Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

CẢNH GIÁC VỚI MƯU ĐỒ “GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC” Ở BIỂN ĐÔNG



                                                                                            
          Mới đây Philippines chấp nhận thỏa thuận tỉ lệ 60 -40 với Trung Quốc trong khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm cho hòa bình trong khu vực. Biết rằng đó chỉ là quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề “ gác tranh chấp, cùng khai thác” theo cách riêng của Philippines.
Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) không có khái niệm, quy định về “khai thác chung” mà chỉ đề cập hợp tác bình đẳng trong hợp tác kinh tế của các quốc gia trên biển. Giữa các nước hợp tác khai thác chỉ thực hiện trong phạm vi lãnh thổ thuộc một quốc gia nào đó, tỉ lệ ăn chia thỏa thuận với nhau theo hợp đồng kinh tế, không phụ thuộc vấn đề chính trị hay tranh chấp. Chẳng hạn như Việt Nam đang hợp tác liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí với các nước trong vùng biển của mình là như vậy. Có 2 trường hợp được gọi là khai thác chung: Một là, Khi có một nguồn tài nguyên vắt ngang qua biên giới biển của các quốc gia liên quan; Hai là, Khi nguồn tài nguyên nằm trong vùng chồng lấn mà giữa các nước chưa thể phân định rõ ràng hay đang tranh chấp (điều 74,83 Công ước unclos 1982). Lưu ý là khai thác chung chỉ thực hiện khi có một trong hai điều kiện đã nêu trên, không phải nằm trong phạm vi lãnh thổ EEZ của bất cứ quốc gia nào.
Cùng với âm mưu thực hiện đường 9 đoạn, Trung Quốc đã đưa ra phương thức “gác tranh chấp, cùng khai thác” từ tháng 10/1982 khi Đặng Tiểu Bình đưa ra tại Tokyo (Nhật Bản). Nội dung trong đó có 4 điểm chính: 1. Chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung quốc(vì nằm trong vùng 9 đoạn); 2. Điều kiện chưa thể giải quyết vấn đề lãnh thổ thì thảo luận về chủ quyền được tạm gác lại; 3. Lãnh thổ bị tranh chấp cùng nhau khai thác; 4. Tạo sự hiểu biết để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Mặc dù vậy Trung Quốc vẫn tuyên bố đường 9 đoạn, “lãnh thổ không thể chối cãi” với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng khác . Trong khi đó các vùng đưa ra khai thác chung đều nằm trong vùng biển (EEZ) thuộc chủ quyền các nước, nổi lên nhất là Việt Nam, Philipin, Malaixia. Đặt ra như vậy Trung Quốc đạt được 2 mục tiêu: Biến vùng biển các nước thành vùng biển tranh chấp nhằm từng bước thực hiện đường 9 đoạn và biến tài nguyên riêng của các nước khác làm tài nguyên chung. Chỉ cần một trong các nước chấp nhận phương thức này là Trung Quốc đã đạt thành công bước đầu, các nước khác sẽ phải noi theo để được yên ổn. Trong khi đó UNCLOS quy định rõ tài nguyên trong vùng EEZ của các nước là tài sản riêng không thể chia sẻ cho bất cứ ai.
Nhìn lại vụ việc đã xảy ra ở vùng biển đá san hô Luconia mà Malaysia tuyên bố chủ quyền để thấy rõ hơn điều đó. Malaysia cấp phép thăm dò khai thác cho một công ty nước ngoài từ 2013 thì Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn, tạo bất ổn cho hoạt động bình thường ở đây. Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra áp sát, ngăn cản hoạt động vận tải tiếp tế của tàu vận tải nước này, có những động thái gây nguy hiểm. Các hoạt động của Trung Quốc hiện nay tại bãi biển Tư chính không phải là ngoại lệ. Năm 2017,2018 Trung Quốc cũng đã thực hiện quấy rối ở vùng này đã làm cho một công ty thăm dò của Tây Ban Nha phải ngừng hợp tác với Việt Nam. Theo đà đó họ tiếp tục sử dụng con bài gây hấn, đe dọa với liên doanh của Việt Nam, Nga, Nhật Bản như đã thấy trong suốt gần 3 tháng qua. Nhưng xu thế bây giờ đã thay đổi, chúng ta tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò và hạ đặt giàn khoan khổng lồ Sao vàng – Đại Nguyệt trong khi Trung Quốc đang tiếp tục các hoạt động ngăn cản. Bộ ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối, kể cả đưa ra hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước. Các hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển đang kiên quyết thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế . Đó là lý do tại sao Trung Quốc tức tối gây sự và vấn đề này chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trung Quốc chưa bao giờ có ý định từ bỏ đường 9 đoạn, biến vùng biển EEZ của các nước thành “vùng xám trên biển”(tranh chấp), thực chất là biến vùng biển các nước thành vùng tranh chấp để thực hiện ý đồ lâu dài độc chiếm Biển Đông. Đó cũng là lý do cho đến nay đã 17 năm đàm phán nhưng Trung Quốc tiếp tục trì hoãn ký kết COC với các nước ASEAN. Từ tạo bất ổn đến “gác tranh chấp, cùng khai thác” là từng bước tạo điều kiện cho những yêu sách có lợi cho Trung Quốc với các nước ASEAN. Philippines thỏa thuận với Trung Quốc trong chia lợi nhuận thăm dò khai thác tỉ lệ 60-40 dù nghiêng về Philippines không thể gọi là lợi thế, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình đàm phán COC và cho hòa bình ổn định trong khu vực. Đó là việc riêng của Philippines chúng ta không thể can thiệp, nhưng sẽ gây bất lợi chung trong xử sự chủ quyền của các nước trên biển trong đó có Việt Nam. Vấn đề giải quyết sẽ còn phức tạp, lâu dài buộc nhà nước ta phải kiên định và kiên trì đường hướng theo nguyên tắc quan hệ quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.
  An Nhiên    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...