Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA HỒ CHÍ MINH
SỰ TIẾP NỐI NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC XƯA VÀ NAY
                                                                                                                       
Sinh thời, khi nói về văn nghệ, Hồ Chí Minh tự nhận mình là một người “yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”, hoặc có lúc Người bộc bạch “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Còn đối với cách mạng, Người tự nhận là một nhà “cách mạng chuyên nghiệp”. Người nhận rõ được sức mạnh của văn chương và phải dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Trong hệ thống các thể loại sáng tác, Hồ Chí Minh đều hướng vào một đề tài độc lập cho dân tộc, nhân dân được hạnh phúc. Nói cách khác, mỗi thể loại đều là một hình thức đấu tranh, nhất là thể loại nghị luận chính trị, mà Tuyên ngôn độc lập là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ được nghiên cứu tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau để làm rõ giá trị lịch sử, hiện thực và ý nghĩa thời đại cũng như tư tưởng, văn phong Hồ Chí Minh.
Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945 ở thế kỷ XX là sự nối tiếp truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tác giả Trần Dân Tiên, trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã viết “Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác”[1], của các thế hệ đi trước. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, các nhà yêu nước Việt Nam đều khẳng định Tuyên ngôn của mình dù cách diễn đạt có khác nhau. Lời tuyên bố của hai Bà Trưng những năm 40 đầu công nguyên chống sự đô hộ của nhà Hán: Một xin rửa sạch nước thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, thế kỷ XI (1077) chống quân Tống xâm lược: Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Sông núi nước Nam Vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao quân giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, thế kỷ XIII, trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức rằng chưa được lột da, uống máu quân thù. Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV, người anh hùng của dân tộc có công giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh. Lời truyền của Quang Trung trong lễ duyệt binh trước khi ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, thế kỷ XVIII. Phải đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Gợi lại niềm tự hào của dân tộc, đồng thời Hồ Chí Minh khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Tuyên ngôn độc lập là lời thề giữ nước của nhân dân Việt Nam, là khát vọng tự do “thà chết không chịu làm nô lệ”, là sự hy sinh xương máu của bao thế hệ ông cha ta đã ngã xuống qua mấy ngàn năm lịch sử, từ đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc đến đánh thắng đế quốc Âu - Mỹ và phát xít Nhật ở phương Đông để đổi lấy nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam hôm nay. Tiếp nối niềm tự hào dân tộc, Tuyên ngôn đã cổ vũ nhân dân ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập đó. Là cơ sở pháp lý cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, chống Mỹ 21 năm của dân tộc Việt Nam giành thắng lợi.
Hiện nay, trong điều kiện thế giới, khu vực có những biến đổi khó lường cùng với những thuận lợi, khó khăn trong nước và ngoài nước tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Hơn lúc nào hết, tiếp nối niềm tự hào dân tộc phải được cụ thể hóa bằng những nội dung, yêu cầu, biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Đó là bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biên giới, vùng trời, vùng biển và chủ quyền biển đảo; bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Xác định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là một quá trình lâu dài, khó khăn phức tạp. Nhận rõ đối tác, đối tượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nắm vững luật pháp quốc tế, đường lối quan điểm của Đảng và pháp luật của nhà nước trong giải quyết các tranh chấp về biển đảo. Thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức và biện pháp phong phú, đa dạng làm cho nhân dân thế giới hiểu biết về cơ sở pháp lý và về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ra đời cách đây 72 năm, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh  vẫn còn thực sự là một văn kiện lịch sử vô giá, một bản anh hùng ca cách mạng của dân tộc ta, đất nước ta. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: Tài nghệ ở đây là đã dàn dựng một lập luận chặt chẽ, đưa ra những bằng chứng không ai chối cãi được. Đằng sau lý lẽ ấy là một tầm tư tưởng, tầm văn hóa đã tổng kết được trong một văn bản ngắn gọn, trong sáng, khúc triết, kinh nghiệm của nhiều thế kỷ đấu tranh giành độc lập, tự do, vì nhân quyền, dân quyền của dân tộc, nhân loại. Nghiên cứu những vấn đề trên là thiết thực góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 72 năm ngày ra đời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.        
                                                                            Mong Chờ 



[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội-2015, tr158. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...