Trong
lịch sử phát triển của nhân loại, bất cứ đảng chính trị nào muốn tồn tại, phát
triển và được đông đảo quần chúng ủng hộ thì phải có một hệ tư tưởng làm kim
chỉ nam để xây dựng cương lĩnh, đường lối của mình. Hệ tư tưởng mà đảng xây
dựng hoặc lựa chọn không chỉ giải quyết lợi ích của đảng mà còn phải thỏa mãn
được nhu cầu, lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân.
1. Sau khi có cương lĩnh,
đường lối đúng, các đảng chính trị phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục để
vừa mở rộng tổ chức của mình, vừa tập hợp lôi kéo quần chúng theo đảng làm cách
mạng. Toàn bộ các hoạt động đó gọi là công tác tư tưởng. Đối với Đảng Cộng sản
Việt Nam, công tác tư tưởng là toàn bộ các hoạt động nhằm bổ sung, phát triển,
hoàn thiện, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tập hợp,
phát động phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện mục tiêu, lý
tưởng của Đảng.
Khi chưa giành được chính
quyền, đảng viên của Đảng trong điều kiện hoạt động bí mật vẫn tìm mọi biện
pháp vận động, thuyết phục nhân dân đứng lên làm cách mạng. Đảng viên cũng
chính là cán bộ tư tưởng, từ nhân dân mà ra, cùng sống và tranh đấu với nhân dân,
hóa thân vào nhân dân để làm công tác tuyên truyền, vận động. Họ là những người
có niềm tin cháy bỏng vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có tinh thần dũng cảm,
sẵn sàng vượt qua mọi hiểm nguy để gây dựng cơ đồ cách mạng. Dù bị giam cầm
trong xà lim, đứng trước vành móng ngựa của tòa án thực dân hay bị đưa ra pháp
trường, họ vẫn giữ vững niềm tin, khảng khái, hiên ngang bảo vệ lý tưởng của
mình. Vì vậy, tấm gương và tiếng nói của họ có sức thuyết phục, lan tỏa rộng
rãi, truyền cảm hứng cách mạng cho hàng triệu quần chúng.
Tuy không được đào tạo bài bản
về lý luận, về kỹ năng tuyên truyền, vận động nhưng vì sinh mạng của chính mình
và của Đảng, cán bộ tư tưởng luôn khiêm nhường, tự đặt vị thế của mình thấp hơn
đối tượng. Với mỗi đối tượng, họ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ càng, tìm cách tiếp
cận, khi có được sự cảm thông, tin cậy rồi mới tuyên truyền, vận động cách
mạng. Trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, không có thời gian và điều kiện để
thuyết giảng những vấn đề lý luận cao siêu, dài dòng, cán bộ tư tưởng phải lựa
chọn những nội dung gần gũi, thiết thực nhất và diễn đạt sao cho dễ hiểu, ngắn
gọn phù hợp với trình độ của quần chúng. Do đó, cách thức tuyên truyền, vận
động cũng vô cùng linh hoạt, tùy vào từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể mà sử
dụng cho phù hợp. Để gây dựng được một cơ sở cách mạng, cán bộ tư tưởng phải
rất kiên trì, nhẫn nại, tìm mọi cách vận động, thuyết phục cho đến khi quần
chúng hiểu, tin và đi theo cách mạng mới thôi. Nếu quần chúng chưa hiểu, chưa
tin, chưa theo cách mạng cũng có nghĩa công tác tư tưởng đã thất bại. Vì vậy,
hiệu quả cuối cùng của công tác tư tưởng được đo đếm một cách rất cụ thể ở số
người được giác ngộ, số cơ sở được gây dựng, số tiền bạc, vũ khí đóng góp cho
cách mạng và cuối cùng là phong trào hành động cách mạng của quần chúng do Đảng
lãnh đạo.
Mặc dù trong điều kiện vô cùng
khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhưng bằng niềm tin và nhiệt huyết cách mạng,
cộng với sự thông minh, sáng tạo của cán bộ tư tưởng, chỉ với hơn năm nghìn
đảng viên, Đảng ta vẫn tập hợp được toàn dân tộc vùng lên làm cuộc Cách mạng
Tháng Tám thành công và trở thành đảng cầm quyền trên cả nước sau năm 1975.
2. Từ khi Đảng ta trở thành
Đảng cầm quyền, công tác tư tưởng bước sang một thời kỳ mới với rất nhiều thuận
lợi. Tuy nhiên cũng từ đây, công tác tư tưởng phải đối mặt với nguy cơ
tha hóa, tự đánh mất bản chất của chính mình.
Sự tha hóa về mục tiêu và hiệu
quả của công tác tư tưởng
Công tác tư tưởng có rất nhiều
hoạt động, nhiều nội dung và phương thức tiến hành nhưng đều hướng vào xây dựng
niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Niềm tin không chỉ hình thành từ uy
tín mà còn từ quyền lực, tài sản của chủ thể. Khi cầm quyền, chủ thể công tác
tư tưởng dễ ỷ lại quyền lực, đề cao các biện pháp tổ chức hành chính và biện
pháp kinh tế, coi nhẹ giáo dục, thuyết phục.
Nếu không nhận thức rõ niềm tin
là cái đích cuối cùng của công tác tư tưởng, sẽ biến phương tiện thành mục
tiêu, biến hình thức thành hiệu quả. Người ta sẽ lấy số buổi học nghị quyết, số
giờ phát sóng, phát hình, số panô, áp phích, khẩu hiệu, sách, báo đã xuất bản,
số buổi mít tinh, kỷ niệm… là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng. Do
có nguồn lực lớn, Đảng có điều kiện lập ra bộ máy và đội ngũ cán bộ tư tưởng,
hệ thống trường đảng, cơ quan báo chí, báo cáo viên từ trung ương đến cơ sở.
Các cơ quan này hoạt động nhờ nguồn kinh phí từ ngân sách, không có động lực
cạnh tranh, nếu xa rời mục tiêu xây dựng và củng cố niềm tin sẽ là căn nguyên
sinh ra “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích” và lãng phí trong công tác tư
tưởng.
Sự tha hóa mối quan hệ giữa chủ
thể và đối tượng công tác tư tưởng
Khi Đảng cầm quyền, mối quan hệ
giữa chủ thể và đối tượng công tác tư tưởng cũng sẽ thay đổi. Giữa người có
chức quyền với người dân nhất định sẽ có khoảng cách. Bên cạnh đó, sự tha hóa
của quyền lực cũng sản sinh ra những cán bộ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực làm
cho hình ảnh của cán bộ tư tưởng trở nên méo mó, đánh mất sự thiện cảm của
người dân. Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng, bởi sức thuyết phục của công tác
tư tưởng không chỉ ở sự hấp dẫn của mục tiêu, lý tưởng mà quan trọng nhất là ở
sự nêu gương của cán bộ tư tưởng.
Ở đỉnh cao quyền lực, Đảng sẽ
dễ áp đặt công tác tư tưởng bao trùm lên toàn xã hội, coi công tác tư tưởng
trong nội bộ Đảng cũng giống như công tác tư tưởng đối với các giai tầng khác
trong xã hội. Điều này sẽ làm mất tính hấp dẫn của nội dung, tính đa dạng của
hình thức, phương pháp, dễ tạo ra thái độ phản ứng tiêu cực từ phía người dân
vì phải nghe, phải đọc những điều họ không có nhu cầu. Công tác tư tưởng vốn dĩ
phải đi trước thực tiễn nhưng do có nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều binh chủng,
lực lượng tiến hành, qua nhiều tầng nấc trung gian nếu không có sự chỉ đạo,
quản lý tập trung, thông suốt sẽ trở nên chồng chéo, phân tán, chậm chạp, biến
thành các hoạt động hành chính, khuôn mẫu, tách ra khỏi đời sống nhân dân.
Khi Đảng cầm quyền, cán bộ tư
tưởng đồng thời cũng là cán bộ trong hệ thống chính trị, trở thành người có
chức, có quyền. Vốn sống trong lòng nhân dân, được nhân dân bao bọc, nuôi nấng,
chở che nên tiếng nói của họ luôn đồng điệu với tiếng nói của người dân. Giờ
đây, quyền lực rất dễ biến cán bộ tư tưởng thành những công chức hách dịch,
quan liêu, xa cách với nhân dân, không còn gần gũi, thấu hiểu được tâm tư,
nguyện vọng của người dân. Như vậy, từ chỗ phải lắng nghe, chia sẻ, thuyết phục
đối tượng, công tác tư tưởng rất dễ biến thành tuyên truyền một chiều, áp đặt,
không xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thiết thực của nhân dân.
Sự tha hóa về nội dung công tác
tư tưởng
Trong quá trình đấu tranh giành
chính quyền, nội dung công tác tư tưởng tập trung vạch trần bộ mặt xấu xa của
giai cấp thống trị, nỗi thống khổ của người dân bị áp bức, bóc lột và
viễn cảnh về một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Khi trở thành đảng cầm quyền, nội
dung tuyên truyền, giáo dục thay đổi từ “chống” sang “xây” nên sẽ tập trung
tuyên truyền về thành tựu trong quá khứ, cái hay, cái đẹp, cái ưu việt của chế
độ mới. Công tác tư tưởng sẽ dễ trở thành tuyên truyền một chiều, bưng bít
thông tin vì không ai muốn tự làm mất đi hình ảnh của mình trong công chúng.
Mặt khác, công tác tư tưởng giờ đây không chỉ xây dựng niềm tin vào Đảng, vào
chế độ mà còn phải chăm lo xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, vì vậy, nội
dung tuyên truyền, giáo dục chính trị vốn khô khan, trừu tượng dễ bị coi nhẹ và
chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giải trí đơn
thuần. Để được lòng dân, công tác tư tưởng dễ sa vào chủ nghĩa thực dụng, mị
dân vì những mục tiêu trước mắt với những ngôn từ hoa mỹ.
Sự tha hóa về phương thức tiến
hành công tác tư tưởng
Trong thời kỳ đấu tranh giành
chính quyền, trạng thái tâm lý của quần chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến phong
trào cách mạng. Sự nghi ngờ, lo lắng, chần chừ của quần chúng quyết định đến
thành bại của mỗi cuộc đấu tranh. Nhưng tâm trạng bức xúc, bất bình của dân
chúng lại là điều kiện thuận lợi cho vận động cách mạng. Trong thời kỳ xây dựng
đất nước, Đảng cầm quyền nếu tư tưởng chủ quan, thụ động, coi thường dư luận xã
hội, không chủ động đối phó với những diễn biến bất thường trong tâm trạng nhân
dân sẽ đánh mất sức mạnh của mình.
Do cán bộ tư tưởng cũng là
người có chức, quyền nên dễ có thái độ nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, ỷ vào sức
mạnh của tổ chức, của quyền lực, từ đó biến việc vận động, thuyết phục, chia
sẻ, dẫn dắt thành mệnh lệnh, giáo huấn, dạy dỗ, chỉ bảo đối tượng. Sự khắc
nghiệt của chiến tranh khiến công tác tư tưởng vốn rất linh hoạt và vô cùng
hiệu quả thì trong thời bình rất dễ biến thành những hình thức nhàm chán, khuôn
mẫu, biến đội ngũ cán bộ tư tưởng thành những công chức hành chính thụ động, chờ
chỉ đạo của cấp trên. Điều quan trọng lúc này là các cấp ủy đảng phải nhận thức
cho được sự biến đổi khách quan của công tác tư tưởng trong điều kiện mới, từ
đó tạo điều kiện cho công tác tư tưởng phát triển theo chiều hướng tích cực và
ngăn chặn sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.
3. Để ngăn chặn sự tha hóa
của công tác tư tưởng cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau đây:
Một là, mở đợt tuyên truyền,
giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng để mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn
về bản chất của công tác tư tưởng. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tìm tòi mọi biện pháp để công tác tư
tưởng trở về đúng bản chất ban đầu của nó cả về mục tiêu, nội dung và phương
thức tiến hành. Trong đó, cần xác định mục tiêu của công tác tư tưởng ở bất cứ
đâu, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cũng đều phải hướng tới xây dựng và
củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp
cách mạng.
Hai là, đổi mới tư duy về công
tác tư tưởng trong điều kiện đảng cầm quyền. Khi chưa giành được chính quyền, Đảng với dân là một, nhưng
hiện nay, Đảng là một bộ phận trong bộ máy quyền lực nên trở thành một đối
trọng trong mối quan hệ với nhân dân. Để khắc phục sự xa dân, áp đặt, giáo
huấn, chỉ bảo của người có quyền lực, công tác tư tưởng cần trở lại bản chất
ban đầu là vận động, thuyết phục và nêu gương. Tư duy đột phá hiện nay là
cần chuyển công tác tư tưởng từ tuyên truyền là chủ yếu sang truyền thông chính
trị và quan hệ công chúng. Điều này có nghĩa phải biến việc học tập, quán
triệt, thi hành… thành trao đổi, chia sẻ, thuyết phục, giữ gìn hình ảnh của
Đảng trong mắt nhân dân. Tất nhiên, trong quá trình truyền thông chính trị và
quan hệ công chúng, có việc, có nội dung, trong những khâu, những hoàn cảnh,
nhiệm vụ nhất định phải lấy tuyên truyền, giáo dục là chính, nhưng dù là truyền
thông hay tuyên truyền, công tác tư tưởng vẫn phải coi trọng đối tượng, giải
quyết hài hòa lợi ích của Đảng với lợi ích của nhân dân.
Ba là, cần phân biệt đối tượng
công tác tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Công tác tư tưởng trong nội bộ Đảng phải đặt ra yêu cầu cao,
coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để đảng viên thật sự là những người
tiên phong về chính trị, nhưng cần phải tăng cường chia sẻ, đối thoại hai chiều
để tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Đối với nhân dân, Đảng cần chọn lọc
những nội dung thực sự cần thiết, gắn với lợi ích cụ thể của người dân, tập
trung vào mục tiêu truyền thông để nhân dân hiểu về Đảng, tin vào Đảng và thấy
được lợi ích của mình nếu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục
tình trạng tuyên truyền quá nặng về lý luận, chính trị, dài dòng, khô cứng.
Đối với chính quyền cần chuyển
công tác thông tin, tuyên truyền thành truyền thông chính sách và quan hệ công
chúng. Trong đó, hoạt động tuyên truyền, thông tin như lâu nay phải trở thành
hoạt động truyền thông nhằm huy động đông đảo nhân dân tham gia vào tất cả các
khâu của chu trình chính sách. Truyền thông phải bám sát đời sống, phát hiện,
nhận diện vấn đề chính sách; huy động người dân tham gia vào xây dựng chính
sách; tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện chính sách và phản
hồi ý kiến, đánh giá của người dân để duy trì, hoàn thiện chính sách. Quan hệ
công chúng có nhiều việc phải làm, trong đó có truyền thông nhà nước để thông
tin về các hoạt động của chính phủ, giữ gìn hình ảnh của lãnh đạo, truyền thông
hình ảnh quốc gia ra thế giới, xử lý khủng hoảng truyền thông…
Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ
máy và xây dựng đội ngũ cán bộ tư tưởng tương xứng với vai trò đặc biệt quan
trọng của công tác tư tưởng. Ngay từ khi ra đời, Đảng đã sớm thành lập Bộ Tuyên truyền để
chỉ đạo và tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động. Sau này, do tinh giản bộ
máy tổ chức và biên chế, cơ quan này hợp nhất với nhiều bộ phận khác khiến cho
bộ máy vừa nặng nề, vừa phải ôm đồm nhiều việc khác, làm lu mờ vị trí, vai trò
cũng như tính năng động của công tác tư tưởng.
Về bộ máy công tác tư tưởng,
cần tách các bộ phận tiến hành công tác tư tưởng thành một cơ quan độc lập để
thực hiện trọn gói, đồng bộ các khâu của quy trình công tác tư tưởng và bám sát
thực tiễn luôn luôn biến động của cuộc sống. Cơ quan này chịu trách nhiệm về
toàn bộ các công việc liên quan đến tình hình tư tưởng trong Đảng và xây dựng
mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng với chính quyền và nhân dân.
Trong điều kiện hiện nay, phải
quy hoạch, lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư tưởng một cách bài bản, có tầm
nhìn chiến lược. Cần ban hành cơ chế tuyển chọn cho được những cán bộ tư tưởng
thực sự tiêu biểu về lý luận chính trị, thuần thục các kỹ năng truyền thông,
vận động hiện đại. Vấn đề quan trọng nhất là, cán bộ tư tưởng phải có niềm tin,
tâm huyết, trong sáng, mẫu mực, có sức hút đối với đông đảo công chúng cả ở đời
thường và các diễn đàn mạng xã hội.
Năm là, đổi mới nội dung và
phương thức tiến hành, lấy mục tiêu niềm tin và đồng thuận xã hội là kết quả
cuối cùng của công tác tư tưởng. Cần khắc phục cho được những nội dung khô cứng, dài dòng,
những việc làm mang tính khoa trương hình thức, cách làm qua loa chiếu lệ, đối
phó hoặc chạy theo thành tích đơn thuần. Khuyến khích cán bộ tư tưởng nắm chắc
mục tiêu, từ đó sử dụng linh hoạt mọi phương pháp, hình thức để đạt hiệu quả
cuối cùng. Có như vậy mới khơi dậy được sự sáng tạo, say mê, nhiệt huyết của
cán bộ tư tưởng, nhất là cán bộ tư tưởng ở cơ sở vốn rất gần gũi với đối tượng
và sự biến động nhanh chóng của thực tiễn cuộc sống.
Để khắc phục “bệnh hình thức”,
đối phó, chủ quan, lãng phí, hiệu quả công tác tư tưởng phải được đánh giá bằng
sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng, trên cơ sở đó, kiên
quyết loại bỏ hoặc cải tiến các hình thức, phương tiện cũ kỹ lạc hậu, không
mang lại hiệu quả thiết thực.
Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam
bắt đầu từ đổi mới kinh tế đã diễn ra được hơn 30 năm và đạt được những thành
tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, quá trình đổi mới kinh tế đang diễn ra
đồng bộ với đổi mới về chính trị. Trong quá trình đổi mới về chính trị nhất
thiết phải đổi mới về công tác tư tưởng./.
TS. Lương Ngọc Vĩnh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Bài đăng trên TCTG số 8/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét