Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

VỀ CÁI GỌI LÀ “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP MỚI LÀ DÂN CHỦ”
Việt Giang
Vấn đề đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện và được bàn luận, đề cập từ thế kỷ XIX, khi giai cấp tư sản đang thống trị xã hội. Lúc đầu, tư tưởng “đa nguyên luận” nhằm chống lại tình trạng độc quyền, mất dân chủ của giới tài phiệt và một số chính trị gia tư sản, bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư và lợi ích của một số nhóm nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, điều này không đạt được mục đích trong thực tế, mà nó lại chỉ dẫn đến việc hình thành nên một số đảng phái trong xã hội nhằm phân chia, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, sự thống trị độc quyền của giai cấp tư sản bị xóa bỏ, điều này làm cho những chính trị gia tư sản và các học giả tư sản lại rùm beng lên cái gọi là “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Theo họ, điều này “sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ý thức hệ tư tưởng” và “là nhân tố bảo đảm cho một nền dân chủ thực sự” (!).
Nhưng nếu như chúng ta nhìn vào thực chất tình hình ở một số nước thì không phải là như vậy. Chúng ta không phủ nhận có những yếu tố tích cực của đa nguyên, đa đảng nhưng thực chất đa nguyên, đa đảng không đồng nhất với dân chủ. Một đảng lãnh đạo không đồng nhất với độc tài, không đồng nhất với mất dân chủ. Không nhất thiết cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ thực sự và không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ.
Đa nguyên, đa đảng không phải là yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất bảo đảm cho dân chủ thực sự, mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Như Hồ Chí Minh đã khẳng định: dân chủ là nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là một thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân, là một giá trị của nhân loại. Đó không phải là sản phẩm tự nhiên mà có và cũng không phải là hoàn thiện ngay một lúc, nó là một quá trình đấu tranh và ngày càng phát triển và từng bước hoàn thiện. Do đó, ở trong bất cứ xã hội nào dù nhất nguyên hay đa nguyên, dù một đảng hay đa đảng, nhưng đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến việc bảo đảm quyền lực thực tế thuộc về nhân dân, thực sự tôn trọng, chăm lo cho đời sống của nhân dân, xem dân là gốc, lấy dân làm gốc, là chủ thể của quyền lực chính trị… và được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật, thành chủ trương, chính sách, đường lối, được thực hiện trên thực tế thì xã hội đó có dân chủ, người dân được làm chủ, và thực sự là người chủ của đất nước.
Hiện nay, ở hầu hết các nước tư bản đều thực hiện đa nguyên, đa đảng nhưng quyền làm chủ của nhân dân có được bảo đảm hay không lại là vấn đề khác. Những cuộc lật đổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị vẫn xảy ra ở nhiều nước, trên nhiều châu lục kéo dài hàng chục năm, làm thiệt hại lớn về nhân mạng và kinh tế… Vậy phải chăng đa nguyên, đa đảng đã mang lại lợi ích cho nhân dân, mang lại dân chủ thực sự cho xã hội?
Thực tế cái gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở một số nước không như một số người hiểu rằng đó là một chế độ “dân chủ thực sự”, mà bản chất của nó vẫn là nhất nguyên chính trị. Đó là một chế độ chính trị tư sản và giai cấp tư sản vẫn là giai cấp duy nhất nắm quyền thống trị xã hội. Ngay như ở Mỹ có tới hơn 100 đảng nhưng chỉ có hai đảng là Đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Sự ra đời của một đảng phái chính trị không phải với mục tiêu “làm phong phú thêm ý thức hệ tư tưởng” hay là để “đa dạng hóa quan hệ tư tưởng”, mà nó phải làm tròn bổn phận của mình với tư cách là một lực lượng chính trị - xã hội mang lại lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân.
Ở Việt Nam, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã từng có đa nguyên, đa đảng, tuy nhiên không một đảng phái chính trị nào đủ sức định hướng đi cho dân tộc và giải quyết được những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, việc đoàn kết tập hợp nhân dân với một lý luận, đường lối và phương pháp đúng đắn đã phát huy được sức mạnh dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn. Nhờ có lý luận tiên phong; có đường lối đúng đắn; có tổ chức chặt chẽ, rộng khắp; có kỷ luật nghiêm minh; có đội ngũ đảng viên kiên trung, bất khuất, tài trí và sáng tạo… Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lực lượng tiêu biểu cho nghị lực, ý chí, trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại. Đảng có mặt ở mọi nơi, gắn bó với đồng bào cả nước, khi thuận lợi hay khi khó khăn, khi thành công hay khi thất bại đều đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, tiên phong đi đầu.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì bền bỉ tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, làm cho nhân dân thức tỉnh và nhận ra quyền lợi cũng như sức mạnh của mình. Đảng đã gắn kết toàn dân tộc, làm cho toàn dân đoàn kết trở thành một sức mạnh mà không một thế lực nào có thể quật ngã hay bẻ gãy. Mỗi đảng viên đều gắn bó máu thịt với nhân dân, xung phong đi đầu trong những cuộc đấu tranh, không lùi bước trước sự đàn áp dã man của quân thù, bởi vậy dân tin và đi theo Đảng, đồng thời chủ động, tích cực, sáng tạo thực hiện đường lối của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhân dân giành chính quyền và giữ vững nền độc lập dân tộc, tự do cho dân tộc, mang lại đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc nho nhân dân. Không vì một vài sai lầm, khuyết điểm mà phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận hết những công lao của Đảng. Không có lý gì, một Đảng mà trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đã không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng mình ngày càng trong sạch, vững mạnh để trở thành một đảng tiến bộ, cách mạng, chân chính, chắc chắn, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, được dân tộc và nhân dân thừa nhận, tin tưởng nay lại cần phải có những lực lượng đối lập để cạnh tranh quyền lãnh đạo với Đảng. Bởi lẽ, điều đó nó không phù hợp với sự lựa chọn khách quan của tiến trình lịch sử dân tộc và không công bằng, không được lòng dân. Đảng luôn khuyến khích mọi người cống hiến trí tuệ và sức lực cho đất nước, nhưng cũng không để ai lợi dụng dân chủ chủ để phủ nhận thành quả cách mạng, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, mưu đồ gây bất ổn xã hội.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những  thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, được cả thế giới thừa nhận. Việc lựa chọn con đường đi của mỗi dân tộc, thể chế chính trị của mỗi quốc gia là một vấn đề hệ trọng, phải do chính dân tộc đó lựa chọn, không thể vay mượn, áp dụng máy móc chế độ chính trị nước này cho nước khác. Việt Nam không giống với phương Tây. Và thực tiễn cho thấy dân tộc Việt Nam luôn đủ bản lĩnh, trí tuệ, biết lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để tạo lập con đường đi cho mình, để vượt qua khó khăn thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ngày càng phát triển, dân chủ ngày càng được phát huy, chính trị xã hội ngày càng ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Vậy tại sao phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tại sao phải vứt bỏ con đường phát triển đúng quy luật khách quan, hợp xu thế thời đại và nguyện vọng của nhân dân mà chúng ta đang đi để lập thêm những đảng đối lập, rồi lại rơi vào cảnh tranh giành quyền lực lẫn nhau, “nồi da nấu thịt”, làm cho sức mạnh quốc gia suy giảm và kẻ ngoài nhân cơ hội đó để nhòm ngó, kích động gây nên tình trạng mất ổn định nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối của chúng, làm dân chúng đang sống trong hòa bình lại phải rơi vào cảnh loạn li, làm phân tâm xã hội, gây chia rẽ dân tộc. Thực tế cho thấy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, sau đó là sự hỗn loạn trong xã hội ở đó là một sản phẩm của cái gọi là “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.

Như vậy, mục đích thực chất của những kẻ đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, không phải là để tạo lập “một nền dân chủ thực sự”, mà thông qua tuyên truyền “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” để kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, gây mất ổn định xã hội, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mục tiêu của họ không phải là vì nước, vì dân mà vì bản thân họ, thông qua việc kích động nhân dân, sử dụng nhân dân như một công cụ để đạt được mưu đồ đen tối là phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước, phá hoại sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...