Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt
Nam. Nhận thức rõ quy luật và xuất phát từ truyền thống của dân tộc, kinh
nghiệm, luật pháp quốc tế, việc bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình, tạo
môi trường thuận lợi xây dựng đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà
nước ta.
Bảo vệ Tổ quốc là bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo
vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi
mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc;
bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó cần và phải sử
dụng nhiều phương pháp khác nhau: phương pháp bạo lực (gồm bạo lực chính trị và
bạo lực vũ trang), phương pháp hòa bình và sự kết hợp của hai phương pháp này.
Phương châm bảo vệ Tổ
quốc được Đảng xác định là: đối với nội bộ, lấy việc giáo dục, thuyết phục,
phòng ngừa là chính đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm hành
vi vi phạm pháp luật. Đối với các bất đồng, tranh chấp với các nước liên quan
thì kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đảng ta cũng chỉ rõ phương thức đấu tranh là kết hợp đấu tranh vũ trang và phi
vũ trang, nhưng lấy đấu tranh phi
vũ trang là chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm
mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng sơ hở,
mất cảnh giác. Phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ xung đột, chiến tranh
biên giới, biển, đảo, chiến tranh mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố,
hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.
Đảng ta khẳng định:
“giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi
ích cao nhất của Tổ quốc”1. Theo đó, bảo vệ Tổ quốc không nhất thiết
phải tiến hành chiến tranh hoặc hoạt động liên quan đến chiến tranh, mà bảo vệ
Tổ quốc tối ưu là làm cho đất nước không phải tiến hành chiến tranh. Phát triển
quan điểm trên, Đảng ta đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm là luôn nắm chắc, dự báo
được tình hình, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với nguy
cơ chiến tranh chủ động, tích cực và hiệu quả. Bảo vệ Tổ quốc từ xa không chỉ xét về mặt không
gian - địa lý, mà chủ yếu là chủ động chuẩn bị bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi Tổ
quốc đang hòa bình, phát triển; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến
tranh.
Quan điểm bảo vệ Tổ
quốc từ sớm, từ xa của
Đảng là sự kế thừa, phát triển tư tưởng truyền thống giữ nước của ông cha ta:
“giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Đồng thời, thể hiện tư duy mới của Đảng về
phương thức, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó
chính là việc chủ động phòng ngừa, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bảo vệ Tổ
quốc ngay từ khi đất nước còn chưa nguy. Do vậy, cần phải: “Có kế sách
ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa,
phát hiện sớm và triệt tiêu những nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên
trong có thể gây đột biến”2.
Như vậy, cả lý luận và
thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đều chứng tỏ bảo vệ Tổ quốc bằng phương
pháp hòa bình là xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Điều này được
thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Hòa bình luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong các phương
pháp được lựa chọn. Kế thừa truyền thống của dân tộc: “đem đại nghĩa để thắng
hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, trong lãnh đạo bảo vệ Tổ quốc, Đảng
ta luôn chủ trương ưu tiên cho phương pháp hòa bình. Bảo vệ Tổ quốc bằng phương
pháp bạo lực cách mạng là một tất yếu khách quan và vô cùng cần thiết, nhưng
chỉ được lựa chọn khi phương pháp hòa bình không đạt được kết quả như mong
muốn, hoặc trong những trường hợp không có sự lựa chọn nào khác. Thực tiễn minh
chứng, sau Cánh mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các
nước đế quốc đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đơn phương
xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước
ngày 14-9-1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của
nhân dân ta. Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi
tóc”, đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng
ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng,
thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không!
Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ,...”3. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, toàn thể dân
tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành
thắng lợi đem lại cuộc sống hòa bình cho miền Bắc và tiếp tục cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam từ năm 1954 đến 1975.
Sách trắng Quốc phòng
Việt Nam 2019 một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam: “không
sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, “không tham
gia liên minh quân sự” vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt
thù. Như vậy, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta mang tính chất
hòa bình, tự vệ nhằm giữ vững môi trường hòa bình để phát triển bền vững đất
nước.
Giữ vững nguyên tắc giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp
hòa bình. Nhận thức rõ lợi ích
của phương pháp hòa bình, Việt Nam chủ trương: “giải quyết những bất đồng,
tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”4.
Phương pháp hòa bình có nhiều biện pháp thực hiện khác nhau. Do đó, cần sáng
suốt lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất, sao cho mọi bất đồng, tranh chấp đều
được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc công bằng. Hòa bình
nhưng phải bảo đảm lợi ích tối thượng của dân tộc, phải giữ vững được độc lập,
tự chủ của Tổ quốc. Trên thế giới, đàm phán là giải pháp thường xuyên được các
quốc gia sử dụng để giải quyết các bất đồng hoặc tranh chấp với nhau, với mục
tiêu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác. Việc giải quyết
các bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình có vai trò rất quan trọng, góp
phần ổn định quan hệ quốc tế và bảo vệ nền hòa bình, an ninh thế giới, tạo điều
kiện cho quan hệ quốc tế phát triển. Ở Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần sử dụng
rất thành công các cuộc đàm phán trong giải quyết bất đồng, tranh chấp với các
nước có liên quan để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, như: đàm phán với Pháp tại
Hội nghị Giơ-ne-vơ (1954), đàm phán ký Hiệp định Hòa bình Pa-ri (1973) với Mỹ
và chính quyền Sài Gòn.
Thực tiễn giải quyết
những bất đồng, tranh chấp với các nước mà Việt Nam là một bên liên quan, từ
trước đến nay, chúng ta luôn xác định đàm phán là một giải pháp ưu tiên. Từ khi
chưa gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ các tuyên bố của Bộ trưởng
Ngoại giao các nước ASEAN, ngày 18-3-1995 Việt Nam khẳng định: “mọi tranh chấp
chủ quyền đối với các quần đảo ngoài Biển Đông cần phải được giải quyết thông
qua thương lượng hòa bình; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, cam kết không sử
dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt
Nam luôn thể hiện lập trường thông qua thỏa thuận giải quyết vấn đề biên giới
lãnh thổ giữa hai nước ngày 19-10-1993 tại Hà Nội, với những nguyên tắc cơ bản:
(1). Thông qua thương lượng giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới lãnh thổ
giữa hai nước trên cơ sở năm nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. (2). Hai bên căn cứ vào
tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận và tham khảo thực
tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Hòa bình là phương pháp tối ưu, hiệu quả nhất để bảo vệ Tổ quốc. Đàm phán quốc tế
trong giải quyết bất đồng, tranh chấp quốc tế là một giải pháp lâu đời, được áp
dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Bởi, đó là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để
các bên bất đồng, tranh chấp trực tiếp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách
của mình về vấn đề bất đồng, tranh chấp, cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để
giải quyết. Mặt khác, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng đàm phán sẽ hạn chế
được sự can thiệp từ bên ngoài, có khả năng làm phức tạp thêm vụ việc bất đồng,
tranh chấp. Bởi vậy, đàm phán, giải quyết bất đồng là biện pháp tối ưu, hiệu
quả, tránh đổ máu của người lính trên chiến trường, giữ vững môi trường thuận
lợi để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ chiến
tranh.
Hòa bình phải dựa trên nền tảng tiềm lực và được bảo đảm bởi sức mạnh
tổng hợp về vật chất và tinh thần của quốc gia. Là dân tộc phải trải qua rất nhiều cuộc
chiến tranh chống xâm lược, dân tộc ta đã thấu hiểu giá trị cao cả của hòa
bình. Nhưng hòa bình thật sự không tự đến, không tự có, mà nó là kết quả của sự
đấu tranh kiên quyết, kiên trì của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhất
quán lựa chọn phương pháp hòa bình trong bảo vệ Tổ quốc, nhưng Đảng, Nhà nước
ta không bao giờ ảo tưởng, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá
của các thế lực thù địch. Để giải pháp hòa bình được thực hiện hiệu quả, Đảng
ta khẳng định: cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Xây dựng “thế trận
lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an
ninh nhân dân. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; chủ động
phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân
tố bên trong có thể gây ra đột biến. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân
dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành
với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tăng cường nguồn lực cho quốc
phòng, an ninh. Tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho Quân đội và Công an
đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố đường
biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực
thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Tích
cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến
cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống, v.v.
Không dựa trên nền
tảng sức mạnh tổng hợp và không có sự kết hợp của những phương pháp khác trong
bảo vệ Tổ quốc thì phương pháp hòa bình sẽ trở nên phi thực tế, không mang lại
hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Bởi: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến.
Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn
đồng minh của ta vậy”5. Cho nên, trong khi bảo vệ Tổ quốc bằng
phương pháp hòa bình thì các cấp, ngành, lực lượng phải tranh thủ môi trường
hòa bình để đẩy mạnh xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện
tốt vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa
bình như chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
_________________
1 - Ban Tư tưởng – Văn
hóa Trung ương - Tài liệu học tập
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb
CTQG, H. 2003, tr. 46.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.
3 - Hồ Chí Minh
– Toàn tập, Tập 4,
Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb. CTQG, H.
2000, tr. 244.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét