Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng
lợi, chính quyền về tay nhân dân, người dân Việt Nam mới biết đến các quyền cơ
bản của mình, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Trong thời đại bùng nổ thông
tin hiện nay, việc bày tỏ tự do ngôn luận càng được chú trọng, bảo đảm hơn. Tuy
nhiên, thông tin trên không gian mạng thật - giả, tốt - xấu khó lường, các thế
lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn
tùy tiện, vô lối, nhằm lôi kéo, kích động gây bạo loạn lật đổ, với những chiêu
bài hết sức tinh vi, thâm độc...
Tự do ngôn luận ở Việt Nam được đề cao, bảo đảm
“Mọi người đều có quyền tự do
ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như
tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương
tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”(1). Đó là nội dung chính của Điều 19, Tuyên
ngôn quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn thế giới về quyền con người), được
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III),
ngày 10-12-1948. Hơn 70 năm tồn tại, Tuyên
ngôn vẫn còn nguyên giá trị, được đánh giá là bản tuyên ngôn có ý
nghĩa nhân văn cao cả, đã, đang và sẽ còn là mục tiêu phấn đấu của toàn thể
nhân loại.
Với
mỗi quốc gia, dân tộc, việc kế thừa, phát triển, vận dụng, tuân thủ các giá trị
của Tuyên ngôn có sự khác
nhau nhất định, do chi phối bởi đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn
hóa,... Nhưng có một điểm chung bắt buộc là, các quyền tự do ấy, phải trong
khuôn khổ pháp luật, như chính Điều 29 và 30 của Tuyên
ngôn quy định.
Các
Mác và Ph. Ăng-ghen, trên quan điểm duy vật biện chứng, bằng sự khảo sát khách
quan nhân quyền tư sản với tinh thần phê phán, đã đi đến khẳng định: “Quyền
không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do
chế độ kinh tế đó quyết định”(2);
tương ứng với những thời đại khác nhau và những cơ sở kinh tế - xã hội khác
nhau thì có quyền khác nhau. Theo đó, quan niệm về tự do ngôn luận không bất
biến, mà biến đổi trong lịch sử.
Ở
Việt Nam, với tầm nhìn vượt thời đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm định hình tư
tưởng về tự do ngôn luận. Trong Lời
phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, năm
1921, Người đã tố cáo thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đối với
nhân dân An Nam: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận,
ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền
cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm
vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi
cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng
rượu. Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người
khác để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ”(3).
Vì vậy, trong Yêu sách của nhân dân An
Nam, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi các Chính phủ trong khối Đồng minh nói
chung và Chính phủ Pháp nói riêng thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân An
Nam, trong đó có quyền tự do ngôn luận: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc
sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết
thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước
kia, nay là xứ Đông - Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói
chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau
đây: ... 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận”(4).
Nhất quán yêu sách đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Chương
trình Việt Minh, chủ trương: “Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách sau này: ...2.
Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản,
tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước, tự do xuất dương. Bỏ
chế độ bắt phu và các chế độ áp bức do đế quốc đặt ra”(5).
Hiện
thực hóa tư tưởng về tự do ngôn luận, chỉ hơn 1 năm sau khi nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa ra đời, ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7
chương, 70 điều, kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng hiến chính
của nhân loại, phù hợp với thực tiễn đất nước; trong đó, quyền tự do ngôn luận
được hiến định ở Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự
do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại
trong nước và ra nước ngoài”. Thực thi Hiến pháp đầu tiên của nước ta nói chung
và thực hiện quyền tự do ngôn luận nói riêng, chỉ 3 năm sau, trong bài Trả lời điện phỏng vấn của ông Walter Briggs, tháng
3-1949 đăng trên Báo Cứu quốc, số
1198, ngày 23-3-1949, Hồ Chí Minh đã khẳng định thành tựu quyền tự do ngôn luận
rất rõ ràng: “Hỏi: Ở Việt Nam có tự do ngôn luận không (ngoài những ngôn luận
phản quốc và thân thực dân Pháp)? Trả lời: Có”. Tiếp tục khẳng định quyền tự do
ngôn luận trong Báo cáo về dự thảo Hiến
pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc
ngày 18-12-1959, Người tiếp tục khẳng định, quyền tự do ngôn luận là một trong
những quyền cơ bản của công dân...
Nét
đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do ngôn luận là quyền này phải
đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân. Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là
một giá trị cơ bản, quan trọng bậc nhất của quyền con người. Người giải thích:
“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối
với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân
lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã
phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền
tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra
sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(6).
Quán
triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do ngôn luận, trong thời kỳ
đổi mới, phù hợp với các Hiến pháp năm 1992 và năm 2013, các văn kiện của Đảng,
Nhà nước(7) đều khẳng định và
hiện thực hóa quyền tự do ngôn luận của công dân.
Có
thể hiểu rằng, tự do ngôn luận là tự do
phát biểu ý kiến của mình bàn bạc một công việc chung; là quyền của công dân
được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của xã
hội.
Thực
tế, Việt Nam luôn phải đối mặt với các phần tử và thế lực thù địch cả ở trong
và ngoài nước, trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau, trong đó có mặt trận tư
tưởng, thông tin. Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên
tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
ta trên mọi lĩnh vực, phủ nhận các thành tựu đã đạt được, kể cả những thành tựu
được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong
quá trình xây dựng và phát triển đất nước, để phù hợp với thực tiễn, trong bối
cảnh “thế giới phẳng”, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt
Nam đã điều chỉnh, bổ sung, xây dựng nhiều đạo luật mới, đề cao, tôn trọng các
quyền cơ bản, chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều
25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập
hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay
như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Tiếp cận thông tin
(năm 2013); Luật Báo chí (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)..., quyền tự
do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm. Kể từ khi hòa mạng in-tơ-nét toàn
cầu ngày 1-12-1997, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục mới, bảo đảm quyền
tự do ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi,
thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt,... của người dân cả trên các
phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội. Người dân
Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế
giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo
đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức,... của mình trên mạng xã hội
hằng giờ, hằng ngày, thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video clip. Mỗi người
dân Việt Nam cũng đều có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo
chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân toàn cầu” mà
không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào...
Đấu tranh phản
bác luận điệu sai trái, thù địch núp dưới những chiêu bài hết sức tinh vi, thâm
độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị_Ảnh: minh họa
Không thể chấp nhận những thứ “ngôn luận tự do” bất chấp cả luật pháp và đạo lý... trong xã hội văn minh
Có
thể nhận diện, thống kê rất dễ dàng rằng, các phần tử thù địch, cơ hội chính
trị luôn tìm mọi cách để tạo dựng những thứ gọi là “tự do ngôn luận” theo cách
hiểu ấu trĩ, hạn hẹp, đầy hằn học với mưu đồ xấu xa. Chúng dã tâm, chủ đích lựa
chọn, lợi dụng những vấn đề nhiều người dân quan tâm, dễ gây bức xúc, dễ lan
truyền rộng rãi trong xã hội để tạo dựng những kịch bản đen tối, chống phá bằng
các bài viết, hình ảnh, video clip,... liên quan đến các vụ khiếu kiện đất đai,
ô nhiễm môi trường, phản đối trạm thu phí BOT (xây dựng - vận hành - chuyển
giao) giao thông, tụ tập đông người núp dưới cái gọi là “hành động yêu
nước”,... nhằm gây rối an ninh, trật tự, “bất tuân dân sự”, phá hoại các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước
ta; kích động, kêu gọi bạo động, lật đổ...
Lấy
ví dụ cụ thể từ các vụ tụ tập phản đối tại các trạm thu phí BOT giao thông
trong quý I-2019 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong các vụ này, rất nhiều
người, trong đó có những người cầm đầu, cố tình liên tục “tường thuật trực
tiếp”, thông qua tính năng livestream của mạng xã hội Facebook và xuyên tạc,
nói xấu về hình thức đầu tư BOT, thậm chí cả về những quan điểm, chủ trương,
đường lối của Đảng và Nhà nước... Điều này gây ra sự phản ứng lan truyền mạnh
mẽ trên cộng đồng mạng, khiến nhiều trạm thu phí BOT phải “xả trạm” trong nhiều
giờ để bảo đảm giao thông được thông suốt, an ninh, trật tự xã hội không bị rối
loạn. Hùa vào góp sức, một số báo mạng nước ngoài, những phần tử chống đối ở
hải ngoại, cũng như trong nước dưới vỏ bọc mỹ miều là “chống BOT bẩn” liên tục
đăng tải những thông tin xuyên tạc, lệch lạc, sai trái,... nhằm mục đích phá
hoại. Khi những đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt tạm giam, một số báo mạng
điện tử nước ngoài thiếu thiện chí, nhất là những báo có phiên bản tiếng Việt
và nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube,... đã chớp lấy để
bình luận đầy hằn học, ác ý, cố tình hướng lái, lật ngược bản chất vấn đề, vu
khống, kích động cộng đồng mạng phá hoại, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã
hội, cản trở giao thông cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của
người dân...
Nhìn
rộng hơn, thử điểm lại một số vụ tụ tập đông người kích động, chống đối ở Thành
phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh,... trong những năm
gần đây, nhất là liên quan đến sự cố môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung để
kêu gọi tụ tập đông người, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự, chống đối, phá
hoại,... thì thấy càng rõ bộ mặt của tổ chức phản động Việt Tân và những mưu đồ
đen tối của chúng. Chúng tuyển mộ, đào tạo, lợi dụng những người thiếu hiểu
biết, cả tin, bất mãn, có những khúc mắc trong cuộc sống,... để làm thuê cho
chúng, thông qua các việc, như tuyên truyền, lôi kéo, kích động các vụ tụ tập
đông người và giăng khẩu hiệu phản đối, dùng loa các loại để gào thét vô lối,
gây rối, đập phá trụ sở các cơ quan công quyền, nhà máy,... làm mất an ninh,
trật tự, an toàn xã hội... Tại các vụ, việc, nhiều phần tử cực đoan, chống đối,
vi phạm pháp luật đã bị bắt để giáo dục, nhiều trường hợp bị khởi tố và tạm
giam, bị kết án nghiêm minh, thích đáng...
Nhân
dịp này, những phần tử chống đối, phá hoại, các thế lực thù địch, vu khống, bịa
đặt trắng trợn, rằng “Việt Nam đàn áp
tự do ngôn luận”, “Bắt người nói xấu Đảng và tự do ngôn luận”, “Dân oan bị
khước từ quyền tự do ngôn luận”, “Chuyện gì đang xảy ra với tự do ngôn luận ở
Việt Nam”, “Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận”...
Rõ ràng, chỉ thoạt nhìn vào tiêu đề các bài viết đó cũng thấy rõ sự bóp méo,
xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam - một quyền mà ngay sau Cách
mạng Tháng Tám thành công đã được chế định trong Hiến pháp năm 1946 và được
pháp luật cụ thể hóa kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước ta
qua các thời kỳ, bắt nhịp với các bước tiến mang giá trị phổ quát của luật pháp
quốc tế, đáp ứng yêu cầu chính đáng của đông đảo nhân dân...
Để
bảo đảm tự do cho người này mà không phương hại đến tự do người khác, tất yếu
phải có quy định của pháp luật. Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, bắt
đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, nhưng các thế lực thù địch lại rêu rao rằng
Luật này “chống lại loài người”, “triệt tiêu dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính
kiến”, “mất quyền tự do ngôn luận”. Chúng cố tình không hiểu rằng “tự do được
thừa nhận về mặt pháp lý tồn tại trong nhà nước dưới hình thức luật pháp. Luật pháp không phải là những
biện pháp đàn áp chống lại tự do... Ngược lại, luật pháp là những tiêu chuẩn
khẳng định rõ ràng, phổ biến, trong đó tự do có một số sự tồn tại vô ngã, có
tính chất lý luận, không phụ thuộc vào sự tùy tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ
luật là kinh thánh của tự do của nhân dân”(8).
Ngày
3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 362/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo
chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là quyết định đã được chuẩn bị từ lâu, kỹ
lưỡng, phù hợp với sự phát triển trong tình hình hiện nay. Quy hoạch báo chí là
hết sức cần thiết, khi không ít cơ quan báo chí có những biểu hiện lệch lạc, xa
rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, thông tin phiến diện, chỉ chú trọng
những mặt trái, tiêu cực,... trong xã hội, thiếu tính giáo dục, thậm chí phản
tác dụng, lan truyền những điều xấu. Việc tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ
thống báo chí tại Việt Nam là để báo chí hoạt động chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn,
bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới... Thế nhưng, ngay lập tức, lại xuất
hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là các phiên bản tiếng Việt của một số cơ quan
báo chí nước ngoài những thông tin hết sức quy chụp, thiếu căn cứ... Họ ra sức
bịa đặt, vu khống rằng: “Quy hoạch báo
chí đến năm 2025: Giảm số lượng, vẫn kiểm soát chặt” (RFA, ngày
3-4-2019), “Quy hoạch báo chí ‘theo
kiểu coi báo chí là công cụ’?” (BBC, ngày 9-4-2019), “Quy hoạch báo chí “vi hiến”, sẽ “làm thất
nghiệp” hàng nghìn nhà báo?” (VOA, ngày 9-4-2019)... Tương tự, các
trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức chống đối, gây rối, phản động, cũng
hùa theo rằng, “Việt Nam không có nền
báo chí độc lập”, “Quy hoạch báo chí gây tranh cãi”, “Quy hoạch báo chí - phóng
viên mất việc, độc giả mất lựa chọn?”...
Thành tựu được thừa nhận và đường cùng của thứ
gọi là “ngôn luận tự do”
Để
phản bác, khẳng định những thứ “ngôn luận tự do” vô lối mà các phần tử, thế lực
thù địch, phản động bóp méo, thổi phồng, lan truyền rộng rãi trên không gian
mạng, không gì thuyết phục hơn là nêu ra những kết quả, thành tựu mà Việt Nam
đã đạt được, được bàn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt
Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu
đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân,
trong đó có quyền tự do ngôn luận. Vì lẽ đó, Việt Nam được bầu làm Ủy viên
không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009), thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016), thành viên Hội
đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016 - 2018), thành viên Hội đồng
Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ
2015 - 2019). Theo kết quả bầu chọn tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp
quốc công bố ngày 7-6-2019, Việt Nam nhận được 192/193 phiếu ủng hộ, vượt xa
mốc tối thiểu 129/193, chính thức trúng cử vào ghế Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đó là những bằng chứng
thuyết phục nhất khẳng định ở Việt Nam có tự do ngôn luận, phản bác những kẻ
rắp tâm phá hoại đất nước bằng thứ “ngôn luận tự do” đầy hằn học, xấu xa, thiếu
căn cứ...
Trong
khi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường về nhiều mặt thì sự phát
triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam
vẫn luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các nước trong khu vực và trên thế
giới. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP tăng 6,98% - mức tăng cao nhất
trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9
tháng tăng 2,5% - mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã
hội tăng 10,3%, đặc biệt khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng
16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ
USD, tăng 7,3%. Thu ngân sách nhà nước tăng cao (10,1%), bội chi còn 3,4% GDP,
nợ công còn dưới 57% GDP... Đó là những số liệu minh chứng một cách thuyết phục
về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư
thuận lợi, an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự xuất hiện
ngày càng nhiều các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới...
Lâu
nay, câu nói “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì
không phải là sự thật” đã rất quen thuộc, được thừa nhận rộng rãi trên thế
giới. Điều này không có gì phải bàn cãi. Và với báo chí - truyền thông, một trong
những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động của mình là phản ánh sự
thật khách quan, tôn trọng sự thật một cách tuyệt đối, toàn vẹn. Chính vì thế,
việc những đối tượng, tổ chức phản động lợi dụng, nhân danh “một nửa sự thật”
kiểu cắt xén để tô vẽ, thêm thắt, đắp bồi,... theo sự tưởng tượng, kịch bản mà
chúng sắp đặt sẵn, cố tình tạo ra thì rõ ràng đó là sự dối trá, bịp bợm, cố
tình xuyên tạc nhằm mục đích chống phá xấu xa.
Trên
tinh thần xây dựng đất nước, rõ ràng, mỗi người Việt Nam đều có quyền bày tỏ
lòng yêu nước của mình, góp ý, phản biện những chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước... Thế nhưng, việc phát ngôn tự do, vô lối, xuyên tạc,
kích động gây rối, đập phá tài sản, vi phạm pháp luật là những hành động đáng
lên án, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh. Bởi con người biết tuân
theo pháp luật mới là con người nhận thức được đầy đủ về tự do. Kiểm soát được
hành vi của mình một cách có ý thức thì con người mới thật sự có tự do. Tự do
là quyền của con người nhưng đó không phải là tự do vô lối, tùy tiện, vô chính
phủ, mà nó chỉ được bảo đảm khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách
quan và hành động phù hợp pháp luật - giao kèo, thỏa ước về tự do của tập thể,
của cộng đồng, của xã hội.
Phải
thừa nhận rằng, ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng luôn tồn tại những
hạn chế, yếu kém nhất định, bên cạnh sự tiến bộ, phát triển, do chế định của
điều kiện cụ thể. Vấn đề là mỗi quốc gia sẽ có sự nhìn nhận, khắc phục những
mặt hạn chế đó một cách kịp thời, thấu đáo, toàn diện, quyết liệt,... để luôn
tạo ra môi trường tốt đẹp cho sự phát triển, tiến bộ, vững bền, tránh bị xuyên
tạc, bóp méo, lợi dụng nhằm công kích, phá hoại... Tại Việt Nam, qua những sự
việc gần đây có thể thấy rằng, người dân cũng cần phải được vận động, tuyên
truyền nâng cao nhận thức về tự do một cách đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm,
nghĩa vụ công dân, biết phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, xây dựng - phá
hoại,... để từ đó tự trang bị, bảo vệ mình trước những kẻ lợi dụng lòng yêu
nước, lợi dụng bức xúc của nhân dân để kích động chống phá. Phải làm cho người
dân thấy rõ rằng, tự do không có nghĩa là tùy tiện, vô lối, muốn làm gì thì
làm. Tự do ngôn luận đích thực phản ánh năng lực nhận thức và khả năng tự chủ
bản thân cả về mặt phát ngôn và hành động. Suy cho cùng, hành động đúng đắn mới
là thước đo chính xác về giá trị đích thực của tự do ngôn luận. Không thể nói
“tự do nguôn luận” mà hành động lại phá hoại tự do của người khác, tự do xã
hội. Tự do chỉ mở rộng cùng nhịp bước với nâng cao hiểu biết của con người về
các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy của con người, phải vận động cùng
chiều với quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia - dân tộc, để từ đó làm chủ
chính mình và hành động tự do. Tự do được hình thành, tồn tại trong mối quan hệ
giữa cá nhân và xã hội, cá nhân và Nhà nước. Lòng yêu nước cần phải được thể
hiện với thái độ đúng mực, bình tĩnh, kiềm chế, được kiểm soát,... để không tái
diễn những hành vi quá khích, đập phá, hủy hoại tài sản của Nhà nước, tổ chức,
doanh nghiệp trong và ngoài nước, đi ngược lại những chủ trương, chính sách
đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Một số giải pháp trước mắt...
Trước
những diễn biến mới trên mặt trận tư tưởng, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban
hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng
cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 25-3-2019, Ban Bí thư
ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 35. Theo Kế hoạch số 14,
việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35 cần gắn với việc tiếp tục quán triệt,
tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng có liên
quan. Riêng vấn đề chống lại việc lợi dụng “tự do ngôn luận” để tùy ý “ngôn
luận tự do” nhằm lôi kéo, kích động, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù
địch, phản động, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, sớm kiện toàn việc xây
dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh theo tinh thần Nghị
quyết số 35-NQ/TW. Đồng thời, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức
đảng các cấp, trước hết là của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Lực lượng
chuyên trách là những người chủ lực, tiên phong trong việc thực hiện nhất quán,
đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, quan điểm cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã
được nêu rõ trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, với kế hoạch trước mắt, lâu dài, cùng
lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và những trường hợp đột xuất phù hợp với
tình hình thực tiễn một cách linh động, khoa học, sát hợp.
Việc
hình thành lực lượng chuyên trách,
tinh nhuệ trên mọi lĩnh vực, để có thể kịp thời phát hiện, bóc trần những âm mưu,
thủ đoạn mà thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình gây ra và đấu
tranh chống lại những âm mưu đen tối bằng nhiều phương thức khác nhau, trên cả
các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trên không gian mạng, giúp
đông đảo người dân hiểu rõ bản chất của thông tin, miễn nhiễm với thứ “ngôn
luận tự do” vô lối, trái pháp luật và nhận ra, hiểu rõ dã tâm của những phần tử
quá khích, kích động, chống phá...
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị
được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của
Nghị quyết số 35-NQ/TW, Kế hoạch số 14-KH/TW một cách thường xuyên, sáng tạo,
khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu, tránh khô cứng, sáo mòn, giáo điều, khó đi vào cuộc
sống. Cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực 4 nhiệm vụ thường xuyên tại Kế
hoạch số 14-KH/TW đã được xác định rõ, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
tăng cường thông tin tích cực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ
thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
trong tình hình mới; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến,
bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; tăng cường quản lý, giáo dục
cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm... Đồng thời, các
cấp, các ngành chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan
để đấu tranh phản bác, định hướng dư luận trước những thông tin trái với chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp ủy cơ sở có sự
định hướng kịp thời...
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể
chế chính sách, đặc biệt là về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, công bằng
xã hội,... để tạo gốc rễ, nền tảng vững chắc góp phần đẩy mạnh công cuộc phát
triển đất nước. Có như thế, mới không tạo ra những “kẽ hở”, những “khoảng
trống” cho việc hình thành, phát sinh, tồn tại “nhóm lợi ích”, những quan tham,
tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong xã hội... Bên cạnh đó, cần phát huy
những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những năm
qua, để tạo đà cho những sự bứt phá tiếp theo, với kỳ vọng sẽ đạt được những
thành tựu nổi bật hơn nữa trong thúc đẩy đà tăng trưởng, nâng cao đời sống, bảo
đảm an sinh xã hội cho người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các
vùng, miền trong cả nước...
Thứ tư, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng “trên
nóng, dưới lạnh”. Có thể khẳng định rằng, việc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, lấy lại
niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của
Nhà nước. Rõ ràng, đây là vấn đề hệ trọng, là mối quan tâm lớn của toàn Đảng,
toàn dân nên không thể nóng vội, mắc sai lầm. Nhưng cũng vì thế mà không thể
“chùng xuống”, không thể thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là
việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ, việc, vụ án tham nhũng
nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.
Thứ năm, xây dựng, thiết lập hệ
thống các giải pháp tuyên truyền đồng bộ, sát hợp, hiệu quả trên các phương
tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng, góp phần nhận diện, chủ động
đấu tranh sớm, kịp thời, hiệu quả trước mọi thủ đoạn tấn công, phá hoại của các
thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí cần tổ chức thông tin cân bằng hơn, tăng
cường thông tin về các mặt tích cực, tốt đẹp trong xã hội, tránh tình trạng mất
cân bằng thông tin, khiến các thế lực thù địch, phản động dựa vào đó và nhân
danh “tự do ngôn luận” để xuyên tạc, vu khống đất nước bằng những gam màu
xám... Các cơ quan báo chí cần tăng cường thời lượng cho các chuyên mục đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tránh chỉ dồn việc cho vài cơ quan báo
chí vốn lâu nay chuyên đảm trách vấn đề này... Đồng thời, cần thiết phải hình
thành, duy trì hoạt động hiệu quả các trang thông tin trên mạng xã hội, nhất là
trên mạng xã hội Facebook được tổ chức khoa học, bài bản, với đội ngũ phụ trách
chuyên nghiệp nhằm kịp thời, chủ động nhận diện, đấu tranh bài bản, khoa học,
xác đáng, thuyết phục, hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá
của các thế lực thù địch, phản động...
Thứ sáu, cần kịp thời phát hiện,
nhận diện để đấu tranh, nghiêm trị những phần tử phá hoại núp dưới danh nghĩa
“yêu nước”, “nhân quyền”, “đòi công lý cho nhân dân” để kích động, tạo lập các
mầm mống gây bạo loạn, lật đổ,... trên tất cả các phương diện, hình thức khác
nhau. Phải khu biệt, cô lập, xác định đúng đối tượng phản động, phá hoại, kích
động, chủ mưu trong từng vụ, việc, cũng như đã cố tình vi phạm cả thời gian
dài, có hệ thống để đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật...
Có
như thế, việc “tự do ngôn luận” ở Việt Nam mới không bị lợi dụng, xuyên tạc,
bóp méo, tùy ý chuyển tải thứ “ngôn luận tự do” vô lối nhằm lôi kéo, kích động
gây mất an ninh trật tự, phá hoại đất nước, kêu gọi bạo loạn lật đổ... Rồi dần
dần, bằng sức đề kháng mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, thứ “ngôn luận tự do”
rẻ tiền, hằn học, chống đối đó mới không còn khả năng tồn tại và bị triệt tiêu,
trả lại môi trường lành mạnh cho tự do ngôn luận chân chính, vì sự phát triển
bền vững của đất nước.
------------------------------
(1) Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền,
1948, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2011, tr. 410
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 19, tr. 36
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 1, tr. 34 - 35, 468
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 629
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 10, tr. 378
(7) Như: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), và trực tiếp là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2-12-2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-7-2010, của Ban Bí thư; “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017 và “Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người” theo Quyết định số 16/QĐ-TTg, ngày 2-3-2018; đặc biệt là Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW...
(8) C. Mác, Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 95
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 19, tr. 36
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 1, tr. 34 - 35, 468
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 629
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 10, tr. 378
(7) Như: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), và trực tiếp là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12-7-1992, của Ban Bí thư, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2-12-2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-7-2010, của Ban Bí thư; “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 5-9-2017 và “Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người” theo Quyết định số 16/QĐ-TTg, ngày 2-3-2018; đặc biệt là Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW...
(8) C. Mác, Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 95
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét