Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn

QĐND - LTS: Ngày 12-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Tại hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác PCTN kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo (năm 2013) đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng (Báo Quân đội nhân dân đã đăng toàn văn phát biểu này trong số báo ra ngày 13-12 với tiêu đề “Tiếp tục đẩy mạnh PCTN với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sau khi theo dõi thông tin về hội nghị và đặc biệt là nghiên cứu kỹ bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ sự phấn khởi, niềm tin vào quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh chống “giặc nội xâm”, đồng thời hiến kế, đề xuất những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh PCTN với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trân trọng chọn đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã tạo ra những đột phá chưa từng có

Đột phá được hiểu là triển khai thực hiện những giải pháp mang tính chất chủ đạo nhằm tạo ra những bước ngoặt, những thay đổi lớn đối với những vấn đề còn trì trệ bấy lâu nay. Đột phá cũng được hiểu là nỗ lực thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm làm thay đổi tính chất của sự việc mà những giải pháp trước đây chưa làm đến nơi đến chốn.

Với cách hiểu như vậy, tôi cho rằng, từ năm 2013 đến nay, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra những bước đột phá chưa từng có, vì vậy thu được những kết quả cũng chưa từng thấy.

Thứ nhất, đó là đột phá về tư duy, xác định rõ việc PCTN là cuộc đấu tranh vì sự sống còn của Đảng và chế độ XHCN, do đó tư tưởng chỉ đạo của Đảng là làm nhất quán từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị sức ép từ bất cứ cá nhân, tổ chức nào; nếu ai sai phạm, tham nhũng đều phải xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội. Thứ hai, đột phá về công tác tổ chức. Từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN (gọi tắt là BCĐ) chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng BCĐ, công tác PCTN đã được triển khai bài bản, thống nhất, xuyên suốt và công tác chỉ đạo, điều hành được duy trì thành nền nếp, chặt chẽ, nhất quán và có sự phân công, phối hợp rất hiệu quả giữa BCĐ và các cơ quan chức năng của Trung ương. Thứ ba, đột phá về công tác phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố, xử lý các đối tượng trong PCTN. Nhờ đột phá này mà hầu hết các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng đã bị phanh phui, xử lý và được dư luận xã hội đánh giá rất cao. Thứ tư, đột phá về mức độ xử lý mang tính răn đe rất nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng và đột phá về công tác thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Trước đây, chúng ta xử lý nhiều vụ án tham nhũng theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, xử nhiều án treo và ít (hoặc khó) thu hồi được tài sản tham nhũng; thì nay các vụ tham nhũng đều xử lý rất mạnh tay, xử nhiều án tù hơn và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng lên gấp nhiều lần. Thứ năm, đột phá về công tác thông tin, truyền thông về công tác đấu tranh và kết quả PCTN. Tất cả các vụ việc, đối tượng liên quan đến tham nhũng đều được UBKT Trung ương và BCĐ công bố rộng rãi, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó thể hiện sự công khai, minh bạch về một vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm, thì nay chuyện công khai danh tính cán bộ, đảng viên sai phạm và xử lý kỷ luật đã thành “chuyện thường ngày”, từ đó tạo thành sức mạnh của quần chúng và dư luận xã hội đối với công tác đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước ta.

Hiến pháp 2013 đã hiến định, Đảng ta là Đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, khi Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN thì hiệu lực, hiệu quả đã được chứng minh trong thực tế. Theo tôi, đây là bài học, kinh nghiệm rất quý báu cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới để công tác đấu tranh PCTN ngày càng đi vào chiều sâu, thu được nhiều kết quả lớn hơn nữa.

Thạc sĩ  NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Dấu ấn rất đáng ghi nhận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng:

Thành công của công tác PCTN trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt quan trọng của BCĐ Trung ương về PCTN. Thành lập ngày 1-2-2013, BCĐ có địa vị chính trị, pháp lý, thẩm quyển cao hơn BCĐ đã được thành lập trước đó, vì Trưởng ban là Tổng Bí thư, các Phó trưởng ban gồm Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và các thành viên gồm lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương. Chính vì vậy, BCĐ có trách nhiệm, quyền hạn rất lớn trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước.

Dấu ấn của BCĐ được thể hiện trước hết ở việc đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhiều chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu để việc chỉ đạo công tác PCTN được thống nhất, chặt chẽ trên phạm vi toàn quốc, từ đó tránh những kẽ hở, lỗ hổng và hiện tượng có thể làm mạnh ở chỗ này, không làm đến nơi đến chốn ở chỗ khác. Thứ hai, BCĐ đã có bộ máy giúp việc, hoạt động chuyên nghiệp, cơ chế điều hành của BCĐ tập trung, nhất quán. BCĐ có đủ các thành phần lãnh đạo ở các cơ quan trọng yếu, rường cột của Đảng và Nhà nước, từ đó hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành cũng thuận lợi hơn trước. Thứ ba, những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, BCĐ đã phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối công tác đấu tranh PCTN, thể hiện ở việc kịp thời chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và dư luận xã hội quan tâm. Chính vì vậy, không ít vụ tham nhũng phức tạp tưởng như bị “chìm xuồng” và nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ cao cấp liên quan đến vụ việc tham nhũng tưởng như rơi vào tình trạng “im lặng đáng sợ”, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của BCĐ nên những vụ việc và đối tượng liên quan đã bị điều tra, xử lý nghiêm minh. Thứ tư, BCĐ, nhất là Trưởng BCĐ đã thể hiện quyết tâm chính trị dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không chùn bước trước khó khăn, không nao núng trước những áp lực, đã nói là làm, làm thực chất, làm hiệu quả, làm để củng cố uy tín của Đảng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Tôi cho rằng, với những ưu thế, hiệu lực và hiệu quả mà BCĐ đã làm được trong những năm qua, thời gian tới, BCĐ cần tiếp tục phát huy vị thế, thẩm quyền của mình để tăng cường công tác đấu tranh PCTN, làm cho các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng bị thu hẹp, các đối tượng tham nhũng ngày càng bị kiềm tỏa và các hành vi tham nhũng không dám, không còn cơ hội lộng hành và tình trạng tham nhũng sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả hơn nữa để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị và trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PGS, TS NGUYỄN MINH TUẤN, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Xử lý các vụ việc tham nhũng rất nghiêm minh, nhưng thấu lý đạt tình, nhân văn:

Tham nhũng, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nhà nước. Chế độ chính trị-xã hội nào, quốc gia nào cũng có tham nhũng, dù ít hay nhiều. Vấn đề là chúng ta đối mặt với thực trạng xã hội phức tạp này như thế nào.

Tôi cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã dũng cảm đối mặt, dũng cảm đấu tranh, dũng cảm xử lý tham nhũng với một tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, chắc chắn và bước đầu mang lại những hiệu ứng xã hội tích cực. Hầu hết các vụ việc tham nhũng đưa ra ánh sáng đã được dư luận xã hội, nhân dân theo dõi sát sao, đồng tình vì các vụ việc, vụ án, đối tượng tham nhũng được xử lý kịp thời, nghiêm minh, thấu lý đạt tình, nhân văn.

Ai có công được thưởng, ai có tội thì bị xử phạt. Đó là quan điểm nhất quán về chính sách khen thưởng, kỷ luật của Đảng và Nhà nước ta. Tham nhũng là một loại tội phạm và những đối tượng có hành vi phạm tội này chủ yếu là những người có chức, có quyền trong các cơ quan nhà nước. Do đó, khi xem xét, xử lý kỷ luật hay xử lý hình sự đối tượng phạm tội tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn cân nhắc thận trọng, xem xét đúng tính chất, mức độ, hậu quả gây ra và thái độ ăn năn, hối cải của đối tượng để đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Vì vậy, các hình thức xử lý đối với các hành vi tham nhũng thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm minh, thấu lý đạt tình và nhân văn, làm cho đối tượng bị xử lý cơ bản “tâm phục, khẩu phục” và dư luận xã hội ủng hộ.

Từng có ý kiến băn khoăn, đã là xử lý kỷ luật, xử lý hình sự sao lại gọi là nhân văn? Nói nhân văn như vậy có đúng bản chất vấn đề không?

Theo tôi, sự băn khoăn này là không có cơ sở và xuất phát từ nhận thức thiếu thấu đáo, thiếu biện chứng khoa học. Bởi tính chất nhân văn trong xử lý đối tượng tham nhũng của Đảng ta được thể hiện ở mấy góc độ. Thứ nhất, như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta nhiều lần nhấn mạnh, xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai muốn làm, nhưng vì lợi ích toàn cục của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, nên kỷ luật một người để cứu muôn người; thà chấp nhận hy sinh, tổn thất một số cán bộ còn hơn để cho một số “con sâu” làm mọt ruỗng thể chế chính trị, đạo đức công vụ và gây xói mòn niềm tin trong nhân dân. Thứ hai, tính nhân văn còn được hiểu là mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, do đó bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, chính xác; đây chính là chiều sâu nhân văn, chứ không có chuyện xử lý theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới” hay có cùng hành vi khuyết điểm, phạm tội giống nhau mà lại xử lý mỗi nơi một cách khác nhau. Thứ ba, khi xem xét xử lý các cán bộ lãnh đạo liên quan đến tham nhũng và có hành vi tham nhũng đều được Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, công tâm, gắn với thời điểm, bối cảnh lịch sử cụ thể và có tính đến công lao, thành tích trong quá khứ để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, thấu lý đạt tình, đúng người, đúng tội.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bảo đảm sự nghiêm minh mà vẫn bao hàm tinh thần nhân văn trong xử lý các vụ việc, đối tượng tham nhũng là một cách làm phù hợp với truyền thống văn hóa khoan dung của dân tộc, phù hợp với tinh thần đạo đức cách mạng của những người cộng sản mà vẫn tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững sự uy nghiêm của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Ông TRẦN AN, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: Đảng ta đã ghi thêm “điểm cộng” trong lòng dân:

Từ nhiều năm nay, mỗi khi có thông báo các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân ta luôn theo dõi và bày tỏ sự đồng tình đối với những quyết định đúng đắn, sáng suốt của Trung ương. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện, tôi nhận thấy các tầng lớp nhân dân đều thể hiện sự nhất trí, đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh PCTN.

Các nhiệm kỳ đại hội trước đây Đảng ta cũng quan tâm đến công tác đấu tranh PCTN nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Phải đến nhiệm kỳ Đại hội XII, cuộc đấu tranh này mới thực sự trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy nhân dân ta vẫn rất quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước và vận mệnh của Đảng. Thấu hiểu sâu sắc ý nguyện của nhân dân nên những năm qua, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ đấu tranh PCTN, kiên quyết, kiên trì và nỗ lực phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, các đối tượng tham nhũng để góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Và thực tế Đảng ta đã, đang trao truyền năng lượng tinh thần tích cực cho toàn xã hội nhờ vào việc quyết tâm đẩy lùi “quốc nạn” tham nhũng và bước đầu đã tạo được những kết quả tích cực, khả quan. Việc kiên quyết xử lý những cán bộ cao cấp “nhúng chàm”-như người dân nhận định-chứng tỏ Đảng ta thực hiện đúng phương châm: Trên có nghiêm thì mới tạo được uy cho cấp dưới; người muốn sạch phải tắm từ trên đầu xuống; cầu thang muốn sạch thì phải quét từ trên xuống.

Mặt khác, thành công bước đầu của công cuộc đấu tranh PCTN được nhân dân ghi nhận, ủng hộ cũng bắt nguồn từ sức mạnh ý Đảng lòng dân, bắt nguồn từ chủ trương, chính sách của Đảng ta luôn phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân cùng tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng. 

Lòng dân là thước đo đối với thanh danh, uy tín của Đảng. Vì vậy, có thể nói rằng, nhờ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt và những kết quả bước đầu rất quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN mà Đảng ta đã ghi thêm nhiều “điểm cộng” trong lòng dân và như vậy, thước đo lòng tin của nhân dân đối với Đảng từ đó cũng dài ra, rộng thêm để minh chứng một điều: Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang làm hết sức mình vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

(Nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phong-chong-tham-nhung-voi-quyet-tam-cao-hon-manh-me-hon-hieu-qua-hon-646501)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...