Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦM QUYỀN - MỘT GIÁ TRỊ
NỀN TẢNG CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
                                                                                                       Phú Quốc
Đảng cầm quyền là vấn đề không mới và là tất yếu khách quan của đời sống chính trị đương đại. Vì vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền chẳng những hoàn toàn chính đáng, phản ánh sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử mà còn là một giá trị nền tảng của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại.
Văn hóa chính trị truyền thống là những giá trị về chính trị được tạo ra trong quá trình vận động, phát triển của quyền lực nhà nước khi mà đấu tranh giai cấp trong xã hội chưa gay gắt, được biểu hiện ở mức độ quan tâm đến con người của các triều đại Phong kiến. Bên cạnh đó, văn hóa chính trị hiện đại là tổng hòa các giá trị chính trị đánh dấu sự phát triển cao của đấu tranh giai cấp, biểu hiện ở thể chế, thiết chế, đường lối, quan điểm, mục tiêu, lý tưởng của một nền chính trị, cùng những nhận thức và hành vi ứng xử cụ thể của các chủ thể chính trị, trước hết là của đảng chính trị. Do đó, đảng chính trị vừa là một giá trị, vừa là yếu tố quyết định bản chất, tính chất của văn hóa chính trị hiện đại.
Đảng cầm quyền là đảng chính trị đã giành được chính quyền, chi phối mọi hoạt động của nhà nước và thông qua quyền lực nhà nước để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích giai cấp mà đảng đó là thành viên hoặc là người đại diện. Sự ra đời, tồn tại và hoạt động của các đảng chính trị nói chung, đảng cầm quyền nói riêng là một giá trị nổi bật trong văn hóa chính trị của nhân loại, đánh dấu sự phát triển về chất của cuộc đấu tranh giai cấp và xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị. Thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại, vai trò của các đảng chính trị là không thể thiếu và ngày càng tăng lên.
Đảng chính trị luôn mang bản chất giai cấp mà đảng ấy là đại diện và một giai cấp cùng lúc có thể có nhiều đảng chính trị tuyên bố đại diện cho lợi ích của họ. Do đó, bản chất giai cấp, hệ tư tưởng luôn là tiêu chí quyết định nhất để phân biệt sự khác nhau giữa các đảng chính trị. Việc các đảng chính trị có cùng hệ tư tưởng cạnh tranh với nhau để nắm quyền lực nhà nước, thực chất chỉ là sự cạnh tranh mang màu sắc chính trị của các nhóm lợi ích và sự đối lập giữa các đảng đó chỉ là sự đối lập giữa một nhóm nắm chính quyền và một nhóm không nắm chính quyền. Như vậy, ở các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa hiện nay, cái gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực chất chỉ là sự đa dạng các nhóm lợi ích chính trị, đa dạng mục tiêu, xu hướng chính trị trong khuôn khổ một hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản. Và, ở các thể chế chính trị ấy, việc người dân lựa chọn đảng cầm quyền, về bản chất cũng chỉ là sự tín nhiệm và lựa chọn một nhóm chính trị nào đó của giai cấp tư sản. Điều đó cho thấy, cách mạng chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa chỉ thực sự giành thắng lợi khi các Đảng của giai cấp công nhân trung thành với hệ tư tưởng Mác - Lênin trở thành đảng cầm quyền.
Sự ra đời của các đảng chính trị và trở thành đảng cầm quyền ở mỗi quốc khác nhau phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống văn hóa chính trị của quốc gia đó. Có những đảng ra đời trước khi có nhà nước, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền bằng một cuộc cách mạng xã hội, trở thành đảng cầm quyền. Bên cạnh đó, có những đảng ra đời trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, pháp luật và trở thành đảng cầm quyền thông qua bầu cử. Dù ra đời dưới hình thức nào, các đảng cầm quyền đều phải bảo đảm tính chính đáng, tức là phải được sự thừa nhận của quần chúng nhân dân, hoặc là phải hợp hiến và hợp pháp.
Ở Việt Nam, truyền thống văn hóa chính trị nhân văn, nhân đạo, hòa bình đã hình thành từ khi bắt đầu xuất hiện nhà nước và được bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù vậy, sau khi thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta thành một nước thuộc địa, nửa Phong kiến, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang đã liên tiếp nổ ra, nhưng do chưa có một tổ chức cách mạng lãnh đạo, chưa có đường lối đúng nên không giành được thắng lợi. Các phong trào cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đều trở nên bế tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”[1]. Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, bằng nhãn quan chính trị và sự chuẩn bị chu đáo, Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ, muốn cách mệnh, “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2].
Sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam là một giá trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về chất của văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa một học thuyết cách mạng, khoa học nhất của thời đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước có truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Đảng không chỉ là đội tiền phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà còn là đảng của cả dân tộc. Ngay khi ra đời, Đảng đã tuyên bố cương lĩnh hoạt động và xác định mục tiêu chính trị là, lật đổ sự thống trị của thực dân, Phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân và thiết lập nhà nước Công, Nông, Binh, mà sau này Hồ Chí Minh đã xác định lại là nhà nước Dân chủ nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cách mạng chân chính, khác hẳn về chất so với các đảng chính trị của giai cấp tư sản. Bởi vì, Đảng chủ trương thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đề cao độc lập của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập của các dân tộc khác, hướng tới mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp và giải phóng con người không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. Mặt khác, phẩm chất đạo đức của những người cộng sản được Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện cộng với cương lĩnh chính trị đúng đắn, sáng tạo, hợp quy luật khách quan và xu thế thời đại đã có sức cảm hóa kỳ diệu đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Vì vậy, từ khi có Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã coi Đảng là đảng của mình, gọi Đảng là đảng ta, một lòng, một dạ tin tưởng vào Đảng, tự nguyện đi theo Đảng làm cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang và viết lên những trang sử hào hùng trong tiến trình phát triển của dân tộc.
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ nhu cầu đấu tranh cách mạng với khát vọng độc lập, tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ khi có Đảng lãnh đạo, chủ nghĩa yêu nước và những giá trị tốt đẹp của dân tộc mới được phát huy và không ngừng phát triển.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang vững bước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu tổng quát là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu đó sẽ từng bước được cụ thể hóa bằng việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; một nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa lấy tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; một nền quốc phòng toàn dân lấy mục tiêu tự vệ là chính; một nền ngoại giao thân thiện với chủ trương trở thành bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Con đường mà dân tộc Việt Nam đang đi dưới sự lãnh đạo của Đảng là con đường phát triển hợp quy luật khách quan, xu thế thời đại và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Kiên định con đường đó với mục tiêu nhất quán độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa thể hiện một trình độ văn hóa chính trị, vừa là một giá trị nền tảng của văn hóa chính trị Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Có thể nói, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kết quả lãnh đạo của Đảng chẳng những bảo đảm tính chính đáng, mà còn là yếu tố cơ bản nhất để Đảng giành được sự tín nhiệm của nhân dân, khẳng định vai trò là đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, Đảng không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm cần phải được khắc phục để có thể tiếp tục khẳng định tính chính đáng của vị trí, vai trò là đảng cầm quyền, xứng đáng là một giá trị nền tảng của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại và sự tin yêu của nhân dân./.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.401.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...