TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TINH GIẢN,
KIỆN TOÀN BỘ MÁY
GẮN VỚI SỬA ĐỔI PHONG CÁCH, LỀ LỐI LÀM VIỆC
CỦA CÁN BỘ
Là người
sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một kho
tàng lý luận phong phú về xây dựng Đảng. Trong đó những tư tưởng của Người về tinh
giản, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với sửa đổi phong cách, tác phong, lề lối
làm việc của cán bộ có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là khi chúng ta đang thực
hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 6 và 7 (khóa XII) hiện nay. Vì vậy,
việc khai thác những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, có thể khái
quát ở một số nội dung sau:
Một là, tổ chức bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, luôn đổi mới, chỉnh
đốn cho phù hợp. Ngay
trong những ngày đầu của nền độc lập, Hồ Chí Minh nói nhiều về sự cần thiết,
những nội dung, yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng non
trẻ qua loạt bài “Cách tổ chức các UBND”, “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”,
“Chính phủ là công bộc của dân”, “Tinh thần tự động trong các UBND”, “Sao cho
được lòng dân”, “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Đặc biệt trong bài
“Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các UBND”, Hồ Chí Minh lưu ý:
“Một khuyết điểm lớn chung cho phần đông các UBND là bệnh lộn xộn, thiếu tổ
chức… Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra
chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến
mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính. Chia công việc không khéo
thành ra tư biện: nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ
và sức lực người ta chỉ có chừng”[1].
Bước sang năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở thời kỳ gay go,
quyết liệt, Hồ Chí Minh lại có một số bài chấn chỉnh lề lối, phương pháp, nhất
là về tổ chức bộ máy, như “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ”, “Thư gửi các đồng chí
Trung bộ”, trong đó Người đều nhấn mạnh: “Trong các cơ quan chỉ huy, chọn người
phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh, liên lạc phải mật thiết, hợp tác phải
chặt chẽ, phải tuyệt đối tránh cái lối lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện
và suy tỵ, không phụ trách”[2].
Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều người làm thành một tổ chức, nhưng mỗi người đều có
vị trí quan trọng trong bộ máy tổ chức đó: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải
có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần
thiết, cũng quan trọng”[3].
Từ chiều sâu bản chất quý trọng và thương yêu con người, Hồ
Chí Minh xác định dù ở mỗi người tài năng có khác nhau nhưng đều có vai trò to
lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Người đã ví cán bộ là dây chuyền của bộ máy.
Người nói: “Chúng ta, tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp,
to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có
một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả”[4].
Trong thư gửi Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc (2-1950), Hồ Chí Minh
yêu cầu hội nghị cần hướng vào thảo luận những vấn đề căn cốt, thúc bách của tổ
chức, để các tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị: “Thảo luận kỹ lưỡng
những vấn đề rất quan trọng như: Chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy chính quyền; sửa
đổi và thống nhất cách làm việc; thiết thực thực hiện quân dân chính nhất trí;
giải quyết vấn đề cán bộ”[5].
Có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đổi mới, chỉnh đốn tổ chức bộ máy
luôn là một công việc thường xuyên phải làm. Ngày 10-9-1950, dự chiến dịch
Đông Khê, Người có bài viết “Chỉnh đốn Đoàn thể và chính quyền” với bút danh
X.Y.Z, có đoạn: Chính quyền và đoàn thể (Đảng) cũng cần thường xuyên rửa các bộ
máy của mình, để tẩy trừ những phần tử bất chính, đầu cơ và chỉnh đốn lại cách
làm việc cho gọn gàng, mau chóng. Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, để dồn sức cho cuộc kháng chiến, giảm tải
sự đóng góp của nhân dân, Người đưa ra biện pháp cụ thể: “Thực hành chấn chỉnh
biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia
sản xuất”[6].
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (25-6-1952),
Hồ Chí Minh không chỉ khen ngợi những kết quả của ngành đã đạt được mà Người
còn chỉ rõ hiện trạng tổ chức bộ máy và đưa ra lộ trình, phương châm sắp xếp tổ
chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Người chỉ dẫn “Nói
chung, các cơ quan, đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh
càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc
thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi
đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao,
làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[7].
Để bộ máy vận hành hoạt động có hiệu quả, theo Hồ Chí Minh mấu chốt là xác định
rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, bộ phận, của mỗi cán bộ. Đây là cơ sở
để mỗi tổ chức, cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bộ máy
hoạt động vận hành có hiệu quả, không có sự chồng lấn về nhiệm vụ. Trước yêu
cầu cấp thiết đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi
bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và cán bộ lãnh đạo phải giúp
đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”[8].
Bởi công tác tổ chức quyết định cán bộ - quyết định đến số lượng, cơ cấu, phẩm
chất và trình độ chuyên môn của cán bộ. Nếu vận hành không tốt thì hệ quả dẫn
tới những lệch lạc đáng tiếc trong thiết kế bộ máy và thực thi công vụ. Hồ
Chí Minh đã dự liệu trước những khó khăn phức tạp, tinh tế của công tác tổ
chức. Do đó, Người yêu cầu các cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng
người, đúng việc, đúng với sở trường của cán bộ. Người chỉ dẫn: “Công việc có
việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với
việc, việc đúng với người”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi cần điều động một
người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm
của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động”[9].
Năm 1962, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, chúng ta tổ chức hệ thống chính
trị theo mô hình Xô-viết, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối liên hệ giữa tổ chức bộ
máy và biên chế, khi bộ máy cồng kềnh thì biên chế phình ra và dẫn tới vừa
quan liêu, vừa lãng phí. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị truyền đạt Nghị
quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà
nước năm (11-1-1962), Người chỉ rõ: “Từ các bộ, ngành và các địa phương, bộ máy
đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy, sinh ra quan liêu, lãng phí.
Một nhược điểm nữa là từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương chưa thật
nhất trí, trên dưới chưa thật thông suốt, đang còn khuynh hướng cục bộ, bản
vị…” [10].
Đặc biệt, Hồ Chí Minh đưa ra những chỉ dẫn về phương pháp
khi đổi mới, sắp xếp, chấn chỉnh về bộ máy. Đầu năm 1949, trong “Bài nói chuyện
trong buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu” ngày 18-1-1949,
Người nhấn mạnh: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ
xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành… Muốn
làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra
những việc chính, nắm lấy đó mà làm”[11].
Nhấn mạnh đến tính liên thông, đồng bộ và sự phụ thuộc lẫn nhau, Người ví: “Một
bộ máy là do nhiều thứ máy to nhỏ lắp lại. Các máy ấy đều ăn khớp với nhau, thì
bộ máy ấy tốt và sản xuất nhiều. Nếu chỉ một cái máy nhỏ không ăn khớp, thì
cũng ảnh hưởng xấu đến toàn cả bộ máy”[12].
Theo Hồ Chí Minh, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, phải
luôn luôn được đặt ra. Năm 1952, trong “Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3, khóa
II”, Hồ Chí Minh lưu ý: Về chính quyền. Chúng ta có tiến bộ nhiều, nhưng vì
chúng ta quan niệm chưa đúng tính chất và sự quan trọng của chính quyền nhân
dân nên chưa thực sự kiện toàn chính quyền về mặt công tác, tổ chức, cán bộ. Và
một trong các giải pháp mà Người đề ra là: Chỉnh Đảng là việc chính mà chúng
ta phải làm ngay. Chỉnh Đảng phải làm từng bước và có trọng tâm: Chỉnh đốn tư
tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ rồi mới chỉnh huấn
toàn thể đảng viên. Chỉnh đốn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh
đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng[13].
Chính nhờ đợt chỉnh Đảng, chỉnh cán, chỉnh quân những năm 1952-1953, đây là một
trong những nguyên nhân tạo ra sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta cũng cần
rút ra những kinh nghiệm tốt từ những đợt chỉnh huấn này dưới sự lãnh đạo của
Hồ Chủ tịch.
Hai là, xây dựng phong cách, phương pháp, sửa đổi lối làm việc. Khi coi con người “là vốn quý nhất”,
theo Hồ Chí Minh, gắn với đổi mới tổ chức bộ máy là đổi mới phong cách, tác
phong, phương pháp, lề lối làm việc và chính phong cách, tác phong, phương
pháp, lề lối làm việc của cán bộ là biểu hiện của cơ chế, các mối quan hệ trong
vận hành tổ chức bộ máy. Người khái quát: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự
thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa
chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy
cũng vô ích”[14].
Trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa II) ngày 3-3-1955, Người nhấn
mạnh đến kiện toàn bộ máy, phương pháp, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả
công tác: “Tổ chức của Đảng cần phải kiện toàn hơn. Lề lối làm việc cần phải
tiến bộ hơn”[15].
Kiện toàn tổ chức bộ máy xét tới cùng là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị,
nội bộ đoàn kết thống nhất, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, giúp cho bộ
máy hoạt động thông suốt, nhịp nhàng. Phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ của cán bộ là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng tổ chức bộ
máy, vì cán bộ là nhân tố quyết định, là “cái gốc của mọi công việc”. Bởi vậy,
theo Hồ Chí Minh: “Kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức,
tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”[16]
là hai mặt của một vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ “bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì, Đảng và
Chính phủ đã giao thì các cô, các chú phải quyết tâm làm cho trọn, không nên
muốn thế này thế khác”. Trong bài “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, Người đã nêu rõ
vì sao trước khi làm phải xin chỉ thị của cấp trên, sau khi làm xong phải báo
cáo. Thời kỳ đầu 1950, có tình trạng như vậy, cho thấy tác phong tùy tiện, cẩu
thả, vô kỷ luật còn phổ biến trong bộ máy. Để khắc phục tình trạng này, những
chỉ dẫn về nội dung, phương pháp, quy trình, trách nhiệm người viết báo cáo của
Người trong bài viết còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hồ Chí Minh căn
dặn: “Không tự kiêu, không có bệnh làm “quan cách mạng”. Phải siêng năng, siêng
nghĩ, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nói, siêng làm. Cầu tiến bộ luôn
luôn. Không lúc nào không ngừng nghiên cứu, tự rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm”[17].
Người cũng luôn nhắc nhở: “Phải có biện pháp cho tốt, “kế hoạch một phần, biện
pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần”. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn
đốc. Công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác kế hoạch”[18].
Và “Kế hoạch phải thật tỷ mỷ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt
đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu”[19].
Và “cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương
pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”[20]…
Đây là những chỉ dẫn rất quý báu về phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của
người cán bộ hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập bộ máy chính quyền cách
mạng, cũng như sau khi ĐCS Việt Nam ra hoạt động công khai, Hồ Chí Minh luôn
luôn quan tâm tới vấn đề phải nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng phong cách,
tác phong làm việc khoa học, sát dân, trọng thực tiễn, “nói đi đôi với làm”…
của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh nói nhiều về
vấn đề này. Rõ ràng trong khi tình hình cách mạng thay đổi nhanh chóng, phức
tạp; bộ máy đảng, nhà nước còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức thực hiện, thì vấn đề quan trọng là lề lối làm việc của cán bộ,
đảng viên phải được coi trọng. Trong rất nhiều bài viết, thư, bài nói chuyện
với cán bộ, nhân dân, như “Đời sống mới”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo
đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Ý kiến về việc làm và xuất bản
loại sách “người tốt, việc tốt””, “Di chúc”… Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách có
hệ thống, toàn diện, cụ thể, thiết thực: từ vì sao (sự cần thiết) phải xây
dựng đạo đức cách mạng, sửa đổi tác phong, lề lối làm việc đến việc chỉ ra
(nhận diện) những căn bệnh cố hữu, tệ của xã hội cũ, của nền sản xuất
nhỏ, của hậu quả thực dân ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ các giải
pháp để nâng cao đạo đức cách mạng quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, sửa đổi lối
làm việc đến vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu và vai trò của tự tu
dưỡng, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ vai trò tự nêu gương, tiền
phong, gương mẫu, chú trọng thực hành của mỗi cán bộ, đảng viên đến việc tuyên
truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân làm theo… Ví dụ, trong mục “Mấy điều kinh
nghiệm” trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người nhấn mạnh làm bất cứ
việc gì đều phải nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc, phải phân tích kỹ càng xem
việc làm ấy vì sao đưa đến thành công để học tập kinh nghiệm, để đặt ra khuôn
phép cho những công việc khác, để nhân rộng cái tốt, cái hay. Nếu không nghiên
cứu, phân tích thì việc nào xong việc ấy, cán bộ không học được kinh nghiệm gì
và cũng không thể tiến bộ được.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tinh giản biên chế, kiện
toàn tổ chức bộ máy gắn với sửa đổi phong cách, tác phong, lề lối làm việc của
cán bộ, đảng viên là những định hướng, cơ sở phương pháp luận để Đảng ta củng
cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ hiện nay.
TS. Lê Quang Hoan
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2018/12379/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-tinh-gian-kien-toan-bo-may.aspx
Cảm ơn tác giả về bài viết.
Trả lờiXóa