Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

KHÁI LƯỢC MỘT SỐ CÔNG TRÌNH, TÁC PHẨM CỦA CÁC HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ VIẾT VỀ HỒ CHÍ MINH



                                                                                                                  
1 . Tình hình nghiên cứu về Hồ Chí Minh của các học giả nước ngoài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ của quốc gia được đông đảo học giả trên thế giới để tâm nghiên cứu. Việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh được các học giả nước ngoài tiến hành chủ yếu từ tháng 9 năm 1945, tức là khi Hồ Chí Minh giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ở đây đề cập các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài không bao hàm các hồ sơ, tài liệu của mật thám Anh, Pháp…). Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết của Liên hiệp quốc (tổ chức UNESCO) tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng ân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất” (1987), đã làm cho số lượng học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng nhiều.
Chủ đề các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài về Hồ Chí Minh rất phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Theo con số thống kê, cho đến nay, đã có trên 300 tác phẩm, công trình nghiên cứu, hàng trăm bài tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu Lịch sử, Văn học, Triết học, Tâm lý học, Nhân chủng học, Văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới…viết về Hồ Chí Minh. Những công trình, tác phẩm nghiên cứu của các học giả nước ngoài góp phần khẳng định những cống hiến to lớn của Người đối với dân tộc và nhân loại. Với việc UNESCO ra quyết định tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất là lời phản bác chính thức đối với những ý kiến xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
2. Khái quát về nội dung, chủ đề các công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh của các học giả nước ngoài
2.1. Nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là một danh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo học giả trên thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu về tiểu sử, về cuộc đời, về thân thế. Tuy nhiên, việc nghiên cứu Tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh không mấy dễ dàng (ngay cả đối với những nhà nghiên cứu trong nước). Bởi không gian hoạt động của Hồ Chí Minh quá lớn, thời gian hoạt động bí mật kéo dài, đã làm cho nhiều khoảng trống về tư liệu không dễ tìm thấy. Ngoài ra, còn phải kể đến những trường hợp cố tình đưa thông tin sai lệch về Hồ Chí Minh, nhằm động cơ hạ thấp uy tín chính trị, xuyên tạc, thậm chí bôi nhọ tiểu sử Hồ Chí Minh. Giáo sự Bécna Fôn - học giả người Pháp, tác giả cuốn: “Hồ Chí Minh” xuất bản ở Pari thừa nhận: “Về những chi tiết đời tư của Cụ, đúng là chúng ta chưa nắm bắt được nhiều lắm. Trước hết là vì Cụ Hồ Chí Minh đã hoạt động lâu trong bí mật. Hai là, ngay sau khi nắm được chính quyền năm 1945, Quốc dân đảng tìm cách xuyên tạc chính phủ mà cụ Hồ làm Chủ tịch, các cuộc đàm phán với Pháp cũng đang tiến hành, cho nên phải thận trọng không thể tiết lộ nguồn gốc của mình” (C.P.Ragiô: Hồ Chí Minh, NXB Đại học, Pari, 1970. Bản dịch của Thế Phong, tr.191-192).
Cho dù nghiên cứu, viết tiểu sử sự nghiệp của Hồ Chí Minh là một việc làm rất khó, nhưng cũng đã có rất nhiều tác phẩm của các học giả nước ngoài viết về tiểu sử Hồ Chí Minh. Không ít tác phẩm được xây dựng một cách công phu theo lối lồng ghép với quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam, lịch sử Đông Dương, hoặc thể hiện thuần túy theo lối viết sử danh nhân, nhân vật lịch sử. Tiêu biểu các tác phẩm theo dạng này có thể kể đến như: C.P. Ragiô: Hồ Chí Minh, NXB. Đại học, Pari, 1970; David Halberstam: Hồ, Răngđôm Haosơ, New Yoók, 1971; Deniel Hemery: Du patriotisme au Mexisme (Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác), P.Les éd, uovriercs, 1975; Jean Lacouture: Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh), Paris, Seuil, 1970; Paul Mus: Ho Chi Minh, Le Vietnam, L’Asie (Hồ Chí Minh, Việt Nam và châu Á), Paris, Seuil, 1971; Patti A.L: Why Vietnam (Tại sao Việt Nam?), The University of California, Pres, 2002; Wiliam J.Duiker: Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh), Hyperion, New York, 2002, v.v..
Có thể kể đến rất nhiều cuốn sách và những công trình nghiên cứu khác viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới dạng tiểu sử danh nhân, hay tiểu sử nhân vật lịch sử tương tự những cuốn sách kể trên, với nhiều góc tiếp cận khác nhau, với nhiều nội dung phong phú viết về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh.
Tất nhiên, trong những tác phẩm đó, khi viết về tiểu sử hay cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều sự kiện sai lệch, không đúng sự thật (nhất là về đời tư). Nguyên nhân: có lẽ ngoài việc thiếu tư liệu, hoặc sử dụng tài liệu sai sự thật như nói ở trên, còn một lý do khác là hầu hết các tác giả không có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận trực tiếp, tiếp cận thực tế để xây dựng tiểu sử một danh nhân. Một số học giả còn mang nặng tính chủ quan tư sản, không tin vào những điều mà đôi khi họ cho là sùng bái cá nhân, “thần thánh hóa” về con người và sự nghiệp vĩ đại, sự hy sinh, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân loại như Hồ Chí Minh.
Trong số không ít học giả nước ngoài nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có nhiều người vừa là “người quen”, vừa là đối thủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc chiến tranh trước đây. Như: Tổng đại diện của Chính phủ Pháp J. Xanhtơni; Tướng Pôn Êly; Tướng Raun Salăng; Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Pháp GS.Pôn Muýt; Trung tá tình báo Mỹ A. Pátti, v.v..). Hầu hết những người này đều có một thái độ kính trọng khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như nhà báo Ôlivơ Thôndơ đã nói: “Đối với một số người, Cụ Hồ Chí Minh là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp” (Tuần báo Người quan sát mới, số ra ngày 8-9-1969, Hồ sơ NC/15, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng).
Ông J.Xanhtơni, Tổng đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương, người đã có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc, đàm phán trực tiếp với Hồ Chí Minh (thay mặt Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946). Ông cũng là người tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt thời gian 4 tháng Người làm thượng khách trên đất Pháp (từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1946), sau này J.Xanhtơni còn đóng vai trò người thăm dò thương lượng trung gian của Mỹ (1966-1967), trong tác phẩm: Face à Ho Chi Minh (Đối diện Hồ Chí Minh) đã khẳng định: “Chắc chắn, ông Hồ Chí Minh là con người rất mực tế nhị, đến mức không cảm thấy tính giản dị của mình, lòng tha thiết với những phong tục, tập quán của địa phương đã làm ông trở lên rất quần chúng. Ngay kẻ thù của ông cũng không bao giờ hồ nghi cái điều giản dị ấy”. (Jean Sainteny: Face à Ho Chi Minh (Đối diện Hồ Chí Minh), Paris, Seuil, 1970, tr.152).
Đọc các tác phẩm của các học giả nước ngoài, một điều dễ nghi nhận là đã có nhiều công trình nghiên cứu thể hiện tính nghiêm túc, công phu, có nhiều tư liệu mới về quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh thời kỳ ở nước ngoài. Các tác giả đã khai thác từ kho tư liệu Quốc gia Pháp, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và rất nhiều tư liệu từ sách, báo và các văn kiện từ các kho lưu trữ Quốc gia Việt Nam…Căn cứ vào các tư liệu, các tác giả tái hiện lại phần nào sự thật lịch sử cận hiện đại Việt Nam, lịch sử Đông Dương, châu Á…Qua đó đánh giá, nhận định về vị trí, vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, cũng như những đóng góp của Người cho sự phát triển của cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.
Lần theo những sự kiện lịch sử, nhiều học giả khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: Hồ Chí Minh một người yêu nước, một người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh là người Việt Nam tiêu biểu cho ý chí quyết thắng trong cuộc đấu tranh đòi tự do và độc lập dân tộc. Sự thể hiện khát vọng tự do đấu tranh đòi độc lập của Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam, đã khích lệ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Có thể thấy các nội dung đó qua nhiều công trình nghiên cứu. Ví dụ trong tác phẩm Hồ, tác giả David Halberstam viết: “Lúc sinh thời, ông Hồ Chí Minh không những đã giải phóng đất nước của ông mà thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở cả châu Phi lẫn châu Á, mà ông còn làm điều đáng chú ý hơn: ông đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ địch của ông. Đối với Hồ Chí Minh…đó là một cuộc đời đầy đủ” (David Halberstam: Hồ, NXB. Răngđôm Haoơ, Niu York 1971, tr.76).
Trung tá A. Pátti - một sĩ quan tình báo Mỹ, trong thời gian làm việc cho lực lượng Đồng Minh ở Đông Dương (1944-1945), từng nhận được sự giúp đỡ rất hiệu quả của Việt Minh, ông rất cảm phục nhà ái quốc cộng sản Hồ Chí Minh. Trong cuốn: Why Vietnam? (tại sao Việt Nam) đã viết: “Ông Hồ không hiện lên đối với tôi như là một nhà cách mạng không thực tế hay một người cấp tiến cuồng nhiệt, theo đuổi những lời nói dập khuôn, hét to đường lối của Đảng, hay thiên về phá hoại mà không có những kế hoạch xây dựng lại. Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế”. (Patti A.L: Why Vietnam?(Tại sao Việt Nam?), NXB Đà Nẵng, 1995, tr.92.
Nghiên cứu từng chặng đường hoạt động của Hồ Chí Minh, hầu hết các tác giả đều đánh giá cao, cảm phục ý chí ngoan cường, mãnh liệt của một con người đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do. Tác giả J. Lacouture viết: “Một nhân vật mỏng manh đến mức hình như chỉ sống nhờ vào sức mạnh của trí tưởng tượng, trong ngọn lửa đấu tranh của dân tộc cũng mảnh dẻ, cũng thanh đạm và kiên cường như ông…”.
Tất nhiên, không phải tác giả nào viết về nhân vật lịch sử - danh nhân Hồ Chí Minh cũng có thái độ thiện cảm, khách quan. Ông Wiliam J. Duiker - người đã viết cuốn sách có nhan đề: Hồ Chí Minh, nhưng sự thể hiện còn có khá nhiều sai sót, cả về tính xác thực của tư liệu được sử dụng lẫn nhận định, đánh giá của tác giả.
Sau khi đã có những “nghiên cứu” tưởng như rất “công phu, chi tiết” về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, tác giả lại có những lời nhận định không đúng sự thật, ông ta viết: “Ngày nay, ba thập kỷ sau khi ông qua đời, tệ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ở Hà Nội”. Đối với tác giả Daniel Hémery, nhận định sai lầm ở chỗ ông ta cho rằng động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành chỉ là huyền thoại: “Hình ảnh chàng trai yêu nước của Nghệ An bỏ quê ra đi tìm đường giải phóng Tổ quốc chỉ thuộc về điều tưởng tượng huyền thoại sau năm 1945 hoặc sau 1920…” (Daniel Hémery: Tuổi trẻ của một công dân thuộc địa. Hình thành một sự lưu vong - Hồ Chí Minh cho đến năm 1911, Tạp chí: Approcher số 11-1992). Phải chăng Daniel Hémery dùng lối suy đoán toán học để khẳng định một nhân chứng lịch sử? Nếu đúng như vậy thì nhận định của ông trong trường hợp này đã phạm phải sai lầm về phương pháp tiếp cận, do đó dẫn đến kết quả sai.
2.2. Các học giả nước ngoài nghiên cứu về những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, đồng thời khẳng định giá trị tư tưởng của Người trong thời đại ngày nay
Trong cuốn Hồ Chí Minh - một chân dung (Minh họa và trình bày: C. David Thomas, nghiên cứu và biên soạn: Lady Boton, NXb Thanh niên, Hà Nội, 2003), Cherles Fenn đã viết trong Lời giới thiệu: “…Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian, Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả Mao Trạch Đông, Găngđi, Nêru, Rudơven, Sơcsin hay Đơ Gôn được biết đến trên thế giới. Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lậpvà tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp sự khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”. Dấu ấn của Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên một khuôn mặt mới của thế giới, đối thoại hòa bình thay cho chiến tranh, phản ánh khát vọng của các dân tộc trong đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhiều tác giả nước ngoài nghiên cứu về lịch sử chiến tranh Đông Dương và Việt Nam, đã cố gắng tìm lời lý giải cho sự thất bại của cả hai cường quốc thực dân hùng mạnh trước một dân tộc nhỏ bé và lạc hậu Việt Nam. Các sử gia (chủ yếu là phương Tây), dường như đã tìm thấy câu trả lời: Hồ Chí Minh chính là người khơi dậy sức mạnh dân tộc Việt Nam, khôn khéo kết hợp với sức mạnh của chính nghĩa và thời đại, tạo nên niềm tin và chiến thắng. Nội dung đó thể hiện ở tất cả các tác phẩm.
Ngoài ra các tác giả còn đi sâu phân tích một số sự kiện lịch sử quan trọng mang tính bước ngoặt của đàm phán hòa bình, hoặc đỉnh điểm của sự đổ vỡ dẫn đến chiến tranh (cuộc đàm phán ở Hội nghị Phôngtennơblô, sự kiện Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ…), qua đó để tìm nguyên nhân thất bại của cuộc chiến, đồng thời thừa nhận phần nào tư tưởng hòa bình, chính nghĩa của Việt Nam - Hồ Chí Minh. Trong tất cả những công trình, bài viết mà nội dung trọng tâm nghiên cứu về các khía cạnh của lịch sử, nhưng hầu như tất cả đều dành một phần, một chương, hoặc chí ít là một mục viết về Hồ Chí Minh như là một đối tác ảnh hưởng. Mặc dù trong một số tác phẩm, phần nhận định của không ít tác giả có thiên kiến, chủ quan, thậm chí quy kết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người theo “chủ nghĩa dân tộc”, “con người cứng nhắc”…nhưng đã phần các tác giả đều kính phục một con người mà chính họ gọi là huyền thoại. Các tác phẩm chứa đựng những nội dung đã nói ở trên có thể kể đến là: Henri Azeau: Ho Chi Minh derniere chane (Hồ Chí Minh - Vận may cuối cùng), Paris, Senli, 1968; Harry S. Ashmore and W.C.Baggs: Mission to Hanoi (Chuyến công cán ở Hà Nội), N.Y. International Putnamson. 1968; C. King Chen: Vietnam and China 1938-1954 (Việt Nam và Trung quốc 1938-1954), Princeton, University Press, 1969; Danielgérin: Cigit le colonialisme (Nơi an nghỉ của chủ nghĩa thực dân). Moutonet Co, 1973; Jean Sainteny: Lịch sử một nền hòa bình bị bở lỡ. Paris, Seuil 1970; v.v..
Trong cuốn sách: Ho Chi Minh derniere chance (Hồ Chí Minh dịp may cuối cùng), tác giả Hăngzi Azô tỏ ý rất tiếc cho một cơ hội hòa bình mà cả hai bên Pháp -Việt đã bỏ lỡ. Bỏ lỡ một “dịp may” để dẫn đến hòa bình, ắt dẫn đến một cuộc chiến tranh tương tàn. Mặc dù còn có nhiều biện minh cho trách nhiệm thuộc về phía Pháp, nhưng tác giá đánh giá cao vai trò và thiện chí của Hồ Chí Minh trong các cuộc thương thuyết, Hăngzi Azô gọi đó là “sự khôn ngoan của Bác Hồ ”.
Tướng P.Valuy trong hồi ký cũng ghi lại những ký ức trân trọng về đối thủ: “Đó là một nhân vật trung tâm điều hành công việc…hoàn toàn xả thân vì công việc, không một chút riêng tư. Trong ánh mắt những người xung quang và người đối thoại, Hồ Chí Minh là người vô cùng đức độ ”. (P. Valuy: Về Hồ Chí Minh, in trong tạp chí hành động, số 3/1970, tr.136).
Ngoài ra, có một số cuốn hồi ký của những người tham chiến, cũng viết về Hồ Chí Minh ở từng góc độ, những đa phần ho đưa ra những lý lẽ bào chữa cho những thất bại của họ, một số sự kiện không đúng với thực tế lịch sử.
2.3. Các công trình nghiên cứu khẳng định Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, sứ giả của hòa bình hữu nghị
Thế giới đã nói tới Hồ Chí Minh - chiến sĩ quốc tế - sứ giả của hòa bình hữu nghị. Nhà ngoại giao Giăng Xanhtơny (Jean Sainteny) là một trong những người đối thoại chính với Hồ Chí Minh trong những cuộc đàm phán với Pháp đã có một ý niệm khá chính xác về những nét trong tính cách Hồ Chí Minh và nhân phẩm của Người. Trong tác phẩm mang tựa đề: “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ ”, nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đó đã viết một cách khách quan : “Sự hiểu biết văn hóa rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng vô tư tuyệt đối đã làm cho uy tín của Người và lòng tin của nhân dân đối với Người không gì so sánh nổi. Những lời nói, những hành động, thái độ của Người, đều thuyết phục là Người không muốn dùng giải pháp bạo lực ” (Chủ tịch Hồ Chí Minh -Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, NXB Khoa học xã hội, H. 1995, tr.94).
Còn giáo sư sử học Hunggari laigơlôxangô (László Salgó) cũng chủ yếu thông qua các sự kiện từ giai đoạn Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi nổ ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp lại có nhận xét : “Không một chút nghi ngờ, hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người đã sử dụng đến mức tối đa sự mềm dẻo xung quang, tấm thảm xanh để thăm dò những khả năng cho một giải pháp hòa bình có thể thực hiện được bằng thỏa hiệp”.
Thực ra, cách nhìn bao quát về Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã được thế giới nói đến từ những năm hai mươi. Và hôm nay, khi nhân loại đang sống trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, nghĩa là gần một trăm năm trôi qua kể từ những đánh giá ghi nhận đầu tiên về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, thì những nhận xét của nhân loại vẫn còn nguyên giá trị. Trong bào báo Thăm một chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đăng trên tờ Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39, ngày 23-12-1923, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđensơtam viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Ông còn nhận xét : “Dân An Nam là một dân tộc lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của NguyễnÁi Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái thế giới ”  (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 463).
Như vậy, khi đề cập tới nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, M. Átmét đã chỉ ra sự thống nhất giữa “anh hùng giải phóng dân tộc” và “danh nhân văn hóa”.
Trong Hội thảo Quốc tế tổ chức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm nhân ngày sainh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến sĩ M.Amét (Modagát Ahmed), Giám đốc UNESCO kho vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, khi trình bày đến một phương diện khác về con người Hồ Chủ tịch, đó là một nhà văn hóa lớn, ông cho rằng trước hết “Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa (ở Việt Nam) vào một nền văn hóa việt Nam duy nhất”. Trên cơ sở đó Người có những đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam đương đại. Và điều quan trọng nhất, Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại đã mang lại viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh và không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng trên trái đất này ”.
Như vậy, khi đề cập đến nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, M.Átmét đã chỉ ra sự thống nhất giữa “anh hùng giải phóng dân tộc”  và danh nhân văn hóa. Việc Hồ Chí Minh đấu tranh để loại  bỏ áp bức, bóc lột, bất công, bình đẳng, mở ra một chân trời mới sáng lạng cho các dân tộc và mọi người bị áp bức là một giá trị văn hóa đích thực.
Nói về những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nội dung này được phản ánh không chỉ qua các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, mà rất nhiều học giả, bạn bè trên thé giới, những người yêu chuộng hòa bình, công lý đều đánh giá cao về Hồ Chí Minh với những đóng góp của Người xây đắp lên tình hữu nghị giữa các dân tộc, tăng cường đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Một số tác phẩm tiêu biểu như : E. Cabêlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, H. 1985 ; Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Sao Mới, Bắc Kinh, 1990; Singô Sibata: Hồ Chí Minh một nhà tư tưởng, Heiwa Torodokaikan, Tokyo, 1969,…
Nguyên Bí thư thứ nhất ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - N.Khơrútsốp đã dành hẳn một chương trong cuốn Hồi ký của mình để viết về Hồ Chí Minh: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người nhưng không có người nào gây được cho tôi ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với “các vị thánh đỏ, một vị thánh cách mạng”.... Mỗi lời nói của ông hình như dựa vào niềm tin là về nguyên tắc tất cả mọi người cộng sản đều là anh em cùng giai cấp, học chỉ có thể tỏ ra trung thực và chân thành với nhau mà thôi. Hồ Chí Minh quả thật là một trong “các vị Thánh ” của chủ nghĩa cộng sản ” ( N. Khơrútsốp: Hồi ký, Nxb Robert Lafont Pari, 1971, Bản dịch tiếng Việt tr.52-54).
Đọc những lời N. Khơrút sốp nói về Hồ Chí Minh, thấy rõ ông đánh giá rất cao về Hồ Chí Minh. Một người như N. Khơrútsốp - nhân vật được giới sử gia phương Tây nhận xét là: “con người hùng biện và cao ngạo ”, lại có những nhận xét cảm động về Hồ Chí Minh như vậy, chắc hẳn đó không phải là chuyện bình thường.
Một tác giả Xô viết khác: E.Cabêlép, trong cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh” đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các chiến sĩ xuất sắc khác đấu tranh cho sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, đã chứng minh chân lý bất di, bất dịch sau đây: người nào yêu Tổ quốc mình tha thiết thì cũng không khi nào phản bội lại các lý tưởng của tình đoàn kết quốc tế và ngược lại, chỉ có những người theo chủ nghĩa quốc tế một cách kiên định thì mới là người yêu nước chân chính, mới đem lại lợi ích to lớn cho Tổ quốc mình, nhân dân mình.
Tóm lại, khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, những công trình nghiên cứu, viết tiểu sử, sự nghiệp, vai trò lãnh đạo, sự hy sinh cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, nhân loại do các học giả nước ngoài biên soạn, cơ bản có khía cạnh tích cực.
Mặc dầu còn nhiều vấn đề không thống nhất, một số sự kiện lịch sử sai lệch, một số nhận định đánh giá của các tác giả khác nhau về quan điểm, thậm chí một số tác phẩm còn viết không đúng về đời tư của lãnh tụ, song tất cả đều phải thừa nhận tinh thần dân tộc, sự hy sinh lớn lao của Hồ Chí Minh với Tổ quốc và có những phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình trên thế giới. Chính những thừa nhận khách quan đó khẳng định tính đúng đắn, tính thời sự, ý nghĩa và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
* Nguồn thông tin:
1. C. King Chen: Vietnam and China 1938-1954 (Việt Nam và Trung quốc 1938-1954), Princeton, University Press, 1969.
2. C.P. Ragiô: Hồ Chí Minh, NXB Đại học, Pari, 1970.
3. David Halberstam: Hồ, Răngđôm Haosơ, New Yook, 1971.
4. Deniel Hemery: Du patriotisme au Mexisme (Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác), P.Les éd, uovriercs, 1975.
          4. E. Cabêlép: Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, H. 1985. 
5. Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Sao Mới, Bắc Kinh, 1990.
6. Henri Azeau: Ho Chi Minh derniere chane (Hồ Chí Minh - Vận may cuối cùng), Paris, Senli, 1968.
7. Harry S. Ashmore and W.C.Baggs: Mission to Hanoi (Chuyến công cán ở Hà Nội), N.Y. International Putnamson, 1968.
8. Paul Mus: Ho Chi Minh, Le Vietnam, L’Asie (Hồ Chí Minh, Việt Nam và châu Á), Paris, Seuil, 1971.
9. Patti A.L: Why Vietnam (Tại sao Việt Nam?), The University of Caliphócnia, Pres, 2002.
10. Jean Sainteny: Lịch sử một nền hòa bình bị bở lỡ, Paris, Seuil, 1970.
11. Jean Lacouture: Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh), Paris, Seuil, 1970.
Linh Quang 

3 nhận xét:

  1. Bài viết thật sự hữu ích, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về Hồ Chí Minh, một con người mang tầm vóc nhân loại.

    Trả lờiXóa
  2. Nhung danh gia that dung tam co Ho Chi Minh - Lanh tu cach mang thien tai, nha van hoa kiet xuat.

    Trả lờiXóa
  3. Nhung danh gia that dung tam co Ho Chi Minh - Lanh tu cach mang thien tai, nha van hoa kiet xuat.

    Trả lờiXóa

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...