1.
Những năm gần đây, Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế có sự hiện
diện của các cường quốc hàng đầu thế giới, như: Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn
đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
lần hai 2019, v.v. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và nâng cao vị thế, uy
tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây,
ngày 07-6-2019, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193
phiếu). Điều đó, một lần nữa cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng
tăng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam ngày càng nhiều, sự tín
nhiệm trong các sự kiện lớn của quốc tế ngày càng cao.
Những sự
kiện trên đã chứng thực một cách sinh động đất nước Việt
Nam đang vững bước phát triển đi lên với một tư thế mới, tư thế của những người
làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một
đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển và chủ
động, tích cực, có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu. Đó
là thực tế, là sự thật mà mọi người dân Việt Nam đều phấn khởi, tự hào,
được bạn bè quốc tế tin tưởng, nể trọng.
2.
Song, các thế lực thù địch lại luôn có “cái nhìn khác” - cái nhìn méo mó, sai
lệch và thù địch đối với mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và
tình hình thực tiễn của Việt Nam. Dù chúng ta có làm đúng và làm tốt như thế
nào chăng nữa, thì sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch vẫn không
khi nào ngừng nghỉ; có điều là sự xuyên tạc, chống phá đó sẽ sượng sùng hơn,
thô bỉ hơn, dù chúng có thay đổi, biến đổi để “phù hợp” với tình hình.
Công kích,
xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa
phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, chúng cho rằng, đường lối độc lập, tự
chủ là “đường lối trung dung”, là “tự mình cô lập mình trước cộng đồng quốc
tế”, là “tước đi cơ hội hợp tác” của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các
nước lớn. Chúng cố tình rêu rao rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam “đất nước ngày càng lún sâu vào xu thế lụi bại, tụt dốc không phanh”. Đồng
thời, xuyên tạc mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước khác, đặc
biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Chúng cho rằng, Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn
vào Trung Quốc; rồi lại trắng trợn xuyên tạc Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ
đối ngoại nhằm “tìm kiếm đối tác chiến lược”, “thiết lập liên minh mới”
để đối phó với nước đang gây áp lực bất lợi cho mình.
Trong những
ngày gần đây, chúng liên tiếp tung lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt
là mạng xã hội những thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chính
sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quan hệ ngoại giao của Việt Nam, hòng gây
sự nghi kỵ của các nước trong khu vực và thế giới đối với Việt Nam. Chúng tìm
mọi cách hạ thấp vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhằm hạn
chế đến mức thấp nhất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bầu Việt Nam
làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Khi Việt Nam trúng cử, một số thế lực bên ngoài và phần tử chống đối bên trong
lại cố tình xuyên tạc rằng, truyền thông của Việt Nam đã “đưa tin quá đà” về
cái ghế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; rằng, đó “không phải là một thắng lợi
ngoại giao hay chính trị trước quốc tế”, mà “thật ra chỉ nhằm tuyên truyền cho
vị thế và hình ảnh nhà cầm quyền là chính, chứ đâu có sáng kiến đóng góp gì
đáng kể cho cộng đồng quốc tế”. Thậm chí, chúng nói xằng: Việt Nam đã
“từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và kích động, “yêu cầu” các nước,
các tổ chức quốc tế can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đó,
càng chứng tỏ các thế lực thù địch đã và không từ một thủ đoạn nào, ngón “nghề”
nào để xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta.
3.
Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2020-2021 là vinh dự, trách nhiệm và niềm tự hào chính đáng của chúng
ta. Đó là sự khẳng định tính đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại của
Việt Nam; là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò
và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực. Đồng
thời, cho thấy vị thế của Việt Nam đã chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ
động” đóng góp xây dựng, định hình “luật chơi” chung.
Cũng cần nói
thêm cho những ai còn cố tình xuyên tạc, chống đối thấy rõ rằng, báo giới và dư
luận trên thế giới đã đánh giá cao uy tín, vị thế đang lên của Việt Nam: “Một
nơi tuyệt vời”, “một đất nước tươi đẹp, an toàn, thân thiện, mến khách”, “một
đất nước năng động, phát triển”, “là đối tác tin cậy vì một nền hòa bình bền
vững”, v.v. Đó chính là những cụm từ được Tổng thống Mỹ và các chính khách, nhà
nghiên cứu, học giả, các trung tâm báo chí, phát thanh, truyền hình,… ở nhiều
nước trên thế giới nhắc đến khi nói về Việt Nam.
Ngay sau khi
có kết quả bỏ phiếu chọn Ủy viên không thường trực cho Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc, cả khán phòng Đại hội đồng Liên hợp quốc đã vỗ tay nồng nhiệt chúc mừng
Việt Nam; phái đoàn các nước đã đến chúc mừng đoàn Việt Nam lần thứ hai đắc cử
vị trí này sau 10 năm. Những lời chúc mừng bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp
tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ tới. Đại diện thường
trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen
nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ là cầu nối giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và
ASEAN”. Tờ Washington Times của Mỹ có bài viết nhận định: “Tầm quan trọng
của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao
Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng. Và Hội
nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mà Việt Nam là nước chủ nhà đã củng cố
uy tín của nước này với tư cách nước hòa giải. Là Ủy viên không thường
trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các kỹ năng
ngoại giao mềm và cam kết hội nhập quốc tế”. Tiến sĩ Alexey Muraviev, Phó giáo
sư Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Đại học Curtin (Úc), một nhà
nghiên cứu về khu vực, cho rằng: “Việc được bầu làm Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nâng cao tiếng nói, sức nặng của Việt
Nam xét về địa chính trị, như một nhân tố quan trọng và có tầm ảnh hưởng tại
khu vực đang phát triển như Đông Nam Á cũng như xa hơn”, v.v.
Thực tế đó
đã bác bỏ, làm phá sản mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch,
cũng như sự a dua của các phần tử cơ hội. Những ai cố tình bóp méo, xuyên tạc
đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa
quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam,
sẽ trở thành trò hề lố bịch, nhất định bị thất bại.
4.
Cần khẳng định một cách dứt khoát rằng, nếu không có vị thế, uy tín cần
thiết; không thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; không chủ động, tích cực và có trách
nhiệm trong các quan hệ quốc tế, thì không thể có được mức độ tin cậy của cộng
đồng quốc tế với số phiếu gần như tuyệt đối bầu Việt Nam vào Ủy viên không
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Vị thế, uy
tín của Việt Nam ngày càng tăng lên là một thực tế khách quan, chứ không phải
cứ nói là được. Thực lực tổng hợp của quốc gia; sự đoàn kết và nỗ lực quyết tâm
của toàn thể dân tộc; tính đúng đắn, quang minh, chính đại thể hiện mục tiêu
hòa bình, hợp tác và phát triển của đường lối, chính sách đối ngoại là những
yếu tố quyết định tạo nên vị thế, uy tín cho đất nước. Vị thế, uy tín đó phản
ánh một Việt Nam thực sự có “giá trị” và có thể gọi là “giá trị chiến lược”
trong quan hệ quốc tế.
“Giá trị
chiến lược” của Việt Nam được cấu thành bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ
quan, bên trong và bên ngoài. Bên trong, phải có sức mạnh nội lực, như: quốc
phòng, an ninh đủ mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chính trị - xã hội ổn
định; sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước; những yếu tố lịch sử,
truyền thống, hiện tại và tương lai phát triển; chính sách đối ngoại đúng đắn,
độc lập, tự chủ. Thậm chí, cả những yếu tố mang “thương hiệu” Việt Nam, như đã
từng là ngọn cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, là đất nước kiên định
và vững vàng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển và
đạt được nhiều thành tựu to lớn trong một thế giới đầy biến động. Ngược lại,
“Giá trị chiến lược” là “điểm tựa” vững chắc cho việc thực hiện đường lối,
chính sách đối ngoại, không ngừng được phát huy, phát triển.
Việc được
bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với sự tín
nhiệm cao như vậy là bước khởi đầu rất thuận lợi giúp cho Việt Nam vượt qua
những thử thách sắp tới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chúng ta đã
từng làm tốt nhiệm vụ khi lần đầu tiên được bầu vào vị trí này trong nhiệm kỳ
2008-2009. Vì thế, nhiệm kỳ tới nhất định chúng ta sẽ làm tốt, chứ không phải
ngồi vào ghế để “tuyên truyền cho vị thế và hình ảnh nhà cầm quyền là chính,
đâu có sáng kiến đóng góp gì đáng kể cho cộng đồng quốc tế” như những luận điệu
cố tình xuyên tạc của các thế lực thù địch!
Chúng ta
cũng hiểu rõ niềm vinh dự, tự hào, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như những cơ hội
và thách thức của Việt Nam khi là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
“Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế,
góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp
tác và phát triển”1. Những ai còn hồ đồ chống phá, xuyên tạc vị thế,
uy tín của Việt Nam cần hiểu rõ, hiểu đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của
Đảng ta cùng thực thế Việt Nam trên trường quốc tế để tránh có cách nhìn thiển
cận, “đổi trắng thay đen”, “thọc gậy bánh xe” trên con đường phát triển, hội
nhập của Việt Nam.
PGS, TS.
NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
____________
1 - Thông
điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: 'Việt Nam: Đối tác tin
cậy vì hòa bình bền vững', QPTD 08-06-2019, 08:03 (GMT+7)
http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/viet-nam-tro-thanh-uy-vien-khong-thuong-truc-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-da-bac-bo-moi-s/13928.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét