Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC


CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

Nhà giáo là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, trong mọi thời kỳ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được ngành giáo dục xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thời điểm hiện nay, khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai thì việc chuẩn bị tốt mọi mặt đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) càng đóng vai trò tiên quyết.
Coi trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo
Tính đến tháng 8-2018, cả nước có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306). Về cơ bản, ĐNNG và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) ở tất cả cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Đây là tiền đề để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên, nhân viên theo Luật Viên chức, góp phần phát triển và tạo động lực cho ĐNNG và cán bộ QLGD. 
ĐNNG và cán bộ QLGD đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 5 năm qua, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Sự bất hợp lý trong cơ cấu ĐNNG theo cấp, bậc học, theo chuyên môn, ngành nghề và vùng miền ở những năm đầu thực hiện nghị quyết đã dần được khắc phục.
Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp được các địa phương quan tâm triển khai thông qua các hình thức khác nhau. Một số địa phương thực hiện nhiều giải pháp liên kết với các cơ sở uy tín ở nước ngoài trong công tác bồi dưỡng đội ngũ; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên thông qua nghiên cứu bài học. Công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, phổ thông được chú trọng, nhiều sở GD&ĐT đã tích cực chủ động phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng đội ngũ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách Nhà nước, học bổng hiệp định và các chương trình học bổng khác, trong đó, hầu hết số tiến sĩ này là giảng viên các trường đại học, cao đẳng, đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng viên của Việt Nam.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2018-2030; đã ban hành văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu của GD&ĐT trong giai đoạn mới; xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ QLGD; nghiên cứu những vấn đề cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung về nhà giáo trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ QLGD các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chuẩn.
Bộ GD&ĐT thường xuyên rà soát mạng lưới, quy mô và phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; triển khai chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm. Các trường sư phạm đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và xây dựng mới 50 chương trình đào tạo. Các trường, khoa sư phạm là đơn vị chủ đạo trong công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành nghề khác.
Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Triển khai nhiệm vụ và giải pháp về phát triển ĐNNG đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT được đặt ra trong Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trước mắt và lâu dài, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, chế độ đối với ĐNNG và cán bộ QLDG. Xây dựng, ban hành chuẩn nghề nghiệp theo tinh thần tiếp cận năng lực; phê duyệt đề án nâng cao năng lực giảng viên. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể và tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ; kiểm định, xếp hạng và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên dựa theo chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp.
Triển khai Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước. Xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên kết hợp hai hình thức trực tiếp và qua mạng.
Chỉ đạo địa phương quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên; xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại giáo viên và thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và giáo sinh: Xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; điều chỉnh, bổ sung các quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm; nghiên cứu chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,...
Phát triển và nâng cao chất lượng ĐNNG là nhiệm vụ xuyên suốt, bởi giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Thực tiễn cho thấy, nếu được quan tâm, tạo điều kiện tốt về thu nhập, đời sống, được trân trọng những cống hiến nghề nghiệp, chất lượng giáo viên, hiệu quả giáo dục sẽ được tăng lên. Trách nhiệm của ngành giáo dục là cùng toàn xã hội tạo ra điều kiện, môi trường tốt nhất cho giáo viên được phát triển và cống hiến.
TS NGUYỄN HỮU ĐỘ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chu-trong-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-554925

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...