Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

VỀ XÂY DỰNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 


Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, vật tư, thiết bị kỹ thuật và các sản phẩm cần thiết khác bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Vì vậy, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, của lực lượng vũ trang trong từng giai đoạn mà phương hướng, mục tiêu, nội dung xây dựng công nghiệp quốc phòng luôn được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp và xác định rõ trong văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, ở phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Đảng ta đều nhất quán: phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng công nghiệp quốc phòng (từ Đại hội X trở về trước) cũng như công nghiệp quốc phòng, an ninh (Đại hội XI đến nay). Thực vậy, để hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, tại Đại hội lần thứ II (năm 1951), Đảng xác định: “Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”1, cho nên phải “tổng động viên tiền của, tài trí, sức người, phát triển mọi lực lượng, mọi khả năng đặng thắng quân xâm lược”2; trong đó, phát triển công nghiệp “cần chú trọng phát triển các xí nghiệp nhà nước, nhất là về kỹ nghệ quốc phòng để thỏa mãn nhu cầu kháng chiến và gây cơ sở cho bộ phận kinh tế nhà nước”3. Điều đó chứng tỏ, công nghiệp phục vụ cho kháng chiến (công nghiệp quốc phòng) lúc đó đã mang tính lưỡng dụng, vì: “Chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và để cung cấp cho nhân dân”4. Yêu cầu lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng dần dần được thể hiện rõ trong văn kiện ở các kỳ đại hội sau, như: sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng vào việc xây dựng kinh tế (Đại hội VI), huy động năng lực của xí nghiệp quốc phòng làm hàng dân dụng với hiệu quả thiết thực (Đại hội VII), khuyến khích các nhà máy công nghiệp quốc phòng sản xuất các sản phẩm dân dụng để tăng thêm năng lực phát triển (Đại hội X), Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng (Đại hội XII). Vấn đề xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại để có điều kiện hiện đại hóa quân đội luôn được mọi quốc gia hướng tới, đặc biệt là một nước phải trải qua chiến tranh như Việt Nam, từng đối đầu với những kẻ thù có vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới khi đó. Do đó, “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại5 và “Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao6 như nêu trong Dự thảo là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc “Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước7 trong 5 năm tới (2021-2025), cần phải bàn luận thêm.

Nhìn lại những năm gần đây ta thấy, lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội nhân dân luôn giữ vai trò nòng cốt trong phòng, chống và giải quyết hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường. Hằng năm, nhiều đơn vị bộ đội coi việc cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn mặn là việc làm thường xuyên; lực lượng Quân đội luôn ở tuyến đầu giúp dân phòng chống lụt bão, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, sau khi chỉ ra rất nhiều thách thức liên quan đến quốc phòng, an ninh, như: bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh truyền thống và phi truyền thống, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường,… Dự thảo đề ra nhiệm vụ cho quốc phòng, an ninh; trong đó, có nhiệm vụ: “Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn”8 là hoàn toàn chuẩn xác. Nhưng vấn đề đặt ra là, muốn hoàn thành những nhiệm vụ đó, lực lượng vũ trang cần phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật đồng bộ, có chất lượng tốt, phù hợp với công việc; tất nhiên, nếu thêm yếu tố “hiện đại” thì càng tốt chứ chưa phải là thiết yếu. Ví dụ, muốn bắn máy bay phải có tên lửa, pháo phòng không; bắn xe tăng phải có vũ khí chống tăng; chống lại vũ khí hóa học cần phải có mặt nạ, khí tài phòng da, ống khói chống độc,…; chống lại vũ khí sinh học thì phải có trang thiết bị y tế, hóa chất khử khuẩn, thuốc điều trị, v.v. Trấn áp tội phạm phải có vũ khí, công cụ hỗ trợ; địch tuyên truyền chống phá ta bằng phương tiện nào thì ta phải có phương tiện tương ứng để phản tuyên truyền; địch sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin thì ta phải kịp thời nghiên cứu sản xuất phần mềm để vô hiệu hóa; phòng cháy, chữa cháy phải có nước, cát, bình bọt, xe cứu hỏa; phòng, chống bão lụt phải có tàu, thuyền, áo phao, v.v.

Minh chứng rõ nhất cho tầm quan trọng của việc bảo đảm đầy đủ, kịp thời trang, thiết bị phù hợp với nhiệm vụ là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Để dập dịch, đối với cộng đồng, ngoài cách ly bắt buộc, phải bảo đảm khẩu trang, nước rửa tay cho mỗi người khi tiếp xúc; đối với bệnh viện phải có đủ giường bệnh, máy trợ thở, thuốc chữa bệnh, v.v. Nhưng vì là chủng loại virus mới, loài người chưa kịp chuẩn bị đối phó nên SARS-CoV-2 đã đẩy nhiều nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại vào hoàn cảnh thiếu thốn trang, thiết bị phòng dịch. Ngay như nguyên thủ của một quốc gia chuyên sản xuất vũ khí công nghệ cao, hiện đại nhất trên thế giới cũng phải viện dẫn đến “Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ y tế khác”9 và đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Đối với nước ta, nhờ sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã có các biện pháp dập dịch kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng nên số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với dân số cả nước, không gây nhiều khó khăn cho chúng ta. Đặt giả thiết, số người nhiễm bệnh lên đến hàng nghìn, chục nghìn, thậm chí trăm nghìn trở lên sẽ đẩy đất nước vào tình thế khó khăn như diễn ra một cuộc chiến tranh sinh học! Khi đó, khả năng cứu chữa người bệnh của ngành y tế có thể đáp ứng được tới đâu? Cần thiết lập thêm bao nhiêu bệnh viện dã chiến? Khả năng tự bảo đảm trang, thiết bị, vật tư y tế như thế nào trong điều kiện đóng cửa biên giới? Vì vậy, phần nói về công nghiệp quốc phòng trong 5 năm tới trong Dự thảo: “Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước” nên sửa thành: “Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Kịp thời nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị, vật tư, hàng hóa thiết yếu cho lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Về mặt lô-gíc, viết như Dự thảo chưa thực sự chặt chẽ bởi, một nền công nghiệp ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao thì việc sản xuất ra sản phẩm hiện đại là lẽ đương nhiên. Nếu không thể sản xuất ra sản phẩm hiện đại thì nền sản xuất đó không thể gọi là hiện đại được. Mặt khác, trình bày như vậy, câu sau hàm ý minh họa cho câu trước nhiều hơn, nghĩa là để công nghiệp quốc phòng, an ninh đạt tiêu chí “ngày càng hiện đại” thì chỉ cần “Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước”. Còn nếu hàm ý là nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh trong 5 năm tới thì nhiệm vụ đó lại rất chung chung, do đối tượng thực hiện muốn sản xuất chủng loại nào thì tùy, miễn là chứng minh được nó cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước. Trong khi đó, các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước thì rất nhiều; mức độ hiện đại và hiệu quả sử dụng cũng rất khác nhau; có loại cần cho trước mắt, có loại cần cho tương lai, thậm chí có loại vô cùng hiện đại nhưng mong muốn không bao giờ phải đem ra sử dụng. Nếu sửa như đề xuất sẽ bảo đảm tính lô-gíc không chỉ riêng phần nói về công nghiệp quốc phòng, an ninh mà còn gắn kết với cả một loạt nhiệm vụ được nêu ở phía dưới (Mục 11 - Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội)10. Để xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh như vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, huy động có hiệu quả sự tham gia của khoa học công nghệ quốc gia, công nghiệp dân sinh cho nhiệm vụ xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng. Vì vậy, cần lồng ghép nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vào các đề án, chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương.

2. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo C.Mác, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất, nên muốn có nền sản xuất hiện đại thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở nghiên cứu, sản xuất của Quân đội, Công an phải thực hiện tốt việc đào tạo và tuyển dụng; đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.

 3. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp nước ta hiện nay, trong đó có doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Vì thế, muốn xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh ngày càng hiện đại thì việc hợp tác với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy nhanh quá trình này là giải pháp tốt nhất. Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng giúp chúng ta đi tắt đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4. Tập trung nâng cao khả năng độc lập, tự chủ, hạn chế đến mức thấp nhất sự lệ thuộc vào nước ngoài. Chỉ có như vậy, công nghiệp quốc phòng, an ninh mới có thể kịp thời sản xuất và sản xuất liên tục kể cả trong điều kiện bị cấm vận hoặc đóng cửa biên giới. Do đó, cần phải độc lập, tự chủ trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu phòng thủ, bảo vệ đất nước; chủ động tạo nguồn cung cấp các thiết kế, công nghệ, vật tư, nguyên liệu trong nội địa. Đồng thời, phải có các kho chiến lược dự trữ được số lượng lớn vật tư, vật liệu quan trọng phục vụ sản xuất; thậm chí dự trữ cả những sản phẩm “lưỡng dụng” thiết yếu và thường xuyên tổ chức đổi “hạt” để duy trì được chất lượng tốt.

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 38.

2 - Sđd, tr. 154.

3 - Sđd, tr. 128.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 59.

5 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), tháng 02/2020, tr. 80.

6, 7 - Sđd, tr. 121.

8 - Sđd, tr. 122.

9 - https://baotintuc.vn - ngày 04/4/2020, Tổng thống Mỹ kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm dừng xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

10 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), tháng 02/2020, tr. 122.

http://tapchiqptd.vn/vi/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/ve-xay-dung-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-trong-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-x/16099.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...