Những năm qua, tại Biển Đông xảy ra một số vụ việc phức tạp, có lúc diễn biến căng thẳng, trong đó có các hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo như: Vụ việc tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp năm 2011 và 2012; vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông năm 2014; sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam (từ ngày 4/7/2019 đến ngày 24/10/2019); các hoạt động tập trận trên Biển Đông tại một số thời điểm…
Những sự việc này được các tổ chức, đối tượng phản động triệt để khai thác, nhào nặn, biến tấu thành những luận điệu xảo trá, vu cáo như “Việt Nam nhu nhược, hèn nhát”, “chính quyền Việt Nam làm ngơ về Biển Đông”… Không những thế, các thế lực xấu còn vẽ ra “thuyết âm mưu” khi cho rằng Việt Nam cần phải liên minh quân sự với những nước lớn có thực lực kinh tế, quốc phòng - an ninh mạnh thì mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Đặc biệt, thông qua chiến lược xoay trục, đổi chiều sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, việc Mỹ tăng cường hợp tác với các nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng tầm ảnh hưởng đối với khu vực Biển Đông cũng như duy trì thế cân bằng quyền lực của Mỹ tại vùng biển này… cũng trở thành chủ đề mà các thế lực thù địch vin vào để đả phá, công kích.
Nhiều bài viết phê phán rằng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói mình” vì tiềm lực kinh tế, quốc phòng - an ninh Việt Nam hiện nay là quá yếu, không thể ba không, bốn không mà xoay xở được; từ đó họ vẽ ra một viễn cảnh cần phải liên minh với Mỹ thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo và bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc…
Các tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng những diễn biến phức tạp tại Biển Đông cũng như đường lối đối ngoại, hướng giải quyết các vụ việc của Việt Nam để tìm cách chế nhạo, tái diễn nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, suy diễn, xem đó là “ngòi nổ” để phá hoại sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đồng thời đưa ra các bài viết lấy danh nghĩa “phân tích khoa học” để nhằm kích động việc “chọn phe” trong các quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cổ súy tư tưởng bài trừ nước này, theo nước kia; cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải vì phe này, phe kia để chủ quyền biển, đảo không bị xâm lấn…
Một số bài viết lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo để quy kết rằng, khi đất nước chỉ có một đảng thì không đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ đó hướng lái tư tưởng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Mặt khác, qua thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước, trong đó có việc hỗ trợ ngư dân bám biển, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng bằng lối tư duy thù địch, chống phá, số đối tượng phản động lại đưa ra những lời lẽ hết sức vô lý, cho rằng “chỉ có ngư dân bảo vệ biển, không thấy chính quyền đâu”; vu cáo chính quyền “chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, không lo bảo vệ biển, đảo, không lo cho dân”.
Họ vin vào tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở vùng biển của quốc gia khác, bị lực lượng bảo vệ pháp luật của các nước bắt giữ, xử lý để gieo rắc luận điệu “ngư dân bị bỏ rơi”! Một số bài viết lợi dụng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; việc các tàu công vụ của nước ngoài tiếp tục có hành vi xua đuổi, khống chế, thu giữ hải sản và ngư cụ của các tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường ở ngoài khơi Biển Đông để đưa ra đánh giá phiến diện “lực lượng chuyên tránh thực thi pháp luật trên biển làm ngơ, không hoàn thành nhiệm vụ”.
Các đối tượng còn tiến hành phỏng vấn số chống đối, bất mãn gắn với cái mác là các “chuyên gia”, “nhà hoạch định” để đưa ra những so sánh khập khiễng, đánh giá sai lệch về năng lực, khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, kích động việc “sử dụng vũ lực” của lực lượng vũ trang trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; họ cho rằng trước những hành động gây hấn, xâm chiếm biển, đảo Tổ quốc, nếu không nổ súng là “nhu nhược, hèn nhát”!
Nguy hiểm hơn, các thế lực bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo, các đối tượng chống phá thông qua các tài khoản mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong theo kiểu “nội công, ngoại kích” hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét