Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau: chúng xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cho rằng đường lối, chính sách đó đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, nhất là trong tình hình hiện nay; chúng bóp méo, xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Thực tiên cho thấy, hơn 36 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Chỉ có nhất quán và thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, không phụ thuộc thì Việt Nam mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện thuận lợi phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Từ rất sớm, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nguyên tắc cơ bản định hướng các hoạt động đối ngoại từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay. Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trước mọi tác động và những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam. Độc lập có nghĩa là chúng ta tự “điều khiển mọi công việc” của mình, “không có sự can thiệp ở ngoài vào”; không để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở nội lực, thực lực của đất nước, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây là nguyên tắc cốt lõi của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã chỉ rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo đó, tại các kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, nhấn mạnh bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đối ngoại song phương với nâng tầm đối ngoại đa phương.
Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là đi ngược lại lợi ích chung của đất nước và Nhân dân; là sự phủ nhận trắng trợn những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại. Những thành tựu không thể phủ nhận của chính sách và công tác đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới chính là minh chứng để khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; vừa là luận cứ xác đáng để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tỉnh táo nhận diện những luận điệu đó để có cách thức đấu tranh hợp lý chính là cách để mỗi chúng ta tiếp tục bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét