Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Giáo dục bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ từ nhà trường (Bài 1)

Từ xưa, các học giả nổi tiếng đều thừa nhận giáo dục là lợi khí đào tạo nhân tài. Giáo dục có thể được thực hiện qua nhiều cách khác nhau, nhưng văn học, với những cách thể hiện phong phú, đa dạng giúp con người bồi dưỡng tâm hồn về cái đẹp, cái cao cả cũng như lý tưởng sống chắc chắn là công cụ hữu hiệu nhất.

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, chúng ta đã thành công trong việc sử dụng văn học để nuôi dưỡng, bồi đắp đời sống tinh thần của người lính, làm cho họ biết rung động và đau xót trước cảnh nước mất nhà tan, biết phân biệt rõ chính nghĩa và gian tà, giữa thiện và ác... Vì thế, họ sẵn sàng xả thân đấu tranh cho lý tưởng và chấp nhận hy sinh nếu Tổ quốc cần. Hình ảnh đẹp đẽ của những người lính Cụ Hồ hiện lên qua những tác phẩm văn thơ trong kháng chiến và những năm sau hòa bình đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, có tác dụng tích cực trong việc hình thành nhân cách và phẩm chất cho một lớp người mới. Trong lớp người này, có không ít thanh niên sắp tốt nghiệp hay tốt nghiệp phổ thông đã trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Theo mạch nguồn ấy, nhiều tác phẩm văn học phản ánh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước sau này cũng có một vai trò rất lớn trong việc bồi đắp thêm về nhận thức và tư tưởng cho thế hệ người lính Cụ Hồ lớp trước, đồng thời hình thành nhân cách và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ thế hệ tiếp theo. Đó là lớp thanh niên lớn lên sau khi miền Bắc được giải phóng. Nhiều tác phẩm văn học sáng tác trong giai đoạn này được cổ vũ và đưa vào chương trình dạy văn trong nhà trường có tác động trực tiếp đến cảm xúc và nhận thức của thanh niên về những nhiệm vụ to lớn của đất nước trong giai đoạn mới. 

Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, do những nhu cầu mới về lịch sử, chúng ta có dịp nhìn nhận, đánh giá lại các sáng tác văn học của hai giai đoạn kháng chiến đã qua để thấy được những thành tựu và hạn chế của nó. Về mặt lý luận, chúng ta đã có nhiều dịp bàn đến tính sơ lược, minh họa, hoặc tính nông cạn, giáo điều trong phương pháp sáng tác ở một số tác giả. Nhiều tác phẩm không còn thích hợp với thực tiễn, dần dần bị loại bỏ khỏi nhà trường. Thay vào đó, chúng ta đã mạnh dạn đưa vào nhiều tác phẩm văn học được sáng tác trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thời kỳ đổi mới. Đồng thời, chúng ta cũng mạnh dạn đưa nhiều tác phẩm của Tự lực văn đoàn và Phong trào Thơ mới vào chương trình dạy văn. Điều này cũng dễ hiểu, vì khi đất nước mở cửa kinh tế thị trường thì các tác phẩm viết về xây dựng hợp tác xã thời quan liêu bao cấp trở nên lỗi thời. 

Việc thay thế và bổ sung một số tác phẩm văn học vào chương trình sách giáo khoa phổ thông là một hướng đi đúng nhằm đáp ứng nhu cầu mới về giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách, phẩm chất của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta lại mắc một số sai lầm, khiến cho việc giảng dạy văn học trong nhà trường có phần tụt dốc và kém hiệu quả trong việc giáo dục nhân cách và phẩm chất của thế hệ trẻ nói chung. 

Trên đại thể, có thể nhận định rằng, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật dù có những hạn chế nhất định nhưng đã hoàn thành sứ mạng cao cả của mình, góp phần xứng đáng vào việc hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Các giá trị đích thực của nó phải được nhìn nhận, phân tích khách quan, gắn với bối cảnh lịch sử cụ thể. Vẫn biết rằng, chất lượng nghệ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng một khi nó xa rời nội dung, thậm chí được đề cao một cách thái quá thì ngẫu nhiên, nó lại đánh mất đi chức năng quan trọng nhất của mình. Đó là chức năng giáo dục (hiểu theo nghĩa đầy đủ của từ này), một chức năng ngầm ẩn, giúp cho mỗi cá nhân tự nhận thức cuộc sống để hình thành nên nhân cách và phẩm chất của mình, với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội. (còn nữa)

Nguôn: Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...