SỰ PHI LÝ, HOANG
ĐƯỜNG CỦA LUẬN ĐIỆU
“THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM LÀ DO CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐẢNG,
TOÀN TRỊ SINH RA”
|
Long Vĩ
|
Thời gian vừa qua, trên mạng xã
hội phát tán nhiều bài viết của các nhân vật tự xưng là đấu tranh cho dân chủ
với quan điểm cho rằng, nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là do chế độ độc đảng
sinh ra. Vì vậy, “họ” rêu rao rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích,
đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là sự giả dối, khiên cưỡng…”. Đây
là một trong những luận điệu phản động mới được các thế lực thù địch, những
phần tử cơ hội chính trị, bất mãn tuyên truyền, bôi xấu nhằm xuyên tạc quyết
tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.
Chúng ta, ai cũng nhận thức được
rằng: tham nhũng, đó là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền
với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không
phân biệt chế độ chính trị, giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển hoặc kém
phát triển. Do đó, những quan điểm trên, “họ” đã cố tình “lờ tịt” một sự thật
hiển nhiên, tham nhũng đang là vấn nạn chung của toàn cầu và nền chính trị các
quốc gia trên thế giới cũng như lịch sử chế độ chính trị Việt Nam thời hiện đại
đã chứng tỏ chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn
tham nhũng.
Một phương thức “diễn biến hòa bình” mới của các thế lực thù
địch
Trong các bài viết của mình, “họ” rêu rao và tuyên truyền,
tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ, không thể cải tạo, cần phải hủy bỏ chế
độ sinh ra nó - chế độ độc đảng và với nền chính trị hiện thời, Việt Nam không
thể chống được tham nhũng. Họ cho rằng, muốn chống tham nhũng thì cần phải chấp
nhận đa đảng đối lập (?). Hùa vào với luận điệu trên, không ít hãng thông tấn
quốc tế cùng những kẻ cơ hội chính trị “té nước theo mưa”, “mượn gió bẻ măng”, hô
hào, tập trung tuyên truyền, khai thác, thổi phồng, xuyên tạc trắng trợn tình
hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng đang đạt được nhiều kết quả
ở Việt Nam thời gian qua.
Trước hết, có thể thấy, việc “họ” đưa ra quan điểm tham
nhũng thuộc về bản chất của chế độ là một sự cố ý xuyên tạc tình hình Việt Nam
để gây hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm mất uy tín
của Đảng, Nhà nước và chống phá chế độ ta. Đây chính là một phương thức mới của
các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị thực hiện “diễn
biến hòa bình” với hi vọng có thể thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.
Với lối suy diễn chủ quan, võ đoán, họ cố tình chỉ lựa chọn
và dựa vào hiện tượng mà lập lờ bản chất, để không thấy được hoặc không muốn
thấy bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực để thực hiện lợi ích cá
nhân hoặc của một nhóm người làm phương hại đến lợi ích cá nhân khác, của tập
thể và xã hội. Mặt khác, tham nhũng luôn gắn với cá nhân có quyền lực và tham
nhũng tồn tại ở mọi chế độ có Nhà nước vì nó luôn gắn với Nhà nước và quyền
lực. “Họ” cũng cố “nhắm mắt” trước một thực tế hiển nhiên là ở quốc gia nào
cũng vậy, trong mỗi thời điểm đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền
thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền Nhà nước đều do
người của đảng đó đảm nhiệm.
Tất nhiên, ở những nước có nền dân chủ lâu đời, có hệ thống
luật pháp hoàn chỉnh, chặt chẽ và xã hội được tổ chức ở trình độ cao thì vấn nạn
tham nhũng được hạn chế tốt hơn. Vậy nhưng, nếu nói tham nhũng do độc đảng sinh
ra thì chỉ là ngụy biện, bởi theo xếp loại của Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều
quốc gia đa đảng ở châu Á, châu Phi vẫn bị xếp vào số các nước có nhiều tham
nhũng.
Thực tế này cho thấy, dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa
đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn luôn xảy ra. Hiện
nay, trên thế giới có chưa tới 10 nước có 1 đảng cầm quyền, còn lại là các nước
có nhiều đảng. Theo công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) về thực trạng
tham nhũng ở các quốc gia thời điểm đầu năm 2017, trong số 176 quốc gia và vùng
lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 113 trong danh sách mức độ tham nhũng. Như vậy, 63
nước có mức độ tham nhũng nhiều hơn Việt Nam chủ yếu là các quốc gia đa đảng.
Sự phi lý, hoang đường và lập lờ đánh lận con đen của các
thế lực thù địch
Nếu ai đã từng tiếp xúc với những thông tin nhảm nhí, xuyên
tạc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay
trên các trang mạng xã hội do các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính
trị ngụy tạo nên, sẽ không khó để nhận ra những âm mưu thâm hiểm đi kèm. Trong
các bài viết theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, “họ” cho rằng nguyên nhân
tham nhũng ở Việt Nam là do độc đảng sinh ra, các đối tượng lợi dụng triệt để
thông tin một vài vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ, đảng viên đã bị đưa
ra ánh sáng pháp luật nhằm suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm rồi cho rằng
tham nhũng là bản chất, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Thông qua những bài viết cực đoan, suy diễn không đúng bản
chất về vấn đề tham nhũng ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động rắp
tâm dựng lên một bức tranh xã hội toàn màu tối, thông qua đó, phủ nhận những nỗ
lực, sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta đã và đang tiến hành.
Chúng ta hoàn toàn không phủ nhận hiện nay, ở những nước có
nền dân chủ lâu đời, có hệ thống luật pháp chặt chẽ và xã hội được tổ chức ở
trình độ cao thì nạn tham nhũng được hạn chế tốt hơn. Và chúng ta cũng không né
tránh một sự thật là ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng tham
nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với
tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Tuy nhiên, các nhà “dân chủ”, “thực sự yêu nước” – “họ” luôn
miệng rêu rao, chỉ khi nào ở Việt Nam có chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới
có thể được dẹp bỏ thì quả là “hoang đường”, “phi lý”. Thực chất, đây là nấc
thang mới của luận điệu tuyên truyền lừa bịp, xuyên tạc nhằm thực hiện chiến
lược “diễn biến hòa bình” trên cơ sở gieo rắc hoài nghi trong cán bộ, đảng
viên, nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng, qua đó, làm xói mòn, mất
lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, từng bước tạo ra “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong Đảng, trong các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, tham
nhũng đang là giặc nội xâm, nếu không được giải quyết triệt để thì tương lai
đất nước, tương lai chế độ bị đe dọa. Do vậy, cùng việc hoàn thiện, củng cố hệ
thống pháp luật, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết
tâm cao trong công tác phòng chống tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng,
không chùn bước và quyết liệt, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm
theo pháp luật, trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm
trọng, phức tạp, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ. Cùng với
những giải pháp và tinh thần vào cuộc quyết liệt của Trung ương, các địa phương
đang huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan báo chí, đặc biệt là nhân dân tham
gia phòng, chống tham nhũng.
Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được
những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn
định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Do đó, các thế lực thù địch, các “nhà hoạt động xã hội”, hoặc kẻ nhân danh “người
yêu nước” dù có dùng âm mưu thủ đoạn thâm độc đến đâu cũng không thể phủ nhận
được thành tựu đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy rằng,
như đông đảo cán bộ và nhân dân ta xác định, mặc dù xã hội ta vẫn còn những vấn
đề phải giải quyết, còn có những vấn đề bức xúc, nhưng không có lực lượng chính
trị nào có đủ lương tâm, trí tuệ và sức mạnh hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự
nghiệp xây dựng, hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Như đã nói ở trên, tham nhũng là vấn đề không của riêng quốc
gia nào và ở Việt Nam hiện nay, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp,
nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, trong khi công tác phát hiện, xử lý vụ
việc, vụ án tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Song, không phải vì vậy mà chúng
ta cho phép các thế lực thù địch, phản động và bọn cơ hội chính trị lợi dụng
những tồn tại, hạn chế trong phòng chống tham nhũng để xuyên tạc, bóp méo sự
thật, gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân.
Hơn lúc nào hết, việc nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch cần phải được coi là vấn đề cấp bách. Những nỗ lực
cùng kết quả thực chất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần
thường xuyên được cập nhật, lan tỏa trong đời sống xã hội. Đây chính là bằng
chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, lừa bịp của
các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị đang cố tình lợi
dụng vấn đề này ở Việt Nam để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.