Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUÂN ĐỘI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH



Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: lãng phí là vấn nạn rất nguy hại cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Hiện nay, Đảng ta xác định lãng phí là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và đặt ra yêu cầu phải kiên quyết phòng, chống ở các cấp, các ngành, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.
Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm việc nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói riêng. Ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Người đã căn dặn phải thực hành tiết kiệm để kháng chiến, kiến quốc, đồng thời phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Khi nói về vấn nạn lãng phí, Người diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào ai cũng có thể thực hành và đấu tranh phòng, chống được. Theo Hồ Chí Minh, lãng phí bao gồm sức lao động, thời giờ, tiền của, v.v. Lãng phí là không biết thương tiếc mồ hôi nước mắt của nhân dân ta, không biết quý trọng sự giúp đỡ chí tình của nhân dân các nước anh em; lãng phí có mối liên hệ “đồng minh” với các căn bệnh khác như quan liêu, tham ô. Người viết: “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”1; phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào; “Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào”2.
Từ khi ra đời đến nay, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn khắc ghi, học tập và làm theo lời dạy của Người, chú trọng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuy nhiên, trong từng cơ quan, đơn vị, đâu đó vẫn còn hiện tượng lãng phí, gây thất thoát vật tư, tài chính, tài sản của Nhà nước, nhân dân, thời gian, công sức của bộ đội. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống, bản chất cách mạng của Quân đội. Vì vậy, phòng, chống căn bệnh lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp bách, cơ bản, lâu dài của toàn quân. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân cần tiến hành đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân về nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội: lãng phí là có tội với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và việc đấu tranh khắc phục, loại bỏ cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Để phòng, chống hiệu quả những biểu hiện lãng phí, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác giáo dục, làm rõ tính chất nguy hại của tình trạng lãng phí tiền của, tài sản của Nhà nước, Nhân dân, lãng phí công sức của bộ đội; đấu tranh với tư tưởng “cha chung không ai khóc”, “nước sông, công lính”, biểu hiện phô trương, hình thức và phải kiên quyết sửa chữa những ý nghĩ sai lầm đó. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ coi lãng phí cũng là một loại “giặc trong lòng ta” cần kiên quyết phòng, chống, đấu tranh loại bỏ, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng cơ sở vật chất, vũ khí trang bị... đều do mồ hôi, nước mắt, công sức, thậm chí cả máu của nhân dân làm ra và cung cấp cho Quân đội, nên không được lãng phí. Vì thế, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; cụ thể hóa thực hiện chỉ thị, chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Quốc phòng bằng những việc làm cụ thể gắn với từng vị trí, cương vị công tác. Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo đối với vấn đề này, xác định đây là nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh “Mẫu mực tiêu biểu”.
Hai là, tiếp tục triển khai sâu rộng trong toàn quân phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chống lãng phí và tiết kiệm có quan hệ khăng khít với nhau, thực hành tiết kiệm thực chất đã là chống lãng phí và ngược lại, muốn phòng, chống lãng phí có hiệu quả thì phải thực hành tiết kiệm. Trên thực tế, Quân đội ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, v.v. Các phong trào, cuộc vận động trên là việc làm thiết thực góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí. Tuy nhiên, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, lãng phí không chỉ có tiền của, tài sản của nhân dân, mà lãng phí thời gian học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ cũng rất nguy hại. Theo Người, thời gian là vàng bạc, phải biết quý trọng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, chống làm việc chiếu lệ, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, “được chăng hay chớ”. Đặc biệt, trong hoạt động quân sự, thời gian còn quý hơn vàng, bởi nó liên quan trực tiếp đến vấn đề nắm thời cơ, làm chủ trên chiến trường, xương máu, tính mạng bộ đội. Chính vì thế, cùng với xây dựng, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động quân sự, quốc phòng, thực hiện tốt các quy chế, quy định về kiểm tra, giám sát, dân chủ, công khai, minh bạch, phân cấp, phân nhiệm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, vật tư, vũ khí, trang bị, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm chống lãng phí thời gian, công sức bộ đội. Để phòng, chống lãng phí nguồn lực con người trong hoạt động quân sự hiện nay, phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người, có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ có đức, có tài để tránh lãng phí nguồn nhân lực của đất nước và Quân đội. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc, lĩnh vực hoạt động; kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện xa hoa, phô trương, hình thức, v.v.
Ba là, nâng cao hiệu quả đấu tranh tự phê bình và phê bình trong phòng, chống bệnh lãng phí. Một trong những biện pháp để chống lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh là phải “Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”3. Thực hiện vấn đề này, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa”, xác định đây là trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để đạt hiệu quả cao, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình - “Tự soi tự sửa” phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành từ trên xuống dưới. Cấp trên, người chủ trì tự giác, gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới học tập, làm theo. Ở từng cấp, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nội dung tự phê bình và phê bình phải từ trong tư tưởng, nhận thức đến hành vi; có hay không nhận thức sai lệch về lãng phí, có hay không tư tưởng “nước sông, công lính”, hoặc tư tưởng quan liêu, tham ô, lãng phí, v.v. Cách phê bình phải vì mục đích giúp đỡ nhau, sửa sai cùng tiến bộ, khắc phục mọi biểu hiện của sự lãng phí; tránh lợi dụng phê bình để “hạ uy tín của nhau”,… gây mất đoàn kết nội bộ. Trên từng cương vị công tác, trong mọi hoạt động, cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, người chỉ huy phải tích cực rèn luyện đạo đức: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, nhân dân, công sức của bộ đội; xây dựng ý thức chi tiêu có mục đích, có kế hoạch, không hoang phí; đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung kế hoạch công tác cá nhân hằng tuần, tháng và phấn đấu thực hiện để làm gương. 
Bốn là, kết hợp chặt chẽ phòng, chống lãng phí với phòng, chống bệnh quan liêu, tham nhũng. Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu và nạn tham ô có quan hệ chặt chẽ với bệnh lãng phí. Người chỉ rõ: “Bệnh quan liêu là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của Đoàn thể”4. Còn “Tham ô là lấy của công làm của tư. Là gian lận tham lam. Là không tôn trọng của công. Là không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra”5. Do đó, phòng, chống những biểu hiện lãng phí trong Quân đội phải kết hợp chặt chẽ với phòng, chống quan liêu, tham nhũng. Để kết hợp chặt chẽ phòng, chống lãng phí với phòng, chống quan liêu, tham nhũng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quyết định số 166/QĐ-TTg, ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020”; Nghị quyết số 915-NQ/QUTW, ngày 25/8/2018 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới cơ chế tài chính Quân đội giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”; Quyết định số 3500/QĐ-BQP, ngày 26/8/2018 phê duyệt Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, hoàn thiện các cơ chế, quy định về quản lý tài chính, ngân sách; thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí quản lý, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm ngân sách quốc phòng; công khai, minh bạch về chế độ, tiêu chuẩn, chính sách của bộ đội, trong mua sắm tài sản công, tài sản doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị, sử dụng đất đai. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc sử dụng vốn, tài sản,... tránh mọi biểu hiện quan liêu, xa rời nguyên tắc, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài chính, những biểu hiện tư túi, gian lận nguồn ngân sách, cơ sở vật chất của đơn vị. Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn lực, dự án đầu tư, công trình của Quân đội bảo đảm huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong toàn quân và từng đơn vị,... nhằm bảo đảm nguồn ngân sách dành cho Quân đội không bị thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh với những cán bộ, nhân viên có hành vi quan liêu, tham ô, lãng phí, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không hạ cánh an toàn”.
Lãng phí là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ ra. Thấm nhuần tư tưởng và làm theo tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
1, 3, 4, 5 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG H. 2011, tr. 297, 322, 296, 297.
2 - Sđd, Tập 9, tr.519.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...