Chiều 12-6, với sự
chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ
tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) vùng đồng bào
dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại hội trường, 25 đại
biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến, 19 đại biểu đăng ký nhưng không còn thời
gian phát biểu trực tiếp. Các đại biểu khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng,
Nhà nước luôn được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời
sống của đồng bào DTTS và miền núi từng bước được nâng lên. Các đại biểu nhất
trí, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình
mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, các đại
biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến để bàn về những giải pháp, vấn đề đặt
ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách DTTS và miền núi, nhất là
phát triển KTXH, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ
cương thổ đất nước ở khu vực biên giới, miền núi.
Đại biểu Vương Ngọc Hà
(đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng tiêu chí về nhóm dân tộc
khó khăn, đặc biệt khó khăn; đưa dân tộc Mông vào nhóm dân tộc khó khăn bởi đồng
bào dân tộc Mông sinh sống tại các vùng núi cao, dọc biên giới, với điều kiện
tự nhiên khắc nghiệt, ít đất sản xuất. Tuy khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc
Mông vẫn kiên cường sinh sống nơi địa đầu của Tổ quốc, góp phần gìn giữ cương
thổ đất nước. “Nếu được thoát nghèo, đặc biệt là được phát triển, thì đồng bào
dân tộc Mông sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển KTXH của cả vùng cũng như
tạo điều kiện để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân
dân vững chắc”, đại biểu Vương Ngọc Hà nói.
Theo đại biểu Châu
Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang), nếu đồng bào DTTS, miền núi thiếu tiếp cận thông
tin, nhất là thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà
nước thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, ảnh hưởng đến an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển toàn diện về KTXH
của cả vùng. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, giải pháp
nhanh nhất và hiệu quả nhất để sớm đạt được phần lớn các mục tiêu của Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn
2021-2030 là phát triển du lịch, vì vùng này không thuận lợi về nhân lực, vật
lực để phát triển các ngành công nghiệp, thậm chí cả nông nghiệp, nhưng lại có
nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử văn
hóa cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, hang động và du lịch lòng hồ thủy điện.
Giải trình ý kiến của
các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhắc
tới điểm mới là Quốc hội đã quyết định để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay
với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; khuyến khích sản xuất hàng hóa theo
chuỗi giá trị, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc đi đôi với phát triển du lịch,
tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo
riêng có của vùng DTTS và miền núi. “Với ý tưởng này, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ
nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc nói.
Kết luận nội dung này,
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đại biểu Quốc hội yêu
cầu Chính phủ có đầu tư trọng tâm, trọng điểm để đồng bào DTTS và miền núi giảm
nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như mức sống với các
vùng khác. Đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu phải chú trọng công tác bồi dưỡng,
đào tạo đội ngũ cán bộ là người DTTS; chăm lo, giữ gìn bản sắc văn hóa các
DTTS; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm sóc sức khỏe đồng bào và chăm lo đến phụ
nữ, trẻ em vùng DTTS, miền núi; phát huy truyền thống đoàn kết để bảo vệ vững
chắc an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ biên giới và phát huy khối đại
đoàn kết các dân tộc.
* Theo thông cáo báo
chí số 15 của Tổng thư ký Quốc hội, sáng 12-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại
hội trường để xem xét, quyết định về công tác nhân sự; thảo luận về dự thảo
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ
đô Hà Nội.
Về công tác nhân sự,
với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội nghe
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày báo cáo kết quả thảo luận
tại đoàn đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn danh sách các phó chủ tịch, các
ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(UBTVQH). Danh sách này sau đó được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành
449/449 đại biểu có mặt, tham gia biểu quyết.
Kết quả bỏ phiếu kín
phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu ủy
viên UBTVQH cũng đã được báo cáo Quốc hội. Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia có
4 phó chủ tịch, gồm: Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó thủ
tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Ông Dương Thanh Bình
được bầu làm Ủy viên UBTVQH với tổng số 468 đại biểu Quốc hội tán thành, đạt tỷ
lệ 99,15%. Ngày 13-6, Quốc hội tiếp tục làm việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét