Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Tham nhũng và những lỗ hổng cần bịt kín

 Trong hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, thì “việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc, để lại không ít bức xúc trong nhân dân.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thật gắn chặt với quy hoạch cán bộ; chưa đánh giá và sử dụng đúng mức đội ngũ cán bộ trí thức, các nhà khoa học đầu đàn… Những hạn chế, yếu kém trên của công tác cán bộ là một nguyên nhân dẫn tới một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”…

Thực tế cho thấy tham nhũng trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều khâu của công tác cán bộ với rất nhiều cách thức từ đơn giản, trắng trợn đến tinh vi; từ dễ nhận thấy đến mập mờ tốt xấu, đúng sai không dễ nhận ra. Bởi bản chất, những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng vì đều là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn. Có thể kể tới một số ví dụ tiêu biểu như Dương Chí Dũng một cán bộ quản lý kinh doanh toàn thua lỗ nhưng vẫn cứ được cất nhắc lên cao dần và cuối cùng là được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để rồi bị bắt ngay sau đó. Trịnh Xuân Thanh từ một cán bộ quản lý kinh doanh có nhiều khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng, thậm chí phạm pháp nhưng lại được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thành cán bộ lãnh đạo cấp cao và còn được khen thưởng những danh hiệu cao quý…

Lỗ hổng là quá lớn ở rất nhiều khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Sở dĩ còn tồn tại các lỗ hổng này là do các đối tượng trên đã biết vung tiền ra để làm mờ mắt nhiều người làm công tác cán bộ. Biểu hiện của hành vi này là người đứng đầu với quyền lực của mình đã đề xuất, vận động, gợi ý, gây sức ép, hướng lái tập thể lãnh đạo theo ý đồ, thậm chí tự ý quyết định hay áp đặt theo chủ ý của mình về công tác cán bộ, làm tê liệt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, vô hiệu hóa nguyên tắc tập trung dân chủ.

Những dòng họ làm quan hay bổ nhiệm thần tốc những “hạt giống” thời gian qua ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Giang, Thanh Hóa… cho thấy ở nhiều nơi sự lạm quyền, mất dân chủ, độc đoán, thao túng, tự tung, tự tác của người đứng đầu trong công tác cán bộ đã ở mức báo động. Động cơ vụ lợi rõ ràng của những người đứng đầu trong công tác cán bộ đã khiến họ bố trí, bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi lộc. Những vụ việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, vượt thẩm quyền trong thời gian dài tại một số tỉnh như Hà Giang, Cà Mau, Ninh Bình, Gia Lai, Bình Định… hay tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian qua là điển hình cho hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Nhiều địa phương có tình trạng bổ nhiệm người nhà làm quan được bổ nhiệm, tuyển dụng sai quy định. Đơn cử như vụ: “Nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa; con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm đến Giám đốc Sở Kế hoạch – Ðầu tư…

Nhìn bề ngoài, mọi thứ đều đúng quy trình, nhưng thử hỏi có cán bộ nào ở địa phương không e ngại việc người đứng đầu dùng “quyền lực mềm” trên cương vị lãnh

đạo, quản lý để tác động, gợi ý thu vén cho gia đình, người thân dẫn đến chuyện “cả họ làm quan”… mà cấp dưới dám “cả gan” chống lại. Và không chỉ trực tiếp “ra tay” tại địa phương mình, họ còn bắt tay liên minh với người có chức vụ tương đương nhằm đổi chác việc tiếp nhận, bố trí nhân sự giữa các cơ quan, đơn vị theo kiểu “có đi có lại”, ai cũng có “suất”, có “phần”; con cháu lãnh đạo thì sẽ luôn có vị trí “thơm tho”.

Tại sao những  hành vi ấy lại khó bị phanh phui và tồn tại trong thời gian dài? Nhiều bài báo đã dẫn lời các chuyên gia chỉ ra, đó là do cơ chế, chính sách, quy định nói chung, cũng như trong công tác cán bộ nói riêng vẫn còn tồn tại “kha khá” những sơ hở, thiếu sót. Chính những cán bộ chủ chốt kia đã nhìn ra kẽ hở ấy mà đưa người nhà, người thân “lách” qua khe cửa hẹp thay vì họ tìm cách bịt nó lại theo đúng trách nhiệm của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...