụ thống trị, nô dịch dân như trong thời phong kiến. Vì vậy, trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân... nhân dân là ông chủ nắm chính quyền”. Hồ Chí Minh cho rằng dân là quý nhất, là quan trọng nhất, dân là tối thượng; trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh, lực lượng đoàn kết của nhân dân và lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đặt ra là làm sao để tất cả quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là người chủ Nhà nước và xã hội. Trong điều kiện dân chủ và pháp quyền, nhân dân có quyền đòi hỏi chính đáng, có nhu cầu tự nhiên và tất nhiên về việc phải kiểm soát được quyền lực mà mình đã giao cho chủ thể lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước là Đảng và Nhà nước, để làm sao cho quyền lực đó không bị biến dạng, không bị tha hóa, không bị lạm quyền, lộng quyền. 
Quan niệm toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ nhất tính dân chủ triệt để của Nhà nước ta, trở thành nguyên tắc cơ bản tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp. Các bản Hiến Pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều thể hiện điều đó. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là một nội dung trọng yếu của việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục khơi nguồn động lực, tiềm năng, trí tuệ của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì dân, “lấy dân làm gốc” phải luôn là yếu tố văn hóa thẩm thấu trong mọi hoạt động của Đảng Cộng sản cầm quyền
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là đề cao tuyệt đối chữ dân. Trong một nước dân chủ thì nhân dân là chủ, làm chủ. Văn hóa đó được thể hiện rất rõ qua thực hành văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước, trong các đoàn thể, trong thể chế, bộ máy, trong con người và qua hành vi của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lấy nhân dân làm hệ quy chiếu trong mọi chủ trương, chính sách. 
Người cho rằng, cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tươi tốt... là cuộc chiến đấu khổng lồ, vì vậy, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân. Dân là gốc của nước, của cách mạng. “Nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(8). Là “gốc của nước”, nên nhân dân cũng là người quyết định thành bại của cách mạng. Hồ Chí Minh quan niệm, nhân dân là nguồn gốc sức mạnh, là nguồn trí tuệ, sáng kiến vô tận. Người viết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”, “Không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy cũng làm không xong”(9). Muốn vậy, Đảng cầm quyền phải luôn quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách nhằm bảo đảm mưu cầu lợi ích tối cao của nhân dân. “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(10).
Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức về dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ đổi mới. Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta chỉ rõ: “Thực tiễn cách mạng chứng minh: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng”(11), vì vậy Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(12). Phương thức tổ chức vận động nhân dân và cũng là phương châm, khẩu hiệu cơ chế thực hiện dân chủ bước vào thời kỳ đổi mới được Đại hội VI của Đảng xác định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đảng ta cho rằng, đó là nền nếp hằng ngày của dân chủ của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động làm chủ, tham gia quản lý nhà nước của mình. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011), Đảng chỉ rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(13). 
Con người là nguồn vốn của mọi nguồn vốn, là nguồn lực quan trọng nhất của mọi nguồn lực, giá trị cao nhất của mọi giá trị. Con người Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là sức sống của đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có những nhận thức mới ngày càng sâu sắc, cụ thể hơn về vị trí, vai trò của nhân dân, của dân chủ và phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra trong tổng kết sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Trong cơ chế dân chủ một đảng cầm quyền, ý Đảng trước hết phải từ ý dân và lòng dân, vì vậy, ý Đảng lòng dân là một, thống nhất hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời. Lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành bài học và cấu thành hệ giá trị của đổi mới. 
Xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân đi đôi với ngăn ngừa căn bệnh quan liêu, xa dân của Đảng cầm quyền
Thực tế hoạt động cầm quyền đặt ra yêu cầu tất yếu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người tài đức, phải giành được niềm tin của quần chúng nhân dân, được dân tin, dân phục, dân yêu. Gánh vác sự nghiệp cầm quyền, Hồ Chí Minh đã lưu ý chúng ta: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”(14), và vì vậy vào Đảng không phải là để “làm quan cách mạng”, để “thăng quan tiến chức”, để “một người làm quan cả họ được nhờ”, “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân, phong kiến”,... Mà điều cốt yếu khi cán bộ, đảng viên được nhân dân gửi gắm, ủy thác, trao quyền lực, trong một thể chế chính trị dân chủ, thì yêu cầu về xây dựng văn hóa đạo đức của người cán bộ cách mạng phải là văn hóa “vì dân”, chính tâm và thân dân. Nghĩa là: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người cán bộ cách mạng muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân(15), phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy; phải có một tinh thần chí công vô tư; phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(16). 
Hồ Chí Minh cho rằng, “Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta (tức là Đảng ta khi đó chưa ra hoạt động công khai) là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân... Đã phụng sự nhân dân thì phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh... Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể phải:
Luôn luôn gần gũi nhân dân.
Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.
Học hỏi nhân dân.
Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bốn điều ấy phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của nhân dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân”(17). Toàn Đảng phải “biết ý kiến dân chúng”, “học dân chúng”, “nâng cao dân chúng”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, Hồ Chí Minh đã hòa mình vào đời sống của nhân dân lao động, tự cho mình chỉ là người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận, “là người đày tớ trung thành của nhân dân”.
Khác với thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, mà nếu không đủ bản lĩnh, ý chí, phẩm chất và trí tuệ, không đề cao dân chủ, dựa chắc vào nhân dân sẽ không dễ vượt qua những thử thách, khó khăn. Để bảo đảm tính chính danh cầm quyền của Đảng trước Tổ quốc, trước nhân dân, Đảng cầm quyền phải có đường lối chính trị đúng đắn, nhưng để xây dựng được đường lối đúng đắn và làm cho đường lối đó trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống thì nhất thiết Đảng phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng danh và ngang tầm. Chính vì vậy, vấn đề cốt tử trong mọi hoạt động của Đảng là làm sao để mỗi “Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng”(18).
Sinh thời, V.I. Lê-nin từng cảnh báo: Đối với một Đảng Cộng sản đang lãnh đạo nhân dân “quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”(19). Vì thế cho nên, Đảng phải luôn tỉnh táo và kịp thời phát hiện, sửa chữa mọi biểu hiện vi phạm, chà đạp quyền làm chủ của nhân dân; quan liêu, xa dân và những tật bệnh khác, giữ cho cơ thể Đảng luôn trong sạch và có sức chiến đấu, sức đề kháng cao. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã lưu ý chúng ta phải luôn cảnh giác, đấu tranh phong ngừa những căn bệnh vốn là nguy cơ của đảng cầm quyền, trong đó có căn bệnh quan liêu, xa dân. 
Theo Hồ Chí Minh mất dân chủ, quan liêu, xa dân cũng như những khuyết điểm khác có nhiều loại và mỗi khuyết điểm là một chứng bệnh, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài... Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ bên trong phá ra. Sự phá hoại của thế lực thù địch bên ngoài là một thực tế cần hết sức cảnh giác. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn lại chính là sự tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. V.I. Lê-nin cho rằng, “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(20). Bởi vậy, việc nhìn ra những tật bệnh để kiên quyết chữa trị, giữ cho cơ thể Đảng khỏe mạnh là một việc thường xuyên và tất yếu trong xây dựng Đảng. 
Đứng trước căn bệnh quan liêu, xa dân, Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh báo và chỉ ra những biểu hiện nguy hại của nó: cách xa quần chúng, không hiểu thấu tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không học hỏi dân chúng, xem khinh quần chúng, sợ quần chúng phê bình, thích dùng mệnh lệnh hành chính, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong lãnh đạo,... Người nghiêm khắc chỉ ra có một bộ phận cán bộ, đảng viên “cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến”(21). Để “tẩy sạch” bệnh quan liêu, xa dân trong cán bộ, đảng viên, để người chiến sĩ cách mạng tránh bị đào thải khi mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này, Hồ Chí Minh đã đưa ra liều thuốc “đặc trị”, trong đó thực hành “4 phải”: 
“- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. 
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. 
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. 
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”(22).
Người tin rằng, bằng cách đó, Đảng cầm quyền vừa chống được nguy cơ thoái hóa, biến chất, sai lầm về đường lối vừa ngày càng trở nên trong sạch, vững mạnh hơn. 
Để Đảng luôn vì dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cách mạng “có lòng kiên quyết, có chí hy sinh”, đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đội ngũ đó phải ít lòng ham muốn về vật chất, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi đôi với làm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,... Phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên làm nên chất lượng của Đảng tiên phong. Đảng ta như một cơ thể sống, từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên có đức và thực tài sẽ làm cho Đảng mạnh và ngược lại, những sự vi phạm dân chủ, quan liêu, xa dân của người cán bộ, đảng viên sẽ làm suy yếu Đảng, hệ thống chính trị và phong trào cách mạng. Cho nên, người cán bộ cách mạng là thật sự là công bộc, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - đó cũng chính là phục vụ chân lý và thực hành dân chủ - lẽ sống cao thượng của người chiến sĩ cách mạng.
Trong quá trình đó, phải nâng cao ý thức cảnh giác đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, kích động nhân dân gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
-------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 290
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611 – 612
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 294, 289
(5) Hồ Chí Minh: Văn hóa - nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 516
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 65
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 616
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 409 - 410
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 292
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 297
(11), (12) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 115, 28
(13)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84 - 85
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 249
(15) Người xưa luận bàn về chính tâm và thân dân: có lần Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử: “Sử dân kính, trung dĩ khuyến, như chi hà?” (Muốn khiến dân cung kính, trung thành và cổ vũ lẫn nhau, nên làm thế nào ?), Khổng Tử đáp: “Lâm chi dĩ trang, tắc kính; hiều từ, tắc trang; cử thiện nhi giáo bất năng, tắc khuyến” (Đối xử dân với thái độ trang trọng thì dân sẽ cung kính; hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu với mọi người thì dân sẽ trung thành; cất nhắc người đức hạnh tài năng, dạy người yếu kém năng lực thì dân sẽ cổ vũ lẫn nhau). Dẫn theo: Những vấn đề biến đổi xã hội học trong sự biến đổi xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 25
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 326
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 88
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 279
(19) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 44, tr. 426
(20) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 42, tr. 311
(21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 89, 90

PGS. TS. Đỗ Xuân Tuất
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo TCCS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...