Nhìn
lại chặng đường đã qua, có thể thấy công tác tư tưởng có rất nhiều đổi mới so
với trước. Và, như một lẽ tất nhiên, những năm tới, nhiệm vụ của công tác tư
tưởng cũng sẽ tiếp tục không ngừng “mới và khác”, cao hơn và khó hơn. Nhiệm vụ
nặng nề hơn, bối cảnh phức tạp hơn, đòi hỏi ngành tuyên giáo phải phấn đấu cao
hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn cả về nội dung, phương pháp và phương thức.
ĐI NHANH VÀ HIỆN ĐẠI
Chúng ta phải đối đầu với những thách thức ngày càng gay gắt hơn,
quyết liệt hơn rất nhiều so với trước trên lĩnh vực tư tưởng. Quá trình hội
nhập sâu và trực tiếp vào đời sống kinh tế quốc tế cùng với sự bùng nổ của công
nghệ thông tin, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm cho mọi
khoảng cách bị thu hẹp, thậm chí là “không còn khoảng cách”. Sự cọ xát, đấu
tranh tư tưởng diễn ra hàng ngày. Các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng, các
loại thông tin đa chiều, trái chiều theo nhiều hình thức không ngừng xâm nhập
vào đất nước ta, tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng, tâm lý,
tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Sự chống phá của các thế lực thù
địch trong và ngoài nước ngày càng điên cuồng, ác độc và tinh vi hơn. Chúng đã,
đang và sẽ tiếp tục tăng cường cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin nhằm tấn
công Đảng Cộng sản, nhằm đánh sập niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phân hóa,
chia rẽ nội bộ ta.
Do đó, yêu cầu bảo vệ trận địa tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc đặt ra thường xuyên, rất quyết liệt và trực tiếp, đòi hỏi công tác tư
tưởng phải nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, giúp cho cán bộ, đảng
viên và nhân dân vững vàng, tin tưởng.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ, người làm công tác tuyên giáo phải nhanh
nhạy dự báo, nắm bắt đầy đủ các nguồn thông tin, tỉnh táo xử lý thông tin, đủ
tầm để định hướng thông tin. Trước vô vàn các hướng thông tin, các loại thông
tin rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, cán bộ, đảng viên, nhân dân rất
cần biết đâu là thông tin đúng, tin cậy, đâu là thông tin sai, thông tin giả
cần cảnh giác. Trách nhiệm của người làm tuyên giáo là phải giúp cán bộ, đảng
viên, nhân dân hiểu đúng bản chất các vấn đề, các sự kiện quan tâm bằng các
thông tin chuẩn xác, đầy sức thuyết phục. Như vậy, kiên định, vững vàng thôi
chưa đủ, phải thiết kế và làm chủ các phương pháp thông tin, các phương tiện
thông tin mới nổi, tập hợp nhanh nhất các nguồn thông tin, xử lý và cung cấp
kịp thời thông tin định hướng tới công chúng. Bí quyết thành công là ở đó, cái
mới của tuyên giáo là ở đó. Cán bộ tuyên giáo trong thời đại bùng nổ thông tin
không chỉ cần vững vàng, kiên định về lập trường tư tưởng, mà phải đi nhanh và
hiện đại.
TUYÊN GIÁO HÀNH ĐỘNG
Ở trong nước, cùng với sự phát triển ngày càng sâu kinh tế thị
trường định hướng XHCN, cùng với hội nhập ngày càng trực tiếp vào kinh tế thế
giới, bên cạnh những yếu tố tích cực, đã, đang và sẽ xuất hiện một xu thế khách
quan là sự phân hóa về thu nhập, tiến tới sự phân hóa về lợi ích và sự phân hóa
về xã hội. Nếu chúng ta không có những giải pháp thật sự khoa học để điều tiết
hiệu quả, sẽ dẫn đến sự hình thành các nhóm xã hội khác nhau. Mà sự hình thành
các nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm xã hội khác nhau chính là tiền đề để hình
thành các khuynh hướng, các xu thế tư tưởng khác nhau. Đây là một thách thức
rất lớn đối với vấn đề củng cố khối đại đoàn kết, sự đồng thuận xã hội. Công
tác tư tưởng phải nhận lãnh trách nhiệm đi tiên phong, góp phần giải quyết vấn
đề này.
Bên cạnh những tác động mang tính chất truyền thống như thông tin
nhiễu, thông tin trái chiều..., những tác động tiêu cực tới tâm trạng, tư tưởng
của xã hội, cán bộ, Đảng viên và nhân dân xuất phát từ chính thực tiễn của đời
sống, đặc biệt trên một số lĩnh vực như: giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai; ô
nhiễm môi trường; khai thác tài nguyên, an toàn thực phẩm, điều kiện học tập,
khám, chữa bệnh... Giải quyết những công việc cụ thể không mang lại lợi ích cho
người dân, hoặc chưa rõ lợi ích cho người dân sẽ dẫn tới nảy sinh tư tưởng và
bức xúc.
Để đáp ứng được những đòi hỏi
rất mới đó, công tác tư tưởng nhất thiết phải gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời
sống, lấy thực tiễn là cái gốc. Đồng thời cán bộ tư tưởng phải tham gia trực
tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề đang
bức xúc. Công tác tư tưởng nếu thoát ly khỏi hoạt động thực tiễn thì hiệu quả
sẽ rất thấp, bởi vì làm tư tưởng bây giờ không phải làm ở hội nghị mà là ở đời
sống thực tiễn hàng ngày. Những hội nghị vẫn là cần thiết nhưng chưa đủ. Công
tác tư tưởng phải đi vào đời sống và không dừng lại ở việc bám sát thực tiễn,
mà phải chủ động tham gia vào quá trình giải quyết các mâu thuẫn phát sinh.
Kinh tế tăng trưởng; nhà ở cho công nhân được xây dựng; thu nhập được cải thiện;
sức khỏe được chăm lo; học hành của con cái được quan tâm; môi trường và thực
phẩm được an toàn... những cái đó có tác dụng làm công tác tư tưởng nhiều hơn
những hội nghị bàn về công tác tư tưởng. Chính vì vậy, người làm công tác tư
tưởng không thể đứng ngoài cuộc, phải tham gia trực tiếp vào thực tiễn, biến tư
tưởng thành một mắt xích, một khâu quan trọng trong cả một quy trình vận động
kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau Nghị quyết Trung ương 5
khoá X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu
mới”, ban tuyên giáo các cấp đã triển khai ký quy chế phối hợp công
tác với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và cử cán bộ tham gia vào việc
triển khai các chương trình, các dự án. Công tác tư tưởng không thể đi sau mà
phải đi trước, đi cùng với công tác tổ chức hoạt động thực tiễn, nhằm: một
là, làm tốt công tác tư tưởng; hai là, từ đó phát
hiện những vấn đề cần phải sơ kết, tổng kết, cần phải bổ sung, điều chỉnh, hoàn
thiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tế. Hơn 10 năm triển khai Quyết
định 221-QĐ/TW ngày
27/4/2009 của Ban Bí thư khoá X về “Ban hành Quy chế phối hợp giữa ban
tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân
dân”, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tạo
sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với việc triển khai
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc trong
nhân dân. Mối quan hệ giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước
cùng cấp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
NHỮNG KINH NGHIỆM THIẾT THỰC
Chúng ta đã đúc kết những bài
học quý báu nhân các dịp tổng kết hoặc kỷ niệm Ngày truyền thống ngành. Nhiều
việc đã làm được, làm tốt, làm hay, nhưng cũng còn không ít việc chưa làm được
hoặc làm dở, làm kém. 90 năm truyền thống ngành, nhìn lại quá trình nỗ lực
không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, trong tình
hình mới, có thể “gút” lại một số kinh nghiệm thiết thực.
Một là, thời
hiện đại, đời sống đất nước, khu vực, quốc tế diễn biến rất mau lẹ, tiềm tàng
những nhân tố khó lường, công tác tuyên giáo phải nhạy bén nắm bắt thông tin đa
chiều, bám sát sự vận động của thực tiễn, đánh giá và dự báo đúng tình hình để
làm tốt công tác tham mưu, định hướng tư tưởng.
Hai là, kinh tế thị trường đi vào chiều
sâu, hội nhập quốc tế trong một thế giới phẳng ngày càng trực tiếp, sâu rộng...
các nhân tố tác động đến tư tưởng, tình cảnh, tâm trạng con người và cộng đồng
trở nên vô cùng đa dạng, phức tạp, từ nhiều chiều, đặc biệt là những va chạm,
xung đột về lợi ích và sự bùng nổ tới mức hỗn độn các luồng, kênh, loại thông
tin, nhất là thông tin trên Internet, mạng xã hội. Công tác tuyên giáo phải mở
rộng diện phủ sóng, cập nhật thông tin, tỉnh táo và vững vàng, chủ động đi
trước, đi cùng những biến thiên, các sự kiện và sự việc của đời sống. Thụ động,
đi sau thực tiễn là bất lực và thất bại. Như trên đã nêu, tuyên giáo đổi mới
phải là tuyên giáo nhập thế - cập nhật, hiện đại và hành động.
Ba là, muốn
thành công, công tác tuyên giáo phải phát huy được đồng bộ sức mạnh của hệ
thống chính trị, trước hết là sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, trực tiếp là
đồng chí bí thư cấp ủy, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản
lý nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự tham gia tự giác,
sâu rộng của nhân dân. Chủ động thiết kế, thường xuyên duy trì, bồi đắp, phát
huy hiệu quả quan hệ phối hợp rộng, bền, thực chất với các cơ quan chức năng
trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính tích cực
chính trị - xã hội của nhân dân là gốc thắng lợi của công tác tuyên giáo.
Thời kỳ mới, yêu cầu mới. Cán bộ tuyên giáo phải đổi mới, phải tự
vươn lên, vượt lên thành người cán bộ tuyên giáo hiện đại và hành động./.
http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/cong-tac-tuyen-giao-hien-dai-hanh-dong-128939
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét