Tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Việt
Nam đã lãnh đạo nhân dân ta nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa, đập tan ách
thống trị của thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, các thế lực thù địch,
phản động lại tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị vĩ đại đó. Âm
mưu, thủ đoạn của chúng cần được nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Để phủ nhận giá trị lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhất là
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sức mạnh của quần chúng
nhân dân trong cuộc Cách mạng vĩ đại này, với góc nhìn thiên kiến, lệch lạc,
các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã đưa ra quan điểm phản động.
Chúng cho rằng: không cần phải tiến hành Cách mạng Tháng Tám vì Chính
phủ của ông Trần Trọng Kim khi đó đã tiếp quản, giành độc lập cho dân tộc;
hoặc: không Tổng khởi nghĩa thì nền độc lập vẫn được các nước Đồng minh
tự nguyện trao trả (!). Hùa theo quan điểm đó, có nhân vật đã đánh
giá: chỉ tồn tại 128 ngày, nhưng chính quyền của ông Trần Trọng Kim đã
giải quyết được rất nhiều việc để tiến tới độc lập dân tộc. Cùng với cách
nhìn nhận và đánh giá sai lệch đó, lại có quan điểm thể hiện một cách rất chủ
quan, thiếu khoa học, không căn cứ vào thực tiễn, như: tháng 8-1945 có sự xuất
hiện “khoảng trống quyền lực”, nên thắng lợi của Cách mạng Tháng
Tám chỉ là “ăn may”, v.v.
Để nhìn nhận khách quan, đúng bản chất của một sự kiện, vấn đề quan
trọng nhất là phải đặt sự kiện ấy trong dòng chảy liên tục của lịch sử và tình
hình thực tế tại thời điểm đó. Đối với sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của
nhân dân Việt Nam cũng vậy. Thực tế, vào ngày 30-3-1945, ông Trần Trọng Kim
được Nhật đưa từ Băng Cốc về Sài Gòn, sau đó ra Huế cùng với vị vua bù nhìn Bảo
Đại thành lập Chính phủ vào ngày 17-4-1945 theo sự chỉ đạo của người Nhật. Đây
thực chất là Chính phủ bù nhìn, cho dù một số người trong Nội các đã có cố gắng
nhất định, nhưng vẫn bị lệ thuộc nặng nề vào người Nhật. Chúng ta trân trọng
ông Trần Trọng Kim với tư cách là một nhà giáo dục, nhà sử học, nhất là công
trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, như: Việt Nam sử lược, Việt Nam văn
phạm,… của Ông. Song, trên thực tế hơn 04 tháng sau khi thành lập, Chính phủ
của Ông đã tỏ ra bất lực, không giải quyết được các vấn đề rất cấp bách đang
đặt ra đối với đất nước lúc đó, nhất là việc ký hiệp ước với Nhật để công nhận
nền độc lập của Việt Nam cũng không thực hiện được. Chính phủ của Ông cũng
không có đường lối chính trị rõ ràng, không có biện pháp đem lại hạnh phúc cho
nhân dân. Điển hình như: nạn đói ở miền Bắc năm 1945 đã làm cho hàng triệu
người chết mà Chính phủ lúc đó không có bất cứ biện pháp giải quyết nào, có
chăng:“vận chuyển gạo từ miền Nam để cứu đói” chỉ là lời hứa suông.
Không những thế, họ lại còn kêu gọi: quốc dân phải gắng sức làm việc,
chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thật hợp tác với nước Đại Nhật Bản;
không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta; hoặc: quốc
dân, đồng bào hãy tin tưởng vào Chính phủ và tin vào lòng thành thực của nước
Đại Nhật Bản để xây đắp cơ đồ nước Việt Nam, v.v. Rõ ràng, Chính phủ
của ông Trần Trọng Kim khi đó đã bất lực trước thực tế phức tạp, rối ren của xã
hội; sự ra đời của Chính phủ này chỉ là hiện thực hóa chiến lược và kế hoạch
chiếm đóng Việt Nam của người Nhật sau khi đã đảo chính, lật đổ người Pháp. Vì
vậy, Chính phủ Trần Trọng Kim “được Nhật trao độc lập” thì đó chỉ là thứ độc
lập giả hiệu.
Ngược lại, ngay từ khi ra đời (đầu năm 1930), Đảng Cộng sản Việt Nam do
Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xây dựng cương lĩnh, đường lối đúng đắn, khoa
học, lấy mục tiêu là đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho các tầng lớp
nhân dân làm phương hướng hành động; đã đề ra nhiệm vụ “đem sức ta mà tự giải phóng
cho ta”, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra (1939), Đảng đã nhận định chính
xác về tình hình thế giới và trong nước, chủ động nắm chắc thời cơ, chuẩn bị
lực lượng, xây dựng căn cứ địa làm tiềm lực cho Cách mạng. Năm 1941, Đảng quyết
định thành lập Mặt trận Việt Minh; dưới sự chỉ đạo của Mặt trận, nhiều tổ chức,
đoàn thể, lực lượng đoàn kết yêu nước đã ra đời và tập hợp thành khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, như: Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu
quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc, v.v. Đây là lực lượng quần chúng
đông đảo để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa khi có thời cơ. Năm 1943, trước diễn
biến mới của tình hình, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở rộng Mặt trận
Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; đồng thời, đặt ra
nhiệm vụ giải phóng dân tộc bằng cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính
quyền về tay nhân dân.
Đêm ngày 09-3-1945, quân Nhật đồng loạt nổ súng và nhanh chóng đè bẹp sự
kháng cự của quân Pháp; toàn bộ Đông Dương trở thành thuộc địa của phát xít
Nhật. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật -
Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn
quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa; theo đó, Chủ
tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng đã gửi thư cho đồng bào và
chiến sĩ cả nước, kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân
dân. Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, hành động kịp thời, nhất là sự ủng
hộ đông đảo của quần chúng nhân dân cả nước, nên cách mạng Việt Nam liên tục
phát triển, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và kết thúc bằng cuộc Tổng
khởi nghĩa. Đó là thắng lợi của sự chuẩn bị chu đáo, nghệ thuật tạo và
chớp thời cơ, huy động lực lượng, hành động kiên quyết, kịp thời của
Đảng ta. Nó chứng tỏ tính chủ động, khả năng nhận định, đánh giá tình hình
chính xác và khả năng quy tụ, phát động quần chúng đồng loạt đứng lên đấu tranh
của Đảng. Đó là cơ sở để khẳng định: đây thực sự là một cuộc cách mạng của nhân
dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là “ngẫu nhiên”, “ăn
may”, hay “không cần Tổng khởi nghĩa giành độc lập, mà nền độc lập sẽ được các
nước Đồng minh tự nguyện trao trả” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch.
Chúng ta không phủ nhận thời cơ thuận lợi khi phe Đồng minh đánh thắng
chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, làm cho quân Nhật và các
thế lực tay sai ở Đông Dương hoang mang, mất hết tinh thần; buộcNhật phải đầu
hàng vô điều kiện, tạo ra thời cơ thuận lợi để dân tộc ta đứng lên giành chính
quyền. Nhưng, phải khẳng định rằng: ở nước ta khi đó “khoảng trống quyền lực”
là không! Bởi, ngay từ tháng 9-1940, Quân đội Nhật đã bắt đầu tiến vào Việt
Nam; phía Pháp đã phải nhượng bộ, cho phép 6.000 quân Nhật đóng ở Bắc kỳ, được
quyền sử dụng 04 sân bay và cảng Hải Phòng để vận chuyển một sư đoàn thuộc
Quân đoàn 21; đồng thời, được quyền chuyển 25.000 quân qua Bắc kỳ vào Vân Nam,
v.v. Cuối tháng đó, Hải quân Nhật tiến hành đổ bộ 4.500 lính bộ binh và
hơn một chục xe tăng vào Hải Phòng. Đến tháng 7-1941, chúng tiến vào Sài
Gòn và đến năm 1945, đã có hàng vạn quân Nhật vào Việt Nam với nhiều vũ
khí, trang bị hiện đại. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Quân đội Nhật
đã nhanh chóng tiếp quản, làm chủ toàn bộ Đông Dương. Mặc dù quân đội phe phát
xít bị đánh ở nhiều nơi, nhưng ở Việt Nam, quân đội Đồng minh chỉ vào giải giáp
quân Nhật trên danh nghĩa; nên tiềm lực quân sự của Nhật ở Việt Nam khi đó vẫn
rất mạnh cả về quân số (khoảng 100.000 quân) lẫn vũ khí, trang
bị hiện đại và vẫn đồn trú nguyên trạng tại các vị trí mà chúng chiếm đóng. Khi
đó, Nhật vẫn kiên quyết bám giữ sự thống trị ở Việt Nam; bởi, họ cho rằng: đây
là mắt xích kết nối cuối cùng của họ với vùng Đông Nam Á. Mặt khác, nếu Việt
Nam giành độc lập, thì Nhật không chỉ bị mất về quyền lợi kinh tế, mà danh dự
của họ cũng chẳng còn. Điều đó chứng tỏ không hề có “khoảng trống quyền lực”,
như các thế lực thù địch thường rêu rao.
Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi ở Việt
Nam là do sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo và khéo léo của Đảng Cộng sản
Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, chứ hoàn toàn không phải là có
sự xuất hiện “khoảng trống quyền lực" nào. Thành công vĩ đại đó không
phải tự nhiên mà có, đó là kết quả tất yếu của tiến trình lịch
sử, của quá trình chủ động chuẩn bị công phu, chu đáo về mọi
mặt. Đó là kết quả đấu tranh bền bỉ, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, với
khát vọng độc lập cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của
Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tự “đem
sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi
vào một “khoảng trống quyền lực” nào hết. Trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa
nổ ra thì nhiều tổ chức chính trị, đảng phái cũng nhìn ra cơ hội xuất hiện và
ráo riết chạy đua để giành địa vị chính trị của mình. Song, với vị trí, vai trò
và uy tín, đặc biệt là được quần chúng nhân dân tin theo, hết
lòng ủng hộ, cuối cùng Việt Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh
tụ Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi. Điều này lại càng chứng minh những quan
điểm trên của các thế lực thù địch không những hoàn toàn không có cơ sở thực
tiễn, mà còn biểu hiện rõ ý đồ xấu xa của chúng.
Nghiên cứu kỹ về lịch sử sẽ giúp mỗi người chúng ta thấy rõ hơn giá trị
của hòa bình, độc lập, tự do; thấy rõ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, công lao
to lớn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và sức mạnh vô địch của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, cùng với những luận điệu xuyên tạc phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong thắng lợi
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những kẻ tự xưng là người “bất đồng chính kiến”,
“đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, chống “độc tài toàn trị”,… chúng dùng mọi
âm mưu, thủ đoạn, tuyên truyền sai lệch về con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta.
Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái,
thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mọi công dân, để cùng “xây dựng một
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, như Di
nguyện thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta cách đây 50 năm trước lúc Người đi xa.
Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét