Giữ vững nền tảng tư tưởng luôn là một nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu có liên quan mật thiết đến sinh mệnh của Đảng và cách
mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình mới.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay,
chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng
và phát triển sáng tạo trong điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Từ chỗ
coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “cái cốt của Đảng”, “cái gốc của Đảng”, đến Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951), Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác –
Lê-nin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
III (năm 1960), Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VII (năm 1991), Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng.
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng đã quyết định
bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, lập trường cách mạng triệt để, quan
điểm khoa học, phương pháp biện chứng duy vật để giải quyết đúng đắn những vấn
đề của cách mạng nước ta cũng như thời đại đặt ra. Kiên trì và tiếp tục đẩy
mạnh sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, giữ vững nền
tảng tư tưởng và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Điều đó có ý nghĩa quyết định mọi thành tựu của công cuộc đổi mới
để đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mặc dù trong bối
cảnh mới của tình hình thế giới còn nhiều phức tạp, khó khăn, thử thách đối với
Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, trước bối cảnh phức
tạp của tình hình thế giới và trong nước, chúng ta phải giữ vững nền tảng tư
tưởng của Đảng trên cơ sở sự kiên định và tích cực bảo vệ vững chắc nền tảng tư
tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù
địch. Đồng thời, chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn,
kiên quyết phòng chống bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, để góp phần củng cố
vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi
phải thường xuyên củng cố, tăng cường các thành tố của nền tảng tư tưởng bảo
đảm sự chắc chắn nhất, vững chắc nhất và không ngừng phát triển của nền tảng tư
tưởng của Đảng. Quá trình liên tục này cần phải xem xét các yếu tố chủ quan nội
tại và các yếu tố tác động của khách quan, là quá trình tiến hành một cách đồng
bộ, tổng thể các chủ trương, giải pháp dựa trên các nguyên tắc bất di, bất dịch
và thật sự khoa học, hiệu quả cao với sự tham gia của toàn Đảng, của cả hệ
thống chính trị và nhân dân.
Để giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong
tình hình mới cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35 -NQ/TW của Bộ
Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và các nghị quyết
Trung ương, nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận
của Đảng. Theo tinh thần đó, trong tình hình mới chúng ta cần coi trọng và thực
hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, kiên định và giữ vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định chủ nghĩa
Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam
cho mọi hành động cách mạng. Tư tưởng chính trị thể hiện trước hết ở chủ nghĩa
Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng
trước hết phải giữ vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự kiên
định nền tảng tư tưởng sẽ quyết định đến việc giữ vững nền tảng tư tưởng, ngăn
ngừa mọi biểu hiện xa rời bản chất cách mạng và khoa học của Đảng. Bởi vì, việc
kiên định hay xa rời bản chất của Đảng là vấn đề sinh tử, liên quan đến sự tồn
vong của Đảng, của chế độ. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn
Ái Quốc đã khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà
không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chủ
nghĩa đó, theo Nguyễn Ái Quốc là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vì đó là “chủ nghĩa
chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”.
Hai là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để xây
dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên
quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng.
Bản lĩnh chính trị là phẩm chất đặc biệt quan
trọng và nhất thiết phải có đối với Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh
chính trị giúp cho người cán bộ, đảng viên kiên định với mục tiêu, lý tưởng của
Đảng, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định đường lối đổi mới của
Đảng,… Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên là biểu hiện của sự giảm sút về bản lĩnh chính trị, tác động
trực tiếp và thách thức đến nền tảng tư tưởng và bản lĩnh chính trị của Đảng.
Do vậy, để nâng cao bản lĩnh chính trị, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính
trị trong Đảng hiện nay cần phải nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp
dạy học các môn lý luận chính trị, các môn học về nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh trong các nhà trường, trong hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng
đối tượng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đối tượng sinh viên ngay khi còn
trên ghế nhà trường để nâng cao nhận thức lý luận chính trị và xây dựng bản
lĩnh chính trị cho họ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng,
cập nhật kiến thức lý luận chính trị và học tập chính trị trong toàn Đảng,
trong các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân
dân. Tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng
viên. Thực tế cho thấy, suy thoái về đạo đức sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng
chính trị, làm xói mòn bản lĩnh chính trị. Vì vậy, nâng cao bản lĩnh chính trị
không tách rời việc nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, khắc phục chủ nghĩa
cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả
cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương
4 khóa XII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Thực
hiện thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong nội bộ, trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên.
Ba là, kiên quyết bảo vệ Đảng, phản bác kịp
thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch đánh
trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng gây hoang mang, dao động về hệ
tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng tập trung chống phá nền tảng tư
tưởng của Đảng, trước hết là nội dung cốt lõi, then chốt trong Cương lĩnh,
đường lối chính trị, quan điểm cơ bản của Đảng. Các thế lực thù địch công khai
nói xấu nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đòi từ bỏ Đảng, từ bỏ chế độ xã hội chủ
nghĩa, đòi thực hiện nền tảng tư tưởng mới, nhưng thực chất là hệ tư tưởng tư
sản. Chúng đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhưng
thực chất là đối lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin và phủ nhận cả hai. Do vậy, một
nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay là chúng ta phải đẩy mạnh đấu tranh
chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư ttưởng
của Đảng. Biện pháp đấu tranh hiện nay cần phải tiếp tục quán triệt và triển
khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Theo đó, tập
trung chỉ đạo việc kiện toàn lực lượng chuyên sâu, chuyên trách, nhất là việc
thành lập các ban chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch báo chí,
pháp luật và quy định về quản lý báo chí, xuất bản, intenet và mạng xã hội. Xây
dựng và triển khai thực hiện của các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch. Đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh tư
tưởng, lý luận. Nâng cao tính chủ động, tính chiến đấu, tính sắc bén, tính
thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và
“chống” trong công tác tư tưởng, lý luận.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
nghiên cứu, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta.
Do yêu cầu của thực tiễn hiện nay cần phải bổ
sung, phát triển lên tầm cao mới nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm trước
hết là nhận thức sâu sắc hơn các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Chúng ta biết rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một học thuyết mang
bản chất cách mạng và khoa học, nó không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho
hành động. Phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể là bản chất, linh hồn sống của
chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “cẩm nang” thần kỳ, “kim chỉ nam” cho
cách mạng Việt Nam. Vì xậy, phải vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác
– Lê-nin cho phù hợp với thời đại và điều kiện lịch sử của mỗi nước và mỗi giai
đoạn cụ thể. Hiện nay, trước yêu cầu mới của việc giữ vững nền tảng tư tưởng
của Đảng, chúng ta cần phải “nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lê-nin để
dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà tổng kết
những kinh nghiệm của Đảng, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước
ta”. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển lý luận sẽ thực sự góp phần giữ
vững định hướng xã hội chủ nghĩa, vào việc làm rõ bước đi cụ thể của cách mạng
nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là góp phần củng cố
ngày càng vững chắc hơn nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa hơn bao giờ hết đang đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục
giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và bảo
vệ sự trường tồn của Đảng. Trong tình hình mới, để giữ vững nền tảng tư tưởng
của Đảng phải kiên trì, vận dụng, phát triển sáng tạo và bảo vệ vững chắc chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự kiên trì, vận dụng, phát triển
sáng tạo và bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng
chính là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét