Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

LỊCH SỬ KHÔNG THỂ BỊ BẺ CONG
Khi cả nước ta đang náo nức hướng tới kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thì các phần tử cơ hội, thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, bóp méo tính chất và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử này. Chúng mê hoặc, lừa bịp nhân dân ta bằng những luận điệu hết sức hoang đường như: Ngày độc lập cho Việt Nam là ngày 11-3-1945, khi vua Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Pa-tơ-nốt ký với Pháp năm 1884 do vậy cách mạng Tháng 8 là không cần thiết. Hay như Cách mạng Tháng Tám thành công hoàn toàn nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử, không phải do tài năng của Đảng và sự đấu tranh, hy sinh của nhân dân ta...
Nếu chỉ nghe qua, những ai không nghiên cứu và thấu hiểu lịch sử có lẽ sẽ bị chúng bịt mắt. Nhưng chúng ta hãy trở lại thời kỳ huy hoàng của dân tộc để cùng nhau vạch mặt những kẻ bẻ cong lịch sử, chà đạp lên công lao và xương máu của ông cha ta.
Đầu tiên, có thể thấy sự kiện ngày 11-3-1945 khi vua Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Pa-tơ-nốt ký với Pháp năm 1884 chỉ diễn ra sau sự kiện đêm 9-3-1945 “Nhật đảo chính Pháp” trên toàn cõi Đông Dương. Chúng ta đặt ra câu hỏi: Mục đích Nhật đảo chính Pháp là gì? Dĩ nhiên là muốn giành quyền kiểm soát (và thống trị) trên toàn cõi Đông Dương, tiêu diệt kẻ thù sau lưng khi mà quân Nhật chuẩn bị phải đương đầu với quân Đồng minh.
Thế mà chỉ sau đó 2 ngày, vua Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Pa-tơ-nốt ký với Pháp năm 1884, và ngày hôm sau chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập. Bạn sẽ suy nghĩ về sự kiện này như thế nào?
Xin thưa rằng: Sau khi hất cẳng thực dân Pháp, vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là phải lập ra được một bộ máy cai trị tay sai bản xứ để duy trì trật tự và ổn định. Cho nên "chính phủ" Trần Trọng Kim đã được “nặn ra” dưới sự bảo hộ của phát xít Nhật. Mọi hoạt động của “chính phủ” Trần Trọng Kim đều phải xin phép và phải được sự đồng ý của Nhật cụ thể là Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Như vậy, luận điểm trên là hoàn toàn vô căn cứ và võ đoán. Chúng cố tình đưa ra để mê hoặc đồng bào ta mà thôi.
Lại có quan điểm cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử”, rõ ràng là có dã tâm muốn hạ thấp giá trị cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Không ai phủ nhận rằng, chúng ta đã chớp được thời cơ vàng để dân tộc Việt Nam đứng lên làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Lúc ấy, phát xít Nhật đã bại trận hoàn toàn với sự kiện Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vào ngày 15-8-1945 và sẽ ký trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ vào ngày 02-9-1945. Quân Nhật tại Việt Nam đã rệu rã về tinh thần, chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Các lực lượng Đồng minh như quân Tàu - Tưởng, liên quân Anh - Pháp chưa vào đến nước ta.
Nhưng nếu chỉ có thời điểm thuận lợi thì chưa thể tạo nên cuộc cách mạng thành công. Độc lập, tự do không phải là món quà bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này: “Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do…”.
Để chuẩn bị một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước trong mùa thu Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta qua 3 cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945 với những giai đoạn thử thách vô cùng khốc liệt, gian khổ. Việc nhận định đúng thời cơ và chớp được thời cơ đòi hỏi những nhà lãnh đạo Cách mạng phải có một trí tuệ và tầm nhìn lớn.
Giáo sư sử học Văn Tạo đã nhận định hoàn toàn chính xác như sau: “Phương châm chiến lược kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nắm đúng thời cơ để nổi dậy đã góp phần quyết định vào việc giành được chính quyền ít phải đổ máu. Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm hơn, sẽ bị bọn phát - xít Nhật dập tắt; nếu nổ ra muộn hơn - khi quân Đồng minh, trong đó có Anh, Pháp và Tàu -Tưởng vào, thì cũng gặp khó khăn. Việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nhân danh là người đứng về phía Đồng Minh chống phát - xít giành được quyền độc lập, đã nói lên tài vận dụng chiến lược của cách mạng Việt Nam.”
Khi thấy thời cơ cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, các nhà lãnh đạo cách mạng của ta thể hiện quyết tâm sắt đá lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập. Đó là vào cuối tháng 7 - 1945, mặc dù lâm bệnh nặng, Hồ Chí Minh vẫn theo sát tình hình cách mạng và chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ: Cách mạng Tháng Tám thành công vì đó là kết tinh của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng thời cơ và chớp thời cơ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ít phải đổ máu là do các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã luôn trên thế chủ động chiến lược và sự đấu tranh anh dũng của nhân dân ta. Hoàn toàn không có sự may mắn nào trong sự kiện cách mạng thiêng liêng của dân tộc như một số người đưa ra.
Xin thưa một số người vì mục đích khác nhau! Các anh xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ, hạ thấp Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2 - 9 của dân tộc Việt Nam cũng có nghĩa là chà đạp lên khát vọng của dân tộc, chà đạp lên xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Những luận điệu đó không thể đánh lừa được bất cứ ai đâu. Các anh bắn vào lịch sử một viên đạn súng trường, các anh sẽ nhận lại hàng loạt đại bác của dân tộc Việt Nam và chắc chắn các anh sẽ bị nhấn chìm trong làn sóng yêu nước của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.
                                                                    Mạnh Trần




1 nhận xét:

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...