Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

BÁO CÁO NHÂN QUYỀN 2019 CỦA HOA KỲ LẠI XUYÊN TẠC SỰ THẬT VỀ TÌNH HÌNH VIỆT NAM



Theo thông lệ, vào quý I hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, Báo cáo này thường tập trung phê phán các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và những quốc gia “cứng cổ” - không chịu đi theo “cái gậy” chỉ huy, lãnh đạo của Hoa Kỳ. Cách đây không lâu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Báo cáo nhân quyền hàng năm, năm 2019”. Trong phần đề cập về Việt Nam, Báo cáo viết: “Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài được cai trị bởi một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đầu bởi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, vào năm 2016 không có tự do và công bằng, dù có sự cạnh tranh một cách hạn chế của các ứng cử viên được Đảng lựa  chọn”, v.v. Cái mà Hoa Kỳ gọi là vi phạm nhân quyền trong bài viết này bao gồm các hành vi, như: “bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do, bao gồm: tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, v.v. Về quyền con người, đó là tình trạng “nạn nhân chết trong đồn công an; blogger Trương Duy Nhất “của Đài Á Châu Tự Do” (SIC) bị “bắt cóc” khi đang xin quy chế tỵ nạn ở Thái Lan hồi tháng 01 năm 2019”!
Báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay nhấn mạnh và lên án tình trạng đối xử với tù nhân nói chung và tù chính trị nói riêng: “Tù nhân ở Việt Nam thường phải nhận thức ăn có chất lượng thấp, điều kiện giam giữ chật chội. Thậm chí, có tù nhân không được chăm sóc y tế khi có bệnh. Giới chức nhà tù cũng không kiểm soát được tình trạng tù nhân đánh tù nhân… Các tù chính trị thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình, điển hình là ông Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Trực”!
Đối với các quyền dân sự, chính trị, Báo cáo viết: “Hiến pháp và Luật cho phép quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ không tôn trọng các quyền này và nhiều bộ luật còn vi phạm quyền tự do biểu đạt. Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản về an ninh mạng và chống bôi nhọ người khác để hạn chế quyền  tự do biểu đạt”... Trong Báo cáo trên, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh Việt Nam đã hạn chế tự do internet, chặn các website tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do, VOA và BBC.
Tác giả bài viết này xin dừng lại phần trích dẫn ở đây. Bởi, nó sẽ làm mất thời gian của bạn đọc, vì trong bản Báo cáo này người viết cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lặp lại nhiều lần cùng một nội dung. Về chuyện nhân quyền mà Báo cáo nhắc đi, nhắc lại thì rất đáng tiếc là người chắp bút lại không hiểu thế nào là quyền con người! Công bằng mà nói, chỉ có một nội dung mà Báo cáo viết có thể trao đổi, đó là: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu lên trường hợp “vụ bắt cóc” blogger Trương Duy Nhất “của Đài Á Châu Tự Do” (SIC- đúng nguyên văn). Thế nhưng, trên mạng có người đã nêu câu hỏi tại sao Báo cáo năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại không nhắc đến trường hợp Phạm Chí Dũng? Câu trả lời - Đơn giản vì người viết cẩu thả!
Về Báo cáo Nhân quyền năm 2019, thật đáng tiếc - Một cơ quan, tổ chức lớn như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại xuyên tạc sự thật, đồng thời phá hoại quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là khi thời kỳ chiến tranh lạnh đã khép lại (1991), thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra. Đặc biệt, khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã sang một trang mới, tốt đẹp, đầy hứa hẹn.
Về quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam, không phủ nhận rằng trong mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa kiểu cũ - với Nhà nước chuyên chính vô sản, nền kinh tế quan liêu bao cấp, “ngăn sông cấm chợ”,… Việt Nam còn có những hạn chế nhất định về quyền con người. Thế nhưng, từ khi bước vào thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, chế độ xã hội, Nhà nước ở Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản:   Hiến pháp 2013 đã giành cả một chương - Chương II quy định về chế độ chính trị  và quyền con người; trong đó, khẳng định: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Về quyền con người, Hiến pháp 2013 đã quy định đầy đủ các quyền con người, từ quyền dân sự, chính trị đến quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, v.v. Những quy định trong Hiến pháp 2013 hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và tương thích với các Công ước về quyền con người. Cần nói thêm rằng, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người; đồng thời, cũng đã nội luật hóa các Công ước quốc tế về quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí 2016. Điều 11 xác định rõ quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí…”. Các hành vi bị nghiêm cấm: “Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý. Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, v.v.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ uy tín, vị thế của chế độ xã hội và Nhà nước ta cao như hiện nay: Tại khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2019, Việt Nam đã được bầu vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193).
Ở Việt Nam hiện nay, nhằm bảo đảm đầy đủ thông tin đa dạng, nhiều chiều của người dân đã được các cơ quan chức năng tôn trọng, tiếp sóng các hãng thông tấn, báo chí lớn của phương Tây, như: BBC, RFA, VOA, v. v.
 Về trường hợp Trương Duy Nhất bị các cơ quan chức năng bắt, xử lý hình sự thì sao? Câu trả lời rằng: đây là điều bình thường, xử lý đúng theo pháp luật Quốc gia. Còn chuyện bắt Trương Duy Nhất như thế nào thì thuộc quyền của cơ quan chức năng. Được biết Trương Duy Nhất đã bỏ trốn ra nước ngoài cho nên các cơ quan chức năng buộc phải sử dụng phương thức thích hợp. Nếu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhà “dân chủ, nhân quyền” (cuội) nêu vấn đề trên thì hãy hỏi nhà cầm quyền Thái Lan vì sao họ lại cho phép Trương Duy Nhất nhập cảnh khi Y đã có lệnh truy nã của Nhà nước Việt Nam? Còn việc giam giữ, “chăm sóc” Blogger Trương Duy Nhất theo đúng quy định đối với những người vi phạm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Còn chuyện cách ly Trương Duy Nhất thì điều đó cũng là bình thường, cần thiết vì “con viruts dân chủ, nhân quyền dởm” này có thể lây lan bệnh tật nhanh hơn cả con viruts-19.
Với cách lập luận như vậy, Báo cáo Nhân quyền 2019 (phần về Việt Nam) nó đã xuyên tạc trắng trợn tình hình Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam và phá hoại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang trên đà phát triển. Báo cáo này được công bố ngay sau khi nhóm tầu tác chiến sân bay Hoa Kỳ gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) đã cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark T. Esper đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến 21-11-2019. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Mark T. Esper tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và sự ủng hộ lâu dài của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên Luật Biển quốc tế ở Biển Đông.
Nói về quyền con người ở Việt Nam ngày nay, không thể không nói đến Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng, hiệu quả đối với đại dịch covid-19. Đại diện tổ chức Y tế thế giới - WHO đã nhiều lần khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện năng lực rất tốt trong việc xử lý các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Đây là kết quả của nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, công tác nghiên cứu, thí nghiệm, phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. “Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở ngay giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và hoạt động truyền thông, hợp tác đa ngành”. Điều đó, đã thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và chế độ ta, tất cả là vì con người, đảm bảo cho họ có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mọi mưu đồ xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam sẽ đi ngược lại bản chất, truyền thống và tình hình thực tế của đất nước đang trên đường đổi mới và phát triển; làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có chiều hướng tốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...