Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, có tầm quan trọng hàng đầu trong các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Vì vậy, nó luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là vào thời điểm trước Đại hội XIII của Đảng.
Tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản. Ai cũng biết nguyên tắc là những điều cơ bản, nền tảng, được tổ chức đặt ra đòi hỏi cá nhân phải tuân theo khi tham gia vào một tổ chức để tồn tại, phát triển và thực hiện mục tiêu của tổ chức. Nguyên tắc do chính những thành viên của tổ chức đặt ra, trên cơ sở nhận thức quy luật khách quan để thống nhất thực hiện trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của tổ chức.
Là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, chứ không thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô Chính phủ. Là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng cộng sản, đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội - một xã hội giương cao ngọn cờ tự do, dân chủ, công bằng và bảo vệ phẩm giá con người, Đảng Cộng sản lại phải có tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích ấy. Tập trung và dân chủ ở đây có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời.
Với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Lãnh đạo một sự nghiệp mới mẻ, vĩ đại, phức tạp, khó khăn chưa từng có. Một mặt, Đảng phải tổ chức, hoạt động một cách dân chủ để phát huy mọi tiềm năng, lực lượng của đảng viên, tổ chức đảng mới mong thành công. Mặt khác, cuộc đấu tranh xây dựng xã hội mới thực chất là cuộc đấu tranh quyết liệt đòi hỏi Đảng phải có tổ chức cao mới có sức mạnh bảo đảm cho thắng lợi. Muốn vậy, Đảng phải tổ chức tập trung, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh.
Thử hỏi, nếu cho phép đảng viên trong Đảng không phải chấp hành nghị quyết của Đảng, đảng viên được tự do truyền bá ý kiến cá nhân trái với quan điểm của Đảng thì tình hình sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ là rối loạn và sụp đổ. Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở. Do vậy, trong điều kiện nào cũng phải phát huy cao độ dân chủ và đồng thời, phải có sự tập trung thống nhất. Không thể có việc Đảng chỉ cần tổ chức chặt chẽ, lãnh đạo thống nhất trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, còn trong thời kỳ lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tổ chức, hoạt động lại lỏng lẻo.
Tất nhiên, trong thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không phải nơi nào, lúc nào cũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị bóp méo, vô hiệu hóa, bị lạm dụng thông qua việc lấy ý kiến đa số, quyết định của tập thể cấp ủy để thực thi ý chí của thiểu số, do lợi ích nhóm chi phối. Ở những nơi đó, cán bộ lãnh đạo gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, không những chưa phát huy quyền của đảng viên mà còn thiếu tôn trọng và ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Thậm chí, đã có không ít trường hợp người đứng đầu tổ chức đảng lợi dụng, lạm dụng và thâu tóm quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong công tác cán bộ bằng nhiều thủ đoạn.
Nhưng đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ
và Đảng luôn kiên quyết xử lý nghiêm túc. Điển hình trong thời gian gần đây,
một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ trì bị xử lý kỷ luật, trong đó nguyên
nhân chủ yếu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Có thể kể ra ở đây một số
vụ như: Trung ương đã kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ
2015-2020; Ban Cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016; Ban Cán sự đảng
Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016… vì các tổ chức đảng này đã có
biểu hiện vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm
quy chế làm việc của cấp ủy.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bảo vệ và kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng luôn là nhiệm vụ sống còn của Đảng, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng, không thể coi nhẹ. (Hết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét