TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG
TRONG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ HỒ CHÍ MINH
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA HIỆN THỰC
Phú Quốc
Văn hóa chính trị Hồ Chí
Minh là một chỉnh thể các giá trị do Người sáng tạo ra trong quá trình hoạt
động cách mạng, bao gồm các giá trị về tư tưởng, hành vi và nhân cách chính trị.
Trong đó, triết lý hành động là một giá trị cốt lõi, là nguyên tắc chỉ đạo mọi
hành vi, hành động chính trị: từ lựa chọn hệ tư tưởng; vận dụng, phát triển và
sáng tạo lý luận đến những ứng xử chính trị cụ thể trong đấu tranh cách mạng
cũng như trong đối nội và ngoại. Triết lý đó là yếu tố quyết định làm nên một
Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng lỗi lạc; nhà văn hóa kiệt xuất; anh hùng giải phóng
dân tộc của Việt Nam
và góp phần tạo ra bước ngoặt trong tiến trình phát triển của dân tộc. Do vậy,
xác định rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực của triết lý hành động Hồ Chí
Minh để vận dụng và phát huy trong giai đoạn cách mạng mới là vấn đề có ý nghĩa
chính trị sâu sắc.
1. Triết lý hành động Hồ Chí Minh - bản chất và biểu hiện
Triết lý hành động là những
quan điểm lý luận có tính chân lý để chỉ đạo hành động, đồng thời cũng là những
lý luận có tính chân lý được rút ra từ hành động. Đây là hai mặt của quá trình
hoạt động thực tiễn mà mỗi cá nhân với tính cách là thành viên của xã hội cần
phải có; là tiền đề, điều kiện của nhau, tác động, chi phối và bổ sung cho
nhau. Ai cũng có triết lý hành động của riêng mình, nhưng sự khác nhau giữa các
triết lý là ở mức độ, phạm vi, tính chất của những hành động cụ thể dưới sự chỉ
đạo, điều chỉnh của triết lý đó. Với tính cách là lãnh tụ chính trị của Đảng,
của dân tộc, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no,
hạnh phúc của nhân dân - triết lý hành động Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý
trong việc chỉ đạo và điều chỉnh mọi hoạt động cách mạng, là giá trị cốt lõi
trong văn hóa chính trị của Người, là di sản quý báu mà Người để lại cho Đảng,
Nhà nước nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta nói riêng.
Thực tế cho thấy, Hồ Chí
Minh là một nhà chính trị thực tiễn, một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ngay từ
khi còn là một thiếu niên, Người đã nghĩ đến việc tìm cách thay đổi chế độ
chính trị thuộc địa, nửa phong kiến ở Việt Nam để nhân dân ta thoát khỏi cảnh
lầm than, nô lệ. Cho đến khi từ giã cõi trần, Người cũng chỉ có một mong muốn cuối
cùng là, “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập,
dân chủ và giàu mạnh”(1). Ý thức rõ rằng, mục tiêu, lý tưởng cao đẹp
đó chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua một quá trình cách mạng lâu dài bằng
con đường cách mạng vô sản, mà động lực chủ yếu là quần chúng nhân dân. Vì vậy,
Hồ Chí Minh đã xác định một triết lý hành động suốt cuộc đời cách mạng của mình
là: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết
sức tránh”(2).
Đó là triết lý hành động vì
thắng lợi của cách mạng và vì quần chúng nhân dân, mang bản chất giai cấp công
nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bởi lẽ, mọi suy nghĩ, hành động
của Người đều chỉ nhằm phát huy cao nhất tiềm năng cách mạng của quần chúng để
làm thay đổi diện mạo đời sống chính trị, tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân
thực sự là cội nguồn của quyền lực nhà nước, được hưởng đầy đủ và có chất lượng
các quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người trong môi trường chính trị
bình đẳng.
Trong tư tưởng Hồ Chí
Minh “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những
phần tử khác yêu nước”(3). Mặc dù vậy, với tư cách là giai cấp tiên
tiến nhất trong số các giai cấp hiện đang tồn tại ở thời đại công nghiệp hóa -
giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có thể đại diện đấu tranh cho quyền lợi
của các giai cấp đang bị áp bức, bóc lột, bị xâm phạm các quyền tự do, dân chủ
và giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt
để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong
sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng
một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng
nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh
hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ
chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(4). Như
vậy, triết lý hành động Hồ Chí Minh là sự phản ánh tập trung nhất bản chất của
giai cấp công nhân, thể hiện sâu sắc tính chất nhân văn, nhân đạo, tất cả vì
con người và sự nghiệp giải phóng con người.
Ở Hồ Chí Minh luôn có sự
thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành vi, tư tưởng và
hành động. Do đó, triết lý hành động của Người không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu
mà luôn biểu hiện sinh động trong mọi hoạt động thực tiễn từ việc lớn cho đến việc
nhỏ. Chẳng hạn như: khi chưa hiểu “đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa cộng sản là gì”(5), thì Người tham gia Đảng Xã hội
Pháp, vì họ đồng tình với Người về cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức,
còn khi đã được tiếp cận Luận cương của Lênin và hiểu về Quốc tế Cộng sản thì
Người lại bỏ phiếu cho việc ra đời Đảng Cộng sản Pháp; trong lúc học thuyết
nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng Người chỉ chọn chủ nghĩa Lênin vì đây là hệ thống
lý luận có lợi cho nhân dân; hay, mặc dù đã khảo sát và lựa chọn mô hình nhà
nước công nông của Cách mạng Nga. Tuy nhiên, khi nhận thấy, ngoài công, nông
còn có các giai cấp, tầng lớp khác, cho nên để bảo đảm quyền lợi của số đông,
Người đã chủ trương xây dựng nhà nước Dân chủ Nhân dân sau khi cách mạng giải
phóng dân tộc giành thắng lợi; để giữ được chính quyền cách mạng và nền độc lập
vừa mới giành được trong lúc thù trong, giặc ngoài liên minh chống phá, Người
đã lấy quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân làm cái bất biến để có thể ứng xử linh
hoạt trước các thủ đoạn của kẻ thù. Bên cạnh những việc lớn lao, có tính chiến
lược, lâu dài của cách mạng, Người cũng luôn quan tâm đến những ngành, những
giới, những tổ chức, cá nhân cụ thể, đặc biệt là những người khó khăn, yếu thế
trong xã hội.
2. Giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực
của triết lý hành động Hồ Chí Minh
Triết lý hành động Hồ Chí
Minh không chỉ có giá trị lịch sử sâu sắc, mà còn có ý nghĩa hiện thực to lớn
đối với quá trình phát triển của đất nước. Thực tiễn đã chứng minh: triết lý
hành động Hồ Chí Minh là cơ sở tất yếu của việc Người tiếp thu, vận dụng sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, đem lại cho dân tộc ta
hệ tư tưởng cách mạng, khoa học nhất của thời đại và để Người trở thành một nhà
tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Triết lý hành động mang
tầm chân lý đó, chẳng những có vai trò to lớn trong việc ra đời một đảng cách
mạng chân chính ở Việt Nam; thức tỉnh tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân
dân, mà còn chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về con đường, lực lượng, phương
pháp cách mạng và tạo nên bước ngoặt vĩ đại để đất nước sánh bước cùng thời đại
trên con đường tiến đến văn minh, hiện đại. Bằng việc thiết lập một mô hình nhà
nước đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh đã tạo
nên sự đồng thuận xã hội và khối đoàn kết dân tộc vững chắc cho sự nghiệp kháng
chiến, kiến quốc và bảo vệ thành quả cách mạng.
Ngày nay, trong giai đoạn
mới, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, cuộc đấu
tranh giai cấp và dân tộc đã có sự thay đổi lớn cả về nội dung và hình thức. Nhiều
cơ hội song cũng không ít thách thức gay gắt đang đặt ra trên con đường phát
triển của đất nước như: những tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hóa và
nền kinh tế thị trường; những thách thức an ninh phi truyền thống; những vấn đề
toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Trước thực trạng
đó, đất nước chỉ có thể phát triển nếu giữ vững và tăng cường được sự lãnh đạo
đúng đắn của Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân
tộc vững chắc.
Tuy nhiên, với thuộc tính
tha hóa của quyền lực cộng với sự chống phá của các thế lực thù địch, một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của đảng - những chủ thể của cách mạng xã hội
chủ nghĩa, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân đang suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, hành động không vì lợi ích của nhân dân, mà vì
lợi ích cá nhân. Họ đang lạm dụng quyền lực được nhân dân giao phó để tham
nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, áp dụng pháp luật không
thống nhất, thậm chí tùy tiện, làm cho người dân chẳng những không thấy được sự
che chở của chính quyền, mà còn phải lo đối phó với chính những người đã được
mình ủy quyền. Điều đó vừa làm chậm tốc độ phát triển của đất nước, tạo nên sự
bức xúc, bất mãn trong nhân dân, làm phai mờ tính chính đáng, hình ảnh tốt đẹp
của Đảng và chính quyền cách mạng, vừa là cơ sở, tiền đề để các thế lực thù
địch lợi dụng chống phá, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Do
đó, nếu triết lý hành động Hồ Chí Minh được quán triệt và biểu ra trong mọi
hành vi, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức sẽ là yếu tố then
chốt để củng cố, tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng,
Nhà nước, quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của dân tộc, sự tồn vong
của chế độ chính trị và là một trong những chỉ số đánh giá chất lượng sống của
các tầng lớp nhân dân.
3. Phát huy vai trò của triết lý hành động Hồ Chí Minh trong
tình hình hiện nay
Trong
giai đoạn cách mạng nhiều khó khăn, thách thức mới như hiện nay, việc phát huy
vai trò của triết lý hành động Hồ Chí Minh là vấn đề cần thiết và cấp bách, có
ý nghĩa lý luận, thực tiễn chính trị to lớn. Đây là một quá trình làm cho tư
tưởng và hành động thân dân, vì dân, tôn trọng và đề cao vai trò của nhân dân mà
Người để lại thấm sâu vào nhận thức và biểu hiện rộng khắp trong hoạt động thực
tiễn hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Trên cơ sở đó,
củng cố niềm tin của nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào sự tất thắng
của chủ nghĩa xã hội; nâng cao thái độ yêu mến, tự hào và trách nhiệm bảo vệ
Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ chính trị; tạo sự đồng thuận xã hội để tập trung
và phát huy mọi nguồn lực của đất nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy vai trò của
triết lý hành động Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay cần quán triệt sâu sắc
và vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tức là luôn kiên
định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhưng không chủ quan, duy ý
chí, đốt cháy giai đoạn. Chủ động đổi mới, phát triển lý luận trên cơ sở đòi
hỏi của thực tiễn, lựa chọn các mục tiêu ưu tiên phù hợp với nhu cầu thực tế
của nhân dân và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bảo đảm sự hài
hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa phát triển kinh tế với
tiến bộ, công bằng, dân chủ, bảo vệ môi trường sống và sinh kế của nhân dân
trên các vùng, miền cụ thể, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và sự phân hóa xã
hội do mất cân đối trong phát triển.
Để phát huy vai trò của
triết lý hành động Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay cần thực hiện một số
giải pháp chủ yếu sau: Một là, tăng
cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cán
bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người có chức, có quyền về bản chất của
quyền lực và về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi chức danh cụ thể. Hai là, phát huy cao độ vai trò của
Đảng, Hội đồng nhân dân các cấp và đội ngũ các nhà khoa học trên tinh thần nhìn
thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật trong việc đánh giá tác động của các dự án
đầu tư, các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự cầu thị, lắng nghe
tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết thấu đáo những vướng mắc,
bức xúc trong nhân dân, trước hết là những bức xúc của người dân với chính
quyền cơ sở. Bốn là, xử lý nghiêm
khắc, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng và bộ máy Nhà nước những đảng viên, cán bộ,
công chức lạm quyền, độc đoán, nhũng nhiễu nhân dân, tham nhũng, lãng phí. Cần xác
lập cơ chế chịu trách nhiệm suốt đời của cán bộ các cấp trước những quyết định
của mình và trước tài sản của nhà nước. Năm
là, hoàn thiện cơ chế, phát huy cao độ vai trò giám sát, kiểm soát quyền
lực và phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân, các phương tiện truyền thông
đại chúng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t15, tr.614.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t4, tr.51.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2011, t8, tr.264. 245.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t12, tr.561.