Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

TÍNH CÁCH MẠNG VÀ KHOA HỌC CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH 
VỀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
                                                                   Thái Hồng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là khoa học và cách mạng. Nó được Đảng ta vận dụng trong toàn bộ tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập và tiếp tục theo đuổi lý tưởng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, sự xuyên tạc tư tưởng trên các thế lực thù địch đang thực hiện một cách ráo riết nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Thời gian qua, những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, những phần tử phản động, bất mãn chính trị trong nước và ở nước ngoài xuất hiện thường xuyên. Cùng với việc sử dụng các cơ quan phát thanh, báo chí, xuất bản và những phương tiện truyền thông khác, các thế lực thù địch, phản động tăng cường sử dụng Internet, mạng xã hội và blog có nội dung xấu, độc hại, liều lượng, tần suất ngày càng tăng. Chúng tập trung chủ yếu tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng, Hồ Chí Minh thực chất chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa”. Chúng cố chứng minh tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh là “phi nhân tính”. Chúng suy luận: Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt. Chúng còn dựng những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung” người cộng sản không có tình cảm, tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em.
Đây thực sự là những chiêu bài hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch trong mục tiêu phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin thực chất là sự xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh, là hành động nhằm cô lập và làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính nguy hiểm của thủ đoạn này còn biểu hiện ở chỗ: một mặt, dễ gây nên sự hoang mang, dao động trong một bộ phận nhân dân ta về nền tảng tư tưởng và con đường đi lên của dân tộc, sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, dưới mọi màu sắc đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta chưa bao giờ ngừng. Các thế lực thù địch cũng nhận thức được, nếu không xuyên tạc, xóa bỏ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì không thể thủ tiêu được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, không thể xóa bỏ được CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, sự công kích, xuyên tạc, bóp méo, hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh và hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần tư tưởng của nhân dân ta, chắc chắn sẽ còn tiếp tục gia tăng và còn có những chiêu thức mới.
Luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là một luận điệu có ý đồ chính trị rõ ràng, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thực chất là cổ suý cho quan điểm muốn nước ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc gắn bó thống nhất với tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, trong thời đại ngày nay, con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo sẽ là tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Bởi, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Theo Người, chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do; về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm là không hưởng. Đó cũng là ước nguyện cháy bỏng của Người khi ra đi vào cõi vĩnh hằng: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Đất nước chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nó kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng phát triển, coi tiền là tất cả mà coi thường đạo lý, coi nhẹ lý tưởng, tình đồng chí, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm tăng phân hóa giàu nghèo, khuyến khích lối sống hưởng thụ ích kỷ, không có tình nghĩa. Trong bối cảnh đó, nếu cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì rất dễ dao động về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, dễ sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Ngay từ năm 1927 (khi Đảng còn chưa ra đời), trong cuốn Đường cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn “phải ít lòng tham muốn về vật chất” và “phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Trong điều kiện toàn cầu hóa quốc tế ngày càng sâu rộng việc bảo vệ, đấu tranh chống quan điểm sai trái như một nhiệm vụ tất yếu chúng ta cần làm và nhất định phải làm thật tốt. Có giữ vững được độc lập dân tộc mới bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngược lại có xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mới tạo cơ sở bền vững để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa của Tổ quốc Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng quan điểm sai trái để có những đối sách phù hợp. Yêu cầu chung nhất của việc đấu tranh chống quan điểm sai trái chính là làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục hướng tới sự thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội. Làm được như thế chính là thể hiện đầy đủ sự kiên định với mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...