Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14-11.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đức trong hơn 10 năm qua với bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Kể từ khi Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Trong khi hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành khác không ngừng được thúc đẩy thì hợp tác kinh tế là một điểm sáng tiêu biểu của quan hệ Việt-Đức. Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không...

Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Liên minh châu Âu (EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020; trong 9 tháng năm 2022 đạt 9,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, nông-thủy sản... và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, ô tô và phụ tùng ô tô, phương tiện vận tải.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Đức, Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á. Đức đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) tại EU.

Về đầu tư, tính đến tháng 8-2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,31 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt hơn 283,3 triệu USD, đứng thứ 14/79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra bên ngoài.

Về hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030), Đức xác định Việt Nam là “Đối tác toàn cầu”, tập trung ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine cùng nhiều thiết bị y tế, góp phần hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Trong sự phát triển chung của quan hệ hai nước Việt Nam-Đức, hợp tác quốc phòng song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Từ năm 2003, Việt Nam cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Berlin và Đức cử Tùy viên Quốc phòng tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam.

Trong chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà (tháng 10-2004), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đào tạo quân nhân Việt Nam tại Đức. Hai bên thường xuyên trao đổi chuyến thăm hoặc tiến hành các cuộc tham vấn chính sách; một số sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia các khóa huấn luyện tại các cơ sở đào tạo quốc phòng của Đức. Kể từ tháng 9-2019, Đức chính thức cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam.

Hai bên tích cực hợp tác triển khai các hoạt động trao đổi đoàn, chuyên gia, học viên và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử hai nước, Đức đã cử chiến hạm Bavaria thăm Bến cảng Nhà Rồng, TP Hồ Chí Minh trong hải trình tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ ngày 6 đến 9-1-2022.   

Hai nước còn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp-pháp luật, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ..., trong đó, Trường Đại học Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh được xem là dự án “hải đăng” trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Đóng vai trò là cầu nối quan trọng, cộng đồng người Việt Nam tại Đức với gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức.

Từng đi du lịch Việt Nam, Thủ tướng Olaf Scholz và Phu nhân yêu thích ẩm thực Việt. Trong các bài phát biểu nhậm chức (tháng 12-2021) và tại Hội nghị cấp cao G7 (tháng 6-2022), Thủ tướng Olaf Scholz đều nhắc đến Việt Nam như một đối tác quan trọng, giàu tiềm năng mà Đức muốn tăng cường hợp tác.

Với chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định sự coi trọng và mong muốn đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn mới vì lợi ích chung của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Nguồn: Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...