KHÔNG THỂ
PHỦ NHẬN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Những kẻ thường xuyên vùng vẫy để
hòng chống phá thành trì của cách mạng Việt Nam trong thời gian trước và hiện
nay thường hả hê truyền cho nhau bí quyết cốt tủy của chúng: Xuyên tạc làm “lệch
pha” giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với thành quả của cách mạng Việt Nam. Thủ đoạn
của chúng nhiều khi khá khôn ngoan tinh vi, và nhiều khi cũng “cùn cận” trắng
trợn. Chúng đang giãy giụa và hô hoán, gào thét với tượng đài nhân dân Việt Nam
và những người có lương tri trên thế giới dù chúng biết những việc chúng đang
“rao” là không thể lừa dối. Vì, cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng cộng sản
Việt Nam và cách mạng Việt Nam.
Nhà sử học Mỹ Stanley
Karnow viết rằng: “Chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành và giản dị. Nhưng
Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một người yêu nước nồng nhiệt, suốt
đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: Mang lại độc lập tự do cho dân tộc
mình”. Ông còn nhận xét: Phi thường và thân thiện là cảm xúc của ông khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tạp chí danh
tiếng Time của Mỹ. Bài viết có đoạn: “Không hề có sự dao động trong niềm tin
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển được ý chí của Người, dù cho
trong bối cảnh cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước”. Và Time đã
bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất
trong thế kỷ 20.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tạp chí Newsweek của
(Mỹ).
Cách mạng Việt Nam
đã và đang là một tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch. Đã có rất nhiều
chiến dịch quy mô quốc tế, dưới nhiều phương thức khác nhau, nhằm bôi đen,
xuyên tạc, vu khống những người cộng sản, các vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam
được nhân dân yêu mến, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân
tộc Việt Nam, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc.
Tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng, Hồ Chí Minh
thực chất chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa”(!) Chúng cố chứng minh tư tưởng độc
lập dân tộc gắn liền với CNXH, không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí
Minh là “phi nhân tính”(!) Chúng suy luận: “Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ
Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”(!) Chúng còn dựng những câu chuyện
hoang đường về thân thế, đời tư của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung”
người cộng sản không có tình cảm, tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em...!
Chúng công khai mục tiêu đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại Hồ
Chí Minh(!).
Vì sao chúng lại cố tình làm như thế? Thực ra, mục đích chính của chúng
là để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo con đường
khác con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và chính lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn.
Trong nhiều “kênh” chống phá, chúng nhằm vào hai “kênh” chính yếu nhất là
“đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở “kênh” thứ nhất,
chúng “đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vì Đảng là tổ chức chính trị duy nhất
cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chúng hy vọng đến một lúc nào đó Đảng
sẽ yếu đi, dần dần biến chất, mất vai trò lãnh đạo, hoặc đi đến tan rã. “Kênh”
thứ hai, chúng tập trung “đánh” vào gốc, vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam
cho hành động của Đảng và vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta,
đó là “thần tượng” Hồ Chí Minh, với một hệ thống tư tưởng sâu sắc và toàn diện
về con đường cách mạng Việt Nam và một nhân cách vĩ đại của dân tộc. Đây là một âm mưu rất thâm hiểm.
Để thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để
bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những thủ đoạn quen thuộc là chúng cắt xén những câu nói, câu viết
của Người. Gần đây, có kẻ mệnh danh là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh vì tự
do”… đã ra vẻ “khâm phục” câu nói của Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân
chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người
tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà
cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm
thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân
lý…”1 để minh chứng là
chúng đang làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh! Liệu có phải thế không? Câu nói của
Hồ Chí Minh đã bị chúng cố ý cắt đi vế sau để “lập lờ đánh lận con đen”, nhằm
xuyên tạc tư tưởng của Người. Vế sau ấy là: “… Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ
quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức
không phải là chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục
tùng chân lý”2. Bằng thủ đoạn khác, có kẻ làm ra vẻ là người “trong
cuộc”, “nắm chắc” được bản chất của vấn đề, có khả năng “vén những tấm màn bí
mật” ở chốn “thâm cung bí sử”… để bịa đặt, thêu dệt nên những câu chuyện không
có thật hòng hạ uy tín Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, chúng tích cực lôi kéo
những phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ (thực chất là những kẻ bị suy thoái về
tư tưởng chính trị, những kẻ “trở cờ”, phản bội), để làm cái “loa bung xung”.
Số này thường được hà hơi, tiếp sức của “quan thầy” ở nước ngoài; tích cực liên
lạc với nhau (cả ở trong nước và ngoài nước), tự coi là những “nhà dân chủ”,
“bất đồng ý kiến” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Đây là những kẻ có
thái độ cực kỳ cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài
liệu để thêm thắt, bình luận. Để thực hiện những thủ đoạn trên, chúng thường sử
dụng phương pháp viết truyện, hồi ký, viết báo, mở “diễn đàn”,… thông qua blog
cá nhân, nhất là các trang mạng của các tổ chức phản động ở nước ngoài để kích
động, nói xấu, phủ nhận tư tưởng, con người Hồ Chí Minh đi liền với phủ nhận
con đường cách mạng Việt Nam. Chúng tô đậm những điều đó còn nhằm để tự bào
chữa cho những sai lầm của chúng trong quá khứ. Thực ra, tác dụng của sự xuyên
tạc từ những kẻ cơ hội, bất mãn này không thực sự lớn. Người đọc, người nghe
tinh ý đều thấy rõ bản chất, thái độ, động cơ chính trị của chúng, nên không
mấy người tin vào những điều hồ đồ đó.
Về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất
nhiều công trình khoa học, chương trình nghiên cứu, bài nói, bài viết của các
học giả, nhân sĩ, trí thức, nhà chính trị… trong nước và trên thế giới bàn tới.
Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn
đề của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa
Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể Việt Nam; kế thừa và phát triển các giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư
tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc
lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ
của nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn
dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế, văn hóa,
không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách
mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách
mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên
“vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Cả cuộc
đời hoạt động cách mạng, Người không chỉ luôn phấn đấu thực hiện, mà còn truyền
dạy cho các thế hệ cách mạng và người dân Việt Nam về tư tưởng đó. Chính vì vậy,
Người là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, suốt cuộc đời đấu tranh cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc
cho nhân dân. Người là nhà chiến lược, nhà tổ chức thiên tài trong cuộc chiến
đấu khổng lồ của nhân dân Việt Nam chống mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn và
lạc hậu, tiến bước lên con đường XHCN. Người là biểu tượng sáng ngời của tình
đoàn kết quốc tế, một chiến sĩ quả cảm không ngừng đấu tranh cho hòa bình và sự
tiến bộ xã hội. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi sự giải phóng, từ giải phóng dân
tộc, đến giải phóng xã hội - giai cấp, đều nhằm tới giải phóng con người, trên
bình diện quốc gia và quốc tế. Vì vậy, Người được toàn dân Việt Nam
nhiều thế hệ và nhiều tổ chức, cá nhân có lương tri trên thế giới tôn vinh. Một
trong số đó là Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc
(UNESCO). Năm 1987, tổ chức này đã ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, đánh giá Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc
và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Mặc dù qua đời đã hơn 40 năm, nhưng tư
tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có sức thẩm thấu và lan tỏa mạnh
mẽ trên thế giới; là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta trên con
đường hội nhập và phát triển; cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của nhân dân
Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế giới biến đổi không
ngừng và có nhiều thay đổi phức tạp, khó lường, nhưng giá trị của tư tưởng Hồ
Chí Minh luôn sống cùng với sự phát triển tiến bộ của nhân loại và dân tộc Việt
Nam.
Thực tế cho thấy, xã hội loài người luôn chứa đựng sự đấu tranh khốc
liệt, không ngừng nghỉ giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, giữa
cái tiến bộ và phản tiến bộ, giữa văn hóa và phản văn hóa. Các thế lực thù địch
với cách mạng Việt Nam chính là lực lượng tiêu biểu cho cái xấu, cái ác, cái
phản tiến bộ, phản văn hóa đang cố tình xuyên tạc, phủ định tư tưởng Hồ Chí
Minh. Do vậy, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân ta. Bảo vệ tư tưởng của Người là bảo vệ con đường độc lập dân
tộc gắn liền với CNXH mà lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã
khẳng định ngay từ khi mới thành lập (03-02-1930).
Nhưng, làm thế nào để
chống lại sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh?
Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đây là vấn đề được Đảng ta đặt ra từ lâu và đã đạt những kết quả quan trọng,
mang tính đột phá, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được tổ chức
nghiên cứu sâu hơn nữa. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh gắn
với các thời kỳ hoạt động của Người trong phong trào cách mạng Việt Nam và
quốc tế. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tuân thủ
nguyên tắc lịch sử - cụ thể, là xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ lịch
sử cơ bản trong một hoàn cảnh cụ thể và sự phát triển các quan điểm của Người.
Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác sưu tầm, xử lý những thông tin, tư liệu,
tài liệu liên quan đến Người ở cả trong và ngoài nước. Mặt khác, phải tăng
cường giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với những người
nước ngoài, nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Sự trao đổi học thuật là một trong những biện pháp quan trọng
để tăng cường sự hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc
sưu tầm, xử lý những tài liệu có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Cùng với đó, chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là đối với thế hệ trẻ về thân
thế, sự nghiệp và các giá trị của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, để cùng
với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và
kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Trong
giáo dục, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải dựa trên cơ sở
thật sự khoa học; tránh hiện tượng “thần thánh hóa” con người bình dị và vĩ đại
Hồ Chí Minh.
Quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục và rèn
luyện; là đội quân cách mạng, “chính trị trọng hơn quân sự”, hơn lúc nào hết,
trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang càng phải vững
vàng về chính trị, tư tưởng, nắm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế
độ XHCN và nhân dân. Muốn vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập,
rèn luyện về mọi mặt, trước hết là về tư tưởng, bản lĩnh chính trị; nhận diện
rõ cái tốt và cái xấu, những giá trị chân - thiện - mỹ; đồng thời, kiên quyết
đấu tranh không khoan nhượng, làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc thân thế, sự
nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tích cực học tập, quán triệt và tuyên truyền về
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 – CT/TW khóa XII cho
mọi cán bộ, đảng viên trong đơn vị và quần chúng nhân dân nơi đóng quân. Xây
dựng tổ chức đảng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn
diện.
Q.C.504
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét