Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã
được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc
tế về nhân quyền. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù
địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước
và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).
1. Những năm gần đây, vào dịp Ngày Tự do báo chí thế giới
(3-5) hằng năm, hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), trên nhiều
trang mạng có nội dung xấu độc và trên trang tiếng Việt của một số cơ
quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam thường xuất
hiện các ý kiến, bài viết xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở
Việt Nam. Trong đó, cái gọi là “Tổ chức phóng viên không biên giới” không những
đưa ra bảng xếp hạng hết sức sai trái về tự do báo chí ở Việt Nam, mà còn công
bố danh sách và trao giải thưởng “Anh hùng thông tin” cho một số đối tượng
người Việt Nam đã lợi dụng tự do, dân chủ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
“Tiền hô hậu ủng” cho tổ chức phi chính phủ này là những đối tượng được dán mác
“nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “nhà báo tự do” trong nước tung ra nhiều
bài viết, phát ngôn xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do báo chí của Việt Nam.
Không chỉ vậy, vào những thời điểm các cơ quan chức năng, bảo vệ
pháp luật của Việt Nam khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng lợi dụng tự do, dân
chủ tuyên truyền, chống phá chính quyền Nhà nước, thì các thế lực thù địch bên
ngoài và những người còn thù hằn với chế độ lại rêu rao đó là "hành động
bóp nghẹt tự do ngôn luận", "triệt tiêu quyền tự do báo chí",
hoặc "ra sức ngăn cản những người bất đồng chính kiến"...
2. Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc,
Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ
bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp
đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã hiến định tại Điều thứ 10:
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và
hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của
Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân
có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,
biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ngày càng được
hiện diện trong thực tiễn cuộc sống, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành
Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí. Trong đó, Điều 3 Luật Tiếp cận
thông tin quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong
việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính
xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho
công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống
ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội
đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Điều 10 của luật này cũng
quy định công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước
công khai, đồng thời được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được quy định
tại Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 với 3 nội dung cụ thể, gồm: Phát biểu ý kiến
về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê
bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân.
Đặc biệt, Điều 13 luật này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công
dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo
chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ
pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí,
quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và
lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi
in, truyền dẫn và phát sóng”.
Như vậy, về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và
quyền tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam đã được quy định toàn diện,
đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc
sống.
3. Trên thực tế, không riêng ở Việt Nam, mà hầu hết các
quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa,
trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng
quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự,
nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã
hội. Điều 11, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp đã
quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá
nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công
bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo
quy định của pháp luật”. Nước Mỹ tuy không ban hành luật riêng về báo chí,
nhưng có nhiều điều luật khác của quốc hội, quy định có tính pháp lý của tòa án
cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với báo chí, đối với quyền và trách
nhiệm của công dân liên quan đến báo chí nhằm tránh xâm hại đến an ninh quốc
gia. Khoản 2, Điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Trong khi
hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật
pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận
và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc
chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Thế giới từng có những bài học về việc báo chí đi quá giới hạn
tự do cho phép, nên phải giá rất đắt. Tháng 9-2005, tờ
báo Jyllands-Posten (Đan Mạch) đăng tải 12 bức tranh biếm họa về đấng
tiên tri Muhammad của Hồi giáo. Sau đó, bức tranh biếm họa này tiếp tục xuất
hiện trên nhiều tờ báo ở Pháp, Na Uy, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha. Vụ việc đã
gây nên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ của những người theo đạo Hồi trên toàn thế
giới dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Tháng 7-2011, tờ News of the
World (Tin tức thế giới) của nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau 168
năm hoạt động vì bị công chúng cáo buộc nhiều phóng viên bản báo này đã đột
nhập điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin”. Nhắc lại hai ví dụ trên
để thấy, trên thế giới không có quốc gia nào cho phép tự do báo chí, tự do ngôn
luận “đứng trên, đứng ngoài” luật pháp và xâm hại đến an ninh quốc gia. Nếu vi
phạm điều này, báo chí sẽ bị công chúng tẩy chay và bị những chế tài xử lý
thích hợp.
4. Mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo
chí đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do
chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít người nào đó
nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, thích gì viết đấy, nói và viết chỉ vì
động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của
xã hội, cộng đồng.
Chẳng hạn như trong đợt đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên
thế giới, trong đó có Việt Nam không chỉ đối mặt với loại virus nguy hiểm này,
mà còn phải đối mặt với vấn nạn tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Phần lớn
những tin giả này xuất phát từ những người lợi dụng tự do ngôn luận để lan
truyền thông tin sai trái, thất thiệt, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội và
an ninh truyền thông. Do đó, ngăn chặn, xử lý những đối tượng gây ra nạn “hoang
tin” trên mạng xã hội chính là góp phần bảo đảm sự trong sạch của môi trường
thông tin, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống, kiểm soát đại dịch
Covid-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, có một phần bắt nguồn
từ việc Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cấp, các ngành đã làm tốt công tác thông
tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời
phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thông tin sai trái về dịch bệnh trên mạng
xã hội.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở
Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí,
nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực
hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt
khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị,
tích cực tiếp thu, học hỏi, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc
gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
cho đại đa số người dân.
Để bảo đảm quyền lợi, tự do chính đáng cho số đông công dân,
chúng ta cũng không chủ quan, lơ là, mà phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo
nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù
địch, phản động, bất mãn chính trị cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo
chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận
xã hội, xâm hại an ninh truyền thông quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng
của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét