Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

BÁC BỎ QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

 Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tuy nhiên, các thế lực thù địch thường xuyên phủ nhận bằng các luận điệu xuyên tạc, mà Phạm Trần là một blogger tiêu biểu. Blogger này đã đăng tải bài viết “Nhà nước pháp quyền của ai?” trên trang https://danlambaovn.blogspot.com/ vào tháng 9 năm 2022, để đưa ra các quan điểm hết sức phản động, chứa đựng tư tưởng thù địch như: “Nhà nước ở Việt Nam thời Cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là “của đảng, do đảng và vì đảng”” và “Việt Nam sẽ thành “nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”, hay năm 2050 là hão huyền”. Vậy ẩn ý gì của Phạm Trần khi công kích vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và mục tiêu phát triển của Việt Nam?

Thứ nhất, Phạm Trần chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu để xuyên tạc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không phải là của dân, do dân và vì dân mà là “của đảng, do đảng và vì đảng”. Khoa học chính trị pháp lý đã khẳng định thực chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nguyên tắc này đã được hiến định ở khoản 3, Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Kể từ khi thuật ngữ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đề cập lần đầu tiên trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng hoàn thiện và nó bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, nhân dân thông qua quy trình bầu cử để bầu ra các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào Quốc hội, qua đó trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là ở nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền. Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất, trước tiên là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước đó là xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất nói trên còn là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân chính là ông chủ của quyền lực nhà nước, nên tất yếu nhân dân phải phân công và kiểm soát quyền lực mà mình trao chuyển cho các cơ quan nhà nước. Đó cũng là cơ sở để không có chỗ cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các quyền, nhất là quyền lập pháp và quyền hành pháp. Đồng thời, đó cũng là điều kiện để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên ngoài nhà nước là nhân dân. Do đó, xét đến cùng thì mục tiêu nguồn cội của quan điểm thống nhất quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phục vụ nhân dân, thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” chứ không phải để phân chia quyền lực theo kiểu kiềm chế, đối trọng như các thiết chế tam quyền phân lập. Trên cơ sở đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới thực sự là bộ máy chuyên chính của nhân dân lao động vận hành trên cơ sở “thượng tôn pháp luật”, nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân, xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, luận điệu “Việt Nam sẽ thành “nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”, hay năm 2050 là hão huyền” của Phạm Trần là vô căn cứ và thật sự hão huyền. Bởi vì, mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, được dựa trên cơ sở quy mô nền kinh tế, tiềm năng phát triển và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu này được các khà kinh tế học trong nước, quốc tế đánh giá khả thi dù thực hiện đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Song ngay từ khi triển khai thực hiện mục tiêu này đến nay, dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đang khẳng định là một điểm sáng lớn về phát triển kinh tế trong bức tranh kinh tế toàn cầu. WB, Moody và nhiều tổ chức tín dụng lớn của thế giới đều đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn đều khả quan do chính sách kinh tế linh hoạt và hội nhập kinh tế quốc tế với độ mở lớn, cho phép Việt Nam phát huy sức mạnh nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. GDP năm 2022 của Việt Nam được dự báo trên 8% và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 7%/1 năm, Việt Nam thì mục tiêu trở thành nước phát triển năm 2045 là hoàn toàn khả thi.

Như vậy, các luận điệu mà blogger Phạm Trần nêu ra trong bài viết của mình trên trang blog của danlambao là vô căn cứ, mang tính suy diễn hết sức viển vông để chống phá quan điểm, đường lối phát triển của nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình thực tế đang có những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, danlambao và các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tự do, dân chủ để tuyên truyền, xuyên tạc, gây mất ổn định chính trị, phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và mục tiêu phát triển của Việt Nam. Nhưng xét cả về lý luận và thực tiễn, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mục tiêu phát triển thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đến giữa thế kỉ XXI là hoàn toàn đúng đắn, khoa học./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...