Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, quan điểm, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là
nội dung được Đảng ta xác định có vị trí quan trọng hàng đầu.
Tuy cách thể hiện có khác nhau, nhưng qua từng thời kỳ cách
mạng, Đảng ta luôn khẳng định, muốn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn
dân. Yếu tố cốt lõi để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc đó chính là nền QPTD vững mạnh.
Cơ sở để Đảng ta xác định và nhất quán thực hiện quan điểm,
đường lối ấy chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm
thực tiễn từ lịch sử dựng nước, giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc và tiếp thu
có chọn lọc những tinh hoa văn hóa giữ nước của nhân loại vào điều kiện, hoàn
cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra rằng: “Một cuộc cách
mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Xuất phát từ luận điểm ấy, ngay sau
cách mạng Tháng Mười Nga thành công, để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ
chính quyền, bảo vệ chế độ V.I.Lê-nin đã yêu cầu: "phải có một thái độ
nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chiến đấu của
nhà nước"(1).
Theo tư tưởng, quan điểm của V.I. Lênin sức mạnh bảo vệ chính
quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước là sức mạnh tổng hợp, trong đó vai trò
của quần chúng nhân dân rất quan trọng. Trong các tác phẩm đề cập đến vấn đề
này, V.I Lê nin đều thống nhất quan điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần
chúng, nhân dân là người làm nên lịch sử”. Sức mạnh QPTD theo tư tưởng
của V.V. Lênin không phải là chiến lược chung chung, trừu tượng mà bao hàm
những thành tố rất cụ thể, sức mạnh quốc phòng là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh
toàn diện trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt. Nói về tăng cường sức mạnh
của nền QPTD, VI.Lê nin chỉ rõ rằng phải xây dựng được quân đội mạnh làm nòng
cốt. VI.Lê nin khẳng định: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông... chúng ta
phải có Hồng quân mạnh mẽ... Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch”...
Kế thừa và phát triển truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và
giữ nước của dân tộc, đồng thời vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin
vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành
nên tư tưởng quân sự. Chính bằng tư tưởng quân sự ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng ta đã dẫn đường, chỉ lối quân và dân ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược,
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ
quốc.
Nội dung cốt lõi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh chính là xây dựng nền QPTD vững mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn, do
đó để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và duy trì, phát triển hoạt động của
chính quyền chuyên chính vô sản, không có con đường nào khác là phải bằng sức
mạnh tổng hợp của nền QPTD.
Ngay trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, tư tưởng ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: " Nước
Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc
lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính
mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: chúng ta phải xây dựng nền QPTD,
toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền QPTD phải là nền quốc phòng mang tính
chất nhân dân, nền quốc phòng của dân, do dân xây dựng nên, nhằm mục đích bảo
vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng.
Mặt khác theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh xây dựng nền QPTD
phải gắn liền với thế trận chiến tranh nhân dân phải có lực lượng vũ trang với
ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) làm nòng
cốt, có hậu phương vững mạnh. Cùng với đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây
dựng nền quốc phòng hiện đại, xây dựng nền QPTD phải gắn liền với xây dựng nền
an ninh nhân dân .
Quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ xây dựng
nền QPTD mà Đảng ta đã xác định những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành
tựu quan trọng, toàn diện, thiết thực. Tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh
của đất nước được tăng cường, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuy nhiên, trên thực tế còn không ít những vấn đề đặt ra, đáng
chú ý là bên cạnh sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động,
ngay trong nội bộ cũng có những quan điểm chưa đúng, những nhận thức lệch lạc
về sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc; về đường lối xây dựng nền QPTD... Do nhận
thức lệch lạc, chưa đầy đủ và hiểu chưa đúng nên quá trình thực hiện đường lối
xây dựng nền QPTD còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là trong thực hiện chủ
trương phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với xây dựng, củng cố quốc phòng – an
ninh, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ nhấn mạnh hiệu quả kinh tế mà xem
nhẹ yếu tố quốc phòng – an ninh. Do quá trình triển khai cơ quan chức năng, chủ
đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan không chú ý tới những tác động đến
bảo đảm quốc phòng – an ninh và an toàn cộng đồng, nên không ít công trình, dự
án phải đình chỉ. Đặc biệt, nhiều khu rừng, cánh rừng từng “che bộ đội”, “vây
quân thù” trong kháng chiến, tạo vành đai xanh bảo vệ biên giới trong hòa bình,
nay đang bị tàn phá không thương tiếc...
Thực trạng ấy Đảng và Nhà nước ta đã thấy rõ, chỉ ra và có nhiều
giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, khắc phục.
Đặc biệt, sau khi thẳng thắn đánh giá thực trạng, phân tích cụ
thể nguyên nhân, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ, đã chỉ rõ những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa". Một trong những biểu hiện được Ban Chấp hành Trung
ương chỉ ra là: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hóa" quân đội
và công an; xuyên tạc đường lối QPTD và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với
công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an”.
Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với biểu hiện ấy, Ban Chấp
hành Trung ương xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn
diện, có hiệu quả nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng, phải
làm thường xuyên là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng cho nhân dân,
trước hết là cán bộ, đảng viên hiểu đúng, nhận thức đầy đủ về xây dựng nền
QPTD.
Cùng với tuyên truyền làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của đường
lối, cần phân tích làm cho nhân dân hiểu rằng xây dựng nền QPTD vững mạnh là
yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN chứ
không phải do ý muốn chủ quan của cá nhân hay tổ chức nào. Đây là một chủ
trương chiến lược của Đảng ta, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu thường
xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Do đó, cần làm cho nhân dân, trước hết
là cán bộ, đảng viên thấu suốt quan điểm, muốn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta phải biết phát huy sức mạnh
tổng hợp và một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp là phải xây dựng
nền QPTD và an ninh nhân dân vững mạnh. Điều đó chỉ có được khi mọi công dân,
mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đúng, ý thức đầy đủ
nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân.
Để huy động được mọi nguồn lực, phát huy trách nhiệm của mọi
người, mọi tổ chức, mọi lực lượng cùng tham gia xây dựng nền QPTD, chúng ta
phải làm cho nhân dân hiểu rõ nền QPTD mà Đảng ta chủ trương xây dựng đó là nền
quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương
hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện
đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững
hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo
loạn lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Xây dựng nền QPTD gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân vững
mạnh là tạo ra sức mạnh để ngăn ngừa, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu, hành động
xâm hại, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Việc xây
dựng nền QPTD, an ninh nhân dân của Việt Nam không nhằm mục đích nào khác là tự
vệ chính đáng, là để chống lại thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN và cuộc sống bình
yên, hạnh phúc của nhân dân. Đây chính là thể hiện sự khác biệt về bản chất
trong xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân của Việt Nam cũng như các quốc gia có
độc lập, chủ quyền đi theo con đường XHCN với các quốc gia khác.
Sức mạnh của nền QPTD, an ninh nhân dân của Việt Nam là sức mạnh
tổng hợp được tạo nên bằng nhiều yếu tố như: chính trị, kinh tế, văn hóa, tư
tưởng, khoa học, đối ngoại, quân sự, an ninh,... cả ở trong nước, ngoài nước,
cả của dân tộc và của thời đại, trong đó những yếu tố bên trong bao giờ cũng
giữ vai trò quyết định.
Chỉ có thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm cho nhân
dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu đúng, nhận thức đầy đủ những
vấn đề cơ bản đó, chúng ta mới góp phần xây dựng niềm tin, nâng cao trách nhiệm
và ý chí, quyết tâm trong xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân. Đây cũng là biện
pháp quan trọng để chúng ta phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; huy động mọi nguồn lực cho
sự nghiệp xây dựng, củng cố nền QPTD gắn với nền an ninh nhân dân nhằm bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét