(TCTG)-
Kiên trì và đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của hai vị lãnh tụ vĩ đại, Ðảng
ta đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới, đưa nước ta ra
khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, chủ động và vững vàng hội nhập quốc tế.
1.
Lênin – Người “sinh ra để cải tạo thế giới”
Vladimir Ilits Ulianov - V.I.
Lênin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), mất ngày 2/1/1924 ở
làng Gorki gần Moskva. Tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học, được nhận Huy chương
vàng, nên V.I. Lênin được vào thẳng bất kỳ trường Đại học nào ở nước Nga, và
người đã chọn học khoa Luật - Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, V.I. Lênin tham
gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí
mật Samarsko- Simbirskoe- mở đầu hành trình hoạt động cách mạng đầy gian khó
của vị lãnh tụ vĩ đại.
Vốn là người “sinh ra để
cải tạo thế giới - đó có thể coi là sứ mệnh cao cả nhất suốt cuộc đời vĩ lãnh
tụ vĩ đại của nước Nga”, nên vượt qua những năm tháng bị lưu đày, vượt qua cả
những khó khăn, thách thức trong chặng đường hoạt động cách mạng đầy hiểm nguy,
đầu Tháng Mười năm 1917, V.I. Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd và ngày
23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V.I. Lênin đề ra, được Hội nghị Uỷ
ban trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. Tối ngày 6/11/1917,
V.I. Lênin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa và rạng sáng
ngày 7/11/1917, toàn thành phố Petersbuorg nằm trong tay những người khởi
nghĩa. Đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Nhà nước
công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra
đời, và sau đó, tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V.I. Lênin được
bầu là Chủ tịch Hội đồng các Uỷ viên nhân dân (Hội đồng Dân uỷ)…Ngày 21/1/1924,
V.I. Lênin qua đời.
Trong suốt cuộc đời mình,
vì là người thích soi rọi mọi sự trên đời bằng "ánh sáng đẹp" của trí
tuệ, để làm bật ra bản chất của mọi vấn đề, nên V.I.Lênin "thực sự không
thể chịu được những kẻ nói văn hoa, trống rỗng, những kẻ hay dùng lời lẽ hoa
hòe hoa sói để che giấu sự nghèo nàn về tư tưởng và sự thiếu sáng kiến. Chỉ một
câu châm biếm, đồng chí có thể cho họ cụt hứng ngay lập tức" (B.Polevoi).
Vừa là người kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới, vừa
là người đưa CNXH khoa học từ lý luận - “một bóng ma ám ảnh” thành một thực thể
sống, mà các thế lực tư bản, đế quốc phải đối mặt, đó chính là lãnh đạo thành
công cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới, di sản Lênin để lại thật “hữu
ích và thời sự”. Vì vậy, dù con đường đi tiếp của nhân loại trong hành trình
tới tương lai công bằng, dân chủ và hạnh phúc vẫn còn đầy biến động, và mặc dù
“không có những công thức bất di bất dịch cho sự phát triển của lịch sử”, nhưng
tư tưởng và những luận điểm về cách mạng và xã hội trên tầm cao của tư tưởng
thế kỷ XXI về xây dựng CNXH; về đặc điểm, tính chất và những biện pháp để một
nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, vượt qua thời kỳ quá độ theo kiểu phát
triển "rút ngắn" - loại hình quá độ gián tiếp để đi lên CNXH; về vai
trò và nhiệm vụ của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước "chuyển trọng
tâm sang tổ chức, xây dựng kinh tế"; về nhà nước XHCN và nền pháp chế
XHCN, đặc biệt là những tư tưởng về "chính sách kinh tế mới", và tấm
gương đạo đức cách mạng, sống giản dị, coi khinh sự xa hoa của V.I. Lênin,v.v..
vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Thực tiễn cho thấy, trí tuệ
kiệt xuất và tấm gương đạo đức đã giúp cho tư tưởng khoa học và đời sống của
V.I.Lênin “cho tới nay vẫn còn tính thời sự và cả tính vĩnh cửu, giúp Người trở
nên gần gụi hơn với thời hiện tại”, ngay cả trong thời đại tin học. Và 87 năm
sau khi V.I.Lênin mất, tờ báo Đức "Prager Tageblatt" đã viết:
"Dường như ngay cả sau khi từ trần, Lênin vẫn vĩ đại, cao siêu và đáng
sợ", vì những thể chế có bất công và đàn áp sẽ luôn cảm thấy những tư
tưởng của Lênin là đáng sợ, và “vì những thế hệ mới sắp tới, một khi đã thấm
nhuần được những gì vị lãnh tụ của cách mạng vô sản quốc tế nói, sẽ lại đứng
lên làm những cuộc cách mạng mới để tìm kiếm cơ hội xây dựng một hình thái xã
hội tốt đẹp hơn cho nhân loại”.
Là một lãnh tụ vĩ đại, một
nhà hoạt động chính trị xuất sắc, viết và nói giỏi, làm được những công việc
lớn lao, nhưng luôn là tấm gương sáng chói về bản lĩnh, đam mê sự sống, và cả
đam mê trong mọi việc làm, để đưa “nước Nga thoát khỏi những bất công và lạc
hậu, để người dân trong đế chế giàu tài nguyên và tiềm năng này có thể ngẩng
mặt nhìn thế giới xung quanh”, V.I.Lênin – dù đã mất, song vẫn là người nói như
Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao Xôviết lừng danh là: "Có
những cá nhân - hiếm thấy trong lịch sử loài người - là sản phẩm của một chuyển
biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người
vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilich Lênin... Như ở một tiêu điểm,
Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của cách mạng là nghị lực,
là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng
cái mới".
2.
V.I. Lênin và Hồ Chí Minh – Gặp gỡ trong tư tưởng và hành động
Cách mạng tháng Mười Nga
năm 1917 thành công giữa lúc Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đang
bôn ba trong hành trình tìm con đường để giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách
thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Khi ấy, Người ủng hộ thắng lợi của
cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới một cách tự nhiên, vì không có
nhiều thông tin, vì “chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó”[1], song với nhạy cảm chính trị đặc biệt,
thắng lợi vĩ đại đó đã có tác động to lớn đến việc quyết định con đường cứu
nước của Hồ Chí Minh sau này.
Sau đó, không chỉ tự tin bỏ
phiếu cho Quốc tế thứ III của V.I. Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu
tiên, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Người còn đến
với đất nước của V.I. Lênin vĩ đại. Tuy nhiên, khi Hồ Chí Minh có mặt ở Liên xô
chưa được bao lâu, thì V.I. Lênin đã qua đời. Dù chưa có điều kiện được gặp vị
lãnh tụ kính yêu của giai cấp vô sản, song thực tiễn đời sống chính trị, kinh
tế, văn hoá xã hội trên đất nước Liên xô, tình cảm của nhân dân Liên xô đối với
V.I. Lênin, đặc biệt là tình cảm của V.I. Lênin đối với các dân tộc thuộc địa
đã làm Hồ Chí Minh xúc động. Trong niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn, Hồ Chí
Minh đã viết, tin V.I. Lênin qua đời “đến với mọi người như sét đánh ngang tai,
truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi
ở châu Á”, bởi rằng “họ coi Lênin là người giải phóng cho họ” khỏi ách áp bức
bóc lột của kẻ thống trị. V.I. Lênin đã mất, nhưng Quốc tế thứ III- Quốc tế
Cộng sản do Người sáng lập (6/3/1919), để lãnh đạo phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế và khẩu hiệu: “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết
lại” đã nêu cao “ngọn cờ của quốc tế cho những người bị áp bức” vẫn sống mãi trong
lòng nhân dân thế giới. Và do đó, “khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng
chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho
chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự
nghiệp của chúng ta”[2].
V.I. Lênin - một con người
vĩ đại, không những muốn giải phóng nước Nga của mình mà còn muốn giải phóng
tất cả các dân tộc khác nữa. Vì thế “thật dĩ nhiên là tất cả những hy vọng của
người nô lệ bị áp bức ở các nước thuộc địa vào một tương lai tốt đep đều gắn
với tên tuổi của Lênin”. Trong Quốc tế Cộng sản do Lênin lãnh đạo, vấn đề thuộc
địa, công cuộc giải phóng nhân dân các thuộc địa luôn được quan tâm sâu sắc và
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên
chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực
tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa
cũng như các vấn đề khác”[3].
Không chỉ ngưỡng mộ, kính
yêu V.I. Lênin, Hồ Chí Minh còn kiên quyết bảo vệ và phát triển những luận điểm
của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời đặt nền móng cho tình
hữu nghị giữa nhân dân Nga và nhân dân các dân tộc khác đã từng có những đại
diện đến thực tế ở nước Nga. Dù thời gian không dài, song những kiến thức trong
những năm tháng ở nước Nga đã giúp Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn về V.I.
Lênin và học thuyết cách mạng của người, về cách mạng tháng Mười và những bài
học kinh nghiệm quý báu của nhà nước Nga Xôviết, để từ đó hoạch định một lộ
trình cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sau đó, dưới ngọn cờ độc
lập, tự do của Hồ Chí Minh và Đảng ta, với đường lối chính trị đúng đắn của
Đảng, cách mạng tháng Tám 1945 đã thành công. Nhà nước Việt Nam DCCH ra đời,
một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của
mô hình tổ chức nhà nước Xô viết và các nhà nước khác, có những sáng tạo phù
hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng
bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược, và chống đế quốc Mỹ
xâm lược.
Giữa những năm tháng khó
khăn, ác liệt đó, dẫn những lời căn dặn của V.I. Lênin như: “Lênin dạy chúng ta
đoàn kết toàn dân và đoàn kết giai cấp để chiến thắng kẻ thù”, “Lênin dạy chúng
ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực”, “Lênin dạy chúng ta không
sợ gian nan, cực khổ, và tin chắc vào lực lượng quần chúng, vào tương lai của
cách mạng” và “dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác-Lênin, đi theo con đường
mà cách mạng tháng Mười đã vạch ra, với lòng tin cậy hoàn toàn ở quần chúng và
niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi, chúng ta dũng cảm và kiên quyết tiến
tới tương lai sung sướng và rực rỡ, tiến tới hữu nghị và hoà bình lâu dài, tiến
tới xã hội xã hội chủ nghĩa”[4]. Tiếp tục đi theo con đường đã lựa chọn,
tiếp tục giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính
nghĩa, vào khát vọng độc lập, hoà bình, thống nhất và CNXH, nhớ lời dạy của
V.I. Lênin, vận dụng những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, “nhưng vận dụng một
cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay”[5], và nhờ vũ khí không gì thay thế được là
chủ nghĩa Mác-Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp giải phóng dân
tộc và trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự
lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Một đất
nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc
và CNXH, đang ngày một hồi sinh và phát triển. Và cũng nhờ kiên trì và đứng
vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập
và làm theo tấm gương đạo đức của hai vị lãnh tụ vĩ đại, Ðảng ta đã lãnh đạo
nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới, đưa nước ta ra khỏi tình trạng
nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, chủ động và vững vàng hội nhập quốc tế.
3.
Học tập và làm theo lời căn dặn của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh
Học tập và noi theo tấm
gương của Lênin, “người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa
Mác-Ăngghen. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng.
Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những
bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả
nhất”[6], người mà Đại Văn hào Nga Maxim Gorky từng viết:
"Giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân
dân lao động...Điều đặc biệt vĩ đại ở Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt,
không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng
chí rằng, sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc
đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét
sạch đi"; và Chủ tịch Hồ Chí Minh – người mà “lần
đầu tiên, thế giới được thấy vị Chủ tịch của một Đảng cộng sản kết hợp chặt chẽ
văn học với chính trị, kết hợp những bài thơ với những con số”[7] và “giữa lúc vàng thau lẫn lộn, đồng
chí Hồ Chí Minh trở thành trung tâm và tượng trưng cho cuộc xung đột lớn lao
đang diễn ra giữa cái cũ và cái mới, giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã
hội? Sở dĩ bản anh hùng ca Việt Nam thu hút được lòng yêu mến của hàng trăm
triệu người trên thế giới, chính là vì nó được tiêu biểu bởi nhân vật phi
thường đó", mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hãy nỗ lực phấn đấu và rèn
luyện mình, “không quản thời gian và sức lực chăm lo” cho độc lập, tự do của Tổ
quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Từ cuộc đời vĩ đại của hai
vĩ lãnh tụ: V.I.Lênin và Hồ Chí Minh, thiết thực Kỷ niệm 141 năm ngày sinh của V.I Lênin (22/4/1870-22/4/2011)
và 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2011),
để mỗi cán bộ, đảng viên “thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ
thật trung thành của nhân dân”, nhất định phải làm thực hiện nghiêm túc những
điều này:
- Cán bộ, đảng viên là
những người không chỉ giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, trung thành vô hạn
với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự
nghiệp của giai cấp vô sản, vì hạnh phúc của nhân dân lao động, mà còn phải
luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, và phải luôn “làm gương cho quần chúng lao động thấy một mẫu mực về lòng trung
thành đối với lợi ích của những người lao động” (lời của V.I.Lênin),
và “vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải
làm. Giữ chủ nghiã cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất”
(lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh) để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp vô sản,
phục vụ nhân dân lao động.
- Cán bộ, đảng viên phải là
những người có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh và chặt chẽ, vì “tính tổ chức là sự thống nhất của hành động thực tiễn”; phải
thực hiện đoàn kết nhất trí trong Đảng, phải quan hệ mật thiết với quần chúng
và thường xuyên thực hành tự phe bình và phê bình trên cơ sở ‘có tình thương
yêu đồng chí lẫn nhau”. Đó cũng là những người luôn chăm lo đến lợi ích của
quần chúng, phát huy năng lực và trí tuệ của họ trong sự nghiệp cách mạng, vì
chỉ có “tắm mình trong phong trào quần chúng và sử dụng vũ khí tự phê
bình và phê bình người cán bộ, đảng viên mới trưởng thành, được tôi luyện và có
những phẩm chất cao quý tốt đẹp”.
- Đặc biệt, cán bộ, đảng
viên phải là những “công bộc” của dân, có năng lực về trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ và quản lý; có trình độ nhận thức lý luận và vận dụng lý luận vào
thực tiễn công tác, mà “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm; việc gì có hại
cho dân thì phải hết sức tránh”, v.v..để luôn xứng đáng với sự tin yêu và quý
trọng của nhân dân ./.
Ths.
Trần Hà Uyên
Nxb.
Chính trị Quốc gia
[1] Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Nxb.
Sự Thật, H, 1985, tr.154
[2] Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Sđd,
tr.19
[3] Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Sđd,
tr.43
[4] Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Sđd,
tr.122,
[5] Hồ Chí Minh, Về Lênin và cách mạng tháng Mười, Sđd,
tr.222
[6] Hồ Chí Minh, báo Nhân Dân, số 42, ngày 24/1/1952
[7] Hội thảo quốc tế về chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd,
tr.27
http://tuyengiao.vn/dien-dan/hoc-tap-va-noi-theo-tam-guong-cua-v-i-lenin-va-chu-tich-ho-chi-minh-vi-dai-31124
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét