Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vừa đưa các bị cáo Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Trúc vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu. Hành động này đang đi ngược với giá trị chân chính của tôn giáo.
Lâu nay, dư
luận bức xúc trước những lùm xùm tại Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện
Đức Hòa, tỉnh Long An) bởi nơi đây có nhiều vi phạm, đặc biệt là hành vi phạm
pháp của ông Lê Tùng Vân và các đồng phạm. Theo kết luận của cơ quan chức năng,
từ năm 2016, Lê Tùng Vân và một số người khác đến ở tại số 191A, ấp Lập Thành,
xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do bà Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Lê Tùng
Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo, lấy tên “Tịnh thất Bồng
Lai” nhưng không được ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An công
nhận. Lê Tùng Vân đổi tên cơ sở này thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” để tiếp tục
hoạt động.
Từ năm 2019 -
2021, Lê Tùng Vân đã cầm đầu, chỉ đạo Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh
Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24
tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi) sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng lên
Facebook và Youtube thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động,
xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm
danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng
đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Tổng cộng, có
5 video và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám
định và xác định là hành vi có tổ chức. Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Công
an tỉnh Long An đang điều tra về hành vi lừa đảo xảy ra tại “Tịnh thất Bồng
Lai”. Cụ thể, Công an tỉnh Long An nhận được nhiều đơn tố cáo Lê Tùng Vân và những
cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa
đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.
Vụ việc đã
gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Liên quan đến vụ án này, ngày 21/7/2022,
sau 2 ngày xét xử, TAND huyện Đức Hòa tuyên phạt Lê Tùng Vân 5 năm tù về tội“Lợi
dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo
khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự. Với vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Thanh Nhất
Nguyên (30 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi)
bị phạt mỗi người 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên lĩnh 3 năm 6 tháng tù, bị
cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù.
Ngày
3/11/2022, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Long An đã bác kháng
cáo, đồng thời tuyên y án bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Các bị cáo cũng giữ mức
án như sơ thẩm. Cũng theo HĐXX, nhận định của tòa sơ thẩm đã xem xét các tình
tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, tuyên đúng người, đúng tội, không oan sai. Các bị
cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước nên không có
cơ sở giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên,
ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm xét xử, USCIRF đã đưa Lê Tùng Vân, Lê Thanh
Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương,
Cao Thị Trúc vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu. Hành
động này đang đi ngược với giá trị chân chính của tôn giáo. Một số cá nhân chống
đối vin lý do này cũng hùa theo, có những bình luận sai trái, đả phá chính quyền.
Lê Tùng Vân
là đối tượng chống đối, không có đóng góp gì cho hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.
Tự bào chữa cho mình và trả lời trước phiên tòa, bị cáo Lê Tùng Vân cho biết
“Tôi không theo tôn giáo nào, chưa có vợ con và mong được lấy vợ”! Trong khi
đó, các hành vi vi phạm pháp luật của Lê Tùng Vân đã được Công an tỉnh Long An
thu thập đầy đủ chứng cứ và toà sơ thẩm, phúc thẩm đã xem xét, xử lý theo đúng
quy định của pháp luật, được dư luận đồng tình. Việc USCIRF lấy danh nghĩa tôn
giáo để lên tiếng bênh vực cho các đối tượng vi phạm pháp luật, câu hỏi đặt ra
là tổ chức này có đại diện cho những người theo tôn giáo chân chính hay lợi dụng
tôn giáo để can thiệp vào nội bộ nước khác? USCIRF đã cố tình làm ngơ trước các
chứng cứ mà các cơ quan chức năng Việt Nam thu thập, chứng minh hành vi sai phạm
của những người trong cái gọi là “tịnh thất” này. Kết quả điều tra cho thấy, “Tịnh
thất Bồng Lai” chỉ là mạo xưng, những người ở đây không phải là tu sĩ Phật
giáo, không do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý.
Các đối tượng lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo, hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức Phật giáo thế giới mà trực tiếp là tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Liên quan đến vụ việc ở “Tịnh thất Bồng Lai”, hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tiếp tục phục hồi tin báo tố giác tội phạm và khởi tố thêm tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng tin báo về hành vi loạn luân, Cơ quan An ninh điều tra đang chờ văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn để làm căn cứ xem xét, giải quyết.
Cần nói thêm
rằng, từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách
“Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC” bất chấp những thành tựu về đảm bảo các
các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi
nhận. USCIRF đã cố tình áp đặt những định kiến chủ quan của họ để đưa ra những
nhận xét sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam. Với hành động sai lệch như vậy, mục đích của USCIRF đã hậu thuẫn, tiếp sức
cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho tự
do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cớ cho bên ngoài can
thiệp nội bộ.
Thực tiễn cho
thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển
như hiện nay. Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo theo pháp luật, đồng thời nghiêm cấm hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm
pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân. Thời
gian qua, các cơ quan chức năng ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng
Nai, Long An… đã bắt giữ, xử lý một số trường hợp là chức sắc, tín đồ tôn giáo
và cá nhân khác vì đã có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống người
thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của người dân,
truyền bá mê tín dị đoan, phát triển tà đạo hoặc các tôn giáo chưa được Nhà nước
công nhận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Đó là việc bắt, xử
lý các đối tượng về hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự chứ
không hề có chuyện bắt vì hoạt động tôn giáo, không có chuyện chính quyền “đàn
áp, bắt bớ” trái pháp luật các tín đồ, chức sắc tôn giáo như USCIRF đã nêu
trong báo cáo.
Một tổ chức
quốc tế về tôn giáo lẽ ra phải đại diện cho danh dự, giá trị chân chính của
chính đạo chứ tại sao lại cổ vũ, bênh vực cho những kẻ bệnh hoạn, đi ngược với
lương tri nhân loại, chà đạp lên giá trị đạo đức? Điều đó cho thấy, tổ chức này
không đại diện cho những người theo tôn giáo chân chính, không vì sự phát triển
xã hội và hòa bình thế giới mà lại lấy danh nghĩa tôn giáo để thực hiện động
cơ, ý đồ riêng. Thiết nghĩ, USCIRF với cái tên mang tính nhân quyền “Uỷ ban Tự
do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ” thì cần phát ngôn và hành động cho đúng với
danh xưng đó, cần có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng sự thật về tình
hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tránh đưa ra những đánh giá sai lệch,
xuyên tạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét