Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TRÊN BÁO CHÍ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU


GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TRÊN BÁO CHÍ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này thuộc về công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên báo chí. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý báo chí cũng như chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân các cơ quan báo chí.
1. Bảo vệ môi trường là trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường càng cấp bách hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ở nước ta là một thực tế hiện hữu, hàng ngày hàng giờ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Để thực hiện mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cần quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ những thách thức của vấn đề bảo vệ môi trường đối với phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngày 15-11-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ ban hành Chương trình, Chiến lược bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,... Tháng 6-2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI đã thông qua Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (Nghị quyết số 24-NQ/TW). Tiếp đó, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Luật Bảo vệ môi trường 2014) ngày 23-6-2014 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Trong công tác bảo vệ môi trường thì tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng. Qua tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Tuyên truyền ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về lực lượng tuyên truyền chuyên nghiệp, trong đó có các cơ quan báo chí. Ưu thế của thông tin báo chí là tính cập nhật, được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục, có khả năng tiếp cận với đông đảo các đối tượng bạn đọc. Tính khách quan, trung thực làm cho thông tin báo chí trở thành nguồn, cơ sở dữ liệu của các hình thức tuyên truyền khác như tuyên truyền trong các hội nghị, hội thảo, tuyên truyền trong sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp hay tuyên truyền miệng trong đời sống hàng ngày.
Từ vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này sẽ tác động tích cực thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân đối với môi trường theo hướng thân thiện hơn và như thế, sẽ góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu đưa đất nước ta phát triển kinh tế nhanh và bền vững như mục tiêu tổng quát mà Đảng đã đề ra.
2. Khảo sát một số báo, tạp chí (Tạp chí Cộng sản điện tử, Báo Nhân dân điện tử, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường bản in, Báo Phụ nữ Việt Nam bản in, Báo Thanh niên bản in) trong khuôn khổ Đề án cấp ban Đảng: Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu trên báo, tạp chí hiện nay, thì thấy, về chủ đề môi trường, các báo, tạp chí có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; thông tin về các sự cố, hiện tượng môi trường, biến đổi khí hậu; tuyên truyền hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước; tuyên truyền việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin về các sự kiện, phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường; các chương trình, dự án tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phản ánh các vi phạm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin về những biện pháp để bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng kinh nghiệm địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các báo, tạp chí bước đầu đã chú ý đến nhóm đối tượng bạn đọc chủ yếu của mình (về nhu cầu tìm hiểu thông tin, về năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin,…) để từ đó xây dựng chuyên mục, tổ chức nội dung tin, bài, ảnh, đồ họa, video clip phù hợp. Mỗi báo, tạp chí, tùy theo đối tượng độc giả chủ yếu của mình sử dụng cách thể hiện phù hợp, qua đó, phát huy hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Một số báo, tạp chí có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp tuyên truyền như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm báo chí hấp dẫn, có giá trị thay đổi nhận thức, định hướng dư luận, tạo hiệu ứng lan tỏa cao.
Hầu hết các cơ quan báo chí đều quan tâm nắm bắt nhu cầu của bạn đọc để xây dựng kế hoạch tổ chức tin, bài thông qua việc mở các kênh tương tác, địa chỉ email, điện thoại để tiếp nhận ý kiến, phản hồi, bình luận của độc giả. Một số báo, tạp chí tích cực sử dụng truyền thông xã hội để nhân rộng đối tượng tiếp cận thông điệp tuyên truyền. Tuy ở các mức độ khác nhau nhưng nhìn chung các cơ quan báo chí đều tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường, qua đó, tăng thêm hiệu quả tuyên truyền về chủ đề này trên báo, tạp chí.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác tuyên truyền trên báo chí về bảo vệ môi trường vẫn còn những hạn chế. Số lượng tin, bài, ảnh về chủ đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu không nhiều. Qua khảo sát, ngoại trừ Tạp chí Tài nguyên và Môi trường là tạp chí chuyên ngành có số lượng tin, bài nhiều hơn, còn lại các báo, tạp chí chỉ có xấp xỉ 2% lượng tin, bài về chủ đề này trong tổng số tin, bài hàng tháng. Trong số đó, chỉ có một phần là các tin, bài trực tiếp về nội dung bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, còn lại là các tin, bài có nội dung liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường.
Các tin, bài còn nặng về tính thông tin các sự kiện, hoạt động, rất ít tin, bài mang tính chất thực tiễn, kinh nghiệm, các mô hình, phong trào, hoạt động hiệu quả, gương điển hình ở các địa phương, cơ sở. Nhiều tin, bài về các vụ, việc, nhất là các vụ, việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ít tin, bài mang tính chất khoa học thường thức hay tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm. Trong nội dung về biến đổi khí hậu thì nhiều tin, bài về ứng phó với biến đổi khí hậu, ít tin, bài về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về hình thức tác phẩm báo chí, các báo, tạp chí sử dụng chủ yếu 3 hình thức là tin, bài và ảnh trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, hình thức thể hiện ở nhiều tin, bài chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, sức truyền tải thông điệp tuyên truyền chưa cao. Các hình thức sản phẩm báo chí như phóng sự, video clip, đồ họa, megastory, infographic, longform,… không nhiều.
Nhìn chung, các báo, tạp chí ít tổ chức các sự kiện hay tham gia tổ chức sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường; ít hoặc không có nguồn tài trợ cho tuyên truyền về bảo vệ môi trường;… Các cơ quan báo chí cũng ít sử dụng các kênh truyền thông khác hoặc mạng xã hội để tăng hiệu ứng tuyên truyền như facebook, zalo, twitter, fanpage, blogger, … Có chăng, chỉ là những nỗ lực đơn lẻ của các phóng viên, biên tập viên.
3. Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, có thể nhận thấy:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa sâu sát. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đều có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí cả nước thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ban hành kế hoạch, đề cương tuyên truyền. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo mới chỉ dừng ở việc ban hành văn bản; chưa có sự đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên cũng như sơ kết, tổng kết định kỳ để rút kinh nghiệm, vì vậy, việc thực hiện phần nhiều tùy thuộc vào nỗ lực của các cơ quan báo chí.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường cũng còn mờ nhạt. Lãnh đạo các cơ quan chủ quản quan tâm nhiều hơn đến tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức mình, ít quan tâm đến các lĩnh vực, chủ đề khác, trong đó có chủ đề về bảo vệ môi trường.
- Mặc dù nhận thức rõ tính cấp bách của vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, sự quan tâm của lãnh đạo cũng như của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo về mảng đề tài này chưa thật sự sâu sát, quyết liệt, thể hiện ở chỗ lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, nhiều cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền về mảng chủ đề này một cách chung chung, chưa cụ thể hóa thành nhiệm vụ cụ thể theo thời gian cũng như đến từng cán bộ, phóng viên. Kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong kế hoạch tuyên truyền chung của cơ quan báo chí, thậm chí có cơ quan báo chí không phân công phóng viên, biên tập viên chuyên trách theo dõi mảng đề tài này. Tin, bài tuyên truyền về bảo vệ môi trường có thời điểm thì dồn dập (khi có sự kiện, ngày kỷ niệm), còn những thời điểm khác thì khá thưa thớt.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là những nguyên nhân khách quan:
- Cơ chế quản lý báo chí hiện hành có những bất cập. Cơ quan tuyên giáo, quản lý nhà nước định hướng tuyên truyền cho báo chí, tuy nhiên, đa số các cơ quan báo chí hiện đang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, Nhà nước bao cấp một phần chi phí, còn lại các cơ quan báo chí phải hạch toán, lấy thu bù chi. Vì vậy, để bán báo, tăng lượng truy cập, qua đó, làm kinh tế báo chí, các cơ quan báo chí chú trọng hơn đến các mảng đề tài hấp dẫn, hoặc có tài trợ. Các mảng đề tài khác thường ít được quan tâm, trong đó có mảng đề tài về bảo vệ môi trường.
- Một trong những khó khăn khác của các cơ quan báo chí là nguồn nhân lực. Trong điều kiện hạch toán, các cơ quan báo chí phải rất cân nhắc trong tuyển dụng. Hơn thế nữa, trong điều kiện Đảng, Nhà nước đang chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp, nhân sự của các cơ quan báo chí cũng chịu tác động, ảnh hưởng. Nguồn nhân lực hạn chế, đa số phóng viên, biên tập viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nhiều mảng đề tài, không có điều kiện theo dõi chuyên sâu. Hơn nữa, do áp lực công việc nên họ cũng không có thời gian học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cũng do khó khăn về nhân lực nên đa số các cơ quan báo chí không triển khai được các biện pháp sử dụng công nghệ, truyền thông xã hội để tăng hiệu quả tuyên truyền. Còn các khó khăn về tài chính làm cho các cơ quan báo chí không tự đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp, vì vậy không thể tiếp cận các loại hình tác phẩm báo chí mới, hấp dẫn bạn đọc.
- Chủ đề bảo vệ môi trường là mảng đề tài khó, khá khô khan, đòi hỏi phóng viên, biên tập viên bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ báo chí phải có trình độ nhất định về khoa học thường thức, khoa học kỹ thuật. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhìn chung được đào tạo chuyên ngành báo chí hoặc các ngành khoa học xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong viết, biên tập tin, bài về chủ đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, họ cũng không thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền bảo vệ môi trường. Vì vậy, chất lượng các sản phẩm báo chí về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
4. Để tăng cường tuyên truyền trên báo chí về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, bao gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ chế tài chính báo chí và công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan báo chí.
Về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí:
Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước mà cụ thể là Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp của Đảng; Bộ Thông tin và Truyền thông và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể:
- Định kỳ xây dựng đề cương tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, có các định hướng, các nội dung cần tuyên truyền, kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan báo chí trực thuộc. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc. Định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện; đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xem xét nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn.
- Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, nhất là kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cũng như chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí. Có cơ chế tôn vinh, khen thưởng các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ, các nhà báo có tác phẩm tốt, hay, có tác động xã hội tích cực; có chế tài đối với các cơ quan báo chí thực hiện không tốt nhiệm vụ, các nhà báo có sai phạm.
Về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí:
- Tài chính, kinh tế báo chí là vấn đề đặc biệt quan trọng trong hoạt động báo chí hiện nay. Trong quá trình đổi mới, sắp xếp hệ thống các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, các cơ quan báo chí nói chung thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, ngân sách nhà nước trang trải một phần chi phí. Vì vậy, cần bố trí nguồn kinh phí đủ cho đầu tư trang thiết bị, công cụ, phương tiện làm việc của các cơ quan báo chí. Để có thể cuốn hút người đọc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, báo chí phải đổi mới cả nội dung, hình thức, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm báo chí, ứng dụng các loại sản phẩm báo chí mới,… Những công việc đó đòi hỏi phải có nền tảng trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp tương ứng.
- Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hàng năm của các ngành, các cấp cần dự trù kinh phí cho công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nguồn kinh phí này, các cấp, các ngành đặt hàng tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cho các cơ quan báo chí theo hình thức giao nhiệm vụ kèm điều kiện về kinh phí hoặc theo hình thức hợp đồng phối hợp tuyên truyền.
- Có cơ chế ưu đãi về thuế cho các hoạt động của cơ quan báo chí như trong mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; trong thực hiện các hợp đồng phối hợp tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu hay trong tổ chức các sự kiện liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ từ nguồn lợi nhuận trước thuế (sẽ không phải tính thuế đối với nguồn lợi nhuận này) cho các cơ quan báo chí, nhất là trong các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với các cơ quan báo chí:
- Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ quan báo chí đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí, từ công tác tổ chức, cán bộ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc đến kinh phí cho hoạt động. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát thường xuyên cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó, có nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan báo chí trong nhận thức tính cấp bách của vấn đề môi trường và trách nhiệm chính trị trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường, từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp; phân công cán bộ, phóng viên, bộ phận chuyên trách trong tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền hiệu quả.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo, kỹ năng tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Các cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm đến công tác này, thường xuyên cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng báo chí nói chung, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
- Để có thông tin kịp thời, nhất là thông tin từ địa phương, cơ sở, các cơ quan báo chí cần quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên của mình tại các địa phương, cơ sở. Chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ năng đưa tin, ảnh, viết bài; có chế độ đãi ngộ thường xuyên; kịp thời động viên, khen thưởng;… để đội ngũ cộng tác viên gắn bó với cơ quan báo chí, kịp thời cung cấp tin, bài về các vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở địa phương, cơ sở./.
Nguyễn Đức Kha
Tạp chí Cộng sản
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2019/53834/Giai-phap-tang-cuong-tuyen-truyen-tren-bao-chi-ve-bao-ve.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...