Tháng
11 tới đây, Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống - sự kiện chính trị
đặc biệt quan trọng, quyết định vận mệnh của cường quốc số một thế giới. Tuy
cuộc bầu cử đã đến gần, nhưng diễn biến nội bộ nước Mỹ đang hết sức phức tạp,
nhiều thách thức đặt ra, cạnh tranh bầu cử khốc liệt và triển vọng ra sao, đang
là những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.
Những thách
thức trong lòng nước Mỹ
Năm 2020, dịch bệnh
Covid-19 bùng phát trên thế giới và lây lan với tốc độ chóng mặt. Nước Mỹ trở
thành tâm dịch khi số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới, điều đó
đặt ra không ít nghi ngờ về cách xử lý dịch bệnh của Chính quyền Tổng thống
Donald Trump. Thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền và giới y tế
chưa thấy rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nên chưa có biện pháp quyết liệt
để ngăn chặn. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người chết quá
lớn, Mỹ rơi vào tình trạng sốc, nhiều bang, thành phố quyết định đóng cửa địa
phương, cấm tổ chức tụ tập đông người. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump phải
tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tiến hành “giãn cách xã hội”, kích hoạt
“Đạo luật sản xuất quốc phòng”,... để chống dịch. Với các biện pháp khá quyết
liệt, đến cuối tháng 4/2020, Mỹ đã sản xuất đủ vật tư y tế phục vụ phòng, chống
dịch, xây dựng được phác đồ điều trị bệnh, điều tiết các bệnh viện không để
tình trạng quá tải và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine điều trị virus
SARS-CoV-2.
Giữa lúc nền kinh tế đang
tăng trưởng mạnh với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm qua (3,5%),
tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 2,5% trong ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng
thống Donald Trump (cao hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama), thì dịch
Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng
kỷ lục kéo dài 127 tháng. Sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong nước giảm
mạnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ phá sản, tỷ lệ thất nghiệp
tăng nhanh (14,7% trong tháng 4/2020), GDP giảm mạnh (Quý I/2020 giảm 5,2%; Quý
II/2020 giảm 32,9%).
Khủng hoảng khiến nhiều
người dân không có thu nhập để nuôi gia đình, rơi vào trạng thái bất an, nhất
là người da màu, người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, phân biệt sắc tộc, bất
bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề nhức nhối, tạo hố sâu ngăn cách trong xã hội.
Người Mỹ gốc Phi là nhóm có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi
người Mỹ da trắng và hơn thế, họ còn phải chịu sự phân biệt chủng tộc trong hệ
thống tư pháp.
Trong bối cảnh người dân
bất mãn vì mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh thì sự việc người đàn ông
da đen George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết đã kích động các cuộc biểu
tình, bạo động chống phân biệt chủng tộc nổ ra trên khắp nước Mỹ. Bạo lực gia
tăng nhanh chóng khiến Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phải triển
khai hàng nghìn vệ binh quốc gia tại nhiều bang để đối phó. Thông thường, các
cuộc biểu tình như vậy sẽ không kéo dài, tuy nhiên, do người dân đang bất mãn,
dễ bị kích động, đồng thời được phong trào “Mạng sống của người Da đen có ý
nghĩa” (Black Lives Matter) tiếp sức, nên các cuộc biểu tình tuy giảm về quy
mô, nhưng vẫn âm ỉ, kéo dài và trở thành vấn đề nhức nhối tại Mỹ.
Tình trạng chia rẽ trong
nội bộ nước Mỹ ngày càng sâu sắc, thể hiện qua sự phân cực chính trị giữa Đảng
Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Kể từ khi giành lại Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm
kỳ (năm 2018), Đảng Dân chủ liên tục cản trở chương trình nghị sự của Tổng
thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa, như: xây tường biên giới, điều tra về công
việc của gia đình Tổng thống, yêu cầu Tổng thống nộp bản khai thuế và đỉnh điểm
là tiến hành luận tội Tổng thống tại Hạ viện. Hiện nay, hầu hết các vấn đề đều
bị chính trị hóa, ngôn từ và hành động vượt ngoài phạm vi cạnh tranh giữa các
đảng phái thông thường. Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/8/2020, Chủ tịch Hạ viện
Nancy Pelosi đã gọi Đảng Cộng hòa là “kẻ thù nội địa” của nước Mỹ. Sự chia rẽ
giữa hai đảng khiến nước Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định và triển
khai các chính sách, như: đưa ra gói cứu trợ kinh tế thứ 5 hỗ trợ người dân và
doanh nghiệp, đối phó với thiệt hại từ đại dịch Covid-19 hay vấn đề trấn áp
người biểu tình, bạo động, v.v.
Cuộc
cạnh tranh bầu cử đối đầu, chia rẽ
Với tình hình chính trị -
xã hội như hiện nay, cuộc đua vào Nhà trắng giữa đương kim Tổng thống
Mỹ Donald Trump và ông Joe Biden trở nên căng thẳng và quyết liệt hơn các
cuộc bầu cử trước đây. Đại đa số các chính sách của người này đều bị người
kia phản đối gay gắt và ngược lại.
Về đối phó với dịch bệnh, ông Joe Biden
liên tục chỉ trích Tổng thống Donald Trump phản ứng chậm chạp trong giai đoạn
đầu dịch bệnh và tìm cách đổ lỗi cho bên ngoài (WHO, Trung Quốc) khi dịch bệnh
bùng phát mạnh; không tin tưởng lời khuyên từ các bác sĩ và nhà khoa học; đưa
ra những lời khuyến cáo không đúng về các loại thuốc chữa trị Covid-19 cho
người dân. Ông Joe Biden và Đảng Dân chủ đề xuất để các nhà khoa học
đưa ra lời khuyên nhất quán đến người dân, tăng ngân sách
hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì việc làm, hợp tác với Quốc hội miễn phí
xét nghiệm và điều trị Covid-19.
Về khôi phục kinh tế, Tổng thống Donald Trump
tin rằng, điều kiện chính để giúp kinh tế hồi phục trở lại là mở cửa lại
nền kinh tế và trường học, trong khi đó ông Joe Biden lại cho
rằng, việc mở cửa quá sớm mà không có kế hoạch cụ thể có thể khiến dịch
bệnh bùng phát khó kiểm soát hơn. Ông Joe Biden cũng đưa ra kế hoạch tăng thuế
lên 04 nghìn tỷ USD để hỗ trợ cho các chương trình liên bang, đưa nước Mỹ ra
khỏi suy thoái, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hỗ trợ cho các bang,
tăng trợ cấp thất nghiệp, v.v. Kế hoạch này đi ngược lại chủ trương cắt giảm
thuế của Tổng thống Donald Trump.
Về xử lý biểu tình, bạo
loạn,
Tổng thống Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ phong trào Black Lives Matter làm
phức tạp tình hình tại các bang, lên án gay gắt các hành vi bạo loạn, nhấn mạnh
tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát trong việc gìn giữ trật tự, triển khai vệ
binh quốc gia, thậm chí tuyên bố có thể triển khai quân đội đến các bang, thành
phố để trấn áp người biểu tình, khôi phục lại “luật lệ và trật tự”. Ông Joe
Biden chỉ trích cách Tổng thống Donald Trump đối phó với khủng hoảng khiến tình
trạng bạo lực ngày càng gia tăng, gây chia rẽ nước Mỹ. Một bộ phận trong Đảng
Dân chủ hiện nay đang kêu gọi cắt giảm ngân sách của ngành cảnh sát, dù ông Joe
Biden lên tiếng phản đối kế hoạch này. Ngoài ra, cương lĩnh của Đảng Dân chủ
năm 2020 thể hiện sự khác biệt hoàn toàn với đường lối của Tổng thống Donald
Trump về kinh tế - thương mại, bảo hiểm y tế và chống biến đổi khí hậu.
Hai ứng viên và hai đảng
cũng liên tục công kích nhau với những ngôn từ vượt khỏi mức độ cạnh tranh
thông thường. Ông Donald Trump chỉ trích ông Joe Biden là “con rối” của phe cực
tả, người thiếu năng lượng - “Joe ngủ gật”, sự nghiệp chính trị mờ nhạt, xây
dựng hình ảnh tương phản với hình ảnh Donald Trump luôn hành động và xử lý các
vấn đề, đưa nước Mỹ phát triển kinh tế vượt bậc trong 03 năm đầu nhiệm kỳ.
Trong khi đó, chiến dịch của ông Joe Biden chỉ trích mạnh mẽ cách Tổng thống
Donald Trump đối phó với dịch bệnh khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng, hướng bầu
cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về năng lực lãnh đạo của Tổng thống
Donald Trump. Cử tri Mỹ cũng chia thành hai nhóm rõ rệt để ủng hộ ông Donald
Trump và ông Joe Biden, hiện chỉ còn khoảng 10% cử tri vẫn chưa quyết định ủng
hộ ai.
Nước
Mỹ có vượt qua được khủng hoảng?
Thực tế cho thấy, nước Mỹ
hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc, song vẫn có lý do để
lạc quan trong thời gian tới.
Thứ nhất, dịch Covid-19 tuy đặt ra
nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để nước Mỹ cải tổ hệ thống y tế, thay đổi
cách thức và đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch bệnh hiện tại cũng như đối phó
với các đại dịch xảy ra trong tương lai. Bên cạnh việc kích hoạt “Đạo luật sản
xuất quốc phòng”, ngày 06/8/2020, Mỹ công bố “Sắc lệnh hành pháp” thúc đẩy phát
triển sản xuất các mặt hàng dược phẩm, y tế trong nước, đảm bảo nguồn cung cầu
lâu dài, đồng thời đáp ứng yêu cầu đối phó với mối đe doạ từ các dịch bệnh truyền
nhiễm, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa
dịch bệnh của Mỹ (CDC), tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 (3,02%) chỉ cao hơn
không đáng kể so với tỷ lệ tử vong do cúm mùa (2,8%). Hiện nay, số người nhiễm
Covid-19 tuy vẫn ở mức cao, song đã giảm đáng kể so với tháng 7/2020; CDC cũng
bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với người bị nhiễm và mới đây đã gửi thư yêu
cầu các bang sẵn sàng phối hợp với Tập đoàn McKesson phân phối vaccine tới
người dân Mỹ từ ngày 01/11/2020.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ đang cho
thấy một số dấu hiệu phục hồi khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức đỉnh điểm 14,7%
xuống mức 8,4% (04 tháng liên tục) và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các bang mở
cửa hoàn toàn. Ngành sản xuất phục hồi trở lại khi chỉ số PMI (thước đo hoạt động
sản xuất và dịch vụ) liên tục tăng điểm trong 04 tháng qua; thị trường chứng
khoán tăng điểm vượt mức so với trước dịch bệnh. Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng
trưởng mạnh trở lại theo mô hình chữ “V” sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Có
thể thấy, các gói cứu trợ kinh tế mà Chính phủ Mỹ đưa ra cùng với việc các bang
mở cửa trở lại đã phát huy tác dụng.
Thứ ba, sự chia rẽ trong xã hội
và hệ thống chính trị ở Mỹ đã tồn tại từ lâu, trở thành bản chất của nền chính
trị lưỡng đảng. Tuy sự chia rẽ này có nhiều tác động tiêu cực, song cũng là
động lực cho sự phát triển. Lịch sử nước Mỹ đã từng trải qua các thời kỳ chia
rẽ sâu sắc, như: nội chiến (1861 - 1865), Mỹ tham chiến tại Việt
Nam (giai đoạn 1960 - 1970) hay vụ Watergate (1974) làm Tổng thống
Nixon phải từ chức. Việc phục hồi sau chia rẽ khó khăn và kéo dài, nhưng nước
Mỹ đều nhanh chóng vượt qua, không những vậy, nó còn mang đến sự thay đổi tích
cực, như: bãi bỏ chế độ nô lệ, thúc đẩy bảo đảm quyền lợi cho người da đen,
quyền bầu cử của phụ nữ hay mở đường cho sự tham gia của truyền thông trong
việc minh bạch hóa Chính phủ, v.v. Những chia rẽ hiện nay sẽ không thể giải
quyết trong một vài nhiệm kỳ tới, do đó nếu ai đắc cử tổng
thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng đều phải đối mặt với thực
trạng này và phải tìm cách thích nghi. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh sớm được kiểm
soát, nền kinh tế sớm phục hồi, người dân trở lại làm việc thì tình trạng biểu
tình, bạo động nhiều khả năng sẽ giảm mạnh.
Tựu trung, dù nước Mỹ
đang trải qua nhiều thách thức, khủng hoảng và chia rẽ, song vẫn luôn có lý do
để tin rằng, cuộc bầu cử Tổng thống sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế
hoạch (tháng 11/2020) và ai trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 04
năm tới? Câu hỏi còn nằm ở sự lựa chọn của cử tri Mỹ.
http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/thach-thuc-canh-tranh-va-trien-vong-bau-cu-cua-my/16110.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét